Tại sao iSEE thay viện trưởng?
Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế xã hội, và môi trường (iSEE) vừa đăng tin tuyển dụng Viện trưởng mới, thay ông Lê Quang Bình, thành viên sáng lập và là viện trưởng iSEE trong tám năm qua. Diễn Ngôn có bài phỏng vấn ông Lê Quang Bình xoay quanh những thắc mắc và câu hỏi về nguyên nhân của sự chuyển giao lãnh đạo ở iSEE.
DN: Đâu là lý do để iSEE quyết định thay viện trưởng mới?
LQB: Là một thành viên sáng lập Viện iSEE, chắc chắn tôi mong muốn iSEE phát triển mạnh mẽ và bền vững. Cho đến ngày hôm nay, tôi đã làm ở iSEE tám năm, tương đương với hai nhiệm kỳ viện trưởng. Theo kinh nghiệm, một người dù làm công việc gì cũng không nên ở một vị trí quá lâu vì khi đó mình có thể cạn ý tưởng, cạn năng lượng, hoặc cạn sự sáng tạo. Chính vì vậy, tôi nghĩ đã đến lúc mình nên thôi làm viện trưởng để iSEE có một nguồn năng lượng mới, phù hợp hơn cho bối cảnh cũng như đòi hỏi phát triển của tổ chức.
DN: Ý ông là việc thay viện trưởng này đã có kế hoạch từ trước?
Đúng vậy. Thực ra cách đây vài năm, iSEE đã từng muốn thay viện trưởng và đã từng quảng cáo tuyển dụng. Tuy nhiên, iSEE đã chưa may mắn để có một người Viện trưởng mới. Trong cuộc họp xây dựng chiến lược vào tháng 7 năm 2014 ở Đà Nẵng, iSEE đã quyết định thay Viện trưởng vào tháng 7 năm 2015, nghĩa là có một năm để chuẩn bị. Đây là một phần chiến lược của iSEE nhằm phát triển tổ chức bền vững.
DN: Ông có thể nói rõ hơn về kế hoạch này của iSEE không?
LQB: Cũng như bất cứ tổ chức nào khác, việc thay lãnh đạo là một việc quan trọng, đặc biệt khi lãnh đạo cũng là người sáng lập tổ chức. Chính vì vậy, iSEE chuẩn bị rất kỹ cho việc này. Từ tháng 7 năm 2014, iSEE có một chương trình xây dựng năng lực lãnh đạo tổ chức tập trung vào hai vấn đề chính. Vấn đề thứ nhất, làm sắc nét và thể chế hóa các giá trị cốt lõi mà iSEE theo đuổi như văn hóa dân chủ, giá trị bình đẳng, không phân biệt đối xử, minh bạch và tăng cường tính tự chủ của các thành viên iSEE. Thứ hai, iSEE xây dựng một chương trình thử nghiệm lãnh đạo. Cụ thể, iSEE đã tạo điều kiện cho một số cán bộ làm quyền viện trưởng để học hỏi kinh nghiệm quản lý tổ chức. Cụ thể, chị Vũ Phương Thảo Giám đốc truyền thông đã làm quyền viện trưởng từ ngày 1 tháng 11 năm 2014 đến ngày 31 tháng 1 năm 2015, và chị Lương Minh Ngọc, Giám đốc mảng giáo dục công chúng đã làm quyền viện trưởng từ ngày 1 tháng 2 năm 2015 đến nay. Việc này nhằm giúp mọi người có kinh nghiệm quản lý một tổ chức, cũng như các thành viên khác của iSEE quen với phong cách lãnh đạo mới. Có nghĩa, sau này ai làm viện trưởng iSEE thì tổ chức đã có khả năng thích nghi cao.
DN: Trong thời gian chị Thảo và chị Ngọc làm quyền viện trưởng ông làm gì? Và ông đánh giá thế nào về quá trình chuẩn bị này?
LQB: Khi chị Thảo và chị Ngọc làm quyền viện trưởng tôi đã được phân công vào nhóm nghiên cứu của iSEE. Thú thực tôi đã phải làm quen với vai trò mới rất cụ thể và “hẹp” này. Trước đây khi làm viện trưởng tôi nắm toàn bộ hoạt động của tổ chức, có đầy đủ thông tin về tổ chức. Nhưng khi ngồi ở một góc trong văn phòng như một nhân viên nghiên cứu tôi bỗng dưng thấy mình thiếu thông tin và “mất” quyền ra quyết định. Nhiều thảo luận vì không liên quan đến nghiên cứu nên mọi người không email cho tôi, hoặc không mời tôi tham gia thảo luận. Thú thực, trong tháng đầu tiên tôi đã rất bối rồi và hụt hẫng. Rất may mắn là tôi đã làm quen dần, và thú thực là bây giờ tôi thấy rất thoải mái với công tác chuyên môn. Qua việc này, tôi hay nói đùa là chúng ta cần thông cảm với các cán bộ cao cấp khi họ về hưu, chắc chắn họ sẽ sốc và cần nỗ lực để làm quen với vai trò công dân bình thường của mình (cười).
Còn về việc chuẩn bị của iSEE, tôi thấy rất hài lòng. Cụ thể, tôi ấn tượng bởi sự chủ động và tự tin của các đồng nghiệp tại iSEE. Họ đã làm quen với việc tôi không phải là viện trưởng, với cách làm việc của các quyền viện trưởng, và đặc biệt hơn sáu tháng qua các hoạt động của iSEE vẫn diễn ra sôi nổi, có chất lượng cao. Có lẽ, đây chính là thế mạnh của iSEE vì chúng tôi luôn phát huy dân chủ, tính chủ động, sáng tạo của từng người. Chính vì vậy, tôi tin rằng dù ai làm viện trưởng thì văn hóa tổ chức cũng sẽ tiếp tục được duy trì, và iSEE sẽ tiếp tục phát triển, tiếp tục đóng góp cho xã hội.
DN: Tuy nhiên, nhiều người cho rằng hình ảnh cá nhân của ông gắn nhiều với iSEE. Liệu việc ông không làm cho iSEE sẽ làm cho các đối tác lo lắng không?
LQB: Từ tháng 7 năm 2014 chúng tôi đã chia sẻ kế hoạch thay đổi viện trưởng với các đối tác rồi. Quả thật có một số người lo lắng cho tương lai của iSEE, nhưng đa số mọi người rất ủng hộ, thậm chí nghĩ đây là một việc đúng nên làm. Ví dụ, Giám đốc của tổ chức CARE quốc tế ở Việt Nam Gerda Binder hay Giám đốc Oxfam Babeth Lefur còn giúp iSEE triển khai kế hoạch này, chia sẻ kinh nghiệm với quyền viện trưởng của iSEE, và hỗ trợ việc xây dựng năng lực tổ chức. Tương tự như vậy, các đối tác như NPAID, UNDP, USAID, EU, CECEM hay Irish Aid đều ủng hộ kế hoạch thay viện trưởng của iSEE.
Hơn nữa, bản thân iSEE ngoài việc xây dựng năng lực chuyên môn, quản lý chúng tôi cũng quan tâm đến việc xây dựng hình ảnh tổ chức. Trong các cuộc họp, tôi để ý nhiều người giới thiệu là "em đến từ tổ chức của chị A" hoặc "tôi đến từ tổ chức của anh B", có nghĩa họ hay nói tên Giám đốc để mọi người dễ nhận biết. Còn với iSEE, khi đi họp chúng tôi luôn giới thiệu là cán bộ của iSEE. Có lần, sau khi một đồng nghiệp của tôi giới thiêu, một người hỏi lại "em làm ở chỗ anh Bình hả?", Bạn đã trả lời "không, em làm ở iSEE chị ạ". Thực sự đây là những cái rất nhỏ, nhưng chúng tôi luôn ý thức mình làm cho một tổ chức chứ không phải cho một cá nhân nào, dù người đó là Giám đốc hay là người sáng lập.
Tôi nghĩ bất cứ một tổ chức nào cũng sẽ không bền vững nếu phụ thuộc vào một người, dù người đó có thể là người sáng lập, một người trụ cột hay là ai đi nữa. Một tổ chức muốn phát triển bền vững thì nó cần có năng lực tổ chức tốt, có quy trình và hệ thống quản lý hiệu quả và minh bạch, có uy tín và chất lượng hoạt động tốt, chứ không phải vì nó có một người cụ thể nào làm việc ở đó. Đây chính là các khía cạnh mà iSEE đã xây dựng trong nhiều năm qua. Tôi tin rằng, đã đến lúc iSEE chứng minh được mình là một tổ chức mạnh, có khả năng phát triển bền vững và không phụ thuộc vào một ai cả.
DN: Còn các đồng nghiệp của ông ở iSEE nghĩ thế nào về việc này?
LQB: Trong suốt thời gian qua, chúng tôi có rất nhiều trao đổi, học hỏi rút kinh nghiệm, chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc về việc này. Nhìn chung, mọi người đều có suy nghĩ tích cực với sự thay đổi, thậm chí nhiều người còn vui mừng vì tôi sẽ ra đi, không làm ở iSEE nữa.
DN: Nghĩa là có người không thích ông làm viện trưởng iSEE và muốn ông ra đi?
LQB: (Cười) Tôi hy vọng không phải vì tôi là một người lãnh đạo tồi, không phải vì mọi người không yêu quý tôi. Tôi hy vọng mọi người có yêu quý tôi, nhưng tôi biết họ yêu quý iSEE hơn yêu quý ông Lê Quang Bình.
DN: Ông có thể nói rõ hơn không?
LQB: Mọi người gắn bó với iSEE vì sứ mệnh và các giá trị tự do, bình đẳng và khoan dung mà iSEE đang thực hành và theo đuổi. Chính vì vậy, việc tổ chức được lãnh đạo bởi ai không quan trọng bằng các giá trị nào tổ chức đang theo đuổi. Sứ mệnh và các giá trị chính là nền tảng gắn kết mọi người với nhau, và với iSEE.
DN: Câu hỏi cuối, vậy sau khi rời vị trí Viện trưởng iSEE ông sẽ làm gì, ông có “buông rèm nhiếp chính” không?
LQB: (Cười) Đây đúng là câu mà tôi được hỏi nhiều nhất từ tháng Bảy năm ngoái đến nay. Thú thực, khi biết tin tôi sẽ bước ra khỏi iSEE vào 5 giờ chiều thứ Sáu ngày 17 tháng 7 năm 2015, đối tác, bạn bè đều tò mò về kế hoạch sau iSEE của tôi. Điều chắc chắn là tôi sẽ không còn là cán bộ nhân viên của iSEE nữa, tôi sẽ không đến văn phòng iSEE ngồi nữa, tôi sẽ ở nhà, uống café, nghe nhạc, đọc sách và học hỏi. Tất nhiên để có tiền sống thỉnh thoảng tôi có thể làm tư vấn tự do cho những ai có nhu cầu. Tôi hy vọng mình vẫn được thuê làm những việc nho nhỏ sau khi nghỉ ở iSEE (cười).
Hiện tại, mọi người muốn tôi là thành viên Hội đồng cố vấn của iSEE, một năm có thể họp một hoặc hai lần để góp ý cho chiến lược phát triển của tổ chức. Tôi nghĩ mình có thể tình nguyện làm việc đó, vì dù nghỉ ở iSEE tôi vẫn có một mối quan tâm và tình yêu đặc biệt với các đồng nghiệp cũng như sứ mệnh mà iSEE theo đuổi. Đây cũng là mong muốn các đồng nghiệp, các đối tác, và những người đã từng biết iSEE sẽ tiếp tục ủng hộ cho những việc tử tế mà iSEE đang làm.
------------------