Đề cao tính chủ thể
Trong những dự án phát triển, một câu hỏi luôn được đặt ra: Ai là người xác định vấn đề của cộng đồng? Ai là người quyết định dự án sẽ làm gì? Câu hỏi về vấn đề của một cộng đồng, không dễ dàng được trả lời. Bởi bao nhiêu năm nay, vấn đề của cộng đồng ít khi được cộng đồng nói ra, được cộng đồng xác định. Vấn đề của cộng đồng thường được đưa ra theo một chuẩn mực của người ngoài: vấn đề kinh tế - theo chuẩn kinh tế của những nơi được cho là kinh tế phát triển hơn; vấn đề văn hóa - theo chuẩn văn hóa của những nơi được cho là văn minh hơn; nghiên cứu tri thức tộc người - theo câu hỏi nghiên cứu cho trước của những nhà nghiên cứu bên ngoài cộng đồng. Những thang đo, những mục tiêu được định sẵn ấy khiến những vấn đề của cộng đồng ít khi được đặt lại câu hỏi, thực sự cộng đồng có cần thay đổi như vậy không? Tiếp cận chủ thể, trước hết để trả lời câu hỏi: Ai là người có quyền quyết định những thay đổi của cộng đồng.
Sáng kiến cộng đồng là hình thức mà cộng đồng xác định vấn đề của địa phương và quyết định đâu là vấn đề của mình. Các sáng kiến cộng đồng giúp cho người làm dự án, cho người ngoài cộng đồng nhận ra cộng đồng có nhiều vấn đề và mối quan tâm hơn những nhãn mác thường được gắn cho họ trên báo chí: như đói nghèo, lạc hậu. Các sáng kiến cũng cho thấy đâu là những mối quan tâm, những vấn đề thiết thân, thiết thực mà cộng đồng muốn giải quyết.
Cùng với sáng kiến cộng đồng, đồng nghiên cứu và đồng sáng tác là những phương thức để mở ra những không gian cộng đồng tự chủ trong lĩnh vực nghiên cứu và sáng tác nghệ thuật. Thách thức lớn nhất của những lĩnh vực này là xưa nay, những tri thức của người dân tộc thiểu số thường là của người đa số viết nên và truyền thông; những sản phẩm nghệ thuật về chủ đề dân tộc thiểu số là của nghệ sĩ làm và nói về người dân tộc thiểu số. Vai trò của chuyên gia (nhà nghiên cứu, nghệ sĩ - được cấp bằng - theo hệ thống) thường là người ngoài cộng đồng được đề cao hơn cộng đồng mà họ làm việc. Dẫn đến cộng đồng không sở hữu tri thức về dân tộc mình, những chuyên gia bảo cách thực hành văn hóa của họ là cổ hủ lạc hậu nghĩa là cổ hủ lạc hậu - cộng đồng không có cơ hội phản biện, cũng không có quyền quyết định những ý nghĩa trong những tri thức “về tôi” và “của tôi”.
Đồng nghiên cứu đặt lại vai trò của chuyên gia và cộng đồng. Trong cách thực hiện này, nhà nghiên cứu có vai trò hỗ trợ, mở ra không gian thảo luận. Các câu hỏi nghiên cứu, các chủ đề đưa ra và lựa chọn là kết quả của quá trình tìm tòi, gởi mợ các chủ đề mà cộng đồng đưa ra và lựa chọn.
Đồng sáng tác bắt nguồn từ ý tưởng “cộng đồng là người tạo tiếng, nghệ sĩ là người tạo hình” (dự án Cụng - Đụng - Chạm, 2017). Đồng sáng tác là một tiến trình để nghệ sĩ và cộng đồng gặp gỡ, va chạm và cùng sáng tạo. Trong tiến trình này, vai trò của chủ thể sáng tạo và đâu là tiếng nói của cộng đồng thường được trở đi trở lại nhiều lần với các mức độ khác nhau. Để chuẩn bị cho tiến trình này, ở bước cơ bản nhất, người nghệ sĩ và cộng đồng cần được giới thiệu trước; được chuẩn bị những kiến thức, cách tiếp cận để quá trình sáng tạo không phải quá trình một chiều.
Trên phương diện khác, tiếp cận chủ thể cần những lưu ý, những thời điểm phản tư, tự hỏi: đâu thực sự là chủ thế và thế nào là cộng đồng, đâu là người trong và ngoài cộng đồng?
Giai đoạn đầu của dự án về Kết hôn trẻ em, dự án dùng phương pháp photovoice (nghiên cứu sử dụng góc nhìn của người trong cộng đồng, cộng đồng tự chụp ảnh đời sống của mình) để tìm hiểu về góc nhìn kết hôn trẻ em từ người trong cộng đồng. Tuy nhiên, người thực hiện photovoice là những người được chọn do có kinh nghiệm làm dự án chứ không phải những người thực sự quan tâm và không phải người trong gia đình có người kết hôn sớm. Kết quả là không có bức ảnh nào về kết hôn sớm - do những gia đình làm kết hôn sớm không muốn mời người ngoài, cũng không muốn “khoe” một hành vi trái pháp luật cho người ngoài gia đình mình. Các bức ảnh và câu chuyện cũng mang định kiến của người đã quen với việc làm dự án phát triển tới những cô dâu chú rể trẻ tuổi. Như vậy, người thực hiện là người trong cộng đồng thôn bản, trong cộng đồng tộc người nhưng không phải trong cộng đồng dòng họ, cộng đồng gia đình. Khiến cách nhìn về vấn đề kết hôn sớm - một hiện tượng trong gia đình, mà người trong cuộc là cô dâu, chú rể, các thành viên khác trong gia đình - bị nhìn từ người ngoài. Dẫn đến các câu chuyện được kể là những câu chuyện về “người khác” chứ không phải câu chuyện về tôi. Nhận ra sai lầm này, dự án thay đổi đối tượng thực hiện dự án - thay vì là những người cộng tác với dự án lâu năm, được đánh giá là “nhanh nhẹn” - sang những người mới được khảo sát nhu cầu, thực sự mong muốn tham gia. Nhóm này có hơn 50% là những người lập gia đình từ năm 15, 16 tuổi. Vấn đề muốn giải quyết cũng được đặt lại, và tìm ra 3 chủ đề mà cộng đồng quan tâm:
(1) Sinh kế của các hộ gia đình: quyết định kết hôn sớm hướng tới giải quyết vấn đề sinh kế do đi học không kiếm được việc làm, kết hôn sớm là gia đình có thêm lao động, sớm có gia đình sớm được coi là trưởng thành và quyết định sinh kế của cá nhân),
(2) học tập của trẻ em gái: do quy định của vai trò giới trong cộng đồng, các em gái ít có cơ hội công việc hơn các em trai.
(3) tiếp cận internet an toàn: internet tăng khả năng các em học sinh gặp mặt, hò hẹn, và tăng cơ hội kết hôn sớm.
3 lựa chọn này cho thấy các vấn đề mà cộng đồng tự quyết định (agency) thể hiện rõ góc nhìn người trong cuộc (emic view) và có liên quan chặt chẽ tới các thành tố khác trong đời sống cộng đồng (tính tổng thể).