Tiếp cận chỉnh thể

(Trích từ ấn phẩm Đồng hành phát triển)

Do văn hoá mang tính chỉnh thể nên chỉ có thể có được một hiểu biết đầy đủ và sâu sắc nội dung, ý nghĩa và chức năng của một thực hành văn hoá nào đó trong bối cảnh rộng nhất có thể của chúng. Chính vì vậy, khi nghiên cứu một thành tố văn hoá, không thể không quan tâm đến các yếu tố tự nhiên, chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội của cộng đồng nơi thực hành văn hoá đó được sinh ra và tồn tại. Thêm vào đó, cách tiếp cận chỉnh thể cũng đòi hỏi phải đặt các thành tố văn hoá được tìm hiểu, nghiên cứu trong mối liên hệ với các thành tố khác trong chính nền văn hóa đó.

Văn hóa/cộng đồng là một chỉnh thể hoàn chỉnh, cần nhìn nhận văn hóa trong bối cảnh rộng nhất mà nền văn hóa hoặc cộng đồng đó tồn tại và cần nhìn văn hóa với nhiều thành tố về tự nhiên, kinh tế, xã hội, chính trị mà nền văn hóa đó nằm trong. Các thành tố này đan xen và ảnh hưởng tới nhau như những phần của một mạng lưới. Khi một thành tố chịu tác động và thay đổi, cả mạng lưới sẽ thay đổi theo.

Trong nghiên cứu Chuyển đổi sinh kế và vấn đề tín dụng của một số tộc người thiểu số tại Tây Nguyên và miền núi phía Bắc, nhóm tác giả chỉ ra rằng, xu hướng chuyển đổi mô hình canh tác nông nghiệp từ “tự cấp tự cung” thành sản xuất hàng hóa - từ phía chính quyền và nhiều người dân nhận định, là sự thay đổi từ một hình thức lạc hậu sang một hình thức văn minh hơn, tiến bộ hơn. Trên thực tế, thay đổi này không chỉ dẫn tới những biến đổi về cây trồng (chuyển từ canh tác lúa rẫy sang cây công nghiệp) hay thay đổi về cách làm nông (chuyển từ nuôi trồng xen canh, đa canh sang trồng độc canh cây cà phê, cây bắp) mà còn ảnh hưởng tới nhiều thành tố khác trong đời sống: 

(1) gây ra nợ (ảnh hưởng đến khả năng tồn tại) cho người dân, do người dân không có nhiều vốn để đầu tư vào giống và phân bón;

(2) dẫn đến tình trạng di cư, biến đổi không gian xã hội của cộng đồng (do nợ nhiều, trồng cây công nghiệp không hiệu quả, phải đi tìm việc làm tại những tỉnh khác);

(3) thay đổi khả năng sở hữu tài nguyên của người dân địa phương, do nợ phải bán đất - tài sản lớn nhất để giúp người dân tồn tại;

(4) Giảm chất lượng cuộc sống, do canh tác độc canh khiến người dân thiếu lương thực từ chăn nuôi. Trước kia, làm xen canh, trong khu vực trồng trọt, người dân vẫn kết hợp nuôi lợn, gà. Hiện giờ độc canh, trên một mảnh đất chỉ trồng cây công nghiệp, không chăn nuôi được và  cũng không kết hợp để trồng hoa màu;

(5) Sự biến mất của lối làm kinh tế duy tình, cộng đồng hỗ trợ nhau.

Sơ đồ các nguyên nhân dẫn tới quyết định kết hôn sớm

Bên cạnh đó, một biểu hiện, thực hành văn hóa không bao giờ nằm đơn lẻ. Một thực hành văn hóa luôn nằm trong những giao thoa, chi phối và là kết quả tác động từ các thành tố tự nhiên, kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội khác.

Vấn đề kết hôn trẻ em tại các tộc người thiểu số, thường được diễn ngôn là do vấn đề văn hóa - là hủ tục của các tộc người và trẻ em được nhìn nhận là nạn nhân - bị ép buộc - bởi cha mẹ và gia đình. Trên thực tế, qua nghiên cứu của iSEE tại Điện Biên, Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Trị - quyết định kết hôn là do các em chủ động lựa chọn. Quyết định này được chi phối bởi nhiều chiều cạnh kinh tế và xã hội khác nhau. “Đời sống kinh tế nông nghiệp (với việc coi “làm ăn” là lẽ sống) và những quy chuẩn văn hóa tộc người là những nguyên nhân gốc rễ. Do sống trong điều kiện đòi hỏi đứa trẻ tham gia vào việc đóng góp sức lực, kinh tế cho gia đình, trẻ em dân tộc thiểu số được xem là trưởng thành khá sớm so với độ tuổi quy định kết hôn trong luật pháp. Bối cảnh “làm ăn” lao động để sinh tồn, đã chi phối mọi nhận thức và thực hành tình yêu và hôn nhân. Nam nữ đến tuổi trưởng thành được trông đợi không hưởng thụ mà phải tập trung vào lao động sinh sống. Mặt khác, trong bối cảnh của những quy chuẩn văn hóa phụ hệ, việc lập gia đình có ý nghĩa biểu tượng, thay đổi vị thế xã hội và ý nghĩa cho cuộc đời trẻ em. Cách tư duy rằng hôn nhân là đích đến tất yếu và cần thiết của tình yêu đã trở thành ý niệm được duy trì và củng cố trong các tộc người, thông qua quá trình cá nhân tiếp nhận giáo dục từ gia đình và cộng đồng. Các em trai được trông đợi trở thành người trụ cột, có trách nhiệm trong gia đình, các em gái được trông đợi trở thành vợ và mẹ. Vì coi trọng việc “làm ăn” nên tất cả các hoạt động trong đời sống hầu như đều phục vụ mục đích sinh tồn. Học hành nếu không đáp ứng cho mục tiêu đó cũng trở thành thứ yếu.”

Thông qua cách nhìn chỉnh thể, chúng tôi nhận ra mình cần thận trọng với những hành động của các dự án với cộng đồng. Một hiện tượng (kết hôn trẻ em) không chỉ đơn lẻ là vấn đề phong tục hôn nhân, còn do các yếu tố kinh tế (thiếu việc làm, kinh tế gia đình phụ thuộc vào “làm ăn” lao động để sinh tồn) và yếu tố xã hội (thể hiện sự trưởng thành, vai trò giới trong cộng đồng) ảnh hưởng. 

Khi tiếp cận chỉnh thể, chúng tôi tự hỏi về những định kiến có sẵn của cá nhân với văn hóa, cộng động mà mình làm việc cùng. Các nền văn hóa khác nhau - không có cao có thấp; trong nội tại một nền văn hóa cũng vậy, các thực hành văn hóa cũng không có thứ bậc, không có thực hành văn hóa nào là văn minh hơn hay lạc hậu hơn. Việc đem theo định kiến khi tác động có thể dẫn tới những ảnh hưởng mà chúng tôi không nhận thức được. Vấn đề kết hôn trẻ em, khi vội vã nhận định là một vấn đề của hủ tục lạc hậu, đã bỏ qua sự ảnh hưởng của các làn sóng văn hóa “hiện đại” trong thời gian gần đây. “Sự tiếp cận của trẻ em với các phương tiện liên lạc hiện đại như internet, Facebook, Zalo, cơ sở hạ tầng được đầu tư thuận lợi cho giao thông, việc giáo dục học tập nội trú, sự gia tăng của các phương tiện cá nhân (xe máy), sự phổ biến của tivi, cũng như sự giản đơn hóa các nghi thức kết hôn so với truyền thống khiến áp lực về tài chính khi kết hôn giảm xuống v.v...,”

Để hiểu về văn hóa như một chỉnh thể là một điều không dễ dàng. Trước mỗi dự án, chúng tôi tìm tới tham vấn của những chuyên gia đa ngành - giúp chúng tôi nhìn nhận văn hóa dưới nhiều góc nhìn và lĩnh vực khác nhau. Quan trọng hơn, cần sự tham gia và tham vấn từ chính cộng đồng - chủ thể văn hóa - những người có khả năng chi phối và chịu toàn bộ tác động bởi sự thay đổi của nền văn hóa đó.

Previous
Previous

Đề cao tính chủ thể

Next
Next

Tiếp cận Nhân học