Tin giả: Từ quá khứ tới hiện tại

Là người theo dõi tin tức và tham gia mạng xã hội, chắc hẳn ta cũng đã không ít lần bắt gặp thuật ngữ “tin giả” trong các bài báo, trên các diễn đàn tranh luận, hay thậm chí cả bài đăng của người quen. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện nay, tin giả được tạo điều kiện lan rộng, trở thành một hiểm họa lớn của an ninh mạng và bất kỳ người dùng nào. Dù vậy, thuật ngữ này đang thường bị dùng sai cách, vô tình tạo ra sự hiểu lầm không cần thiết và nhầm lẫn với các thuật ngữ liên quan khác. Chính vì thế, để giải đáp thắc mắc, Viện iSEE mời bạn đọc cùng tìm hiểu về thuật ngữ này cũng như một phần lịch sử và sự lan truyền của nó trên mạng xã hội.

Định nghĩa của tin giả

Theo Trung tâm Công nghệ và Xã hội Thông tin (CiTS), tin giả là “các bài báo giả tạo một cách có chủ ý và có thể kiểm chứng” [1] nhằm mục đích thao túng hiểu biết của người đọc về thông tin khách quan, sự kiện và phát ngôn thực tế. Đó là thông tin được trình bày dưới dạng tin tức mà người truyền tin biết là sai sự thật, và được dựa vào các thông tin, sự kiện, tuyên bố không chính xác hoặc không tồn tại [2].

Một định nghĩa khác của tin giả là “thông tin bịa đặt bắt chước nội dung phương tiện truyền thông tin tức về hình thức nhưng thiếu các chuẩn mực và quy trình biên tập của truyền thông tin nhằm đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của thông tin”. Tin giả có thể là những thông tin sai lệch được tạo ra bởi những đối tượng muốn làm rối dư luận (disinformation) hoặc được lan truyền bởi những người không biết nó là tin giả (misinformation) [3].

Các thông tin trong một bài báo châm biếm không chứa thông tin sai, không cố tình đánh lừa, gây hiểu lầm, nên không được xem là tin giả. Dù vậy, trong thực tế các bài báo có thể được xem là tin giả khi từ một báo châm biếm, chúng được viết lại theo lối tường thuật của một bài báo cáo thực tế, có căn cứ, loại bỏ tính châm biếm của bài gốc [3].

Lịch sử của tin giả

Tin giả bắt đầu phổ biến cũng là lúc tin tức trở nên thịnh hành sau khi ông Johannes Gutenberg phát minh ra máy in vào năm 1439. Trong thời kỳ này, tin tức khó được xác minh. Nguồn thông tin có thể đến từ bất cứ đâu - từ những bài báo chính thống của chính quyền chính trị lẫn tôn giáo đến câu chuyện tường thuật bởi thủy thủ và thương gia, nhưng báo chí vẫn chưa có các quy tắc và chuẩn mực tính khách quan [4].

Đi cùng với sự phát triển của máy in là sự manh nha của tin giả. Vào thế kỷ XVII tin giả đã có trên mặt báo, với nhiều câu chuyện ly kỳ, tưởng chừng vô lý nhưng lan truyền với tốc độ chóng mặt [5] - từ chuyện về quái vật biển, phù thủy đến việc kết tội những kẻ không giữ điều răn của giáo hội đã gây ra thiên tai. Tiêu biểu là vào năm 1761, các nhà cải cách Công giáo đã thêu dệt rằng Jene Calas, một thương gia nổi tiếng tại Toulouse, Jene Calas, đã gi.ết chết con mình để cải đạo sang Công giáo. Tin đồn lan truyền khủng khiếp và dẫn tới sự tra tấn ông dã man đến c.hết trước công chúng. Kinh hoàng trước sự tàn ác này, Voltaire đã mổ xẻ sự vô lý của tin đồn và thành công giải câu chuyện này, dẫn đến sự nổi dậy của thời kỳ Khai Sáng (the Enlightenment) [4].

Vào những năm 1800, tin giả lại được “nảy mầm” khi những vấn đề về sắc tộc, đặc biệt với người nô lệ da đen, trở nên gay gắt và lên tới đỉnh điểm ở Hoa Kỳ. Những câu chuyện như người Mỹ gốc Phi chuyển sang da trắng hay chuyện về sự chống đối và tộc ác của người Mỹ gốc Phi đã dẫn tới các trận bạo lực kinh hoàng [4].

Báo chí lá cải (yellow journalism) trở nên hưng thịnh giữa thời kỳ vàng son của Hoa Kỳ (Gilded Age), dùng các cuộc phỏng vấn lẫn câu chuyện giả tạo và chuyên gia giả mạo để gợi lòng thương cảm và tức giận theo ý muốn.

Tin giả tiếp tục bùng nổ khi mạng Internet xuất hiện. Hằng ngày có rất nhiều tin giả được tung lên mạng xã hội và được trở thành trung tâm của sự quan tâm người dân toàn cầu. Giữa các sự kiện, hiện tượng hay vấn đề đặc biệt khó xác minh thông tin như cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 và đại dịch Covid, tin giả càng trở nên tinh vi và quá tải; một số tin còn vẫn rất khó để xác minh rành mạch và rõ ràng cho tới bây giờ [5].

Sự lan truyền của tin giả trên mạng xã hội

Sự xuất hiện của mạng xã hội đã biến đổi việc trao đổi thông tin từ cơ chế một-tới-nhiều người (one-to-many) của truyền thông đại chúng, sang hình thức của những người sử dụng, nghĩa là từ nhiều-tới-nhiều người (many-to-many) [6]. Nhờ tính năng chia sẻ thông tin và sự thịnh hành, ưa chuộng của mạng xã hội, thông tin được chia sẻ rất dễ dàng, chỉ cần người dùng tham gia sử dụng trang mạng xã hội đó. Tốc độ một tin được truyền đi trên mạng xã hội hiện nay có thể lên tới cấp số nhân. Thông tin dù tích cực hay tiêu cực đều sẽ được lan truyền nhanh chóng. Và điều này càng đúng và hiệu quả hơn với tin giả.

Tin giả lan truyền nhanh hơn tin thật

Tin giả được phát hiện lan truyền xa hơn, nhanh hơn, sâu hơn và rộng hơn đáng kể so với tin thật, trong tất cả các loại thông tin và trong nhiều trường hợp theo một thứ tự mức độ. Thật ngạc nhiên, sức lan truyền này không chủ yếu nhờ vào robot mạng, mà vào con người. Người ta cũng phát hiện những tin đồn sai sự thật gợi lên phản ứng ngạc nhiên cũng như nỗi sợ hãi và ghê tởm lớn hơn. Theo Sinan Aral, Giáo sư Công nghệ thông tin tại MIT thì nguyên nhân dẫn tới thực trạng tin giả trên có thể vì tin giả thường mới lạ hơn, và con người dễ bị thu hút bởi những cái mới lạ, bất thường như tin giả [8].

Tin giả đã trở nên khó xác định và ngăn chặn.

Năm 2017, theo thống kê mỗi phút có khoảng 360 nghìn người dùng đăng ký trên Facebook, 150 nghìn tin nhắn được trao đổi, 300 nghìn status được cập nhật, 300 nghìn status được cập nhật, 50 nghìn link được chia sẻ, 133.300 ảnh được đăng tải và 100 nghìn đề nghị kết bạn mới [8].

Ngày 1/11/2017, Facebook thừa nhận có tới 270 triệu tài khoản trên mạng xã hội này không hợp pháp [8].

Với số lượng tài khoản không hợp pháp và lượng thông tin được tạo ra như vậy, việc phát hiện và ngăn chặn thông tin sai sự thật rất khó bởi các tin giả trước chưa được chặn thì hàng loạt tin giả khác xuất hiện. Cùng với đó là nhiều vấn đề khác trở thành hậu thuẫn cho sự lan truyền khó loại bỏ của tin giả. Tiêu biểu như các thuật toán hoạt động đưa thông tin, liên kết người dùng trên mạng xã hội vô tình tạo ra bong bóng bộ lọc (filter bubble) và buồng vang thông tin (echo chamber), hiệu ứng chân lý ảo tưởng (illusory truth effect) khi con người sẽ tin một thông tin nào đó đúng chỉ đơn giản vì họ tiếp xúc nhiều với thông tin đó hơn [9], các thiết bị công nghệ tiên tiến được tạo ra cho mục đích bịa đặt và lan truyền tin giả như Deepfake.

Với sự ra đời của mạng xã hội, tin giả ngày nay đã đạt tới một tầm cao khác, trở nên khó lường hơn với muôn hình vạn trạng và vô hình len lỏi vào tâm trí chúng ta mà ta không hay. Đáng sợ hơn, như đã đề cập trong bài viết, tin giả từ lâu đã trở thành một tệ nạn và ảnh hưởng đến đời sống loài người, thậm chí là sinh tử một đời người và đang trỗi dậy không ngừng nghỉ. Giữa thời buổi hỗn mang này, việc học hỏi, trau dồi hiểu biết về tin giả là điều cần thiết. Nhưng làm sao để làm được điều đó? Mời các bạn đón chờ các bài viết tiếp theo trên iSEE.


Nguồn:

[1] H. Allcott and M. Gentzkow, “Social Media and Fake News in the 2016 Election,” Journal of Economic Perspectives, vol. 31, no. 2, pp. 211–236, May 2017.

[2] What is Fake News | Center for Information Technology and Society - UC Santa Barbara. (2016). Ucsb.edu. https://www.cits.ucsb.edu/fake-news/what-is-fake-news

[3] LibGuides: Fake News, Propaganda, and Misinformation: Learning to Critically Evaluate Media Sources.: What Is Fake News? (2018). Cornell.edu. https://guides.library.cornell.edu/evaluate_news

[4] Soll, J. (2016, December 18). The Long and Brutal History of Fake News. POLITICO Magazine. https://www.politico.com/.../fake-news-history-long.../

[5] Hoàng, H. M. (2018). Tác động của tin giả (Fake News) trên mạng xã hội đối với công chúng Việt Nam hiện nay. Luận văn thạc sỹ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam

[6] Making Sense of the News: News Literacy Lessons for Digital Citizens. (n.d.). Coursera. https://www.coursera.org/learn/news-literacy

[7] Study: False news spreads faster than the truth | MIT Sloan. (2018, March . MIT Sloan. https://mitsloan.mit.edu/.../study-false-news-spreads...

[8] Tin tức giả, hệ quả thật. (n.d.). Tin Tức Giả, Hệ Quả Thật. https://nhandan.vn/megastory/2017/12/29/

[9] Resnick, B. (2017, October 5). The science behind why fake news is so hard to wipe out. Vox; Vox. https://www.vox.com/.../illusory-truth-fake-news-las...

Previous
Previous

Làm thế nào tin giả “lây lan” nhanh như virus?

Next
Next

Tất tần tật thuật ngữ về tin giả: Bạn đã biết chưa?