Lý thuyết Quyền lực (Power)

(Trích từ ấn phẩm Đồng hành phát triển)

Văn hoá là không gian của cộng đồng và cũng là không gian của quyền lực. Thông qua văn hoá, con người cảm thấy mình thuộc về một nơi chốn và một lịch sử cụ thể, và từ đó, cảm thấy cuộc sống của mình có quá khứ, tương lai, và một chốn đi về. Nhưng cũng thông qua văn hoá mà nhiều cơ chế áp bức trở thành điều “bình thường”, ví dụ như tư duy của số đông về sự “lạc hậu” của người dân tộc thiểu số. Việc tiếp cận văn hoá từ góc nhìn nhân học đưa lại góc nhìn của người trong cuộc,  nhưng những cách tiếp cận này không thể tách rời việc phê phán các cơ chế quyền lực khiến cho văn hoá trở thành địa bàn của áp bức. Đây là lý do chúng tôi dành rất nhiều thời gian để cùng nhau thảo luận về khái niệm quyền lực. Bên cạnh việc bóc tách các sắc thái của quyền lực, chúng tôi cũng đi sâu vào khái niệm diễn ngôn để hiểu hơn về cách thức vận hành của quyền lực trong lĩnh vực văn hoá.       

Quyền lực (power) là một thành tố quan trọng trong các mối quan hệ xã hội, từ mối quan hệ giữa các thể chế nhà nước, giữa nhà nước và người dân cho tới mối quan hệ giữa cá nhân với nhau. Có rất nhiều lý thuyết quyền lực được ra đời, phụ thuộc vào các ngành nghiên cứu khác nhau như xã hội học, lịch sự, chính trị, quan hệ quốc tế. Theo Max Weber - nhà xã hội học người Đức, quyền lực là “khả năng mà một cá nhân trong mối quan hệ xã hội có thể đạt được ý chí mà họ mong muốn bất chấp sự cản trở của các nhân tố khác”. Như vậy, quyền lực gắn liền với ý chí của mỗi chủ thể và sự tương tác giữa các chủ thể trong xã hội. Hiểu sự vận hành của cán cân quyền lực là một trong những bước quan trọng giúp ta nhận diện sự ảnh hưởng của nó đến các vấn đề trong xã hội như đói nghèo, phân biệt đối xử, bất bình đẳng và công bằng xã hội, từ đó đề ra những phương thức hợp lý cho việc thay đổi xã hội. 

Khái niệm về quyền lực (power) hay những mối quan hệ quyền lực (power relations) thường được hiểu theo hướng một số nhóm có quyền lực áp đặt sự kiểm soát và ý chí lên các nhóm yếu thế hơn. Bởi vậy khi nói đến “tạo quyền năng” hay “thay đổi quan hệ quyền lực”, người ta thường nghĩ ngay đến quan hệ “được” và “mất”, hay xung đột, đối đầu giữa nhóm có quyền và nhóm yếu thế.

Để hiểu rõ hơn về quyền lực như một khái niệm, hãy xem xét Khối Rubic Quyền lực (Power Cube) – một cách tiếp cận được phát triển bởi nhóm Power, Participation and Social Change (PPSC) tại Institute Development Studies (IDS) là mô hình phân tích quyền lực theo các chiều cạnh: không gian (spaces), dạng thức (forms), mức độ (levels) và cách chúng tương tác lẫn nhau. Mô hình này giúp nhìn nhận rõ hơn vị trí và mối quan hệ của các nhóm cộng đồng với nhau và với yếu tố bên ngoài. Thông qua đó nhìn ra khả năng tạo ra sự vận động và thay đổi giữa các chủ thể.

Cụ thể về 3 khía cạnh quyền lực được phân tích trong lý thuyết này như sau:

a. Các sắc thái quyền lực (expressions of power): Khi nhìn nhận quyền lực dưới góc độ cách thể hiện, người ta nói tới 3 sắc thái:

  • Sức mạnh tự cường (power to) thể hiện qua việc người ta không bị khuất phục bởi khó khăn, thể hiện qua các quyết định để vượt qua khó khăn.

  • Sức mạnh tập thể (power with) thể hiện qua việc người ta đoàn kết lại để cùng làm một việc gì đó. Sức mạnh tập thể là cùng hành động thường được xây dựng thông qua việc thành lập các nhóm sở thích để rồi cùng làm một việc gì đó. Tuy nhiên sức mạnh tập thể/cùng hành động không phải là “tổ nhóm”, không phải cứ có tổ nhóm là có sức mạnh tập thể. 

  • Sức mạnh nội tại (power within) thể hiện qua việc người ta tự tin ở bản thân mình, tự hào về mình và biết quyền của mình. Sức mạnh nội tại là nền tảng để phát huy sức mạnh tập thể và sức mạnh tự cường.

Khi một cá nhân/cộng đồng có được cả ba sắc thái quyền lực trên thì cá nhân/cộng đồng đó có năng lực lựa chọn và ra quyết định (agency) – tiền đề không thể thiếu được của quá trình nâng cao vị thế và tiếng nói. 

b. Các dạng thức của quyền lực (forms of power): Quyền lực cũng được thể hiện ở nhiều hình thức khác nhau, cụ thể là ai/cái gì có tầm ảnh hưởng như thế nào. Việc nhận diện được các hình thức quyền lực này quyết định sự thành công và hiệu quả của các chiến lược vận động hành lang, vận động chính sách, thay đổi niềm tin. Có 3 dạng thức quyền lực: 

  • Quyền lực hữu hình (visible power): được xác định bằng các vị trí/chức danh và có ảnh hưởng trực tiếp đến các quyết định. Ví dụ một người trong một cộng đồng, một nhóm, một tổ chức hay một xã hội có một chức danh nào đó thì bản thân chức danh đó mang lại cho người ấy một quyền lực ví dụ nhóm trưởng, trưởng phòng, giám đốc dự án, già làng. Hay trong một lớp học thì chức danh “giáo viên” cũng mang lại cho người đứng trên bục giảng một quyền lực với học sinh. Trong một gia đình, chức danh trưởng họ cũng mang cho người đó một quyền lực với những thành viên trong dòng họ. 

  • Quyền lực ẩn (hidden power): được xác định bởi những can thiệp vào cơ chế ra quyết định và chương trình nghị sự. Quyền lực ẩn được sử dụng để loại ra hoặc đưa ai/cái gì đó vào cuộc chơi, tạo ra những khu vực “quyền lực đóng” hoặc mở rộng những khu vực “quyền lực đại diện”. Ví dụ chương trình làm luật hàng năm của quốc hội quyết định đưa luật nào vào xem xét và đưa luật nào ra khỏi danh sách xem xét là một dạng quyền lực ẩn. 

  • Quyền lực vô hình (invisible power): thể hiện qua những niềm tin, những chuẩn mực quy định hành vi và cách thức ứng xử trong xã hội. Niềm tin tự động điều chỉnh hành vi của một cá nhân hoặc một cộng đồng. Ví dụ A tin rằng mình kém hơn B thì tự động A sẽ nghe theo những gì B nói, tin vào những gì B quyết định. Một ví dụ khác, nếu cộng đồng X tin rằng mình lạc hậu hơn cộng đồng Y thì những người trong cộng đồng X sẽ có xu hướng lấy cộng đồng Y làm chuẩn và “phấn đấu” để giống như Y và cộng đồng Y nếu tin rằng mình văn mình hơn thì cũng sẽ có hành động áp đặt suy nghĩ, cách sống, cách làm của mình cho cộng đồng X.

c. Các không gian thực hành quyền lực (spaces of power): Đây là một chiều cạnh rất quan trọng để hiểu về quyền lực. Không gian quyền lực không phải là những không gian vật lý mà là những cơ hội, khoảnh khắc và kênh nơi người dân có thể hành động để tạo ra thay đổi về mặt chính sách, diễn ngôn, các quyết định và các mối quan hệ mà ảnh hưởng đến cuộc sống và lợi ích của họ. 

Các không gian quyền lực này không được hình thành một cách tự nhiên mà nó là sản phẩm của mối quan hệ quyền lực. Chúng có thể hiểu là các ranh giới hay giới hạn cho phép ai tham gia hoặc không tham gia thảo luận/quyết định những vấn đề gì v.v. Có 3 không gian thực hành quyền lực chính:

  • Không gian đóng (closed space): là không gian mà trong đó quá trình ra quyết định được thực hiện bởi một nhóm người có quyền lực chính trị, người dân không được tham gia. 

  • Không gian “dân chủ đại diện” (invited space): là không gian cho phép một số chuyên gia và đại diện người dân tham gia đóng góp ý kiến, ví dụ một số người dân được mời tham gia đóng góp ý kiến để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, các cuộc tham vấn lấy ý kiến người dân và chuyên gia về một chính sách nào đó sắp ban hành .v.v

  • Không gian tự tạo (open space): là không gian do chính những người dân tạo ra để thảo luận hay giải quyết những vấn đề mà họ quan tâm. Đây là những không gian được hình thành một cách rất tự nhiên dựa mối tương đồng về mối quan tâm. Trong các dự án phát triển thì không gian tự tạo là không gian mà các nhóm đang trải nghiệm bất công cùng nhau mở ra để tạo nên tiếng nói và thực hành việc lên tiếng nhằm thay đổi những bất công mà họ đang phải chịu. 

Khi nhìn nhận quyền lực dưới lăng kính “không gian thực hành quyền lực”, người ta thấy một điều là những năng lực có được khi tham gia ở một không gian này sẽ ảnh hưởng tới cách tham gia ở không gian khác. Ví dụ, nếu không được thực hành cách ra quyết định trong không gian tự tạo thì khi được mời tham gia vào không gian “dân chủ đại diện” như đóng góp ý kiến cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, người dân sẽ chỉ thụ động ngồi nghe. Tuy nhiên, khi họ thực hành việc ra quyết định trong các không gian tự tạo như khi tự làm nghiên cứu tác động của các chính sách giảm nghèo, tự tìm hiểu về diễn ngôn v.v. thì khả năng ra quyết định/khả năng thuyết phục tăng lên và năng lực này sẽ giúp họ tham gia ra quyết định tốt hơn, thuyết phục tốt hơn ở không gian dân chủ đại diện khi được mời đóng góp ý kiến.


Previous
Previous

Lý thuyết về Diễn ngôn (Discourse)

Next
Next

Khái niệm “khát vọng” của nhà nhân học Arjun Appadurai