Khi nào ta đủ trưởng thành? - Từ câu chuyện của đa dạng các nền văn hóa

Lần gần đây nhất bạn suy nghĩ về khái niệm “đủ trưởng thành” là khi nào? Hoặc, có bao giờ bạn nghĩ tại sao có những thực hành được coi là “sớm” với người này, nhưng lại là bình thường với người khác? 

18 tuổi được coi là một dấu mốc phổ biến để đánh dấu sự trưởng thành về pháp luật. Vậy trong cuộc sống thường ngày, là một người Việt Nam, khi qua 18 tuổi bạn có nhận thấy sự độc lập và tự chủ rõ rệt so với trước đó không? 

Ở các cộng đồng người với những văn hóa khác nhau, “trưởng thành” được “đo đếm”  thế nào? Đi kèm với đó là những kỳ vọng gì? 

Nhân Ngày Thế giới về Đa dạng Văn hóa vì Đối thoại và Phát triển, hãy cùng iSEE thảo luận về sự đa dạng trong cách hiểu về sự “trưởng thành” ở tộc người Samoa, Hupa ở Mỹ và người Mông tại Mù Căng Chải, Việt Nam nhé!

***

Quan niệm về sự trưởng thành hay các tiêu chí đánh dấu sự trưởng thành của một con người là kiến tạo của nền văn hoá của cộng đồng mà người đó thuộc về. Vì vậy, các truyền thống và thực hành văn hoá khác nhau sẽ tạo nên những cách hiểu và thực hành khác nhau về sự trưởng thành. 

1. Trưởng thành trong cộng đồng người Samoa

Độ tuổi phổ biến đánh dấu sự trưởng thành của một người Samoa là 15 hoặc 16 tuổi. Trước độ tuổi này, họ sẽ không tham gia hoạt động có tính tập thể nào ngoại trừ việc chơi đùa cùng nhau. Những công việc họ được giao cho làm thường là trông em bé nhỏ hoặc làm những công việc vụn vặt. 

Tuy nhiên, khi đã dậy thì được 1 hoặc 2 năm, những người nam và người nữ sẽ được tham gia vào những hội nhóm riêng của người trưởng thành và được công nhận bởi cộng đồng. Khi tham gia vào những hội nhóm này, họ sẽ được hướng dẫn và thực hiện rất nhiều trách nhiệm và đặc quyền của đời sống cộng đồng. 

Cụ thể, hội nhóm của những người nam trưởng thành có tên là Aumaga, và khi một người được coi đã đến tuổi trưởng thành, người đứng đầu gia đình sẽ gửi một món quà tới hội Aumaga để thông báo rằng con của họ sẽ gia nhập hội và đã có thể tham gia vào những công việc chung của hội trong các buổi nghi lễ quan trọng của cộng đồng.

Tương tự, với người nữ, khi đến tuổi trưởng thành, người đứng đầu gia đình sẽ gửi đồ ăn tới nhà của trưởng làng và thông báo rằng họ muốn con gái của mình được gia nhập vào hội nhóm Aualuma - nhóm của những cô gái trưởng thành. 

2. Trưởng thành với người Hupa ở Mỹ

Rời Samoa đến bang California, Mỹ, nơi tộc người Hupa sống ở thung lũng Hoopa rộng lớn, cách San Francisco 350 dặm về phía Bắc; nơi những người nữ được coi là đã trưởng thành khi họ trải qua kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Kỳ kinh nguyệt này được đánh dấu bằng nghi lễ Flower Dance - một nghi lễ kéo dài có thể đến 10 ngày khi cả cộng đồng cùng chúc mừng sự kiện lớn này của người nữ.

Kỳ kinh nguyệt đầu tiên được coi là một điềm may mắn vì giờ đây người nữ đã có sức mạnh nội tại đủ lớn để kết nối với năng lượng của vũ trụ - năng lượng này vô cùng hữu ích khi thầy lang không thể chữa khỏi bệnh cho một người và cần đến sự trợ giúp từ nguồn năng lượng may mắn này. Trích lời của nhà tâm lý học Carol Markstrom, “Kinh nguyệt được xem như một dạng quyền năng, đặc biệt là kỳ kinh nguyệt đầu tiên, đối với rất nhiều nền văn hoá Mỹ bản địa vì nó được xem như một sự tiếp nối của thứ năng lượng đã tạo nên sự sống và sự tái sinh của Trái đất.”

3. Trưởng thành với người Mông Lềnh ở Mù Cang Chải, Việt Nam

Ở cộng đồng người Mông Lềnh ở Mù Cang Chải, sự trưởng thành gắn nhiều với sự giàu có về kinh nghiệm sống và sự từng trải trong các vấn đề trong cuộc sống, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hôn nhân. Sự giàu có này không hề gắn với tuổi tác, vậy nên, một người có thể được coi là chưa trưởng thành ở một cộng đồng khác đã được nhìn nhận là hoàn toàn trưởng thành ở cộng đồng người Mông Lềnh.

Một người đã kết hôn, vì vậy, có được sự công nhận của cộng đồng về khả năng đảm nhiệm những chức vụ liên quan trong gia đình mới của mình cũng như có quyền tham gia những sự kiện của cộng đồng với những vai trò mang tính quyết định. Đặc biệt, nếu người nam và người nữ đã kết hôn và đã có con, họ thường sẽ tham gia vào các sự kiện chung của cộng đồng như lễ nghi, cưới hỏi,... với vai trò chức sắc cụ thể. 

Ví dụ trong lễ cưới, người nam, khi này đã là bố (trong tiếng Mông là txiv, ngoài ra còn có thể dùng để chỉ chuyên gia/thầy), sẽ đóng vai trò txiv tuam meej koob - người đại diện cho phái đoàn của dòng họ để lo và giải quyết các vấn đề trong hôn sự. Bên cạnh đó, người nữ (trong tiếng Mông là nam, ngoài ra còn có thể dùng để chỉ chuyên gia), khi này đã là mẹ, sẽ đóng vai trò nam ua mob - người nấu cơm trong lễ cưới. 

Ngoài ra, nếu tên của người nam có 3 chữ, tức có thêm tên đệm, thì người này càng được coi là trưởng thành hơn. Thường khi người nam và người nữ kết hôn và có con, họ sẽ tổ chức lễ đặt tên cho con và trong lễ đấy sẽ đặt tên đệm cho người bố luôn.

Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều người cảm thấy họ đang bị “ép” để trưởng thành theo quan niệm về trưởng thành của người Mông vì không phải ai kết hôn rồi cũng đã có đủ kinh nghiệm sống, theo quan sát của anh Tuam Khaab - người Mông Lềnh ở Mù Cang Chải. 

***

Có thể thấy việc hiểu về sự trưởng thành không chỉ mang tính tương đối giữa các cộng đồng khác nhau mà còn là giữa những cá nhân khác nhau trong cùng một cộng đồng. Vậy nên, iSEE muốn mở ra 1 không gian thảo luận nơi cách hiểu về sự trưởng thành có thể gắn gần nhất với trải nghiệm sống cá nhân của một người. Hãy cùng chia sẻ trải nghiệm về sự trưởng thành của bạn với iSEE nhé! 

Tài liệu tham khảo:

- Baldy, R.C. (2018) We are dancing for you: Native feminisms and the revitalization of women’s coming-of-age ceremonies. Seattle: University of Washington Press. 

- Mead, M. and Boas, F. (1928) Coming of age in Samoa: A psychological study of primitive youth for western civilisation. New York: The New American Library. 

- Trích từ phỏng vấn anh Tuam Khaab, ngày 09/05/2024


Previous
Previous

Từ thiện với trẻ em: Một cuộc đối thoại khó

Next
Next

Đi du lịch: Hãy hỏi thêm, để học thêm