“Tôi Tin Tôi Có Thể” - Bước chuyển từ cộng đồng
Nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19.4, đại diện nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số đã có mặt tại Hà Nội để cùng nhau tổ chức tọa đàm, giới thiệu các sáng kiến phát triển cộng đồng và trở thành trung tâm của buổi trưng bày với chủ đề “Tôi là người Việt Nam”. Sự kiện được hỗ trợ bởi Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và Nhóm làm việc về Dân tộc thiểu số (EMWG).
Các đại diện dân tộc thiểu số tham gia chương trình là những thành viên năng động nhất của cộng đồng, được cộng đồng của họ tín nhiệm cử về Hà Nội. Có người là cán bộ chính quyền địa phương, có người là nông dân, có người kinh doanh nhỏ, tất cả họ đều đang hết mình làm việc cho sự phát triển cộng đồng.
Bắt nguồn từ nghiên cứu chữ Mông cùng tiến hành với Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), anh Giàng A Của cùng với nhóm nghiên cứu người Mông có sáng kiến mở lớp dạy chữ Mông và chữ phổ thông cho người lớn trong thôn. Chị Nguyễn Thị Lâu cùng chi hội phụ nữ thôn đã vận động người thân không tham gia phá rừng, đồng thời xây dựng hương ước cho thôn bản về quản lý rừng cộng đồng, nhiều gia đình có được thu nhập từ rừng. Anh Lang Mạnh Hùng là người đầu tiên trong thôn ứng dụng mô hình khí đốt sinh học Biogas, sau đó giới thiệu và giúp đỡ các gia đình khác cùng áp dụng… Cùng với các đại diện dân tộc thiểu số khác trên nhiều tỉnh thành khắp cả nước, họ có chung một sáng kiến sẽ thực hiện trong năm 2015 thể hiện niềm tự hào về nội lực phát triển của cộng đồng mình mang tên “Tôi tin tôi có thể”.
Các sáng kiến đang được thực hiện hoặc sắp được thực hiện tại cộng đồng cho thấy bước chuyển mình mạnh mẽ từ những cộng đồng từng chịu nhiều định kiến, trở thành những cộng đồng tự tin, quyết tâm vươn lên từ nội lực của mình.
Sự hỗ trợ từ bên ngoài với các cộng đồng dân tộc thiểu số cần phải đặt mục tiêu làm dấy lên niềm tin bên trong cộng đồng về nội lực ấy, và khuyến khích, hỗ trợ để niềm tin chuyển thành khả năng tự hành động thay đổi cuộc sống. Đó là lập luận của các khách mời tham dự thảo luận bàn tròn về hỗ trợ phát triển với người dân tộc thiểu số trong khuôn khổ sự kiện này. Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cho biết: “Cuộc thảo luận dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu, phát triển và quản lý đã chỉ ra rằng khi người dân tộc thiểu số tự tin vào năng lực của mình, tự hào về văn hóa của mình thì họ sẽ tự chủ về cuộc sống của chính mình. Đây chính là triết lý mà các chính sách và dự án phát triển nên có khi hỗ trợ cộng đồng dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa”.
Những gương mặt tươi cười, dung dị và những câu chuyện chân thành đầy ý nghĩa từ nhiều cộng đồng trên cả nước đã làm nên sự trọn vẹn của chương trình. Với cuộc trưng bày “Tôi là người Việt Nam”, các đại diện dân tộc thiểu số đã thêm một lần nữa khẳng định cách làm phát triển dựa trên nội lực cộng đồng, dựa trên sự thấu hiểu và tôn trọng sẽ làm nên sức mạnh của dân tộc, để mọi người đều có cơ hội phát triển và đều tự hào vì “Tôi là người Việt Nam”.
Một số hình ảnh tại sự kiện:
Một góc triển lãm “Tôi là người Việt Nam” gồm chân dung của 15 đại diện các cộng đồng dân tộc thiểu số và câu chuyện của họ