Lắng nghe góc nhìn của người trong cuộc
Năm 2017, iSEE có 1 nghiên cứu về người dân tộc thiểu số thuộc cộng đồng LGBTIQ, với mong muốn tìm hiểu tình trạng của những nhóm nằm ở điểm giao của các danh tính. Để bắt đầu nghiên cứu, chương trình LGBT của iSEE giả định rằng, những người dân tộc thiểu số là người đồng tính, song tính, chuyển giới có thể mang 1 lúc 2 tầng định kiến - định kiến bởi là người dân tộc thiểu số và định kiến bởi là người đồng tính, song tính, chuyển giới từ trong cộng đồng. Nghiên cứu tiến hành trong tại cộng đồng người Mông Hoa tại Bắc Hà, Lào Cai và cộng đồng người Thái Đen tại Nghĩa Lộ, Yên Bái. Tuy nhiên, quá trình khảo sát xác định vấn đề không chỉ ra những định kiến liên tầng như iSEE giả định ban đầu; kết quả phỏng vấn còn đưa ra những nhận định theo hướng ngược lại. Một người tham gia phỏng vấn trả lời: “Người đồng tính tội nhỉ, không lập được gia đình”. Điều này thể hiện, với góc nhìn từ cộng đồng, những người đồng tính, song tính, chuyển giới không chịu định kiến như tại môi trường đô thị/ môi trường của người Kinh. Ngược lại, họ còn được thương cảm bởi không thể có gia đình (theo cách truyền thống là nam lấy nữ) nên chịu những thiệt thòi: không có người giúp đỡ trong gia đình, không có con - những giá trị mà cộng đồng coi trọng. Sau quá trình khảo sát, nhóm thực hiện dự án quyết định dừng dự án và trả lại quỹ cho nhà tài trợ vì nhận thấy sự khác nhau rất lớn giữa tiền giả định của người làm dự án và quan điểm từ phía cộng đồng và những tác động của dự án có thể ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng.
Qua câu truyện trên, toàn bộ iSEE nhận ra, những định kiến nằm trong người đa số có thể không tồn tại trong văn hóa của cộng đồng thiểu số và góc nhìn về một vấn đề (dù cả hai đều mong muốn hỗ trợ người yếu thế) là rất khác nhau.
Tiếp cận từ quan điểm của người trong cuộc, trước hết, giúp chúng ta hiểu hơn về cộng đồng, những điều đau đáu mà cộng đồng muốn thực hiện, cách suy nghĩ và điều mà cộng đồng quan tâm. Để thực hiện điều này, chúng ta luôn cần để mở các hoạt động để có một hướng đi khác với dự kiến ban đầu của dự án. Bên cạnh đó, cộng đồng cần được tham vấn trong suốt quá trình thực hiện dự án (từ thiết kế đến tiến hành hoạt động).
Trong dự án Luật tục - Luật đất đai, quá trình thiết kế được tham gia bởi anh Má A Pho (người Mông, Lào Cai). Trong tiến trình thực hiện, góc nhìn về luật tục được mở rộng, khi mỗi cộng đồng có cách nhìn về luật tục quản lý đất đai khác nhau. Từ hình dung ban đầu về 1 nghiên cứu chung, dự án triển khai thành 3 chủ đề khác nhau liên quan tới việc quản lý đất: quản lý rừng cộng đồng của người Thái Điện Biên, hội đồng già làng tham gia hòa giải tranh chấp đất đai của người Pakoh tại Quảng Trị và cách già làng truyền tải thông tin của người Ede tại Daklak. Tiến trình này, không thể được xác định từ ban đầu nhưng mở ra nhiều hướng đi đa dạng, khiến các chủ đề về dùng luật tục ứng dụng vào luật đất đai - ban đầu xa lạ với nhiều cộng đồng trở nên gần gũi hơn và nhìn trong nhiều góc độ hơn.
Tiếp cận từ quan điểm của người trong cuộc, cũng là thúc đẩy những tiếng nói từ nhóm yếu thế - khi quyền được lên tiếng trên những phương tiện thông tin đại chúng, trước pháp luật,... thường là của những người nắm nhiều quyền lực, là các phóng viên - thường là người ngoài cộng đồng. Việc thiếu những tiếng nói của người trong cuộc, phần nào khiến xã hội mất đi tính đa dạng, thiếu những câu chuyện cụ thể và các vấn đề trong xã hội dễ bị điều hướng bởi những góc nhìn một chiều. Hướng tới một xã hội bình đẳng hơn, một xã hội mà các vấn đề được nhìn nhận đa thanh, đa nghĩa, đa chiều hơn. iSEE cùng các cộng đồng mở ra những không gian để những quan điểm từ người trong cuộc được cất tiếng, và tìm những phương tiện để tiếng nói được truyền tải tới khán giả phổ thông, người làm chính sách, truyền thông…
Photovoice và video voice là những phương pháp đồng nghiên cứu để thể hiện góc nhìn trong cộng đồng bằng cách cộng đồng chụp những bức ảnh về những chủ đề mà cộng đồng muốn kể. Trước khi có photovoice, những tấm ảnh về các cộng đồng dân tộc thiểu số thường do người ngoài chụp (thực dân, khách du lịch, nhà nghiên cứu). Những bức ảnh đó thể hiện hình ảnh của cộng đồng qua góc nhìn của người ngoài cuộc. Những tấm ảnh của thực dân Pháp nhấn mạnh những cô gái thuộc địa mang đầy tính dục, những khách du lịch chụp một người dân tộc thiểu số luôn tươi cười và luôn mang trang phục truyền thống. Tất cả những bức ảnh ấy nói về cộng đồng nhưng tái trình hiện qua góc nhìn của người ngoài. Người trong cuộc xuất hiện rất nhiều trên truyền thông nhưng họ vô thanh. Với photovoice, người chụp ảnh là người trong cộng đồng, những mong muốn kể, những hình ảnh được kể cũng là của người trong cộng đồng thực hiện và chọn lựa.
Với mục đích thúc đẩy cao nhất góc nhìn từ phía cộng đồng. Toàn bộ quá trình làm photovoice cần đặt câu hỏi: vai trò của người ngoài cuộc là gì? Cán bộ dự án có thể tác động đến các sản phẩm hình ảnh tới đâu?
Các triển lãm, và tọa đàm mà cộng đồng làm chủ là không gian để những tiếng nói được vang xa. Trong hoạt động đồng sáng tác, “tiếng” của cộng đồng được hình thành trong quá trình sáng tác và được cất lên tại các triển lãm ở Hà Nội để tới với công chúng và truyền thông.
Thúc đẩy quan điểm từ người trong cuộc, là quá trình mà người làm phát triển học về vai trò của mình cũng như những giới hạn của mình khi không phải người trong cộng đồng.
Tiếp cận chỉnh thể, đề cao tính chủ thể và lắng nghe góc nhìn của người trong cuộc là ba trụ cột của Nhân học không đứng riêng rẽ hay phân tầng từ cao tới thấp mà luôn bổ trợ cho nhau. Trong không gian mà cộng đồng làm chủ, chứa những góc nhìn từ người trong cuộc; trong những góc nhìn của cộng đồng luôn liện hệ những ảnh hưởng, tác động đa chiều. Xuyên suốt tiến trình ấy, là những câu hỏi của người làm dự án về vai trò của mình và khả năng tác động của mình vào quá trình nào. Để vừa là người đồng hành, vừa giúp cộng đồng tự chủ; vừa thúc đẩy cộng đồng, vừa tôn trọng tối đa góc nhìn người trong cuộc; và cẩn trọng với những ảnh hưởng đa chiều mà một dự án có thể tác động. Việc sử dụng các trụ cột này là một quá trình học hỏi và thực hành, nằm trong những giao tiếp và đối thoại của nhóm thực hiện dự án với cộng đồng và giữa chính những cán bộ dự án với nhau.