Truyền thông về làm nông - Bài học về sự trông cậy
Trong lĩnh vực phát triển, truyền thông là một phần không thể thiếu của bất kỳ dự án, hoạt động nào nhưng thường bị hiểu theo nghĩa hẹp. Truyền thông thường được coi là một hệ thống truyền đạt thông tin của một tổ chức thay vì là một khái niệm rộng hơn gắn với văn hóa và tất cả các chiều kích của thay đổi xã hội.
Quan điểm hạn chế này khiến cho truyền thông ít được chú ý hơn trong các chương trình xây dựng năng lực và các sáng kiến do cộng đồng khởi xướng và thực hiện. Kết quả là tiềm năng thực sự của truyền thông trong việc đồng hành cùng cộng đồng và nuôi dưỡng phát triển bền vững phần lớn vẫn chưa được khai thác.
iSEE vẫn đang tìm kiếm, học hỏi và thực hành những cách làm mới trong quá trình đồng hành cùng các cộng đồng, bao gồm những phương pháp để tiếp cận, điều phối, nghiên cứu và cả truyền thông. Cùng iSEE khám phá câu chuyện về phương pháp truyền thông có sự tham gia của cộng đồng (PDC) thông qua dự án truyền thông về nông nghiệp đang dần “lăn bánh” tới đích của chúng mình nhé!
Phương pháp truyền thông có sự tham gia của cộng đồng
Được mô tả là "đứa con của truyền thông phát triển và nghiên cứu có sự tham gia" (Bessette, 2004), mô hình truyền thông phát triển có sự tham gia của cộng đồng (PDC) hướng tới việc cộng đồng trở thành chủ thể của thay đổi - sử dụng "giọng nói thật" của họ để nêu lên những vấn đề của cộng đồng và truyền cảm hứng cho những người khác tự trở thành người làm truyền thông trong cộng đồng.
Sự thống trị của mô hình khuếch tán và các dạng thức khác của nó (chịu ảnh hưởng của lý thuyết hiện đại hóa với cách tiếp cận áp đặt từ trên xuống, coi cộng đồng là những người thụ động và không có khả năng hành động) trong lĩnh vực phát triển đã làm lu mờ sự hiện diện của truyền thông phát triển theo hướng tham gia, mặc dù nó đã được giới thiệu từ những năm 1980. Do đó, iSEE mong muốn áp dụng PDC trong dự án truyền thông về nông nghiệp được thực hiện từ cuối năm 2023 tới nay.
Và những câu chuyện…
Cụ thể, iSEE đã lựa chọn áp dụng phương pháp truyền thông phát triển cùng cộng đồng để cùng các nhóm cộng đồng dân tộc thiểu số trong Mạng lưới Tiên Phong - Vì tiếng nói của người dân tộc thiểu số lên tiếng, khởi xướng và nuôi dưỡng những không gian nơi những vấn đề liên quan đến nông nghiệp tại địa phương được thảo luận và nghiên cứu, thử nghiệm bởi chính cộng đồng để đưa ra những cách hiểu/phương thức canh tác nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và lối sống của bà con tại địa phương.
Phương pháp này đặt cộng đồng là chủ thể của việc xác định vấn đề ở địa phương và mời gọi những người khác ở địa phương cùng tham gia trong việc giải quyết vấn đề ấy. Cụ thể, các nhóm cộng đồng từ các tỉnh thành khác nhau: Yên Bái, Hà Giang, Điện Biên, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Trị, Bình Thuận, và Đồng Nai đã xác định vấn đề liên quan đến nông nghiệp mà cộng đồng thực sự quan tâm chứ không phải vấn đề một bên khác đưa xuống hay cho là vấn đề. Các vấn đề của 10 nhóm có thể được khu trú vào ba chủ đề chính: Bảo tồn các giống cây bản địa; Chế tạo và áp dụng thuốc trừ sâu tự nhiên; và Bảo hộ lao động.
Trong suốt quá trình thực hiện tiến trình truyền thông này, mỗi nhóm đều có những mục tiêu xuất phát từ những quan sát của mọi người tại địa phương lên quan đến chủ đề.
Với nhóm về Chế tạo và áp dụng thuốc trừ sâu tự nhiên, nhóm Cẩm Thuỷ (Thanh Hóa) nhận thấy chủ yếu người dân ở địa phương vẫn dùng hoá chất bảo vệ thực vật vì nó vừa nhanh vừa tiện, với tâm lý phun cho luống rau nhà mình ăn, còn rau đi bán thì vẫn phun thuốc bình thường. Người dân ở địa phương tuy biết những hoá chất này độc, hoặc rau đi mua ở chợ có thể là rau bị phun thuốc, tuy nhiên vì tiện và nhanh nên vẫn dùng.
Điều này không tận dụng được những công thức trừ sâu dân gian do ông cha để lại và cũng không tận dụng được những nguyên liệu tự nhiên sẵn có ở địa phương (như nước điếu, lá ba trạc, ớt, tro,...) để bảo vệ chính mình và người xung quanh mình.
Cùng thuộc chủ đề này, nhóm Nghệ An từ lâu đã ấp ủ việc ghi chép lại các tri thức về thuốc trừ sâu tự nhiên. Ban đầu nhóm nói rất nhiều về việc phải có sự tham gia và đồng thuận của chính quyền địa phương thì mới nên làm; sau dần khi nói chuyện thêm với nông dân ở địa phương, nhóm nhận thấy cần phải có người tiên phong thực hiện thuốc trừ sâu tự nhiên trước, có hiệu quả thì người khác mới tin; từ đó mới tạo ra được mong muốn học thêm/biết thêm.
Với mục tiêu bảo tồn tri thức bản địa và bảo tồn nguồn nguyên liệu tự nhiên, nhóm hướng tới nhóm đối tượng sẽ cần nhất: nhóm nông dân ở địa phương. Khi bắt đầu đi phỏng vấn, nhóm nhận thấy người nông dân tại địa phương đang khá hứng thú với thuốc trừ sâu tự nhiên, vì họ đang tự tìm lại và chia sẻ cho nhau những cây có công dụng trừ sâu hay.
Đi phỏng vấn thì lộ ra cái khó là nhiều người không biết công thức làm, và trong cộng đồng người Thái ở địa phương vẫn có những người cao tuổi nắm giữ nhiều tri thức - những người này như “trạm trung chuyển” tri thức cho đời sau. Vậy nên sau khi phỏng vấn, nhóm nhận thấy ý tưởng về cuốn sách vẫn phù hợp với đối tượng, nên quyết định chuyển qua một phương án mới: chọn làm sách. Điểm mới là ngoài các công thức ông cha để lại hầu như áp dụng trên cây lúa, nhóm muốn thử nghiệm các công thức này trên rau màu hàng ngày nữa.
Một ví dụ khác là nhóm Bình Thuận với chủ đề Bảo hộ lao động. Ban đầu, nhóm nhận định rằng tuy có nhiều hướng dẫn về bảo hộ lao động như trên bao bì sản phẩm hay ở các hội thảo được tổ chức ở địa phương bởi các công ty hay tới giới thiệu sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật; nhưng do người dân chưa ý thức được tác hại lâu dài của hoá chất trừ sâu/bảo vệ thực vật đến sức khoẻ con người và môi trường xung quanh nên chưa mặc đồ bảo hộ lao động cũng như sau khi phun xong thì vứt bao bì thuốc bừa bãi.
Người dân nếu có mặc thì cũng là đồ tự chế, và cũng không nắm được thông tin về đồ bảo hộ lao động đạt chuẩn. Hơn nữa, để mua được những bộ đồ bảo hộ này cũng tốn rất nhiều tiền, “có khi làm ra mấy tấn lúa mới đủ tiền mua”. Tuy nhiên, sau khi cùng iSEE khám phá thêm bằng những câu hỏi, nhóm đã nghĩ tới những lý do khác đằng sau việc nông dân không mặc đồ bảo hộ lao động; và hiểu hơn rằng để người ta thay đổi hành vi thì cần thời gian rất dài.
Nhóm đã nói chuyện với người dân và phát hiện ra rằng việc họ không mặc đồ bảo hộ lao động vì đồ ở đây là toàn là tự chế, chủ yếu là áo mưa; mà thời tiết thì nóng vậy nên mặc áo mưa sẽ ra mồ hôi nhiều rất khó chịu. Về việc vứt rác bừa bãi, nhóm nhận ra ở địa phương có đặt 4 thùng phi để vứt rác nhưng những thùng phi này rất xa, ở tận đường chính, phải lên đấy mới vứt được; mà nhu cầu thì cần nhiều thùng hơn, thùng này sau đó ai xử lý mọi người cũng không nắm được.
Hơn nữa, việc các công ty đến hướng dẫn mặc bảo hộ lao động cũng không sát sườn vì họ chỉ đến giới thiệu sản phẩm hoá chất bảo vệ thực vật rồi rời đi. Sau khi xác định nhóm người lao động trực tiếp phun thuốc, nhóm nhận thấy những người lao động này rất thích các sản phẩm bảo vệ cơ thể được tặng trong các buổi hội thảo với các doanh nghiệp khi tổ chức tập huấn ở địa phương; vậy nên nhóm đã chọn làm khẩu trang in thông điệp và hình ảnh liên quan đến bảo hộ lao động và đưa những chiếc khẩu trang này tới với người lao động ở địa phương qua những buổi nói chuyện uống nước tâm tình là 2 sản phẩm mà nhóm đã chọn.
Tạm kết
3 ví dụ trên cho chúng ta thấy việc làm truyền thông với phương pháp truyền thông phát triển cùng cộng đồng yêu cầu các nhóm cộng đồng và người đồng hành là iSEE luôn cần sát sao và lắng nghe, tìm hiểu niềm tin và sở thích của nhóm đối tượng truyền thông và từ đó phát triển sản phẩm truyền thông dựa trên những phát hiện cụ thể như vậy.
Chúng tôi vẫn hay đùa rằng làm truyền thông cùng cộng đồng giống như tham gia một chuyến thám hiểm, vì chính tôi hay bà con cũng không biết trước được điều gì sẽ xảy ra phía trước, luôn hồi hộp và mong đợi - và trong chuyến thám hiểm ấy, các nhóm đã có rất nhiều phát hiện thú vị về nông nghiệp tại địa phương cũng như hiểu hơn về những người hàng xóm xung quanh mình.
Khi đồng hành cùng bà con, iSEE đóng vai trò người đồng hành, điều phối cho tiến trình thảo luận và ra quyết định của cộng đồng; cùng cộng đồng tiếp nhận và xử lý thông tin; đặt câu hỏi để mọi người nghĩ thêm và đưa thêm góc nhìn/lựa chọn. Tất cả đều được làm dựa trên sự tôn trọng và tin tưởng vào nhau và vào những tác động mình tạo ra, dù là nhỏ nhất, tới cộng đồng của mình.
*Tài liệu tham khảo: Bessette, G. (2004) Involving the community: A guide to participatory development communication. Ottawa, Canada: IDRC Books.