Tiếp cận Nhân học

(Trích từ ấn phẩm Đồng hành phát triển)

Tiếp cận từ Tương đối văn hóa

Trong phát triển, học thuyết Tiến hóa luận đơn tuyến được áp dụng khá phổ biến, cho rằng xã hội loài người trải qua một con đường phát triển duy nhất với các nấc thang phát triển khác nhau. Nấc thang sau tiến bộ, văn minh hơn so với nấc thang trước. Sự đa dạng của các thực hành văn hóa ở các nền văn hóa, theo đó, không phải sự thích ứng của nền văn hóa đó với điều kiện tự nhiên, xã hội và chính trị của chúng mà là kết quả của sự phát triển không đồng đều. Với góc nhìn này: canh tác lúa nước được coi là tiến bộ hơn so với canh tác nương rẫy, lối sống định canh định cư được coi là văn minh hơn lối sống du canh du cư. Tại Việt Nam, theo tiến hóa luận đơn tuyến, người Kinh đứng trên vị trí cao nhất của tháp tiến hóa, những cộng đồng thiểu sổ đứng ở những mức khác thấp hơn. 

Tuy là một lý thuyết khoa học, song Tiến hóa luận đơn tuyến có ảnh hưởng lớn về mặt chính trị và xã hội. Khái niệm cao - thấp, tiến bộ - lạc hậu, phi lý - duy lý trong việc nhìn nhận về sự đa dạng của các truyền thống văn hóa mà Tiến hóa luận đơn tuyến chủ trương đã được dùng như một cơ sở khoa học cho hoạt động chính trị, xã hội ở nhiều nơi trên thế giới. 

Ảnh hưởng của Tiến hóa luận đơn tuyến dẫn đến các diễn ngôn về tính hiện đại và phát triển của nhà nước trong mấy thập kỷ qua thường coi người thiểu số đang trong trình độ thấp của phát triển và cần học hỏi mẫu hình tiến bộ hơn của người đa số. Để “miền núi tiến kịp miền xuôi, người thiểu số tiến kịp người đa số”, những tộc người ‘chưa tiến hóa’ cần phải thay đổi toàn bộ hoặc phần lớn các thực hành văn hóa xã hội truyền thống của họ cho các thực hành được cho là văn minh hơn, gần với người Kinh và việc chuyển đổi các dân tộc lạc hậu hơn cho giống hoặc bằng với thang bậc tiến hóa tự nhiên của dân tộc phát triển cao hơn là quyền và nghĩa vụ của nhóm có trình độ phát triển cao hơn. Diễn ngôn mang tính tiến hóa luận và triết lý phát triển này cùng với các phạm trù văn hóa – xã hội mới đi kèm theo nó (được chuyển tải phổ biến trong công trình nghiên cứu dân tộc học, các văn bản chính sách, các bài viết trên báo chí), như ‘lạc hậu’, ‘không văn minh’, ‘kém phát triển’, ‘mất vệ sinh’, ‘lãng phí’, ‘không biết tính toán’, ‘nhận thức thấp’, ‘mê tín dị đoan, v.v..., đã chi phối rất lớn cách thức của cả người dân lẫn cán bộ nhà nước là người Kinh trong việc nhìn nhận và đánh giá tiêu cực về các thực hành đa dạng về kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như tôn giáo tín - ngưỡng của các tộc người thiểu số. 

Tương đối văn hóa (cultural relativism) là học thuyết nền tảng của nhân học hiện đại. Quan điểm của tương đối văn hóa là các nền văn hóa được xem xét theo chiều ngang, bình đẳng. Tương đối văn hóa nhấn mạnh giá trị của sự đa dạng, độc đáo của mỗi nền văn hóa, không có sự phân biệt cao thấp, và không lấy bất kỳ một nền văn hóa nào làm chuẩn mực của sự “tiến bộ” và phát triển như Tiến hóa luận.

Tiếp cận thông qua 3 trụ cột của nhân học

Tiếp cận chỉnh thể

Do văn hoá mang tính chỉnh thể nên chỉ có thể có được một hiểu biết đầy đủ và sâu sắc nội dung, ý nghĩa và chức năng của một thực hành văn hoá nào đó trong bối cảnh rộng nhất có thể của chúng. Chính vì vậy, khi nghiên cứu một thành tố văn hoá, không thể không quan tâm đến các yếu tố tự nhiên, chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội của cộng đồng nơi thực hành văn hoá đó được sinh ra và tồn tại. Thêm vào đó, cách tiếp cận chỉnh thể cũng đòi hỏi phải đặt các thành tố văn hoá được tìm hiểu, nghiên cứu trong mối liên hệ với các thành tố khác trong chính nền văn hóa đó.

Đề cao tính chủ thể

Cộng đồng là những chủ thể của văn hóa. Cộng đồng sở hữu các tri thức về văn hóa, có hiểu biết để nhận ra những thay đổi trong các yếu tố cấu thành nên văn hóa có thể tác động như nào tới đời sống. Cộng đồng có khả năng quyết định những thay đổi của các thực hành văn hóa khi nó không còn phù hợp với đời sống hiện tại.

Lắng nghe góc nhìn của người trong cuộc

Góc nhìn/ quan điểm người trong cuộc là ‘cách nhìn từ bên trong’ hay những suy nghĩ, diễn giải về ý nghĩa của một thực hành văn hoá từ chính chủ nhân của các thực hành văn hoá đó. Những suy nghĩ, diễn giải này thường rất khác, thậm chí ở nhiều trường hợp là đối lập, so với cách nhìn, cách nghĩ và sự diễn giải của người ngoài cuộc (etic view).

Quan điểm người trong cuộc thường được định hình bởi hệ giá trị, phong tục tập quán, niềm tin, vũ trụ quan, v.v… của chính nền văn hoá mà họ đang sống. Vì vậy, để hiểu đúng, đủ và sâu về giá trị một thực hành văn hoá của một tộc người, tìm hiểu cách thức người trong cuộc diễn giải về ý nghĩa và chức năng của các thực hành văn hoá của họ là rất quan trọng.

Previous
Previous

Tiếp cận chỉnh thể

Next
Next

Lý thuyết về Diễn ngôn (Discourse)