Từ thiện với trẻ em: Một cuộc đối thoại khó

Chỉ còn hai ngày nữa, Ngày Quốc tế Thiếu nhi sẽ diễn ra. Nhân dịp này, rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức xã hội, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm tổ chức các hoạt động hướng tới trẻ em, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số. 

Trong hành trình làm việc thiện của mỗi người, iSEE mong muốn trò chuyện về những cách nhìn, cách tiếp cận khác nhau khi làm từ thiện với trẻ em, nhìn nhận một cách trung thực những tác động chúng ta tạo ra với trẻ và cộng đồng của trẻ, từ đó mở ra những cánh cửa cùng bước tiếp. 

Nỗ lực trò chuyện đó bắt đầu từ một buổi thảo luận trực tuyến giữa iSEE với các bạn trẻ Mông, Thái và Sán Dìu trong độ tuổi 20-28, đã từng là những người nhận hỗ trợ từ thiện, đồng thời cũng là những người đã và đang tham gia vào các hoạt động từ thiện dành cho trẻ em. Góc nhìn của các bạn đã mở ra cho chúng tôi nhiều suy tư, và gợi ý cho bài toán về từ thiện và trẻ em dân tộc thiểu số. 

1. Tính hồi đáp và nhiều chiều của từ thiện - Cuộc đối thoại khó nhưng cần thiết

Cách tiếp cận và thực hiện hoạt động từ thiện hiện nay đa phần có tính một chiều, cụ thể những quyết định liên quan tới làm gì, tại sao cần làm, làm như thế nào đều đi từ những ‘nhà hảo tâm’, xuất phát từ quan niệm “có lòng đã là tốt rồi”. Là những người đã từng là đối tượng được nhận từ thiện, các bạn trẻ cũng canh cánh với những lo ngại về những chiều cạnh “mang tính hình thức” trong một số hoạt động từ thiện hiện tại: 

Có một số đoàn doanh nghiệp chỉ muốn hỗ trợ cho học sinh lớp 3,4,5 vì những học sinh đó mới tương tác được với máy quay, các bạn lớp 1,2 nhỏ thì không được. “Cô giáo bảo là cô chỉ là công chức trong trường, do trường quyết định, còn nhà trường cũng còn phụ thuộc vào nhà tài trợ”. 

Với những trải nghiệm đi làm từ thiện với các cộng đồng khác nhau, các bạn nhận ra sự thương lượng về mặt lợi ích chung hay nguy hại tiềm tàng nên được quan tâm đến, thay vì chỉ luôn nhìn cộng đồng như là những người hưởng lợi và hoạt động thiện nguyện là mặc định ‘tốt’: 

“Những đoàn từ thiện họ làm cũng vì nhiều mục đích phục vụ lợi ích của họ, có thể là lợi ích về mặt hình ảnh, danh tiếng, các mối quan hệ với địa phương, v.v Những điều đó cũng nên được thẳng thắn chia sẻ thay vì bỏ qua và nhấn mạnh lợi ích chỉ dành cho cộng đồng. Từ đó, các trao đổi về nhu cầu, nguyên tắc của hai bên mới được đưa ra và những nguy hại, rủi ro tiềm tàng tới trẻ và cộng đồng mới được nhắc đến”. 

2. Xây nền trên nguyên tắc vì lợi ích của trẻ nhưng đồng thời không gây hại cho trẻ 

Một trong những trường hợp được thảo luận sôi nổi giữa iSEE và nhóm các bạn trẻ là trường hợp từ thiện của Hoàng Hường và bé ‘Phúng Phính’ cách đây hơn 2 năm. Khi em bé trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội vì hình ảnh dễ thương, xinh xắn, Hoàng Hường lên tận nhà và trao đổi với cha mẹ của em để đưa em về Hà Nội với lời hứa sẽ cho em “đi học trường quốc tế”, “làm người mẫu” và rồi đột ngột thông báo chấm dứt hợp tác với em sau vài tháng. 

Với các bạn trẻ, đây có thể được xem như một hành động quan tâm tới trẻ, nhưng đồng thời cũng mang gây hại tới trẻ rất nhiều khía cạnh: 

Mạng xã hội có rất nhiều quan điểm cho rằng đã làm từ thiện cho rồi còn không biết điều, không có học. Đây là trường hợp mang danh làm từ thiện, đòi hỏi những người đó phải biết ơn, biết hồi đáp. Họ còn bắt bạn Phúng Phính phải thể hiện sự tự tin, phải chào mọi người, nhưng đồng thời cũng chê nhiều em ‘dân tộc’ xấu bẩn không thông minh, không hoạt bát khiến mình cảm thấy tổn thương. Em Phúng Phính giờ về quê lấy chồng ở tuổi rất sớm, rất nhiều người mỉa mai, khi em tự mở salon tóc để tự kiếm tiền thì nhiều người vẫn mỉa mai.” 

“Là người địa phương và trực tiếp chứng kiến thay đổi ở địa phương, em hiểu rằng tác động của nó đi xa hơn mọi người nghĩ là rất nhiều người ở dốc Thẩm Mã nghĩ rằng sẽ có người đưa tôi xuống Hà Nội, biến tôi thành công chúa, nên dần có thêm nhiều bạn bỏ học để ra đứng đường”. 

Lấy những trường hợp phổ biến hơn, là hoạt động chụp ảnh và quay lại hình ảnh trẻ và cộng đồng khi làm từ thiện, có những quan điểm và tranh luận khác nhau về tác động có thể tạo ra với trẻ: 

“Đặt mình vào các bạn, nếu em đang túng thiếu mà anh chị nào cho em 1 triệu thì em rất vui, nhưng chụp ảnh em thì em cũng không muốn”. 

Chụp ảnh và nhất là với mục đích chứng minh tính hiệu quả của hoạt động, nhiều bên vô tình sẽ làm khắc sâu và nét khổ, phơi bày những khó khăn của mọi người thay vì những mặt khác trong cuộc sống của họ. Ngoài ra, những người được giúp đỡ có thể không biết hình ảnh đó của mình có được đăng lên không, kể như thế nào”. 

“Nếu bạn nghĩ khắc sâu hình ảnh khốn khổ của người khác thì mình có biết được là họ có thực sự lo lắng hình ảnh khốn khổ của mình được đăng lên không? Hay đấy cũng đang là áp đặt của bạn?” 

Thảo luận không kết thúc với việc suy nghĩ của ai đúng hay sai, nhưng cuối cùng các bạn đều đồng ý về những lo lắng về tính riêng tư và nhân phẩm của trẻ cần được ưu tiên ngang bằng với những nguồn lực kinh tế, giáo dục mà trẻ nhận được, mà không chỉ là câu chuyện chọn một trong hai: 

Mình nên thảo luận và có những phương án đề phòng, và có thể xảy ra thật. Liệu khi làm từ thiện thì có thể tách việc sử dụng hình ảnh của các bạn không, và sử dụng tế nhị, những bức ảnh hoạt động ko có mặt của các bạn. Đồng thời cần giúp cho những người trên quê mình nhận thức được hậu quả của việc đăng hình, sử dụng hình ảnh trẻ em và những rủi ro về an toàn, xâm hại trẻ có thể gặp phải để họ thương lượng với nhà tài trợ”. 

3. Tính chủ thể của trẻ và cộng đồng địa phương - Câu trả lời khả dĩ

Chia sẻ về kinh nghiệm của mình, các bạn đều thấy tầm quan trọng của việc hiểu rõ nhu cầu, bối cảnh và mong muốn của cộng đồng trước khi bắt đầu mọi hoạt động. Là những người trẻ lớn lên từ các cộng đồng tộc người thiểu số, có những lựa chọn đi học và lập nghiệp tại Hà Nội và cũng có lựa chọn trở về quê hương, các bạn nhìn nhận những hỗ trợ thực sự có ý nghĩa cho trẻ em đến từ những cơ hội học tập theo nhiều cách khác nhau, đặc biệt là kết nối liên thế hệ từ chính các anh chị trong cộng đồng tộc người ở quê hương mình: 

Những người đã được đi học, có thể quay trở lại vùng quê của mình, có thể có buổi trò chuyện thân mật với các bạn trẻ. Có thể giúp các bạn mông lung không biết làm gì, giúp các bạn đưa ra những lựa chọn để có thể đi tiếp cho tương lai. Em là một ví dụ điển hình, lớp 9 mông lung lắm, một bác khách hàng làm hợp tác xã trà đi qua nhà em thôi và nói chuyện 2 tiếng với em, về việc có muốn đi học tiếp không, học ở Hà Nội như thế nào này. Với các bạn nhỏ thì chỉ cần 1 buổi thôi. Truyền cảm hứng với các bạn trẻ là rất cần thiết. Đến lúc sẽ không cần phải đi xa, các bạn sẽ biết những thứ đó sớm hơn, để các bạn tiếp cận với thế giới bên ngoài”. 

Nên có những đầu tư từ thiện dài hạn, tài trợ học bổng cho học sinh, hỗ trợ thư viện. Giúp cho các bạn nhận thấy vai trò của giáo dục, các bạn nhận được quan tâm và tình yêu thương từ khắp mọi miền tổ quốc, và cũng biết ngoài kia là thế giới rộng lớn và có thể nỗ lực. Cần sự giúp đỡ từ nhiều người, nhiều tổ chức kết hợp với địa phương.”

Những gợi ý, suy tư của các bạn chính là những lời tư vấn quý giá mà những cá nhân, tổ chức có nhu cầu thực hiện các hoạt động thiện nguyện, từ thiện, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, v.v nên gặp mặt, lắng nghe và tìm cách cùng hợp tác. 

Cùng với đó, khi nhắc về trẻ em là nhắc về sự thiếu chín chắn, ngây thơ, chưa hiểu chuyện thì người lớn hoặc cần can thiệp hoặc nếu không can thiệp thì được coi là không quan tâm,  nhưng nếu nhìn trẻ như những cá thể có tính độc lập và có khả năng ra quyết định và tham gia thiết kế cho những điều ảnh hưởng tới mình, cách chúng ta tương tác và xây dựng tương lai cùng trẻ sẽ mang lại nhiều lựa chọn hơn mình tưởng.

Như cách những người trẻ chúng tôi được thảo luận cùng, dù có được nhiều hỗ trợ từ gia đình, nhà trường, v,v những quyết định học tiếp hay không, đi Hà Nội hay ở lại, lấy chồng hay chờ đợi, v.v đều do họ đưa ra và chịu trách nhiệm. Vì vậy, làm từ thiện hay hỗ trợ, không chỉ làm CHO trẻ, mà còn là CÙNG trẻ. 

Previous
Previous

Truyền thông về làm nông - Bài học về sự trông cậy

Next
Next

Khi nào ta đủ trưởng thành? - Từ câu chuyện của đa dạng các nền văn hóa