Lý thuyết về Xây dựng năng lực

Sự học và Chu trình học qua trải nghiệm

Sự học không chỉ diễn ra trong các lớp học, nó là một quá trình liên tục không ngừng thu nạp thêm những hiểu biết, kiến thức, hành vi, kĩ năng, giá trị, thái độ và mối quan tâm mới của con người. Quá trình học có 3 đặc tính quan trọng, bao gồm: 

  • Sự chủ động: người học xây dựng tri thức cho bản thân bằng cách khám phá thế giới xung quanh mình, quan sát và tương tác với các sự vật hiện tượng, trao đổi và gắn kết lẫn nhau, và liên kết những ý tưởng mới với hiểu biết đã có. 

  • Xây dựng trên nền tảng hiểu biết đã có, đồng thời làm giàu thêm, phát triển tiếp và thay đổi những tư duy nhận thức đã tồn tại. 

  • Yêu cầu người học phải có động lực và sự cam kết.

Ngoài sự chủ động của người học, sự học cũng diễn ra ở các cấp độ khác nhau, và do đó cũng đòi hỏi các mức độ tư duy, nỗ lực khác nhau. Theo Argyris và Schon (1974), có ba cấp độ học (Loops of learning):

Cấp độ 1 (single-loop learning) 

Ở cấp độ 1, người học trả lời câu hỏi “Chúng ta đang làm điều này một cách đúng chưa? (Are we doing things right?). Trong giai đoạn này, người học chủ yếu chú trọng tới hành động của mình, xem xét và đánh giá chúng đã đúng với quy chuẩn và kiến thức mẫu chưa. Họ chưa thách thức lại tri thức được học, chưa đào sâu để hiểu về niềm tin và lý giải đằng sau tri thức mình đang có. Cấp độ học này phù hợp để thay đổi những điều nhỏ, đưa ra những giải pháp tức thời. 

Cấp độ 2 (double-loop learning)

Tại cấp độ này, người học trả lời câu hỏi “Điều mà chúng ta đang làm có đúng đắn không?” (Are we doing the right things?”). Sự khác nhau giữa cấp độ 1 và 2 chính là ở điểm, người học bắt đầu hoài nghi về tri thức mình đang được truyền thụ, định hình lại cách thức mà hành động và tri thức được tạo ra. Họ bắt đầu thay đổi cách thức ra quyết định và đào sâu hiểu biết về các giả thuyết mình đặt ra.

Cấp độ 3 (triple-loop learning)

Cấp độ 3 trả lời trả lời câu hỏi “Chúng ta xác định điều đúng cần làm bằng cách nào?” (How do we decide what is right?”). Thời điểm này là lúc người học thay đổi (transform) toàn bộ cách nhìn nhận vấn đề và xem xét lại góc nhìn cũng như thế giới quan của họ. Cách kiến tạo ra tri thức đã và đang được định hình bởi yếu tố nào? 

Do vậy, việc học cần diễn ra ở cả ba cấp độ để đảm bảo chúng ta không bị “ngủ quên” với những thói quen trong tư duy và hành động, và kịp thời nhận ra những thay đổi cần thiết.

Để có thể xây dựng văn hóa học trong thành viên cộng đồng và những người đồng hành, chúng tôi nỗ lực biến mỗi khoảnh khắc trở thành một cơ hội học. Chúng tôi áp dụng lý thuyết Chu trình học qua trải nghiệm của David Kolb (1984) lý giải quá trình học tự nhiên của con người. Mọi điều chúng ta học được đều đi qua chu trình này: mỗi khi làm hoặc trải qua một việc gì đó (trải nghiệm), chúng ta có thể nhớ lại và phân tích những gì mình đã làm/trải qua (phân tích) để rồi rút ra được những bài học (khái quát) cho lần sau có thể làm khác đi như thế nào cho tốt hơn (áp dụng). Khi áp dụng những bài học đó vào thực tế, chúng ta lại có cơ hội có những trải nghiệm mới và nếu tiếp tục phân tích thì chu trình học này lại tiếp tục diễn ra. Cứ như vậy, con người học từ rất sớm thông qua chu trình học tự nhiên này. Do vậy, nếu các bài học đi theo chu trình này thì người học sẽ chủ động khám phá và làm chủ tri thức.

Tuy nhiên, không phải Trải nghiệm nào cũng được Phân tích, không phải cứ Phân tích là rút ra được Bài học đúng, và không phải cứ có Bài học đúng là sẽ Áp dụng thành công. Điều này lý giải tại sao trong cuộc sống, đôi khi chúng ta mắc đi mắc lại một sai lầm, làm đi làm lại một việc mà vẫn không thành công. 

Cảm thức cộng đồng và hành động tập thể

Định nghĩa về cộng đồng đã được Gusfield (1975) phân ra thành hai loại: một là cộng đồng địa lý – những người ở cùng trong một khu vực làng, xã hay đất nước. Thứ hai là cộng đồng có cùng mối quan tâm – những người có cùng đặc tính, mối quan tâm hay sở thích, không phân biệt về địa lý. Tuy nhiên, tính cộng đồng chỉ có được khi các thành viên của nó có được cảm thức cộng đồng, để thực sự cảm thấy mình thuộc về và mong muốn hành động cùng và vì nó.

Theo David W. McMillan và David M.Chavis, cảm thức cộng đồng sẽ được thúc đẩy ở bốn 4 khía cạnh, bao gồm:

  • Tính thành viên: cảm thức thuộc về một cộng đồng vì cộng đồng ấy chia sẻ những giá trị, cảm xúc và mối quan tâm chung.

  • Tính ảnh hưởng: cảm giác mình có ý nghĩa, có đóng góp khác biệt cho nhóm và cũng nhận lại được từ nhóm.

  • Sự hòa hợp và hài lòng: kết quả có được khi nhu cầu cá nhân được chia sẻ và được đáp ứng bởi những nguồn lực (tinh thần, vật chất) của nhóm.

Cảm giác “chung thuyền”: sự cam kết và niềm tin giữa các thành viên rằng họ có chung một lịch sử, chung một nơi chốn, chung một thời đại, chung một trải nghiệm, chung một tương lai.

Next
Next

Lắng nghe góc nhìn của người trong cuộc