Tất tần tật thuật ngữ về tin giả: Bạn đã biết chưa?

Mạng xã hội gắn liền với sự bùng phát và lan rộng của sự nhiễu loạn thông tin rõ ràng đã đưa các thách thức liên quan tới tin giả lên một bậc phức tạp và tinh vi hơn trước. Những thách thức này vẫn đang hiện diện và phát triển trong đời sống trao đổi thông tin hiện nay, tác động tới hành vi, suy nghĩ, nhận thức của ta mà ta có thể không hay biết. Tác động của chúng trở nên hữu hình trong các sự kiện của những năm qua và làm lung lay những nền tảng dân chủ, đạo đức và công lý.

Vậy thì con người phải ứng xử như thế nào để không trở thành chú cừu trong cạm bẫy đáng sợ đấy? Một cách mà mỗi cá nhân có thể làm là tham gia mạng xã hội phải tạo dựng cho mình những kỹ năng phân tích thông tin, ứng xử với thông tin một cách duy lý và biện chứng, cùng với đó là trao dồi kiến thức về Đọc hiểu thông tin.

Để giúp bạn tiến một bước đến điều đó, một số thuật ngữ liên quan đến tin giả dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một phần hiểu biết về các thách thức liên quan đến tin giả xung quanh ta hiện nay.

Hậu sự thật - Post-truth

Hậu sự thật (post-truth) là tính từ liên quan đến các tình huống mà trong đó thực tế khách quan không còn sức ảnh hưởng trong việc hình thành quan điểm của tập thể so với lời kêu gọi đánh vào cảm xúc và niềm tin của mỗi cá nhân.

Thuật ngữ này đã xuất hiện từ hơn chục năm qua trên báo chí mà có nguồn gốc sử dụng ban đầu đến từ lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, kể từ cuộc chạy đua bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, thuật ngữ này được sử dụng nhiều hơn rất nhiều so với trước đây. Nó đã lấn vào chính trị, thậm chí cả các lĩnh vực công chính, khách quan như đấu tranh quyền, phong trào xã hội.

Nhắc đến “hậu sự thật”, một số ý kiến cho rằng ta không thể không nhắc Brexit. Năm 2016, đông đảo người dân nước Anh xôn xao với một thông tin “mỗi tuần nước Anh mất 350 triệu bảng cho EU thay vì cho quỹ phúc lợi y tế quốc gia – NHS”. Chưa biết là tin thật hay giả, người dân đã đặt lên hàng loạt câu hỏi về số tiền đó lẫn niềm tức giận, ác cảm về châu u. Cả một phong trào mạnh mẽ kêu gọi người dân bỏ phiếu nước Anh rời khỏi liên minh Châu u (EU) xuất hiện, để rồi sau khi Brexit xảy ra, thủ lĩnh UKIP Nigel Farage đã phải thừa nhận rằng thông tin về số tiền chi đó không chính xác.

Trong thời đại “hậu sự thật”, dường như sự thật khách quan không còn quá quan trọng nữa. Điều quan trọng hiện giờ là mức độ lan tỏa cảm xúc, thái độ, quan điểm mà mớ hỗn độn thật - giả có thể tạo ra. Người dùng dựa vào cảm xúc, bản năng, niềm tin hay thậm chí sự quý mến, thân thuộc với người truyền tin thay vì cơ sở khoa học để hành động và đưa ra quyết định. Trong khi đó tin sai lệch, ác ý, khiêu khích được lan truyền khắp nơi trên mạng xã hội lẫn ngoài đời thật. Hậu quả là với hiệu ứng “hậu sự thật”, người dùng càng dễ bị tổn thương bởi tin giả, hay cũng có thể nói, thời đại “hậu sự thật” là môi trường thuận lợi cho sự phát triển rộng rãi của tin giả.

Tuyên truyền - Propaganda

Theo Britannica, tuyên truyền (propaganda) là việc đưa thông tin có hệ thống nhằm thao túng niềm tin, thái độ hoặc hành động của người khác bằng các biểu tượng (lời nói, cử chỉ, biểu ngữ, tượng đài, âm nhạc, quần áo, phù hiệu, kiểu tóc, thiết kế trên tiền xu và tem thư ...)

Tuyên truyền khác với việc truyền đạt thông thường ở sự cố ý và tương đối chú trọng vào việc thao túng người nghe với mục tiêu cụ thể. Để làm được điều này, họ chủ ý chọn lọc các sự kiện, lập luận, cách trình bày các biểu tượng và trình bày chúng theo những cách mà họ cho rằng sẽ có hiệu quả nhất. Để tối đa hóa tác dụng, họ có thể bỏ qua hoặc bóp méo sự thật hoặc đơn giản là nói dối, và cố gắng chuyển hướng sự chú ý của những người nghe khỏi mọi thứ khác lời tuyên truyền của chính họ.

Ví dụ: tác phẩm “Chú Sam muốn bạn” (Uncle Sam want you) của Hoa Kỳ trong Thế chiến thứ I hoặc tranh cổ động “Rosie the Riveter” với thông điệp “Chúng ta nhất định làm được!” (We can do it!) trong Thế chiến thứ II. Cả hai tác phẩm sử dụng biểu tượng để đại diện cho sức mạnh và tính cấp bách với mục đích khuyến khích công dân Hoa Kỳ tham gia quân sự.

Trước đây, tuyên truyền thường được dùng để cổ động chiến tranh. Ngày nay, các kỹ thuật rất giống với tuyên truyền được sử dụng bởi các tập đoàn nhằm gây ảnh hưởng lên giá cổ phiếu hay điều kiện thị trường, hoặc làm xấu mặt các ứng cử viên đối thủ.

Với sự gia tăng của tin giả trong thời đại số, tuyên truyền cũng đã có một bước ngoặt mới. Các nhà xuất bản kiếm doanh thu quảng cáo thông qua lượt xem trang tin tức có thể tạo nên các bài báo sai lệch với tiêu đề giật gân, gây tranh cãi. Một khi những bài báo này lan truyền trên mạng xã hội, có thể rất khó để xác minh và bãi bỏ chúng.

Mồi nhử nhấp chuột - Clickbait

Theo CiTS (Center for Information Technology & Society), thuật ngữ “mồi nhử nhấp chuột” (clickbait) ý chỉ việc tiêu đề hoặc mở đầu của một bài đăng trên mạng được thiết kế để thu hút sự chú ý và khuyến khích người đọc nhấp vào liên kết đính kèm để đọc bài viết đầy đủ trên trang web khác. Mồi nhử nhấp chuột thường dùng từ ngữ lạ, hay ho, hoặc hồi hộp, gây tò mò nhằm lôi kéo người đọc muốn biết thêm.

Ví dụ như
“10 cách làm ra tiền khi đang ngủ! #7 sẽ khiến bạn bất ngờ!”
“Một người đàn ông ôm sư tử. Bạn sẽ không tin điều đã xảy đến!”
“Một thông tin đáng sợ cho thấy sữa có hại cho bạn!”

Trong thời đại thông tin số, điều quan trọng hơn hết là trở thành người đầu tiên đưa tin trước các đối thủ. Điều bắt buộc là phải giúp người đọc nhanh chóng hiểu thông điệp, vì thế các mẫu tin cũng phải được làm cho dễ hiểu. Sự cạnh tranh giành sự chú ý của người đọc này dẫn đến cái được gọi là mồi nhử nhấp chuột (clickbait): tiêu đề gây hiểu lầm để khiến mọi người nhấp vào một bài báo. Tiêu đề câu chuyện càng giật gân, số lượng người nhấp chuột vào nó càng lớn. Số lượng độc giả càng lớn, sự tăng trưởng trong doanh thu quảng cáo hay ảnh hưởng của bài viết càng nhiều. Khi các tác giả mới bắt đầu tận dụng chiêu trò này, hành vi này trông cũng không phải là nguy hiểm như người ta vẫn tưởng. Họ chỉ muốn có một chút doanh thu từ quảng cáo, và việc nội dung không được kiểm chứng hay không ăn nhập với tựa đề có vẻ cũng chẳng ảnh hưởng gì. Nhưng dù mục đích là gì, tác động lớn dần của những mồi nhử nhấp chuột được sử dụng liên tục là một trong những nguyên nhân mạng xã hội đã bào mòn sự tín nhiệm của tin tức. Nhiều người cảm thấy khó khăn trong việc xác định đâu là tin thật và đâu là tin bị bóp méo.

Thuật toán mạng xã hội - Social media algorithm

Thuật toán là sự thiết lập các tiêu chí hoặc hướng dẫn để giải quyết vấn đề hoặc hoàn thành một nhiệm vụ. Mỗi thiết bị máy tính sử dụng các thuật toán để thực hiện các chức năng của nó.

Thuật toán mạng xã hội là tập hợp các quy tắc và dữ liệu có nhiệm vụ sắp xếp các bài đăng trên dòng nội dung mạng xã hội của bạn dựa vào mức độ liên quan đến mối quan tâm của bạn thay vì thứ tự bài được đăng. Theo mặc định, các thuật toán mạng xã hội đảm nhiệm vai trò lựa chọn nội dung nào sẽ được đưa lên dòng nội dung Facebook dựa vào lịch sử hành vi của bạn.

Ví dụ khi bạn vừa ‘thích’ một bài đăng của một người nổi tiếng, thuật toán mạng xã hội sẽ đưa các bài đăng, hình ảnh, video của người đó vào mục “Khám phá” (Explore) trên Instagram. Hay khi bạn có thói quen bình luận vào bài đăng của người bạn thân, các thuật toán này sẽ đưa thêm nhiều hành vi của người này lên dòng nội dung Facebook của bạn.

Bên cạnh giúp người dùng mạng xã hội dễ kết nối với bạn bè, người thân, thuật toán còn góp vào các vấn đề về sự nhiễu loạn thông tin và lan truyền tin giả. Chẳng hạn, với chức năng thu nhận mối quan tâm của người dùng và chọn lọc nội dung liên quan, các thuật toán đã vô tình tạo ra các bong bóng lọc (filter bubble), đẩy người đọc vào buồng lái thông tin (echo chamber) với sự hậu thuẫn của thiên kiến xác nhận (confirmation bias) hay hiệu ứng “hậu sự thật” (post-truth) và khiến các thuyết âm mưu (conspiracy theory) hay mồi nhử thông tin (clickbait) trông đáng tin hơn với người dùng.

Buồng vang thông tin - Echo chamber

Theo một bài đăng trên Vietcetera, buồng vang thông tin (echo chamber) là một thuật ngữ ẩn dụ cho một môi trường nơi người bên trong chỉ tiếp nhận những thông tin, quan điểm giúp phản ánh và củng cố quan điểm sẵn có của họ. Nó có thể tạo nên tin giả và bóp méo góc nhìn của một cá nhân, khiến người đó khó tôn trọng quan điểm đối lập và mở rộng tầm nhìn.

Trong thực tế, buồng vang thông tin có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu có sự trao đổi thông tin, ở ngoài đời thực hay trên Internet. Dù vậy, với mạng xã hội bất kỳ người dùng nào đều có thể tìm được người có cùng quan điểm, ý kiến với mình trên mạng xã hội và các trang mạng khác. Điều này đã làm buồng vang thông tin trở nên rộng rãi và dễ bị mắc phải hơn.

Buồng vang thông tin cô lập chính các thành viên của nó, không phải bằng cách cắt đứt sự liên kết của họ với thế giới mà là thay đổi đối tượng họ tin tưởng. Trong nhiều trường hợp thực tế như làn sóng phủ nhận biến đổi khí hậu, những người phủ nhận lại hoàn toàn nhận thức được các lý lẽ của bên đối lập. Họ có thể giải thích tất cả lập luận nền tảng của bên đối lập trước khi bãi bỏ chúng. Tuy nhiên, cũng theo như nhiều lập luận của họ, họ không tin tưởng thông tin, kết quả nghiên cứu khoa học vì họ tin là các tổ chức khoa học và phương tiện truyền thông đã bị mua chuộc và chi phối bởi các thế lực thù địch. Theo C. Thi Nguyen, phó giáo sư triết học Đại học Utah, thế giới quan của họ hoàn toàn cố tình bãi bỏ bằng chứng từ các nguồn tiêu chuẩn. Mọi sự tin tưởng được tập trung vào bên trong “buồng vang”. Bằng cách thức tương tự, tin giả cũng có thể được lan truyền trong buồng vang thông tin và dễ dàng được tiếp nhận mà không chút hoài nghi gì.

Bong bóng lọc - Filtered bubble

Theo Fondation Descartes, bong bóng lọc (filter bubble) ý chỉ đến cách thức thông tin được lọc trước khi được đưa đến người đọc. Theo chuyên gia Internet Eli Pariser, bong bóng bộ lọc là kết quả của việc cá nhân hóa nội dung trực tuyến và được cho là cách ly người dùng về mặt trí thức và làm giảm sự đa dạng của thông tin mà họ nhận được.

Một yếu tố “đắc lực” giúp tạo ra bong bóng lọc trên các trang mạng là các thuật toán trên mạng xã hội. Bằng việc thu thập thông tin của bạn như vị trí, mối quan tâm, lịch sử hành vi, loại máy tính của bạn, các thuật toán này sẽ tự động lọc thông tin không liên quan và không cùng quan điểm với bạn và chỉ đưa nội dung liên quan đến thông tin về người dùng mà thuật toán thu thập được.

Ví dụ như trên Facebook, một người yêu mèo sẽ được tiếp xúc với một lượng nội dung lớn về mèo trên “tường nhà” của họ. Hay như khi Eli Pariser yêu cầu một nhóm bạn nhập từ khóa “Egypt” trên thanh tìm kiếm Google, kết quả mà họ nhận được hoàn toàn khác nhau - một người chủ yếu chỉ nhận được thông tin về cuộc biểu tình ở Ai Cập, còn của một người khác lại về du lịch kỳ nghỉ, CIA World Facebook của quốc gia đó.

Đây là kết quả của các thuật toán được Google và các trang mạng xã hội sử dụng, có nhiệm vụ xác định mối quan tâm của người dùng bằng việc nghiên cứu hành vi trực tuyến của họ.

Theo Eli Pariser, việc cá nhân hóa thông tin trên Internet này gây hại cho người dùng vì họ không còn nhận được thông tin có thể mở rộng tầm hiểu biết hay đi ngược với quan điểm, ý kiến của họ. Hiểu một cách khác, nhờ tính năng này người dùng mạng Internet đang dần bị mắc kẹt trong một “bong bóng lọc” - nơi bỏ qua toàn bộ bất kỳ thông tin trái ngược quan điểm, sở thích của người dùng và bào mòn sự tò mò của người bị mắc kẹt trong đó.

Vấn đề về sự lan truyền của tin giả nhờ vào bong bóng lọc cũng xuất phát từ cơ chế này. Tin giả có thể được lan rộng nhanh chóng khi tất cả người dùng trong bong bóng lọc có cùng quan điểm. Khi đó người dùng sẽ dễ dàng tin vào một tin giả hơn bởi những tài khoản khác mà người đó thích và theo dõi cũng đồng tình và chia sẻ tin tức đó.

Thiên kiến xác nhận - Confirmation bias

Theo Vietcetera, thiên kiến xác nhận (confirmation bias) là xu hướng tìm kiếm thông tin để củng cố suy nghĩ, niềm tin của bản thân. Điều này diễn ra khi bạn chỉ tập trung bổ trợ niềm tin của mình mà bỏ qua các thông tin khác có nội dung trái chiều.

Ví dụ khi bạn tin người hướng ngoại năng động hoạt bát hơn, bạn sẽ có xu hướng chọn làm việc với người hướng ngoại, điều này tiếp tục củng cố cho niềm tin của bạn từ trước. Những nghiên cứu đã cho thấy dù hướng nội hay hướng ngoại, họ có điểm mạnh, điểm yếu riêng, và đều đóng góp các giá trị khác nhau trong công việc.

Hay trường hợp bạn tin rằng người thuận tay trái thông minh hơn, khi tìm thông tin này trên Google, bạn thường sẽ đặt câu hỏi như "Người thuận tay trái có thông minh hơn không?"

Thiên kiến xác nhận ngụ ý mọi người có xu hướng muốn tin những gì họ muốn tin. Việc cố gắng tìm thông tin để xác nhận niềm tin của mình đến một cách tự nhiên và việc tìm kiếm bằng chứng mâu thuẫn với niềm tin của chúng ta lại mang lại cảm giác phản cảm mạnh mẽ. Điều này giải thích tại sao các ý kiến, thậm chí các luồng tin giả, đi ngược với thông tin khách quan vẫn có thể tồn tại và lan truyền. Cũng từ lẽ đó, việc bãi bỏ sự thật khách quan còn trở nên dễ dàng hơn xác lập tính công nhận cho nó.

Bất hòa nhận thức - Cognitive Dissonance

Theo Vietcetera, bất hòa nhận thức (cognitive dissonance) miêu tả sự căng thẳng được tạo ra khi bạn gặp mâu thuẫn giữa niềm tin và hành động thực tế. Sự bất hòa này buộc bạn phải chọn một trong hai: thay đổi niềm tin hoặc thay đổi hành động để giảm đi mức độ bức bối do trạng thái này gây ra.

Ví dụ như khi bạn hoàn toàn nhận thức các hậu quả khó lường về sức khỏe của thuốc lá, nhưng bạn không thể từ bỏ thói quen hút. Khi bạn đồng tình và tuyên truyền lợi ích của việc tập thể dục nhưng bạn không thể “nhấc chân” thực hiện vài bài tập vào buổi sáng. Hay khi bạn biết ngày mai có một bài kiểm tra quan trọng nhưng không thể ngừng chơi game.

Khái niệm bất hòa nhận thức được lần đầu phát triển bởi Leon Festinger trong một nghiên cứu với một nhóm người tin là Trái Đất sẽ bị hủy diệt bởi một trận lũ lụt. Khi biết trận lũ lụt đó sẽ không xảy ra, trong khi một số người đã thừa nhận tự lừa bản thân, một số khác có niềm tin mãnh liệt hơn lại cố tìm một cách giải thích khác (như lũ lụt không xảy ra bởi vì lòng trung tín của nhóm) để củng cố cho hành động hiện tại.

Festinger cho rằng trong chúng ta luôn có niềm thúc đẩy để giữ niềm tin và hành động tương đồng với nhau. Nhưng khi gặp bất hòa, một yếu tố sẽ phải được thay đổi để giảm sự mâu thuẫn.

Trạng thái bất hòa nhận thức gây ra cảm giác khó chịu, bất an, tội lỗi hay hổ thẹn và có thể khiến ta rơi vào cái trường hợp sau
Cố gắng che dấu hành động hoặc niềm tin
Bao biện các hành động hoặc lựa chọn
Né tránh các cuộc tranh luận hoặc trò chuyện về chủ đề cụ thể
Tránh tìm hiểu thông tin mới đi ngược lại niềm tin hiện có
Bỏ qua các bài nghiên cứu, lời khuyên của bác sĩ mà có thể gây ra sự bất hòa

Theo Jay Van Bavel - một phó giáo sư Tâm lý học và Khoa học thần kinh, khi bạn nhận được thông tin mâu thuẫn với những gì bạn đã biết về một cộng đồng hay niềm tin nhất định mà bạn rất cam kết, bạn sẽ tìm lời bao biện, hướng suy nghĩ khác về thông tin đó thay vì cập nhật niềm tin của mình. Tương tự như thế trạng thái bất hòa nhận thức còn có thể giúp tin giả tồn tại lâu dài và khó bị bãi bỏ. Người ta có xu hướng che dấu, bao biện niềm tin, hiểu biết sai lệch của họ hoặc thậm chí bỏ qua thông tin khách quan, có cơ sở khoa học để làm nhẹ bớt cảm giác bức bối, mâu thuẫn trong người. Tệ hơn, họ còn có thể phủ nhận và cố gắng thay đổi thực tại lẫn thông tin khoa học để có lại sự nhất quán về mặt nhận thức.

Thuyết âm mưu - Conspiracy theory

Thuyết âm mưu (conspiracy theory), hay còn được gọi là thuyết ngờ vực, là cách lý giải những vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo ý kiến chủ quan được gắn với một đối tượng nào đó cùng những âm mưu của các thế lực ngầm, giấu mặt đứng đằng sau. Niềm tin vào thuyết âm mưu thường phi lý. Thay vì dựa trên bằng chứng và logic, thuyết âm mưu dựa trên định kiến, nỗi sợ hoặc sự hoang tưởng.

Một số thuyết âm mưu có thể kể đến như:
Công nghệ 5G gây ra COVID-19.
Biến thể Omicron đang được các chính phủ và công ty dược phẩm thúc đẩy với mục đích làm suy yếu ivermectin - một loại thuốc chống ký sinh trùng mà một số người cho rằng điều trị được COVID-19 ở châu Phi (chưa có cơ sở khoa học).
Trái Đất phẳng vì trải nghiệm cảm quan trên Trái Đất của họ mang lại cảm giác và hình ảnh phẳng.

Đứng đằng sau sự phi lý và thậm chí là nhảm nhí của thuyết âm mưu là tư duy dễ “thu hút” một số người. Theo Vietcetera, tư duy đó là lối “lý luận lòng vòng” (circular reasoning) - một ngụy biện logic trong đó luận đề được dùng để chứng minh cho kết luận, rồi từ kết luận suy ra luận đề, chứ không đưa ra được chứng cứ độc lập nào khác. Chẳng hạn, những người tin vào thuyết âm mưu cho rằng những bằng chứng chống lại nó chính là sự che đậy của các tổ chức bí mật, và họ xem đó là một bằng chứng bảo vệ thuyết âm mưu của mình. Bên cạnh đó, thuyết âm mưu còn được liên kết với hiện tượng tâm lý apophenia (hay “illusory pattern perception”). Đây là xu hướng liên kết những thứ không liên quan và suy ra một ý nghĩa chung. Theo đó, những sự kiện hoàn toàn ngẫu nhiên được những người cuồng tín xâu chuỗi thành một câu chuyện âm mưu như thật.

Deepfake

Deepfake (sự kết hợp giữa "deep learning" - một hướng nghiên cứu trong AI, giúp máy tư duy giống người một cách sâu sắc hơn, và "fake" - giả) chỉ đến công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để lấy hình ảnh, giọng nói của một người ghép vào video của người khác.

Deepfake sẽ quét video và ảnh chân dung của một người sau đó hợp nhất với video riêng biệt nhờ AI và thay thế các chi tiết trên gương mặt như mắt, miệng, mũi với chuyển động gương mặt, giọng nói như thật. Càng có nhiều hình ảnh gốc thì AI càng có nhiều dữ liệu để học. Deepfake có thể gán khuôn mặt của người này sang người khác trong video với độ chân thực đến kinh ngac. Đối với các tập tin âm thanh, deepfake sử dụng bản ghi âm giọng nói của một người thực để huấn luyện máy tính nói chuyện giống hệt người ấy.

Một ví dụ thực tế cho deepfake là video có sự xuất hiện của Donald Trump đưa lời khuyên cho người dân Bỉ về vấn đề biến đổi khí hậu. Dù video này được đăng bởi một đảng chính trị của nước này với mục đích hướng sự chú ý của chính phủ đến một bản kiến nghị về khí hậu và chất lượng hình ảnh của nó được cố tình giảm thấp, video vẫn đánh lừa dư luận và gây nhiều sự phẫn nộ.

Các ứng dụng, nền tảng dùng sử dụng công nghệ tương tự deepfake cũng được tạo ra, tiêu biểu là ứng dụng ZAO của Trung Quốc. Với ứng dụng này, bạn chỉ cần đưa lên một tấm ảnh chân dung của mình và chọn trong thư viện các clip của ZAO, gồm trích đoạn các bộ phim điện ảnh hay show truyền hình nổi tiếng là bạn sẽ trở thành diễn viên chính trong các clip ấy.

Bên cạnh mục đích tốt như giáo dục (tạo hình và tiếng sinh động cho một số nhân vật lịch sử), hỗ trợ đời sống (thay thế giọng nói, hình ảnh của MC truyền hình bị mất giọng), deepfake còn được sử dụng cho các mục đích mang tính ác ý, hủy hoại’ như tuyên truyền sai lệch về chính trị, bôi nhọ bằng phim khiêu dâm. Các nhà học giả cũng đã lo ngại deepfake sẽ rơi vào tay của những kẻ lan tin giả. Bất kỳ ai có sự truy cập công nghệ này đều có thể làm sai lệch thông tin, thao túng niềm tin và đẩy cộng đồng trực tuyến sâu hơn trong “thực tế” chủ quan của họ.


Nguồn:

[1] Lê, D. (2018). YouTube của thời hậu - sự thật. Tuổi Trẻ. https://tuoitre.vn/youtube-cua-thoi-hau-su-that-1475688.htm

[2] Lương, T. H. Đấu tranh thời Hậu - Sự thật (Post-Truth). Chúng Ta. https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/dau-tranh-thoi-hau-su-that.html

[3] Tại sao thời đại “hậu sự thật” đe dọa văn minh con người?. (n.d.). Báo Công an Nhân Dân Điện Tử. https://cand.com.vn/Nguoi-trong-cuoc/Tai-sao-thoi-dai-hau-su-that-de-doa-van-minh-con-nguoi-i501144/

Lannes Smith, B. (2019). Propaganda. Britannica. ‌https://www.britannica.com/topic/propaganda (n.d.).

Bias, Symbolism, and Propaganda. Society. National Geographic. https://www.nationalgeographic.org/topics/resource-library-bias-symbolism-and-propaganda/?q=&page=1&per_page=25 Bergstrom, G. (2011).

Understanding the Mechanisms of Propaganda. The Balance. https://www.thebalancesmb.com/what-is-propaganda-and-how-does-it-work-2295248

What is Fake News. (2016). Center for Information Technology and Society - UC Santa Barbara. ‌https://www.cits.ucsb.edu/fake-news/what-is-fake-news Bowen, A. (n.d.).

LibGuides: Fake News: Is there such a thing as an “alternative fact”? Libraries.wichita.edu. https://libraries.wichita.edu/c.php?g=613382&p=4476825

Thuật toán (Algorithm) là gì? Cách hoạt động, phân loại và ví dụ trong giao dịch. (2020). Vietnambiz. https://vietnambiz.vn/thuat-toan-algorithm-la-gi-cach-hoat-dong-phan-loai-va-vi-du-trong-giao-dich-20200422205501765.htm

Nhữ, T. (2020). Echo chamber là gì? Bạn có phải nạn nhân của vòng lặp thông tin? Vietcetera. https://vietcetera.com/vn/echo-chamber-la-gi-ban-co-phai-nan-nhan-cua-vong-lap-thong-tin C. Thi Nguyen. (2019).

The problem of living inside echo chambers. The Conversation. https://theconversation.com/the-problem-of-living-inside-echo-chambers-110486

Filter bubbles and echo chambers. (2020). Fondation Descartes. https://www.fondationdescartes.org/en/2020/07/filter-bubbles-and-echo-chambers/ Pariser, E. (2011).

Transcript of “Beware online ‘filter bubbles.’” TED. ‌https://www.ted.com/talks/eli_pariser_beware_online_filter_bubbles/transcript?language=en How algorithms and filter bubbles decide what we see on social media. (n.d.).

BBC Bitesize. https://www.bbc.co.uk/bitesize/articles/zd9tt39

Nguyễn, K. (2021). Confirmation bias: Niềm tin về “niềm tin” của bạn có chính xác?. Vietcetera. https://vietcetera.com/vn/confirmation-bias-niem-tin-ve-niem-tin-cua-ban-co-chinh-xac Casad, B. (2016).

Confirmation Bias. Britannica. https://www.britannica.com/science/confirmation-bias Heshmat, S. (2015). What Is Confirmation Bias?. Psychology Today. https://www.psychologytoday.com/intl/blog/science-choice/201504/what-is-confirmation-bias

Nguyễn, K. (2021). Mâu thuẫn “nghĩ một đằng làm một nẻo” đến từ đâu?. Vietcetera. https://vietcetera.com/vn/mau-thuan-nghi-mot-dang-lam-mot-neo-den-tu-dau Leonard, J. (2019).

Cognitive dissonance: What to know. Medical News Today. https://www.medicalnewstoday.com/articles/326738#effects Reynolds, E. (2018).

Why Our Brains Love Fake News—and How We Can Resist It. New York University. https://www.nyu.edu/about/news-publications/news/2018/june/jay-van-bavel-on-fake-news.html

Trà, N. Vì sao thuyết âm mưu lại cuốn hút? Tâm lý học giải thích. Vietcetera. https://vietcetera.com/vn/vi-sao-thuyet-am-muu-lai-cuon-hut-tam-ly-hoc-giai-thich

Đan, T. Flat-earther là gì? Vì sao đến giờ nhiều người vẫn tin Trái Đất phẳng?. Vietcetera. (https://vietcetera.com/vn/flat-earther-la-gi-vi-sao-den-gio-nhieu-nguoi-van-tin-trai-dat-phang Gia, M. (2021).

Bùng nổ hàng loạt 'thuyết âm mưu' xoay quanh biến thể Omicron. Tuổi Trẻ. https://tuoitre.vn/bung-no-hang-loat-thuyet-am-muu-xoay-quanh-bien-the-omicron-20211212100134961.htm

Phạm, H. N. (2021). Deepfake, mối quan ngại của cả thế giới. Báo Đồng Nai. http://baodongnai.com.vn/xahoi/202107/deepfake-moi-quan-ngai-cua-ca-the-gioi-3066363/ Khương, N. (2018).

Deepfake - 'bóng ma' trong thế giới Internet. Vnexpress. https://vnexpress.net/deepfake-bong-ma-trong-the-gioi-internet-4034159.html Schwartz, O. (2018).

You thought fake news was bad? Deep fakes are where truth goes to die. The Guardian. https://www.theguardian.com/technology/2018/nov/12/deep-fakes-fake-news-truth

Previous
Previous

Tin giả: Từ quá khứ tới hiện tại

Next
Next

Làn sóng phản đối “Don’t Say Gay”: Chuyện gì đang xảy ra tại Florida, Mỹ?