Góp ý Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) về người chuyển giới
Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), tất cả các cá nhân là người Việt Nam, trong và ngoài nước, đều có thể gửi góp ý, khuyến nghị của mình trực tiếp đến các cơ quan soạn thảo.
Trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) lần này, có hai nội dung đặc biệt trực tiếp liên quan đến người chuyển giới.
Thứ nhất là quyền thay đổi họ, tên, tại Điều 32 của Dự thảo. Theo đó, chỉ cho phép “thay đổi họ tên với những người được xác định lại giới tính.”
Thứ hai là quyền xác định lại giới tính, tại Điều 40 của Dự thảo. Trong đó, hiện nay có hai phương án đang được đưa ra.
Phương án 1: Nhà nước không thừa nhận việc chuyển giới.
Phương án 2: Trong trường hợp đặc biệt, việc chuyển giới phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của luật.
Để đảm bảo quyền bình đẳng của người chuyển giới, mọi người có thể gửi góp ý tới Ban soạn thảo tập trung vào Điều 32 và Điều 40, với nguyên tắc:
Quyền đổi tên cần thật sự tạo thuận lợi hơn, không cần phụ thuộc vào tình trạng cơ thể.
Quyền xác định lại giới tính không cần phụ thuộc vào tình trạng giới tính bẩm sinh, cũng như dù thực hiện việc chuyển giới tại nước ngoài thì vẫn cần thừa nhận và thay đổi giấy tờ nhân thân tương ứng.
Cụ thể, gợi ý có thể đề xuất sửa đổi như sau:
Sửa Điều 32, Khoản 1, Điểm h:
“Thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính hoặc để phù hợp với giới tính mong muốn.”
(Thêm “để phù hợp với giới tính mong muốn” vì việc đổi tên cho phù hợp với giới tính mong muốn không nhất thiết phải phụ thuộc vào việc đã phẫu thuật hay chưa, không phải người chuyển giới nào cũng có điều kiện kinh tế, sức khỏe để thực hiện phẫu thuật. Việc không đổi tên được gây rất nhiều bất tiện và khó khăn trong cuộc sống thường ngày)
Sửa Điều 40, Khoản 4, theo Phương án 2 với điều chỉnh là:
“Việc chuyển giới được thực hiện theo quy định pháp luật. Thủ tục thừa nhận việc chuyển giới tại nước ngoài được thực hiện theo quy định pháp luật.”
(Chọn Phương án 2, hợp pháp hóa việc chuyển giới cũng như thay đổi giấy tờ trên giấy tờ. Cho dù việc phẫu thuật diễn ra ở nước ngoài thì cũng cần được thừa nhận và đó là tình trạng thực tế, giấy tờ cần phản ánh đúng tình trạng cơ thể thực tế)
Các cách để gửi kiến nghị, đề xuất sửa đổi:
Trang “Dự thảo Online” của Quốc hội
Vào phần Dự thảo Bộ luật Dân sự tại trang Duthaoonline.quochoi.vn
Nhấn vào “Toàn văn dự thảo”
Tìm đến Điều 32, và Điều 40. Đưa con trỏ tới tiêu đề, nhấn vào nút “Gửi ý kiến”. Nhập các thông tin cá nhân, và nội dung kiến nghị của bạn. Sau đó, nhấn nút “Gửi ý kiến.”
Trang Dự thảo của Bộ Tư pháp
Vào phần Dự thảo Bộ luật Dân sự tạo trang moj.gov.vn/dtblds của Bộ Tư pháp. Nhập các thông tin cá nhân, và nội dung kiến nghị của bạn. Sau đó, nhấn nút “Gửi ý kiến.”
Hoặc gửi qua hộp thư điện tử, boluatdansu@moj.gov.vn, tiêu đề ghi rõ “Góp ý Bộ luật dân sự.”
Hoặc gửi thư qua đường bưu điện đến Bộ Tư pháp, miễn phí và không cần dán tem, theo địa chỉ: 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội, tiêu đề thư ghi rõ “Thư góp ý Dự thảo Bộ luật dân sự.”
Thời gian lấy ý kiến Nhân dân bắt đầu từ ngày 05 tháng 01 năm 2015 và kết thúc vào ngày 05 tháng 4 năm 2015. Sau thời hạn trên, tổ chức, cá nhân tiếp tục đóng góp ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) thì gửi đến Bộ Tư pháp trước ngày 20 tháng 09 năm 2015 theo địa chỉ: 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội hoặc qua hộp thư điện tử: boluatdansu@moj.gov.vn