10 năm rực rỡ của "Tôi Đồng Ý”
Viện iSEE và Trung tâm ICS vừa tổ chức buổi kỷ niệm hành trình 10 năm của chiến dịch Tôi Đồng Ý. Đồng thời, trong buổi lễ này, phim ngắn “Hôn nhân vô hình” cũng được giới thiệu với những thông điệp ý nghĩa và đem câu chuyện về hôn nhân cùng giới gần hơn đến với cộng đồng.
“Để việc người LGBT được công nhận không chỉ ở trong luật pháp mà còn trong cuộc sống, thay đổi trái tim, khối óc của từng người Việt Nam”
Rất nhiều các phong trào xã hội bền bỉ bắt đầu bằng những trải nghiệm, cảm xúc, quan sát và sự nhạy cảm của một số cá nhân. Và rồi dần dần, như những ngọn cỏ với sức sống mãnh liệt không ngừng lần tìm những ô đất và mạch nước, tấm thảm xanh dần lan tỏa tới mọi ngóc ngách và phủ mơn mởn những vùng đất tưởng như đã khô cằn.
Trong ký ức của những người đồng hành cùng Tôi Đồng Ý, hành trình một thập kỷ hướng tới hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới cũng xuất phát từ những vui buồn cá nhân, của sự nhìn và thấy đó của những con người bình thường với những mưu cầu hạnh phúc bình đẳng như những cá nhân khác trong xã hội.
Nhưng để “Hành trình Rực rỡ” ấy được hiện thực hóa và tiếp nối với niềm hy vọng không ngơi nghỉ, phải nhắc tới nỗ lực và sự ủng hộ của nhiều bên như các nhà báo, luật sư, các nhà vận động, đặc biệt là các cặp đôi đã tin tưởng Tôi Đồng Ý như một người trung gian đưa thư, cũng như những người sáng tạo đã đồng hành cùng Tôi Đồng Ý để giúp kể câu chuyện một cách mới mẻ và hay nhất có thể như đạo diễn Nông Nhật Quang với phim ngắn “Hôn nhân vô hình”. Và không thể kể đến sự ủng hộ từ công chúng với việc đóng góp chữ ký cho chiến dịch, mà tới nay đã thu nhận được 44.803 chữ ký đã được xác nhận.
Hơn một phong trào vận động cho hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới, vào thời điểm khởi động là năm 2013 với bối cảnh xã hội khác biệt và có phần khắc nghiệt hơn với cộng đồng LGBT so với hiện tại, Tôi Đồng Ý đã góp phần thay đổi nhận thức của xã hội, người dị tính và người trong chính cộng đồng, để việc người LGBT được công nhận không chỉ ở trong luật pháp mà còn trong cuộc sống.
Tôi Đồng Ý hướng tới “thay đổi trái tim, khối óc của từng người Việt Nam để huy động sự ủng hộ một cách đa dạng nhất có thể đối với quyền của người thuộc cộng đồng LGBT.” - Chia sẻ của anh Vương Khả Phong, Phó Giám đốc Chương trình tại Viện iSEE, một trong những cá nhân đã đồng hành cùng Tôi Đồng Ý từ những ngày đầu.
Một dấu mốc quan trọng với một chiến dịch như sự kiện kỷ niệm 10 năm “Hành trình Rực rỡ” của Tôi Đồng Ý không thể thiếu những nghi thức có tính biểu tượng. Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất ở sự kiện là nghi thức trao giấy chứng nhận chung đôi của các cặp đôi cùng giới đến tham dự chương trình. Chỉ là một tấm giấy A4 có tính tượng trưng, nhưng giây phút đó cả sân khấu và khán giả tưởng chừng như vỡ òa bởi niềm hy vọng rằng một ngày nó sẽ trở thành tờ giấy được công nhận về mặt pháp lý để đảm bảo quyền lợi cho các cặp đôi trong cộng đồng LGBTI.
Hôn nhân cùng giới: Dần thoát khỏi vùng cấm trong thảo luận xã hội nhưng vẫn mắc kẹt trong vùng xám của khung pháp lý
Trong phiên chiếu và thảo luận về phim ngắn “Hôn nhân vô hình”, một trong những phấn được mong chờ nhất bởi cơ hội mở ra những thảo luận về thực tế của kết hôn cùng giới trong bối cảnh Việt Nam, những khoảng xám được nhắc tới rất nhiều. Vùng xám, đặc biệt trong khuôn khổ pháp lý, hiển hiện ở mọi khía cạnh trong quá trình lập gia đình của các cặp đôi cùng giới, và cũng là một trong những động lực để đạo diễn Nông Nhật Quang bắt đầu thực hiện tác phẩm phim ngắn của mình.
Với hai nhân vật chính trong bộ phim và cũng là hai trong bốn khách mời trong phiên thảo luận, anh Đức Minh và Minh Hoàng, Tôi Đồng Ý là một hành trình ghi dấu sự thay đổi: Từ việc thấy tội lỗi với chính bản thân mình, cha mẹ và cả xã hội, nghĩ mình trái với mọi thứ và "không có cơ hội ngóc đầu lên đâu" cho đến phát hiện mình không cô đơn, lạc lõng, bình đẳng với những cá nhân khác và có quyền mưu cầu hạnh phúc cho bản thân.
Từ việc hai anh không cảm thấy thoải mái và cần thiết để chia sẻ câu chuyện của mình như một thông điệp truyền cảm hứng do ở thời điểm đó đang chung sống với nhau một cách yên bình, cho đến cảm thấy được thuyết phục nhờ sự kiên trì và cam kết đồng hành của đội ngũ làm Tôi Đồng Ý:
“Mình nhận ra ông trời cho mình hạnh phúc này không phải không có lý do, khi nhận được món quà ông trời cho mình thì cũng phải trả lại cho xã hội, cho cộng đồng. Chính vì vậy chúng mình lựa chọn kể lại câu chuyện của mình ra, khi đó may mắn sẽ có một hai người, không ít thì nhiều có những người như những cá nhân đang ngồi bên dưới đây sân khấu đây đồng hành và chia sẻ cùng mình.”
Trong trải nghiệm chung sống và vun đắp gia đình nhỏ của mình, sắc xám ấy với anh Minh Hoàng hiện lên rõ nét vào lễ khai giảng đầu tiên của con trai mình:
“...Nhưng cái buồn nhất là không được thể hiện tình cảm người cha của mình. Ngày khai giảng của con mình đã phải lùi lại về phía sau, không dám dắt tay con vào lễ khai giảng. Mình sợ con bị kì thị do ký ức ngày xưa mình bị bắt nạt, sợ mình làm ảnh hưởng tới tương lai của con. Quyền cơ bản nhất là quyền mưu cầu hạnh phúc, được làm cha mình đã không có được.”
“Có những ngày anh Minh đi công tác, con mình đau ốm phải đưa đến bệnh viện khám. Mình vẫn nhớ bác sĩ liên tục hỏi mình những câu như ‘Thế bố mẹ của cháu đâu?’, ‘Anh là chú của cháu à? Sao lại mang họ khác với cháu? Sao làm chú mà biết nhiều về cháu mình thế?’”, anh Hoàng chia sẻ thêm về những khó khăn trong quá trình nuôi dạy con trai của hai anh.
Khi lên tiếng về câu chuyện của mình, hai anh “không đòi hỏi những quyền cao sang mà chỉ muốn được làm cha, làm bố”, được cất hai tiếng gọi “Con ơi” một cách thân thương và không giấu giếm, được thể hiện một thứ tình cảm rất đỗi tự nhiên cần được bảo vệ bằng việc công nhận những quyền cơ bản nhất của con người.
Dù quyết định có con và nuôi dạy hai con cùng nhau, nhưng do không được đứng tên trên giấy khai sinh, hai anh Minh và Hoàng chia nhau để mỗi người đứng tên trên giấy tờ nhận nuôi một người con. Luật sư Đinh Hồng Hạnh, điều phối buổi thảo luận chia sẻ trải nghiệm “chia con” này thông thường được nhắc tới khi các cặp đôi tiến hành thủ tục để ly dị, chứ không phải khi mới bắt đầu cuộc sống gia đình. Mở đầu của các cặp đôi cùng giới lại là kết thúc của các cặp đôi dị tính.
Những câu chuyện về tổ ấm nhỏ của hai anh cũng đong đầy bởi những khoảnh khắc đáng nhớ bên cạnh những người thương yêu. Tham gia sự kiện kỷ niệm 10 năm bắt đầu chiến dịch Tôi Đồng Ý, hai anh cũng đã đưa con trai cả cả mình tới tham dự, với mong muốn thông qua sự kiện, con trai sẽ hiểu về bố, về gia đình của mình hơn. “Mong con hãy tự hào nói rằng gia đình mình tuy khác biệt nhưng đặc biệt với chính mình là đủ rồi.”
Hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới và mưu cầu chính đáng của cộng đồng LGBTI
Những trải nghiệm của anh Hoàng và Minh không phải cá biệt mà chia sẻ nhiều điểm tương đồng với các cặp đôi LGBT khác trong quá trình vun đắp tổ ấm. Theo chia sẻ của chị Đặng Thùy Dương, Quản lý Chương trình Quyền LGBTI tại Viện iSEE về các nghiên cứu mà iSEE đã thực hiện, việc có con của các cặp đôi LGBTI luôn là một tiến trình với rất nhiều thảo luận thấu đáo và cân nhắc kỹ lưỡng, do những khó khăn về cả pháp luật và bối cảnh xã hội.
Bên cạnh đó còn có rất nhiều khó khăn liên quan tới thủ tục pháp lý khác như các giấy tờ hộ tịch, sở hữu nhà đất, tài sản chung, hay trở ngại trong việc đại diện hợp pháp cho người yêu, bạn đời để họ có thể an tâm cống hiến và gia tăng giá trị cho xã hội. Quan trọng hơn cả, chiến dịch Tôi Đồng Ý không chỉ tập trung vào việc giải quyết các khó khăn về pháp luật đó của các cặp đôi, mà còn hướng tới việc hành động để người thân của cộng đồng LGBTI không phải đối diện với những phân biệt đối xử.
Sau 10 năm, hành trình của Tôi Đồng Ý vẫn được tiếp nối với thật nhiều hy vọng. So với cách đây một thập kỷ, những vùng xám đã thu hẹp lại và những khoảng sáng dường như đang không ngừng nới rộng ra. Thảm cỏ xanh ngát vẫn sẽ tiếp tục lan tỏa với những cá nhân và tổ chức không ngừng nỗ lực, đồng hành cùng tiến trình vận động cho hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới tại Việt Nam.