Từ xu hướng biến hình, MV ca nhạc tới du lịch: Trang phục các dân tộc thiểu số đang được nhìn nhận và sử dụng thế nào?
Nếu ngay bây giờ có mong muốn sử dụng trang phục dân tộc thiểu số cho một bộ ảnh chụp, bạn sẽ tìm kiếm và sử dụng trang phục từ đâu và như thế nào? Qua quá trình tìm hiểu, iSEE nhận ra thực hành này trên các sản phẩm truyền thông hoặc khi đi du lịch đặt ra vấn đề phức tạp nhiều hơn chỉ là trang phục đó đúng hay sai so với trang phục gốc của các tộc người.
Trong nhiều xu hướng văn hóa và giải trí đại chúng, nhiều bộ trang phục được cho là của dân tộc thiểu số thực chất là những bộ trang phục mang phong cách “dân tộc", “thổ dân” hoặc “thổ cẩm” một cách chung chung, dù có thể có một vài chi tiết hoặc lấy cảm hứng từ trang phục của các tộc người thiểu số. Chúng được tạo ra và mặc với một hình dung rằng nó là đồ “dân tộc”, mang tính đại diện cho tất cả những gì được coi là dân tộc thiểu số.
Vậy “dân tộc thiểu số” đang được hình dung và thể hiện thế nào qua việc sử dụng trang phục ở những thực hành trên? Hãy cùng iSEE khám phá qua bài viết với sự cố vấn về nội dung từ Hà Yến Chi, thạc sĩ Nghiên cứu Đông Nam Á năm 2022 và hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Nhân học Văn hoá tại trường Đại học California Riverside.
1, Trang phục dân tộc thiểu số trong xu hướng “biến hình”
Xu hướng “biến hình” ở Trung Quốc
Xu hướng biến hình là xu hướng nổi tiếng trên nền tảng TikTok và được rất nhiều người dùng hưởng ứng. Trong các video này, những người sáng tạo nội dung nhờ vào nhiều yếu tố như trang điểm, thay đổi trang phục, hiệu ứng đẹp mắt,... để sau khi “biến hình”, trở nên xinh đẹp, mới lạ hơn so với bản thân thường ngày, như thể vừa có sự “lột xác”.
Vào cuối năm 2022, việc mặc trang phục của cộng đồng dân tộc thiểu số khi quay xu hướng biến hình được khởi xướng bởi những người dùng trên nền tảng Douyin (nền tảng video ngắn dành riêng cho người dùng ở Trung Quốc). Những video biến hình này phô diễn vẻ đẹp đa dạng của trang phục đến từ những nhóm dân tộc khác nhau. Phần lớn các nhân vật trong những video biến hình thường này thường mặc đồ truyền thống của các dân tộc. Ngoài ra, cũng có một số người mặc trang phục giống tạo hình trong phim, ví dụ như video người Hán mặc Hán phục (hanfu) và người Mãn mặc Mãn phục.
Những trang phục được sử dụng trong những video biến hình rất đa dạng, bao gồm cả trang phục truyền thống và trang phục đã được thay đổi và cách tân. Ở một số video, người xem còn có thể biết thêm những thông tin như trang phục đang được mặc là trang phục của nhóm dân tộc nào, thông tin nhân khẩu học hiện tại nhờ những dòng chú thích được đính kèm trực tiếp cùng video. Xu hướng biến hình này đã nhận được nhiều sự quan tâm từ người dùng trên mạng xã hội Douyin, và có đến 55 nhóm dân tộc khác nhau ở Trung Quốc hiện diện trong xu hướng này.
Xu hướng “biến hình” ở Việt Nam
Cùng thời điểm ấy, mạng xã hội ở Việt Nam cũng xuất hiện trào lưu này, chủ yếu nở rộ trên nền tảng TikTok. Vào tháng 7 năm 2023, xu hướng biến hình mặc đồ dân tộc thiểu số lại phổ biến trở lại khi bản remix ca khúc “À Lôi” của Double2T ra đời. Xu hướng này khiến nhiều bạn trẻ tò mò với văn hóa nói chung và trang phục của các tộc người thiểu số nói riêng. Những người sáng tạo nội dung nổi bật trong trào lưu này cũng thể hiện mong muốn lan tỏa nét đẹp của các tộc người ở Việt Nam tới không chỉ giới trẻ mà còn bạn bè quốc tế.
Xuất phát từ mong muốn ấy, thế nhưng phần lớn trang phục trong các clip không phải trang phục của các tộc cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Trong một vài video có lượng tương tác cao, người sáng tạo nội dung xuất hiện trong video mặc trang phục của người Miêu ở Trung Quốc. Sự xuất hiện của trang phục người Miêu trong xu hướng biến hình này có thể xuất phát từ sự phân chia nhóm dân tộc của người Mông ở Việt Nam và người Miêu ở Trung Quốc.
Dân tộc Miêu là dân tộc đông dân thứ năm ở Trung Quốc, với hơn 9 triệu người sống rải rác khắp các tỉnh phía Nam. Miêu là một thuật ngữ Trung Quốc và không phản ánh cách tự gọi của các nhóm người thành phần, bao gồm (với một số cách viết khác nhau) Hmong, Hmu, Xong (Qo-Xiong) và A-Hmao. Một phần cộng đồng người Miêu ở Trung Quốc tự nhận định bản thân là người Mông và nói tiếng Mông như người Mông ở Việt Nam và trên thế giới. Vì thế, chúng ta có thể quan sát thấy sự giao thoa lẫn nhau về trang phục của người Mông Việt Nam và người Miêu ở Trung Quốc.
Có một quan sát thú vị bên lề là một số bạn trẻ người Mông ở các địa phương cũng học hỏi các hoa văn trên trang phục của người Miêu ở Trung Quốc để đưa vào trang phục truyền thống vào các dịp lễ Tết. Điều này cũng một phần nào chỉ ra rằng trang phục truyền thống của các tộc người không phải là thứ bất biến, được đóng lại trong khung kính mà trải qua sự thay đổi, làm khác đi bởi chính người trong cộng đồng để phù hợp hơn với nhu cầu, thị hiếu của họ.
Tuy nhiên, khi quay trở lại xu hướng “biến hình”, ta có thể thấy đa phần những người tham gia xu hướng sử dụng những bộ trang phục mang phong cách “dân tộc", “thổ dân” hoặc “thổ cẩm” một cách chung chung. Cụ thể, nhiều bộ trang phục được mặc trong xu hướng này không phải là trang phục của một tộc người cụ thể mà được tạo ra và mặc với một hình dung rằng nó là đồ “dân tộc”, mang tính đại diện cho tất cả những gì được coi là dân tộc thiểu số.
Chất liệu và kiểu mẫu của những bộ trang phục “dân tộc” chung chung này được lấy cảm hứng từ trang phục thực tế của cộng đồng dân tộc thiểu số, ví dụ như trong màu sắc chủ đạo hoặc cách sắp xếp họa tiết, hoa văn, nhưng đồng thời cũng có những chi tiết được thêm thắt dựa trên hình dung phổ biến về cái được gọi là “dân tộc thiểu số” ở Việt Nam: những phụ kiện, chi tiết gợi nhắc tới các bộ lạc nguyên thủy, ban sơ, những nền văn hóa gắn với núi rừng hoang sơ, hùng vĩ, nói tóm lại là những cộng đồng người xa rời và khác biệt với cái được coi là văn minh, hiện đại.
Cách lựa chọn và thể hiện những bộ trang phục này có nét tương đồng với chủ nghĩa ngoại lai, một xu hướng trong nghệ thuật và thiết kế mà ở đó các nghệ sĩ say mê với những ý tưởng và phong cách từ các vùng xa xôi và lấy cảm hứng từ chúng, đặc biệt khắc họa những con người và nền văn hóa xa xôi này dưới lăng kính lạ hóa, lãng mạn hóa và cả tình dục hóa.
Ví dụ có thể kể đến những mẫu rập khuôn gắn với phụ nữ Romani như bí ẩn, lãng mạn, quyến rũ tới mức cám dỗ, biết trước tương lai và có sức mạnh siêu nhiên, hoặc sự sùng bái quá mức (fetishization) với phụ nữ châu Á thông qua những cách khắc họa như vâng lời, chịu đựng, phục tùng về mặt tình dục. Tương tự, trong xu hướng “biến hình”, không khó để bắt gặp một số video hoặc bình luận thổi phồng vẻ đẹp lạ của “trai bản”, “gái bản” với những khuôn mẫu theo hướng lãng mạn hóa như ngây thơ, trong trắng (với nữ) hoặc vạm vỡ, nam tính (với nam).
Trong xu hướng biến hình, nhiều bộ trang phục được cho là của “dân tộc thiểu số” là sản phẩm của việc kết hợp nhiều trang phục lấy cảm hứng từ nhiều nền văn hoá khác nhau. Nhiều trang phục được mặc trong các clip của xu hướng này được lấy cảm hứng từ những tạo hình mang hơi thở thảo nguyên hoặc từ các phim cổ trang Trung Quốc, phong cách new age/boho-chic - pha trộn từ phong cách bohemian xuất phát ở châu Âu (từ người Romani du mục hay còn gọi là người Gypsy) và phong cách hippie những năm 60 - bên cạnh đó còn có các chi tiết lấy cảm hứng từ văn hoá của người Mỹ bản địa.
Những kiểu phụ kiện hay chi tiết thường thấy của phong cách “dân tộc” này có thể kể đến lông, tóc tết, phối kết hợp giữa nhiều món trang sức kim loại, sự tổng hợp của màu sắc rực rỡ và các hoa văn trên trang phục gợi nhắc tới những tấm thổ cẩm của các tộc người thiểu số, nhưng thực chất không phải thổ cẩm của dân tộc nào. Không chỉ trong những video trên TikTok, việc mặc trang phục theo hướng “dân tộc” không chính xác này đã xuất hiện từ trước trong những MV ca nhạc Việt Nam nổi tiếng như “Tình Yêu Màu Nắng” (Big Daddy), “Rằng Em Mãi Ở Bên” (Bích Phương).
Việc sử dụng trang phục theo kiểu “dân tộc” chung chung trong những video nói riêng và sản phẩm truyền thông đại chúng nói chung vô tình làm mờ đi những cái tên, những nền văn hóa rất đặc trưng đằng sau mỗi bộ trang phục. Bên cạnh đó, việc không có phụ đề để cung cấp thêm thông tin một phần nào đó gây khó khăn cho công chúng trong việc nhận biết nguồn gốc và bối cảnh của trang phục trong các video.
Báo Dân tộc và Phát triển - Cơ quan ngôn luận của Ủy ban Dân tộc mới đây cũng đề cập tới vấn đề này trong bài viết “Cần sự cẩn trọng khi "bắt hot trend” sử dụng hình ảnh của đồng bào DTTS”: “Thực tế, trong không gian giao thoa văn hoá mạnh mẽ và ảnh hưởng của mạng xã hội như hiện nay, việc vay mượn, sử dụng các tư liệu văn hoá của các cộng đồng dân tộc thiểu số là xu hướng không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, khi giới trẻ sử dụng trang phục dân tộc hoặc sử dụng hình ảnh của đồng bào dân tộc thiểu số trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, cần có cái nhìn cẩn trọng để tránh hiểu sai lệch về bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.”
2, Sử dụng trang phục dân tộc thiểu số khi đi du lịch
Một trong những nguyên nhân khiến xu hướng biến hình kể trên dễ dàng trở thành một trào lưu “hot”, nhanh chóng thu hút số lượng người lớn quan tâm và làm theo vì nó nằm trong một “mạch chảy” gồm rất nhiều thực hành sử dụng trang phục (được xem là) của các tộc người thiểu số phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Những thực hành khác xảy ra từ rất lâu và với tần suất lớn có thể kể đến như mặc trang phục của các tộc người thiểu số để biểu diễn nghệ thuật hoặc thuê/mua trang phục của các tộc người bản địa để chụp ảnh khi đi du lịch. Trong nhiều trường hợp, rất ít nỗ lực được đặt ra về việc liệu các bộ trang phục đã được sử dụng chính xác để truyền tải giá trị văn hóa và ghi danh cộng đồng sở hữu chúng hay chưa.
Ở Việt Nam, việc mặc trang phục truyền thống của các tộc người thiểu số ở các khu du lịch như Sa Pa (Lào Cai), sông Nho Quế (Hà Giang), vv… đã trở thành một thực hành quen thuộc với rất nhiều khách du lịch, có thể xuất phát từ nhu cầu thể hiện một bản thân mới mẻ hơn hoặc mong muốn lan tỏa nét đẹp văn hóa của các tộc người bản địa. Tuy nhiên, việc khoác lên mình bộ trang phục của một tộc người khác mà không hiểu rõ bối cảnh, cách mặc cũng như ý nghĩa của nó có thể dẫn tới những hiểu nhầm giữa người trong và ngoài cộng đồng; cũng như thể hiện sự không tôn trọng đối với văn hoá của các tộc người tại địa phương có điểm du lịch.
Tại tỉnh Ninh Thuận, nơi có nhiều du khách đến “check in” tại các đền tháp Chăm, dù cộng đồng Chăm không có quy định về trang phục mặc khi lên đền tháp nhưng việc mặc quần đùi, áo ba lỗ hay váy ngắn được cộng đồng coi là không phù hợp; tuy nhiên, hiện tượng này lại xảy ra rất thường xuyên. Anh Jaka, người Chăm sinh sống ở Ninh Thuận, cho biết anh thường xuyên chứng kiến cảnh khách du lịch ăn mặc và có những hành động không phù hợp trong khu vực đền tháp như chụp ảnh đám cưới hay lên tháp tạo dáng theo các tư thế của bộ môn yoga để chụp hình. Đối với anh Jaka nói riêng và tộc người Chăm nói chung, những hành động này không phù hợp vì đền tháp là nơi linh thiêng - đây không chỉ là một thực thể kiến trúc dành cho công chúng thưởng lãm mà còn là ngôi nhà trú ngụ của những vị thần. Trước đây, chỉ có các tu sĩ và những người phục vụ lễ mới được phép đi vào khu vực đền tháp trong bốn dịp lễ hàng năm của người Chăm; ngoài ra, bình thường không ai dám đi lên đền cả.
Ở bản Cát Cát, Sa Pa, Lào Cai, việc các hộ gia đình cho thuê trang phục truyền thống của các tộc người cũng rất phổ biến. Chị Sùng Thị Lan, người Mông ở xã Tả Van, Sa Pa nhận thấy rằng có rất nhiều người cho thuê trang phục không phải của các tộc người ở địa phương; thay vào đó, những bộ trang phục Mông Cổ, Tây Tạng hay trang phục của người Thái Lan lại được những người kinh doanh ở bản Cát Cát sử dụng cho khách du lịch thuê. Về phần khách du lịch, họ có thể mới chỉ quan tâm tới thẩm mỹ mang tính cá nhân khi thuê trang phục truyền thống mà chưa chú ý tới trang phục này là của tộc người nào, ý nghĩa của trang phục và những hoa văn ở từng phần, hay bộ trang phục được tạo ra như thế nào.
Nếu chỉ nhìn ở góc độ kinh tế, việc cho thuê và mặc trang phục truyền thống của các tộc người là một cách giúp tăng thu nhập cho người dân địa phương và giúp họ quảng bá các sản phẩm may mặc thủ công của mình. Tuy nhiên, những người dân bản địa như chị Lan và anh Jaka đều mong muốn đề xuất những lưu ý dành cho cả khách du lịch và người kinh doanh du lịch để không xảy ra hiện tượng chiếm dụng văn hoá hay thiếu tôn trọng với trang phục của các tộc người.
Với trường hợp ở tháp Chăm, những người quản lý đền tháp có thể phổ biến những nguyên tắc hành xử để khách du lịch được biết và điều chỉnh hành vi cũng như phục trang của mình. Với việc mặc trang phục cổ trang hay trang phục của nước khác ở Sa Pa, chị Lan mong muốn những người kinh doanh du lịch chỉ lựa chọn cho thuê những trang phục truyền thống của các tộc người ở địa phương như một cách giúp du khách hiểu hơn về văn hoá địa phương. Người cho thuê trang phục cũng cần giải thích về các loại trang phục, giới thiệu về ý nghĩa và cách mặc sao cho đúng với quan niệm của các tộc người.
Bên cạnh tiếng nói của người dân ở các địa phương, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai và Hà Giang cũng đã vận động và phổ biến tới những hộ kinh doanh dịch vụ việc chỉ cho thuê trang phục truyền thống của các tộc người ở địa phương bên cạnh những chiến dịch lan tỏa nét đẹp và ý nghĩa của những bộ trang phục này tới du khách. Không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia nổi tiếng với những điểm du lịch tâm linh khác như Campuchia và Thái Lan cũng có những động thái tương tự với cả du khách trong nước và quốc tế. Cụ thể, du khách khi tới tham quan đền Angkor Wat cần mặc trang phục nghiêm chỉnh, và nếu có nhu cầu thuê trang phục truyền thống Khmer thì cần phải mặc đúng theo quan niệm của người Khmer; nếu không, du khách có thể bị từ chối vào tham quan đền hoặc không được chụp ảnh quanh khu vực đền.
Những lưu ý nhỏ như trên sẽ góp phần thay đổi tâm thế của công chúng nói chung khi tiếp xúc với những văn hóa khác mình, và cần được thực hành bởi cả du khách và người kinh doanh dịch vụ ở các điểm du lịch.
3, Kết luận và khuyến nghị
Ngành giải trí du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy mối quan tâm của công chúng về các nền văn hoá khác nhau. Việc người sáng tạo nội dung hoặc du khách tới một địa điểm mới và khoác lên mình những bộ trang phục mới lạ được cho là có tính 'bản địa' có thể là một trong những cách tìm hiểu. Để tận dụng được mối quan tâm này, các cộng đồng tộc người địa phương có thể tham gia vào theo nhiều cách khác nhau để gia tăng lợi ích cho tất cả các bên. Do đó, người dân địa phương dù muốn hay không, cũng có phần tham gia vào hệ thống này để nhận lợi ích về mặt kinh tế.
Khi khách du lịch thuê trang phục, họ thường chỉ quan tâm đến mặt thẩm mỹ mà trang phục mang lại, ít khi quan tâm đến giá trị và ý nghĩa thực sự của trang phục truyền thống của các tộc người tại địa phương. Mặt khác, người cho thuê trang phục, với mục tiêu đơn thuần để đáp ứng nhu cầu chụp ảnh check-in của khách du lịch, có thể không cung cấp nhiều thông tin hoặc giải thích về nguồn gốc cùng các thông tin về bối cảnh khác của trang phục.
Tuy vậy, cả khách du lịch và người cho thuê trang phục không phải là những nhân tố thụ động, hoàn toàn dễ bị dẫn dắt để tuân theo hệ thống vận hành với mục đích cao nhất là kinh tế ấy. Cả người bán và người mua các dịch vụ sử dụng văn hóa của các tộc người thiểu số đều có thể là nhân tố chủ động tạo ra những thay đổi, tạo ra những luật chơi mới cho một trò chơi đã cũ nhưng khó có ai có thể từ chối chơi theo, thậm chí là cơ hội để đặt ra những câu hỏi với chính trò chơi ấy.
Một vài gợi ý từ chúng tôi để chúng ta có thể bắt đầu tạo nên sự thay đổi là:
Tìm hiểu kỹ hơn về văn hoá nơi mình đến, bao gồm trang phục và các thực hành văn hoá để thuê và mặc đúng trang phục của các tộc người sinh sống và tạo nên bản sắc văn hóa của chính địa phương đó.
Tăng tương tác và giao lưu sâu hơn với người bản địa để tìm hiểu văn hoá của họ. Trong rất nhiều trường hợp, khi đã có những tương tác sâu hơn, người trong cộng đồng có thể tự đề nghị cho khách du lịch mặc thử quần áo truyền thống của mình như một hành động thể hiện sự hiếu khách và quý mến và giải thích về ý nghĩa trang phục cho khách
Mua đồ thủ công người bản địa tự làm với mức giá phù hợp thay vì các món đồ sản xuất hàng loạt và được nhập giá rẻ.