Thực hành ‘KÉO VỢ’ và vai trò, ý nghĩa với văn hoá của người Mông
Những ngày gần đây, mạng xã hội đang “dậy sóng” với video một thanh niên đang cố “kéo” một cô gái trong khi cô không thể vùng ra được và khóc lóc trước sự chứng kiến của nhiều người xung quanh. Rất nhiều bình luận cùng sự bức xúc cho rằng đây là hủ tục cần xóa bỏ. Xa hơn nữa, có những bình luận nhận định đây là một truyền thống văn hoá bị biến tướng với nhiều ngôn từ, thái độ mang tính chất kỳ thị, hằn sâu hơn những định kiến với cộng đồng dân tộc thiểu số nói chung và người Mông nói riêng.
Vậy ‘kéo vợ’ có phải là một hủ tục cần phải loại bỏ, hay như mọi thực hành truyền thống bị tách khỏi bối cảnh và ý nghĩa ban đầu, người đi ‘kéo vợ’ không thực sự hiểu để rồi hành động không phù hợp?
Viện iSEE sẽ cùng chia sẻ chuỗi bài viết 2 phần với phần 1 làm rõ về thực hành ‘kéo vợ’ và vai trò, ý nghĩa với văn hoá của người Mông, và phần 2 sẽ thảo luận hiện trạng và những yếu tố góp phần tạo ra đứt gãy của thực hành này, cũng như đưa thêm những thông tin để chúng ta, những người ngoài cuộc chứng kiến nó xảy ra có thể cùng hiểu thêm điều gì với thực hành của các tộc người khác,cũng như đối xử với truyền thống của chính mình ra sao.
‘Kéo vợ’ là gì?
Kéo vợ” là một phong tục, hay nói theo ngôn ngữ người Mông, là ‘cái lý’ (cêr liv) rất lâu đời của người Mông ở các tỉnh phía Bắc của nước ta. Như được phản ánh ở chính tên gọi, khi đến tuổi lấy vợ, các chàng trai Mông sẽ đi tìm các cô gái mình thích để ‘kéo’ về nhà làm vợ.
Sau khi đã chọn được người ưng ý, gia đình nhà trai sẽ tổ chức đi “kéo vợ” cho con mình. Thành viên của đoàn ‘kéo vợ’ thường là những người khỏe mạnh và biết cách không làm đau cô gái trong cuộc giằng co với gia đình bên nhà gái hoặc chính bản thân cô gái để đưa cô gái về nhà. Từ lúc cô gái bị kéo về nhà chàng trai cho đến lúc cuộc hôn nhân diễn ra là một quá trình của sự thương thoả, lựa chọn và phần chủ động trong quá trình này hoàn toàn thuộc về người phụ nữ, kể cả trong trường hợp cô gái hoàn toàn bị động trong lúc kéo.
Thực tế sau khi cô gái được kéo về, gia đình nhà trai sẽ cắt cử chị gái hoặc em gái của người con trai ngủ chung với cô gái trong 3 đêm. Thông qua những đêm trò chuyện và qua 3 ngày sống với gia đình người con trai, cô gái không chỉ hiểu thêm về chàng trai mà còn cả gia đình chàng trai. Sau 3 ngày, nếu cô gái đồng ý ở lại làm dâu, nhà trai sẽ giã bánh giầy rồi đưa cô gái về nhà lấy đồ. Đoàn nhà trai sang nhà gái nhất thiết phải có cha mẹ người con trai, khi sang đến nhà người con gái, người con trai phải quỳ lạy tất cả thành viên nhà gái để làm quen. Ngược lại, nhà gái sẽ thết đãi nhà trai và trò chuyện với con gái mình, chỉ khi cô gái vui vẻ đồng ý, nhà gái mới cho con gái theo nhà trai về. Còn nếu cô gái không đồng ý ở lại làm dâu, cuộc hôn nhân sẽ không được tiến hành, cô gái sẽ chờ những lần được kéo khác.
Ý nghĩa của tục ‘kéo vợ’
Thực tế tục kéo vợ giúp nâng cao vị thế của người phụ nữ trong cộng đồng người Mông. Càng được kéo nhiều lần, người phụ nữ Mông càng tự hào, vì chắc phải xinh đẹp, giỏi giang lắm mới được kéo nhiều lần. Khi sống với chồng, nếu có lúc chồng đối xử không tốt, cô gái có quyền nói với người chồng là “anh kéo tôi về chứ có phải tôi tự về với anh đâu mà anh đối xử với tôi như vậy”.
Ngoài các ý nghĩa xã hội trên, đối với nhiều gia đình, nhất là những gia đình chưa hoặc không có đủ điều kiện tổ chức đám cưới ngay, kéo vợ là một giải pháp tốt, linh hoạt để “người nghèo cũng có thể lấy được vợ’, vì theo tập quán của người Mông, sau thủ tục ‘kéo vợ’ đôi trai gái sẽ được cộng đồng công nhận là vợ chồng cho dù gia đình chưa có điều kiện tổ chức tiệc cưới mời dân làng.
Đọc thêm tại “Cái lý” (cêr liv) "kéo vợ" (hei pux) của người Hmông” (Hoàng Cầm &Trường Giang, 2013): http://dienngon.vn/Blog/Article/cai-ly-cer-liv-keo-vo-heipux-cua-nguoi-hmong