Nhìn lại sự kiện “Queer Tự hào” - Vậy rốt cuộc, tại sao người queer lại tự hào?

Ngày 16/09 vừa qua trong khuôn khổ Tuần lễ Hà Nội Pride, Viện iSEE phối hợp cùng Viện Goethe và Hà Nội Pride tổ chức sự kiện trình diễn và thảo luận - Queer Tự Hào: “Cảm thức ‘Tự Hào’ của người Queer trong các không gian văn hoá - nghệ thuật tại Việt Nam”. Buổi thảo luận với sự tham gia của ba diễn giả: Betty Queen, Eric Phạm, Nhung Đinh, được điều phối bởi Trần Nhật Quang. Cuộc thảo luận cùng nhìn lại những căn tính Queer trong các khía cạnh của văn hoá - nghệ thuật, từ câu chuyện đi tìm lịch sử của một cộng đồng thông qua ngôn ngữ, tín ngưỡng, tới câu chuyện tiếp nối lịch sử này khi đem những văn hoá mới, tưởng chừng rất xa lạ như Drag, trở thành một nét văn hóa đương đại của chính cộng đồng tại Việt Nam.

Queer được hiểu là gì? 

Queer có lẽ là một trong những thuật ngữ khó để dịch nhất khi nói về cộng đồng LGBTI, khi bản thân nội hàm đã mang nhiều ý nghĩa. iSEE tạm định nghĩa Queer ở đây được dùng như một thuật ngữ bao trùm để gọi tên những tồn tại nằm ngoài những tiêu chuẩn của định chuẩn hóa dị tính (heteronormativity) và như một thuật ngữ định danh để chỉ chung hoặc thay thế cho các thuật ngữ nhỏ trong cộng đồng LGBTI. Với các diễn giả tham gia buổi trò chuyện hôm đó, có lẽ ý niệm về Queer khá tương đồng, Queer với họ đều là những thứ được xem là “lệch chuẩn”, những thứ khác lạ so với những tiêu chuẩn dị tính thường thấy, nên rất khó để gọi tên. 

Chị Nhung Đinh khi đi tìm từ gần nghĩa nhất với Queer đã chọn từ “Bóng”, chị lý giải:

“Nếu để tìm một từ gần nghĩa nhất trong tiếng việt thì có lẽ chị sẽ chọn từ “Bóng”, bóng trong tiếng Việt hiểu theo nghĩa là cái bóng cùng được, vì dù mình có cố nắm cái bóng thật chặt, thì vẫn sẽ luôn có những thứ chảy qua kẽ tay, những thứ luồn ra khỏi cái khuôn đó, cũng giống như Queer vậy”. 

Dấu ấn queer trong lịch sử văn hóa và nghệ thuật Việt Nam

Chính sự khó gọi tên, khó định nghĩa của Queer khiến đôi lúc Queer bị nhầm tưởng là những danh tính xa lạ tại Việt Nam. Thế nhưng lịch sử có lẽ không chỉ là những thứ đã qua, mà còn là những điều chúng ta có thể viết tiếp, cho chính cộng đồng của mình, một cộng đồng mà lịch sử của nó vốn đã phải vật lộn và ẩn mình đi bởi những khuôn mẫu và “lẽ thường”. Những nỗ lực đó có thể kể đến như Eric Phạm với dự án “Hà Nội Queer”, Nhung Đinh với các tác phẩm về ngôn ngữ “Chỉ Bàn Lộn”, hay Betty Queen, người đã và vẫn đang trên hành trình đi tìm kiếm những dấu ấn Queer trong lịch sử, trong ngôn ngữ hay các hình thức văn hoá - nghệ thuật như Drag, hay diễn xướng. 

Ba vị diễn giả của chương trình: Eric Phạm, Betty Queen và Nhung Đinh (từ trái qua)

Khi được hỏi về hành trình tìm tới Drag của mình, Betty chia sẻ mình bén duyên với Drag từ những năm 2014 - 2015 khi lần đầu được tiếp xúc với show truyền hình RuPaul Drag Race. Như tìm ra được câu trả lời cho những hoài nghi của bản thân, Betty bắt đầu tìm hiểu văn hoá Drag. Có rất nhiều câu chuyện về việc Drag được bắt đầu như thế nào trên thế giới, một trong số những câu chuyện phổ biến nhất là việc Drag xuất phát từ văn hoá Ballroom của những người LGBTI da đen. Trong không gian của Ballroom, họ được tự do thể hiện bản thân qua việc trình diễn, và Drag Queen cũng được ươm mầm và phát triển từ không gian này.

Chia sẻ về không gian Drag tại Việt Nam, không gian Drag với Betty là một không gian rất thú vị, nơi dành cho tất cả mọi người, bất kể bạn là ai và làm trong lĩnh vực nào, bạn cũng đều được chào đón trong gian đó. Trong không gian đó, không có bộ trang phục nào được coi là phản cảm, những trang phục được xem như cách thể hiện và giải phóng bản thân. Trong chính cộng đồng Drag thì những trang phục cũng rất đa dạng. Khi trình diễn tại Hải Phòng, quê hương của mình, Betty được chào đón, vì năng lượng trình diễn tích cực và những giá trị tinh thần mang tới cho cộng đồng tại đây, trên những sân khấu đó - những không gian tự hào của chính mình. 

Chị Nhung chia sẻ thêm những quan sát của mình vào khoảng một thập niên trước khi tiếp xúc với các cộng đồng LGBTI, chị nhận thấy Hải Phòng, Vĩnh Long, là hai địa phương bên cạnh thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, là những nơi có sự giao thoa và cởi mở với văn hoá của người LGBIT và cũng là nơi nhiều các cặp đôi LGBTI chung sống được coi như một điều rất “bình thường”. Chưa có một lý giải nào cho mức độ cởi mở tại những thành phố này, nhưng rõ ràng đây là những quan sát thú vị để chúng ta tìm hiểu thêm về lịch sử người queer tại Việt Nam. 

Ngôn từ queer - sự tái chiếm và không ngừng sáng tạo 

Khi nhắc tới văn hoá của cộng đồng, bên cạnh văn hoá trình diễn như Drag, cộng đồng LGBTI còn được biết tới như một cộng đồng có vốn ngôn từ rất đa dạng, đặc biệt là những ngôn từ được coi là suồng sã và liên quan nhiều tới tình dục. Lý giải cho điều này, chị Nhung, bằng những quan sát và quãng thời gian trực tiếp tiếp xúc với cộng đồng, cho rằng: 

“Chị nghĩ những thứ càng bị cấm, thì càng có chỗ cho sự phản kháng và sáng tạo, và ngôn từ cũng vậy, đặc biệt trong một xã hội không quá cởi mở về tình dục. Tại sao những ngôn từ đó lại bậy, cái sự bậy đó thách thức những tiêu chuẩn, khi ngôn ngữ chính là sự giải toả. Và chính những cộng đồng nào thường bị nhìn xuống, lại là cộng đồng sử dụng những ngôn ngữ này, mềm mại và phong phú hơn”. - Nhung Đinh

“Người LGBT thường là lớp người phải ẩn mình đi, đó cũng chính là lý do ngôn ngữ của họ trở nên độc đáo, đặc trưng và là một hình thức giải tỏa cảm xúc. Trong cuốn Chỉ bàn lộn của chị Nhung, một số từ ngữ vốn được dùng để miệt thị người LGBT, lại được chính người LGBT tái chiếm quyền lực và trao quyền lại cho chính cộng đồng” - Anh Eric chia sẻ thêm khi nhắc tới ngôn ngữ của người LGBT. 

Một trong những khía cạnh văn hoá nổi bật khác được tái hiện và thảo luận trong không gian chương trình là tính queer trong đạo mẫu. Trong tín ngưỡng thờ mẫu, nhiều trường hợp người chỉ dẫn được gọi là bố/mẹ, người đi theo để học hỏi được gọi là con. Cách gọi này không hiếm nhưng điều thú vị là ở đây, không phải lúc nào nó cũng đi theo thứ bậc trong các gia đình theo chuẩn mực xã hội thường thấy, khi những người bố/mẹ có thể lại là những người trẻ tuổi hơn, còn người con, người được dẫn dắt và chỉ bảo lại là người lớn hơn “bố”/”mẹ” mình cả hai, ba chục tuổi. Theo chia sẻ của một người tham dự chương trình, trong không gian của Đạo Mẫu, người Queer tự hào vì được sống trong một không gian không phán xét, nơi những sự khác biệt được chấp nhận và dung dưỡng. 

Vậy rốt cuộc thì tại sao người Queer lại tự hào? 

“Chỉ khi bạn tự tin với bề ngoài của mình, đó đã là 1 dạng tự hào rồi, vì đã có những người đã đấu tranh cho thế hệ hiện tại được tự tin thể hiện mình. Betty luôn nhắc trong đầu, mình tự hào vì những gì mình đã làm được, tự hào vì đem năng lượng tích cực tới cho mọi người.” - Betty Queen 

“Mình thì luôn nghĩ rằng, tại sao chỉ có cộng đồng LGBT luôn phải giải trình về lý do tại sao mình tự hào. Tự hào là một thứ rất tự nhiên, tại sao bạn phải giải trình bạn tự hào vì bạn là bạn. Mình thấy nó như một cái bẫy, khi mình đặt mình dưới bất công, mình sẽ luôn phải giải trình về điều đó.” - Eric Pham

“Với mình thì câu hỏi tại sao phải tự hào không phải một hỏi vô tri. Khi mình đi học bơi, mình đã mất rất lâu để biết bơi, khi biết bơi mình cảm thấy rất tự hào, nhưng nhiều người xung quanh lại nói chuyện đó thôi thì có gì phải tự hào. Nhưng là 1 người mà xã hội cho là nữ, tiếng nói và thành công của mình vốn đã ít công nhận. Chỉ có mình mới biết rất rõ mình đã phải vất vả ra sao để tìm từng nhịp thở để học bơi như thế nào, chỉ có mình mới biết rõ quá trình đấu tranh đó. Câu hỏi về tự hào cũng vậy, mình nghĩ đó là một câu hỏi để chúng ta liên tục chất vấn. Chúng ta đều biết sống khác thì rất khó, và đó là chuyện của cả một cộng đồng. Chừng nào chúng ta thấy ta làm một việc gì đó rất vất vả, khó khăn thì đó là lý do tại sao phải tự hào. Nhiều khi chúng ta không cho chúng ta và chính cộng đồng đủ xứng đáng để tự hào về mình.”  - Nhung Đinh

Những thảo luận về tự hào cũng khép lại sự kiện Queer Tự Hào, để lý giải thêm phần nào cho câu hỏi “Tại sao cộng đồng LGBTIQ+ tự hào?”. Đây là một câu hỏi để liên tục chất vấn lại, để tạo không gian cho sự ghi nhận không ngừng những nỗ lực của một cộng đồng, để đặt văn hóa Queer trong chiều dài lịch sử, một lịch sử của sự tái chiếm,không ngừng thách thức và sáng tạo từ những chất liệu vốn dĩ của nhóm đa số, để biến thành những cái vượt ngưỡng để thể hiện mình, như trang phục, ngôn từ, trật tự gia đình. Và có lẽ, những lịch sử hay văn hoá, nghệ thuật mang tính Queer không phải chỉ là những điều chỉ có thể tìm từ quá khứ, mà còn là chính những thứ được tiếp tục kiến tạo từ hôm nay. 

Previous
Previous

Từ xu hướng biến hình, MV ca nhạc tới du lịch: Trang phục các dân tộc thiểu số đang được nhìn nhận và sử dụng thế nào?

Next
Next

Chuyển giới không phải là “rối loạn nhận thức giới tính” và không phải do đổ vỡ gia đình