Thực hành ‘KÉO VỢ’ của người Mông - Một bước vào trong để hiểu

Sau video kéo vợ trên Hà Giang, đã có nhiều bài viết giải thích ý nghĩa của tục Kéo vợ cũng như những ý kiến về sự biến tướng của tục lệ này. Trên truyền thông đang tồn tại 2 quan điểm về tục Kéo vợ; (1) là phong tục kéo vợ đầy nhân văn đã bị biến tướng, (2) là hủ tục bắt vợ cần phải loại bỏ. 2 luồng ý kiến, một trôi về phong tục ban đầu, một phản đối hiện tại - vậy tại sao hiện tại vẫn diễn ra, và được thực hành năm này qua năm khác, giữa rất nhiều người?

Ở phía iSEE, chúng tôi tin rằng - mọi thực hành văn hóa đang diễn ra bởi thực hành đó có ý nghĩa với cộng đồng và có một môi trường giúp thực hành đó tồn tại. Vậy việc thực hành Kéo vợ trong cộng đồng người Mông hiện nay thực tế diễn ra như thế nào? Có lằn ranh giữa kéo vợ và bắt vợ không? Môi trường nào thực hành này đang nằm trong? Và những yếu tố nào dẫn tới quyết định của người kéo, người bị kéo, gia đình và những người khác trong cộng đồng?

Là một tổ chức làm việc cùng các cộng đồng dân tộc thiểu số, chúng tôi đã có cuộc thảo luận cùng 5 bạn thanh niên người Mông: Tuam Khaab - Mù Cang Chải, Giàng A Bê - Văn Chấn (Yên Bái) , Lồ Thùy Dung - Bắc Hà, Lồ Thị Sáy - Sapa (Lào Cai) và Mùa Thị Mua - Nậm Pồ (Điện Biên).

THỰC HÀNH KÉO VỢ ĐANG DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?

Trong tiếng Mông, tục Kéo vợ được gọi là “Coj nyaab” - nghĩa là đi đón, mang cô dâu về. Cách tiến hành tục lệ mỗi vùng một khác và có những cấp độ khác nhau. Theo giải thích từ truyện cổ của người Mông, việc kéo vợ dành cho các đôi trai gái yêu nhau mà chàng trai không đủ tiền đi xin dâu nên hai người hẹn ước đến với nhau thông qua kéo vợ - đây là hình thức phổ biến nhất trong văn hóa Mông.

Tuy vậy, vẫn tồn tại những cấp độ khác như bắt vợ, cướp vợ - là tìm cách đưa cô gái về mà không có sự đồng ý của họ. Trong cuốn sách “Những đỉnh núi du ca - Một lối tìm về cá tính H’Mông”, tác giả Nguyễn Mạnh Tiến có tổng hợp các mức độ: kéo, bắt, cướp theo những quy định khác nhau, hình phạt khác nhau. Các bạn trả lời phỏng vấn mô tả các cấp độ của tục lệ khác nhau nhưng đều có một điểm chung: Bắt vợ là một thực hành không được khuyến khích, và bị phạt vạ rất lớn.

Hiện nay, việc Kéo vợ diễn ra nhẹ nhàng do nam nữ nhắn với nhau trước và người nam không muốn có những hành động mạnh khiến người yêu tổn thương và bị nhiều người nhìn. Việc tổ chức đoàn kéo cũng ít diễn ra, do trong đoàn có thể có người lợi dụng cô gái khi đang kéo. Trong khi thực hành bắt ép, cưỡng đoạt như trong các video là một hình thức mà văn hóa Mông không khuyến khích.

“Thường những người biết chắc người ta không tới với mình mới bắt vợ như thế”, Lồ Thị Sáy chia sẻ.

“Coj nyaab” là một giai đoạn để tiến tới hôn nhân, là cơ hội đến với nhau một cách tự do, cũng để cô gái có thời gian quát sát gia đình chàng trai và đưa ra lựa chọn cuối cùng. Nếu cô gái tố cáo đoàn Kéo vợ có hành vi không tốt hoặc thời gian ở nhà chàng trai cô gái bị ép ngủ với cậu trai, không được đối xử tử tế - gia đình nhà trai sẽ bị phạt vạ rất lớn. Tuy vậy, có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới quyết định của cô gái, không chỉ bởi được đối xử tốt hay không.

"Chỗ tụi em người ta Kéo vợ trong đêm, nên anh không bao giờ thấy video quay lại đâu. Làm trong đêm thì ý ban đầu là muốn bảo vệ hình ảnh cho cô gái bị kéo, không ai đi kéo con nhà người ta ban ngày cả. Nhưng mà trong đêm chỉ có những chuyện màn đêm biết thôi. Lúc đó có người lợi dụng thì mình chả biết đấy là ai. Rồi tới lúc tố cáo thì phạt vạ nặng lắm, ảnh hưởng tới mối quan hệ của 2 họ sau này. Nhất là tố cáo xong thì mọi người dị nghị cô gái, cuộc sống về sau khó khăn. Nên đa phần bị kéo về sẽ thành cưới. Tụi em biết có những vụ làm tổn thương cô gái nhưng 10 năm nay chưa nghe thấy vụ tố cáo nào.” - Tuam và Bê cho biết.

“Giờ không muốn bị kéo đâu anh ạ. Do ngày xưa được bảo đảm là sẽ không cho chàng trai ngủ chung, mà có nhiều người vì muốn lấy nên tìm cách lợi dụng các thứ. Nếu mình không cưới thì có tin đồn rằng mình đã ở nhà người ta, các mối quan hệ sau này khó hơn. Giờ chỗ em có trường hợp kéo về nhưng bỏ rồi sau này vẫn có chồng rồi," Lồ Thị Sáy chia sẻ.

Trong khi thực hành Kéo vợ diễn ra, những người xung quanh không can thiệp vào hành động của chàng trai. Bởi người Mông có quan niệm rằng người ngoài không nên can thiệp vào mối quan hệ cá nhân. Bởi nếu can thiệp vào mà sau này họ lại cưới nhau sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống hôn nhân của họ trong tương lai. Dù vậy, bố mẹ của cô gái vẫn là người có quyền quyết định tối cao để ngăn cản việc con mình bị bắt. Việc kéo vợ, thường có thỏa thuận trước nên bố mẹ không can thiệp. Còn khi bắt vợ, bố mẹ thường tới tận nhà chàng trai để đòi con gái về. Hoặc sau 3 ngày kéo vợ, chàng trai vẫn phải qua nhà bố mẹ cô gái để “xin” cưới. Hành động xin – nghĩa là vai trò quyết định có được cưới hay không vẫn nằm ở bố mẹ cô gái.

Liên hệ tới video tại Hà Giang, nếu thực sự nếu bố mẹ đã ngăn cản mà chàng trai trong video vẫn nhất quyết kéo về thì đó là một hành động bắt/cướp vợ - không theo tập tục hôn nhân của người Mông.

TẠI SAO THỰC HÀNH "BẮT VỢ" VẪN TỒN TẠI?

Theo Tuam Khaab, việc bắt vợ hiện tại diễn ra một phần do môi trường học về văn hóa Mông của các thanh thiếu niên không nhiều. Các em đi học sớm, học nội trú xa nhà, tách khỏi môi trường văn hóa Mông. Thời gian được truyền đạt văn hóa từ người đi trước và để nhận thức về văn hóa của mình rất ít. Ở trường, các em chủ yếu học về văn hóa qua giáo viên và truyền thông. Trên truyền thông hiện nay, hình ảnh về Kéo vợ đa phần mang tính bạo lực ảnh hưởng tới hành động của các em.

Một yếu tố quan trọng được những người trả lời phỏng vấn nhấn mạnh là vị thế của người con gái trong văn hóa Mông vẫn thấp. Trong khi con trai rất được chiều và được tôn trọng các quyết định, mong muốn thì con gái (trong chuyện hôn nhân) thường được bố mẹ khuyên rằng nên lấy chồng, đằng nào cũng phải lấy. Nhiều trường hợp, quyết định sau cùng của người con gái do bố mẹ thuyết phục khi thấy nhà người kéo vợ có điều kiện tốt.

Trên truyền thông, thông điệp phổ biến về Kéo vợ là một hủ tục cần xóa bỏ vẫn đang được thúc đẩy hơn là tìm hiểu về ý nghĩa của tập tục hay lý do mà thực hành văn hóa vẫn tồn tại trong cộng đồng.

Trở lại vụ việc ở Pả Vi, Hà Giang; dù công an địa phương nhận diện đây là một phong tục nhân văn đang biến đổi nhưng giải pháp là quy thành hủ tục và cấm. Có nhiều người Mông không đồng ý về việc này. Bởi trong tiếng Mông, không có từ nào là hủ tục cả. Kéo vợ là một ‘cêr liv’ – một tục lệ, thường được dịch “cái lý của người Mông” - không mang tính xấu, cũ như hủ tục hoặc mới, đẹp như mỹ tục.

Trong quá trình thảo luận, các bạn trả lời phỏng vấn đều chia sẻ một thế tiến thoái lưỡng nan, một mặt những người phỏng vấn không đồng ý gọi tập tục của mình là hủ tục để bị xóa bỏ, một mặt họ không chấp nhận việc Kéo vợ được thực hành một cách bạo lực như các video quay lại.

NHỮNG QUYẾT ĐỊNH CỦA NGƯỜI TRẺ

Tại nhiều gia đình người Mông, bố mẹ thấy chuyện bắt vợ và phạt vạ là bình thường. Cái lý của người Mông đảm bảo cho điều này công bằng. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ phản đối, việc phạt vạ là đền bù bằng vật chất, còn phẩm giá của cô gái và cuộc sống tương lai không được bảo đảm. Những thay đổi và quyết định nằm trong các gia đình, trong sự thông hiểu giữa con cái và bố mẹ và trong những quan niệm về giá trị văn hóa của các thế hệ khác nhau.

Việc duy trì tục kéo vợ vẫn được diễn ra, như đã đề cập trong bài viết, hiện nay nhiều người Mông trẻ lựa chọn những cách kéo vợ nhẹ nhàng, ít ảnh hưởng tới người con gái; nhiều người muốn được xin dâu hơn là được kéo.

Những quan điểm về Kéo vợ được các bạn thanh niên lên tiếng trên những kênh facebook cá nhân. Tối hôm 9/2, một nhóm các bạn trẻ người Mông với nòng cốt là các thành viên cũ của nhóm Action for Hmong Development đã tổ chức một buổi thảo luận về tục Kéo vợ. Nhiều ý kiến được đưa ra, như tăng cường giáo dục trong tộc người và ngoài tộc người về tục Kéo vợ, thay đổi về các quy định trong pháp luật, và có chung một ý kiến là không nên tiếp tục thực hành kéo vợ.

LỜI KẾT

Việc quyết định thực hành Kéo vợ nữa hay không nằm ở phía người Mông. Những quan niệm đang thay đổi, quyết định thực hành văn hóa được chia đều cho từng cá nhân trong cộng đồng. Người Mông ở mỗi địa phương và mỗi thế hệ có những cách điều chỉnh riêng.

Thực hành văn hóa luôn nằm trong bối cảnh mà nó sinh ra và đang sống. Nó phức tạp hơn một quan điểm và đa dạng hơn hai thái cực đúng sai. "Quá trình biến đổi văn hoá được tạo ra bởi chính chủ nhân của nó chứ không phải do sự can thiệp, áp đặt chủ quan từ bên ngoài vào, mới làm cho các thực hành văn hoá có ý nghĩa và giữ được vai trò của nó như vốn có trong đời sống tộc người".(Hoàng Cầm & Nguyễn Trường Giang, 2017).

Là người ngoài cuộc, trước khi quyết định phán xét một văn hoá khác, tiêu cực hay tích cực, chúng ta cần đặt sự hiểu và tâm thế lắng nghe người trong cuộc lên đầu.

Để biết thêm và hiểu thêm về tiếng nói từ trong cộng đồng, những người quyết định thực hành văn hóa. Cần những không gian cởi mở để chia sẻ góc nhìn, những ý kiến từ người trong cuộc và ngoài cuộc để văn hóa được hiểu hơn và để những quan điểm, những ý nghĩa được đối thoại.

Với câu chuyện Kéo vợ, chúng tôi nghĩ rằng điều đơn giản nhất chúng ta có thể làm là dừng quay video, chụp ảnh, chia sẻ hay đưa hình của cô gái bị kéo lên truyền thông. Bởi danh dự của cô gái là một trong những quyết định dẫn tới hôn nhân. “Không ai muốn làm tâm điểm của sự chú ý khi hành động bạo lực đó đang diễn ra” – nhưng rất nhiều người, đang giơ những chiếc smartphone lên để đưa hình ảnh của cô tới nhiều người hơn tất cả lời đồn mà những tục kéo/cướp/bắt vợ năm xưa có thể.

Previous
Previous

Làn sóng phản đối “Don’t Say Gay”: Chuyện gì đang xảy ra tại Florida, Mỹ?

Next
Next

Thực hành ‘KÉO VỢ’ và vai trò, ý nghĩa với văn hoá của người Mông