Làm thế nào tin giả “lây lan” nhanh như virus?
Thế giới vẫn truyền tai nhau câu nói được cho là của đại văn hào Mark Twain: “một lời nói dối có thể đi được một nửa vòng trái đất trong khi sự thật vẫn còn đang buộc dây giày”. Tuy nhiên, khá mỉa mai rằng câu nói này có đúng của Mark Twain hay không thì vẫn chưa thể được chứng minh. Dù rằng tác giả của câu nói đó có là ai chăng nữa, ngày nay, nó đúng hơn bao giờ hết.
Các câu chuyện giả mạo không chỉ được ngụy trang trong các bài báo hoặc tiêu đề. Những phần thông tin sai lệch có thể được ẩn trong các hình ảnh, video và meme được đăng trực tuyến - đó không phải là thứ mà chúng ta thường gọi là 'tin tức'. Internet được tạo thành từ rất nhiều loại phương tiện khác nhau nên dễ dàng nhận thấy một sự thật giả tạo có thể lan truyền nhanh chóng như thế nào. Điều này cũng có nghĩa là nguồn gốc thông tin sai ban đầu rất khó tìm thấy trong số tất cả các bài đăng và lượt chia sẻ. Với bài viết lần này, hãy cùng tìm hiểu về cách thức mà tin giả được “lây lan” trong cộng đồng.
Circular reporting
Trong những thập niên của thế kỷ trước, hầu hết những tin tức quốc tế đều chỉ được lan truyền bởi những tờ báo và đài truyền hình lớn, nơi có khả năng thu thập tin tức từ nguồn trực tiếp. Những tờ báo đưa tin lại (re-report) hay đưa tin tổng hợp đều khá ít ỏi. Ngày nay, với internet, tốc độ lan truyền thông tin nhanh đến kinh hoàng đã tạo nên một hiện tượng là Circular Reporting (tạm dịch: Đưa tin vòng tròn). Hiện tượng này gọi tên việc một trang tin tức A xuất bản tin giả, trang tin B đăng tải lại tin tức đó, sau đó trang A tiếp tục xào xáo lại tin tức của họ với trích dẫn từ nguồn là trang tin tức B. Hành vi này tạo nên một độ tín nhiệm nhất định cho người xem khi tin tức được dẫn nguồn cụ thể.
Một hiện tượng khác khi nhiều trang tin tức cùng báo cáo về cùng một mẩu tin sai lệch ban đầu cũng được gọi là Đưa tin vòng tròn. Sự việc này khiến người đọc, thậm chí là người đưa tin, tin rằng thông tin ban đầu là đúng sự thật do đã được nhiều trang tin kiểm nghiệm.
Ví dụ: năm 1998, một trang chuyên tin tức giả khoa học (pseudoscience) đã đưa tin tranh cãi rằng việc tiêm vaccine cho trẻ em có thể gây ra hội chứng tự kỷ. Thông tin sai lệch này đã tạo ra một làn sóng lớn phản đối tiêm vaccine, mặc dù trang tin tức ban đầu đã bị lên án bởi giới khoa học nhiều lần trước đó.
Giống như một loại vi rút, các nhà nghiên cứu nói rằng việc tiếp xúc với nhiều loại tin tức giả trong thời gian dài có thể làm suy giảm sức đề kháng với tin giả của một người và khiến họ ngày càng trở nên nhạy cảm hơn. Càng nhiều lần một người tiếp xúc với một mẩu tin giả, đặc biệt là nếu nó đến từ một nguồn có ảnh hưởng, thì họ càng có nhiều khả năng bị thuyết phục hoặc bị lây nhiễm. Ngay cả ý tưởng kỳ quặc nhất cũng bắt đầu nghe bớt hoang đường hơn vào lần thứ 10 chúng ta nghe thấy nó. Việc này đúng cả trước khi internet tồn tại.
Ví dụ: Trong một nghiên cứu năm 1945, mọi người có xu hướng tin vào những tin đồn về khẩu phần ăn thời chiến mà họ đã nghe trước đây hơn là những tin đồn xa lạ. Nhiều nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra những hiệu ứng tương tự đối với sự lặp lại, một hiện tượng đôi khi được gọi là “hiệu ứng sự thật ảo tưởng”. Ngay cả khi mọi người biết một tuyên bố là sai, việc nghe đi nghe lại nó sẽ khiến nó có trọng lượng hơn. Vậy thì…
Tương lai sẽ ra sao?
Tin tức giả mạo đã trở thành một vấn đề an ninh quốc gia. Thậm chí, trong tương lai, các nhà khoa học đã dự đoán rằng vấn đề sẽ còn trở nên trầm trọng hơn bởi trí tuệ nhân tạo AI. AI có thể tạo được những video có vẻ như thật nhưng được ngụy tạo toàn bộ hoặc một phần. Dựa trên các dữ liệu thu thập được từ người dùng internet, AI cũng có thể tạo ra các bot có ảnh hưởng hơn, nhờ những chia sẻ nền tảng xã hội, quê quán, sở thích cá nhân hoặc niềm tin tôn giáo của mục tiêu. Những kiểu nhắm mục tiêu cao như vậy sẽ làm cho các thông điệp trở nên thuyết phục hơn nhiều.
Chúng ta có thể làm gì?
Có một thực tế là, việc chia sẻ tin giả thường bắt đầu trong các nhóm nhỏ, đáng tin cậy trước khi được phổ biến rộng rãi trên internet. Đây có thể là các nhóm trên các ứng dụng nhắn tin như trò chuyện gia đình hoặc các trang và nhóm truyền thông xã hội có đầy đủ các thành viên cùng chí hướng.
Tất cả chúng ta đều tin tưởng gia đình và bạn bè của mình, vì vậy khi họ gửi cho chúng ta điều gì đó có thể chứa thông tin sai lệch, chúng ta có nhiều khả năng tin họ hơn - và sau đó chia sẻ nó với những người khác mà chúng ta tin tưởng. Hãy tưởng tượng một trang web liên hệ từ từ trở nên lớn hơn khi tin tức giả mạo được chuyển giữa các mạng đáng tin cậy khác nhau; đó là cách mà tin giả bắt đầu lây lan.
Mặc dù tin giả có thể sinh ra từ một mục đích xấu hoặc chỉ đơn giản là từ một tình huống hiểu lầm, nếu thông tin này phù hợp với niềm tin của người xem, họ có nhiều khả năng sẽ coi đó là sự thật vì định kiến có sẵn (confirmation bias). Ngay cả khi đó không phải là điều mà chúng ta thường tin, tính chất gây sốc của nội dung có thể tác động đến cảm xúc của chúng ta và khiến chúng ta chia sẻ nội dung đó.
Vì việc lan truyền thông tin sai lệch có thể nhanh chóng vượt ngoài tầm kiểm soát, hãy cố gắng hình thành thói quen tạm dừng trước khi bạn chia sẻ - cho dù đó là dòng tiêu đề, hình ảnh, ảnh chụp màn hình, video hay meme. Hãy đặt câu hỏi về nguồn gốc và chất vấn ngược lại định kiến của bản thân.
Nguồn tham khảo:
Circular Reporting là một khái niệm thú vị một cách điên rồ đó chứ (https://trainghiemsong.vn/r-casualconversation-2/)
How false news can spread (https://www.youtube.com/watch?v=cSKGa_7XJkg)
How false news spreads like real virus (https://engineering.stanford.edu/.../how-fake-news...)
How false information spreads (https://www.bbc.co.uk/bitesize/articles/zcr8r2p)