Lý thuyết về Diễn ngôn (Discourse)
(Trích từ ấn phẩm Đồng hành phát triển)
Diễn ngôn (discourse) là một thuật ngữ được sử dụng ban đầu trong lĩnh vực ngôn ngữ học, và sau này, với các tác phẩm nổi tiếng của Michel Foucault (chẳng hạn The Order of Things: An Archaeology of the Human Sciences, xuất bản tiếng Pháp năm 1966), nội hàm của thuật ngữ đã được mở rộng để hiểu về chủ thể, tri thức và quyền lực trong xã hội hiện đại. Những hiện tượng của thế giới khách quan vẫn tồn tại nhưng chúng chỉ có được ý nghĩa thông qua diễn ngôn. Diễn ngôn được coi là một phương thức đặc biệt để nói về và cắt nghĩa về thế giới. Diễn ngôn là không gian của ý nghĩa, đồng thời cũng là phương thức tạo nghĩa giúp con người hiểu về bản thân và thế giới. Nói cách khác, diễn ngôn là một mạng lưới cụ thể của ngôn ngữ, hành động, luật pháp, niềm tin và cách thức tổ chức đời sống dựa trên một cách hiểu nào đó về cuộc sống. Khác với quan niệm cho rằng ngôn ngữ chỉ như phương tiện phản ánh lại một “hiện thực khách quan”, diễn ngôn nhấn mạnh tới các điều kiện lịch sử, văn hoá, chính trị cụ thể tạo nên cách thức con người mường tượng ra thế giới và từ đó kiến tạo ra hiện thực của chính mình.
Ví dụ, hạn hán được hiểu là hiện tượng khí hậu khi một khu vực trải qua tình trạng thiếu nước trong một thời gian kéo dài nhiều tháng hay nhiều năm nhưng ngay khi con người bắt đầu cắt nghĩa hiện tượng này thì nó không còn là câu chuyện của một hiện tượng tự nhiên tồn tại “khách quan” nữa mà nó đã trở thành một phần của diễn ngôn. Một vài người sẽ lý giải đó là một hiện tượng thiên nhiên bất thường – diễn ngôn khí tượng học. Một số người khác lại lý giải hạn hán như hậu quả của việc canh tác thiếu hợp lý, dẫn tới việc cạn kiệt nguồn nước – tức là diễn ngôn nông nghiệp - kinh tế. Một số người khác nữa lại cho rằng đó là sự thiếu hợp lý trong quy hoạch vĩ mô về nguồn nước – diễn ngôn về chính trị. Lại có những người coi đó là điềm báo hoặc sự trừng phạt của một đấng thiêng liêng nào đó – diễn ngôn tôn giáo. Mỗi cách hiểu nêu trên không chỉ đưa tới những hình dung khác nhau, thậm chí đối lập nhau về thế giới, mà còn là nền tảng để tạo ra những can thiệp khác nhau để thay đổi hiện thực. Để thay đổi hiện tượng hạn hán, người ta có thể làm mưa nhân tạo (diễn ngôn khí tượng), thay đổi giống cây trồng (diễn ngôn nông nghiệp - kinh tế), điều chỉnh chính sách vĩ mô (diễn ngôn chính trị) hoặc thực hành các nghi lễ thờ cúng phù hợp với truyền thống tín ngưỡng ở địa phương (diễn ngôn tôn giáo). Do đó, diễn ngôn không chỉ tạo ra ý nghĩa mà còn định hướng cho hành động. Trang dienngon.vn của Viện iSEE có viết: “Được bắt rễ từ trong ngôn ngữ, diễn ngôn tạo ra niềm tin, niềm tin biến thành tri thức, và tri thức tạo nên quyền lực”.
Các diễn ngôn có thể tồn tại song song với nhau, nhưng cũng có thể cạnh tranh và loại trừ lẫn nhau (trong ví dụ nêu trên, diễn ngôn khí tượng mang tính khoa học khó có thể dung hòa với diễn ngôn về tôn giáo). Điều này làm lộ ra khía cạnh quyền lực của diễn ngôn. Có những diễn ngôn mang tính thống soát, chứa đựng những ý nghĩa được mặc nhiên là “bình thường” hoặc “đúng”. Trái lại, có những diễn ngôn nằm bên lề của đời sống, bị xem là “không bình thường” hoặc “sai”. Vào từng giai đoạn lịch sử, một số diễn ngôn có xu hướng đạt được vị trí trung tâm, được coi là “đúng” trong cách con người cắt nghĩa thế giới. Song song với quá trình đó, một số diễn ngôn có xu hướng bị lề hoá, bị coi là “sai” và đôi khi hoàn toàn biến mất. Nói cách khác, quá trình thương thỏa về mặt quyền lực giữa các diễn ngôn cũng là quá trình một số nhóm người có thể dễ dàng tạo ra ý nghĩa theo cách họ muốn và áp đặt nghĩa đó cho các nhóm khác. Vì là quá trình thương thoả nên diễn ngôn có sự ổn định tương đối, nhưng cũng luôn biến động do những va đập đa dạng giữa các không gian ý nghĩa khác nhau. Bởi vậy, sẽ không có tri thức nào là chân lý tuyệt đối và hoàn toàn khách quan.