Tiên Phong là mẫu mực về một tầm nhìn phát triển từ cộng đồng, của cộng đồng và cho cộng đồng

Tiên Phong - Bốn năm một hành trình

“Có lẽ từ trước đến nay tôi chưa từng thấy có buổi đánh giá dự án nào lại nhận được nhiều sự quan tâm và có số lượng người đăng ký đông đến như vậy.”

Bất ngờ là một trong những cảm xúc đầu tiên của chị Nguyễn Thuỳ Linh, tư vấn viên của chương trình Dân tộc Thiểu số tại Viện iSEE đối với buổi hội thảo “Tiên Phong – câu chuyện của có và không”. Sự ngạc nhiên không chỉ của mình chị Linh mà của nhiều thành viên ban tổ chức, những người tham dự và quan tâm tuy thế lại chẳng ở lại lâu bởi lẽ càng cùng nhau lắng nghe, thảo luận và chia sẻ, chúng tôi lại càng hiểu lý do tại sao một buổi đánh giá dự án lại được chú ý đến như vậy. Để đến giây phút cuối cùng, những cảm xúc tưởng chừng như chẳng hề liên quan và khó có thể xuất hiện tại một buổi đánh giá dự án, những xúc động, những vỡ oà, những chất vấn và cả những hy vọng cùng nhau bừng nở trong từng ánh mắt, từng giọng nói, từng dòng chữ của những người tham gia.

“Tiên Phong – câu chuyện của có và không” là buổi đánh giá dự án 4 năm đồng hành cùng Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam, tập trung vào hành trình xây dựng và phát triển của Mạng lưới Tiên Phong từ năm 2017 – 2021 với sự đồng hành của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (Viện iSEE), Trung tâm Nâng cao Năng lực Cộng đồng (CECEM) và tài trợ bởi Đại sứ quán Ireland để qua đó mở ra cơ hội học hỏi về cách tiếp cận trong việc đồng hành với các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Đối với Viện iSEE, “Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam không chỉ là một dự án mà là một hành trình, một đối thoại và nhiệm vụ của iSEE là đảm bảo cho cuộc đối thoại đó được thúc đẩy”, đó là lời khẳng định đầy trách nhiệm mà cũng thân thương, là lời nhắn gửi mở đầu cho buổi hội thảo của anh Lương Thế Huy, Viện trưởng Viện iSEE. Sự tự hào và xúc động ấy cũng là cảm xúc của anh Tô Ngọc Anh, cố vấn cao cấp, Đại diện Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam khi chia sẻ ấn tượng về sự đầu tư và tăng dần lên của sự sáng tạo trong chủ đề, độ sâu trong nội dung, sự phong phú trong hoạt động và độ mở rộng của quy mô mạng lưới qua 4 năm anh và ĐSQ Ireland đồng hành cùng Tiên Phong. Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam mang đến ấn tượng mạnh mẽ từ cái tên, bởi đúng như ý nghĩa của “tiên phong” là lãnh đạo và dẫn dắt, các thành viên của mạng lưới đã chủ động thu hút sự tham gia của người dân trong các vấn đề đáng quan tâm của cộng đồng hay việc nghiên cứu văn hoá của dân tộc mình. Ở quy mô quốc gia, Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam cũng đã có sự hiện diện nhiều hơn, qua đó khẳng định sự lớn mạnh và sự công nhận của Tiên Phong.

Ấn tượng và kỷ niệm có lẽ là hai món quà vô giá mà bất kỳ ai đã, đang và sẽ đồng hành cùng Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam đều nhận được. Những tự hào và xúc động ngay từ mở đầu chương trình ấy còn thôi thúc những người chưa từng biết đến hay trước đây mới chỉ quan tâm tới Tiên Phong cùng lắng nghe hành trình ra đời, xây dựng và phát triển của Mạng lưới qua phần giới thiệu ở phần tiếp theo của hội thảo. Hành trình 4 năm từ những mục tiêu lúc ban đầu cho đến chiến lược và các hoạt động cụ thể đã được tái hiện một cách đầy đủ và sinh động.

Từ suy tư đến hy vọng

Phần chính của “Tiên Phong – câu chuyện của có và không” là báo cáo đánh giá của chuyên gia độc lập – Tiến sĩ Nguyễn Thu Giang – về chặng đường 4 năm của dự án Mạng lưới Tiên Phong. Tiến sĩ Nguyễn Thu Giang là chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu truyền thông Việt Nam. Từ năm 2016, Tiến sĩ Thu Giang đã tham gia hướng dẫn nhiều khóa tập huấn cho các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam về các chủ đề lý thuyết truyền thông, công bằng xã hội, bình đẳng giới, phong trào xã hội và phương pháp nghiên cứu. Tiến sĩ Thu Giang đã xuất bản một chuyên khảo với nhà xuất bản Routledge London về văn hóa truyền hình Việt Nam. Chị cũng đồng thời là tác giả của nhiều bài báo trên các tạp chí học thuật được đánh giá cao về truyền thông đại chúng, phong trào xã hội và bình đẳng giới tại Việt Nam.

Tiến sĩ Thu Giang nhấn mạnh, điều quan trọng nhất trong việc thực hiện việc đánh giá cuối dự án là “…cần có một khung lý thuyết giúp nhìn nhận ra được kiểu công-lý-từ-dưới-lên mà dự án đang thúc đẩy, và quan trọng hơn, khiến cho các hoạt động dự án có thể phân tích được theo khía cạnh công lý. Khung lý thuyết đó cũng cần đủ khả năng để làm hiển thị những tác động có thể ẩn hơn, ví dụ như hàm ý về phương pháp luận cho các tổ chức NGO về “phát triển” và “can thiệp” tại các cộng đồng.” 

Trở đi trở lại trong bài chia sẻ của chị Thu Giang và cũng in dấu đậm nét trong những người tham gia có lẽ là hai chữ “hy vọng”. Chữ “hy” trong “hy vọng” mang nghĩa hy hữu, bởi lẽ đó hy vọng thì mong manh, hoài nghi thì lại chắc chắn. Báo cáo đánh giá dự án của chị Thu Giang là nỗ lực bước đầu để chúng ta cùng nhau hy vọng trong bối cảnh sự hoài nghi lên ngôi. Nhưng để có hy vọng, cùng nhau chúng ta cần những suy tư, những phản tư và những thảo luận.

Lựa chọn khung đánh giá là khung công lý ba chiều của Nancy Fraser [1], lý thuyết gia phê bình, nhà nữ quyền và giáo sư khoa học chính trị và xã hội về triết học người Mỹ, Tiến sĩ Thu Giang nhấn mạnh rằng việc lựa chọn khung nào để đánh giá dự án, đặc biệt là dự án của các nhóm yếu thế kéo dài đã là một sự can thiệp có tính quyền lực, việc lựa chọn bởi lẽ đó không bao giờ là vô can. Để lựa chọn khung lý thuyết nói riêng và tiến hành đánh giá dự án nói chung, là một người đa số, có quyền lực và sử dụng ngôn ngữ học thuật để đánh giá dự án của một nhóm thiểu số, chị đã suy nghĩ và trăn trở rất nhiều. Sự tự ý thức mang tính trách nhiệm ấy như một lời nhắc nhở về sự cẩn trọng trong quá trình làm việc với Mạng lưới Tiên Phong của Tiến sĩ Thu Giang.

Khung công lý của Nancy Fraser giúp bóc tách các hoạt động công lý trên ba chiều cạnh: (1) kinh tế (phân phối tài nguyên và phân công lao động), (2) văn hoá (vị thế và phẩm giá) và (3) chính trị (giọng của ai và giọng được cất lên ở đâu). Ba chiều này của công lý là không thể quy giản, ví dụ như khi một người da đen giàu có bị kỳ thị và phân biệt chủng tộc, ta không thể phủ nhận điều đó bằng cách nói rằng vì người đó giàu có nên không đời nào phải chịu bất công về mặt chủng tộc. Bên cạnh đó, ba chiều kinh tế - văn hoá – chính trị cần lúc tương hỗ lẫn nhau. Công lý là bình đẳng khi tham gia vào quá trình tổ chức và thay đổi xã hội trên cả ba chiều cạnh đó.

Khung lý thuyết này được lựa chọn trước tiên bởi chất lượng lý thuyết (analytic clarity) của khung và nó phù hợp với vấn đề bất công có tính đa chiều của dân tộc thiểu số. Đồng thời, khung công lý của Nancy Fraser vượt ra khỏi các bộ chỉ số mang tính kỹ thuật hay định lượng để đánh giá tác động của Tiên Phong ở các giả định nền tảng và nhấn mạnh vào chất lượng của sự thay đổi, bởi lẽ đúng như nhấn mạnh của anh Lương Thế Huy ở phần khai mạc của chương trình, Tiên Phong không phải là một dự án có thể và nên chốt lại bằng những KPI, những chỉ số, những thống kê có tính kỹ thuật có thể đo lường được độ thành công. Một khi “kỹ thuật hoá” Tiên Phong theo cách đó thì ngay lập tức Tiên Phong bị lề hoá bởi thứ ngôn ngữ của đa số. Đánh giá dự án phải lấy xuất phát điểm từ những giả định nền tảng đến từ chính những người trong cuộc. Bên cạnh khung công lý của Nancy Fraser, Tiến sĩ Thu Giang còn sử dụng các nghiên cứu về lĩnh vực phát triển từ kinh nghiệm của bán cầu Nam, cụ thể là các công trình của các học giả như Arturo Escobar, Tania Li, Stacy Leigh Pigg, James Scott.

Có thể nói, suy tư về Tiên Phong nói riêng hay các dự án đồng hành cùng các cộng đồng dân tộc thiểu số nói chung sẽ gần như là phí hoài nếu không chất vấn về hai khái niệm “dân tộc thiểu số” và “phát triển”. Theo tiến sĩ Thu Giang, khái niệm “dân tộc thiểu số” mang tính trừu tượng, được sử dụng trước hết để tổ chức và quản trị xã hội. Ý niệm này được xây dựng chủ yếu dựa trên ý niệm về “phát triển”, gắn với “hiện đại hoá” và sự “tiến bộ”, chính điều này khiến “dân tộc thiểu số” có nhiều khác biệt đặc thù với các nhóm khác như LGBTI hay nhóm nghèo đô thị. Ý niệm về phát triển là then chốt để chúng ta hiểu như thế nào là “dân tộc thiểu số”.

Dưới thang đo “phát triển”, “dân tộc thiểu số” chịu bất công nhiều tầng nhất: (1) việc loại thải tiếng nói về vấn đề nông thôn, tiếng nói của nông dân, vai trò của nông nghiệp, (2) kỳ thị kéo dài liên quan tới nghèo đói, (3) chịu can thiệp lớn về tài nguyên và cơ sở hạ tầng và (4) kỳ thị và chiếm dụng văn hoá. Người dân tộc thiểu số như nhân vật đặc trưng nhất của cái gọi là kém phát triển là quan điểm phổ biến và có tính thống soát trong giới phát triển, trong không gian giáo dục và trên báo chí – truyền thông và cả trong giới trí thức.

Tiến sĩ Thu Giang nhấn mạnh, các dự án làm về phát triển không nên trở thành một mô hình có thể nhân rộng mà không có sự thay đổi, thiếu đi sự suy tư, việc làm dự án không nên rốt cục chỉ còn là việc nó có thể báo cáo (reportable), diễn giải bằng thứ ngôn ngữ khiến những cộng đồng, những gương mặt người trong đó trở nên kỹ thuật được hay không.

“Cộng đồng cần được nhìn nhận trong tình thế cụ thể của họ, tức là một tổng hoà mang tính văn hoá-kinh tế-chính trị, chứ không phải đối tượng để "bứng ra" rồi "tỉa đi" cho vừa vặn với những mô hình sẵn có của người làm dự án.”

Từ quan sát và nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Thu Giang cho rằng các cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn được xem là những người “không có” hoặc “thiếu”: thiếu tri thức hiện đại, tiến bộ, thiếu sự mạch lạc, tốc độ, tương lai, khát vọng, năng lực làm kinh tế, khả năng lập kế hoạch… “Có” và “không có” chưa bao giờ đơn giản chỉ là chuyện thực sự cộng đồng đó sở hữu điều gì, mà còn là việc cái gì đủ quan trọng để được xem là xứng đáng có, ai là người quyết định “có” là gì hay ai là người được phép “có”, tại sao cộng đồng có mà chúng ta không thấy, ai là người được quyền hay có đặc quyền không hiểu (nói theo cách của Eve K. Sedgwick) và câu chuyện cái gì người da số không hiểu hoặc từ chối hiểu sẽ trở thành vô hình, vô thanh, rơi vào không gian của sự “huyền bí”.

“Có” và “không có” là vấn đề về quyền, về nhân phẩm và phẩm giá của từng cá nhân nói riêng và cả cộng đồng nói chung. Đó là lý do khoảnh khắc ca từ trong “Ain’t Got No, I Got Life” của Nina Simone cất lên, dù cách trở bởi chiếc màn hình và khoảng cách địa lý, dù ở Bắc hay Nam, dù cách xa nhau cả nửa vòng địa cầu, tất cả những người tham gia buổi hội thảo đều như lặng đi và cùng thổn thức bởi những suy tư hết sức thành thật và thấm thía:

“Không có tiền bạc, không có địa vị

Không có nước, và không có tình yêu

Không có đức tin, và cũng chẳng có Chúa

Tôi còn có thứ gì?

Tại sao tôi vẫn còn tồn tại?

Tôi có mái tóc, tôi có cái đầu, tôi có bộ não, tôi có đôi tai

Tôi có đôi mắt, tôi có mũi, tôi có miệng

Tôi có chính tôi

Tôi có tự do của tôi

Tôi có cuộc sống này!”

Tiên Phong là mẫu mực về một tầm nhìn phát triển từ cộng đồng, của cộng đồng, và cho cộng đồng

Theo đánh giá của Tiến sĩ Thu Giang, Tiên Phong là sáng kiến can thiệp công lý đặc biệt vào chiều văn hoá và chiều chính trị. Trong đó, văn hoá được hiểu như không gian biểu tượng và tri thức, trước hết ở việc tự nhìn nhận giá trị của bản thân và cộng đồng, hay nói cách khác là sự tự tintự hào. Can thiệp văn hoá là câu chuyện nhận ra và khẳng định rằng “Mình cũng CÓ” của các cộng đồng dân tộc thiểu số, để sau đó là đi từ bản sắc (identity) đến vị thế (status):

•   “Nhiều việc mới đầu cứ nghĩ không làm được đâu, nhưng lúc tổ chức xong thì thấy có thể làm được, mà người ta xem người ta rất là thích”.

•   “Ngày xưa đi Hà Nội, em mặc quần áo người Mông. Em vừa ra khỏi ga một cái thế là ùa ra, cả đám đông người Kinh, bắt đầu “Ô, Mèo Mèo Mèo”. Xong em mới nghĩ bảo “tại mình mặc quần áo thế này thì nó mới bảo mình là Mèo, chứ mình mặc quần áo người Kinh thì chắc gì nó đã bảo thế”. Thế là lúc ấy mới bắt đầu nghĩ ra là không nên mặc quần áo người Mông ra thành phố. Nhưng sau em tham gia các chương trình của Tiên Phong về tri thức bản địa thì mới bắt đầu hiểu ra về giá trị văn hoá của mình, thì mới thấy mặc quần áo của dân tộc mình ra thành phố là một sự tự hào”. 

(Các câu nói của các thành viên Tiên Phong trong quá trình tiến sĩ Thu Giang phỏng vấn sâu)

Can thiệp vào chiều chính trị được hiểu như sự cất giọng một cách tự chủ của người thiểu số trong các diễn đàn về người thiểu số nói riêng và về các vấn đề mang tính công dân nói chung. Nếu chính trị được hiểu như là vấn đề của “giọng”, thì can thiệp về mặt chính trị là việc nỗ lực để giọng thật được cất lên, thứ giọng “thốt ra từ cuống họng của một con người trong toàn bộ tình thế văn hoá-lịch sử của họ và thế giới mà họ thuộc về”. Tiến sĩ Thu Giang nhấn mạnh, sự có mặt, giọng, chuyện, tri thức và lịch sử của các cộng đồng thiểu số có thể làm khó chịu và xáo trộn, phức tạp hoá các cơ chế trừu tượng, phổ quát, giản lược hoá và giọng thật khi cất lên sẽ phá vỡ sự liền mạch gượng gạo của các thiết chế hoạt động nhân danh “cộng đồng”. Bởi lẽ đó, những can thiệp của Mạng lưới Tiên Phong mang tính chiến lược vì nó đã thay đổi lề thói can thiệp kinh tế từ trên xuống và mang tính rập khuôn trong tư duy “phát triển”. Vấn đề của giọng không chỉ là chuyện giọng được cất lên mà còn là giọng cần được nuôi dưỡng và nhận ra cất giọng là một quá trình và rằng việc cất giọng cần đến sự tin cậy và an toàn.

Ở một chiều cạnh cụ thể hơn là can thiệp diễn ngôn, báo cáo đánh giá đã chỉ rõ rằng Tiên Phong đã đưa rất nhiều câu chuyện trước đây không nhiều người để ý tới hay thậm chí là câm lặng trở thành chuyện có thể nói ra, có thể nghe được như chất vấn “Miền núi có cần tiến kịp miền xuôi?”, giá trị của tri thức bản địa, vấn đề chiếm dụng văn hoá, vũ trụ quan nhân sinh quan của các tộc người  (hội thảo “Dùng trái tim soi việc đúng”), hay việc đánh giá các chương trình can thiệp của nhà nước (hội thảo “Nghe từ lòng dân”). Điều quan trọng nhất là Tiên Phong không tìm kiếm sự thoả hiệp hoặc liên minh mang tính lợi ích mà tự mở ra các không gian mới để cất giọng và từ đó trở thành tiếng nói có vốn xã hội đáng kể và có thể mở rộng.

Tất cả những can thiệp từ văn hoá tới chính trị và về diễn ngôn của Tiên Phong đến từ những giả định của những người trong cuộc về “phát triển”. Đó là quan niệm rằng một giọng hay một cá nhân có thể là đơn âm nhưng mười giọng, một trăm giọng hoà vào thì sẽ trở thành tiếng vang, tiếng vọng có sức ảnh hưởng. Tiên Phong đi từ niềm tin bền bỉ từ những buổi đầu rằng người trong cuộc là người hiểu rõ nhất mình có gì, mình muốn gì và như thế nào là phù hợp, vì thế họ là chủ thể định nghĩa về sự phát triển của họ và cộng đồng mà họ thuộc về. Và hơn hết là niềm tự hào, niềm tin rằng cộng đồng dân tộc thiểu số luôn CÓ, rằng tri thức của người dân tộc thiểu số phong phú và linh hoạt, thậm chí là hơn người đa số bởi phần lớn người dân tộc thiểu số là người đa ngữ, di chuyển thông thạo giữa ít nhất hai thế giới hay không gian sống khác nhau. Người đa số, bởi lẽ đó là “một trong số” chứ không phải là không thể là “tất cả”, họ cần “học để học” (learn to learn) hay giải huỷ những thứ đến từ đặc quyền để học lại từ đầu (unlearn).

Quan điểm hay những giả định về phát triển của Tiên Phong đặt ra vấn đề cho những người làm phát triển, rằng làm phát triển là cùng học, cùng điều phối và nắn dòng, nhất là khi có va chạm thiếu bình đẳng với ngôn ngữ trừu tượng-phổ quát của nhóm đa số. Làm phát triển là quá trình thay đổi về quyền lực (power shifting) từ cấp độ người dân, cộng đồng (grassroots level). Những giả định đó, đồng thời cùng giúp Tiên Phong và chúng ta nhận ra các thay đổi trong xã hội bắt buộc cần đến sự chịu đựng (endurance), chúng ta cần chấp nhận tình trạng “có lên có xuống” chứ không thể đòi hỏi những thay đổi tức thì, có thể nhìn thấy trong thời gian ngắn hay một dự án thay đổi liên tục thành công. Chấp nhận và thương thoả với điều đó đồng nghĩa với việc kiên trì, bền bỉ, người này nối giọng người khác, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác trong một thời gian dài

Mạng lưới Tiên Phong nói riêng hay các dự án về công lý xã hội nói chung luôn tồn tại nhiều rủi ro, bấp bênh và những điều bất khả đoán trước, bởi lẽ đó nếu không có tâm thế cùng đồng hành, cùng học hỏi thì rất khó để làm được điều gì đó cùng nhau. “Sự bất ngờ luôn hàm chứa tính bấp bênh nhưng bất ngờ cũng là khả thể duy nhất của sự thay đổi, cũng giống như trong hạnh phúc luôn có yếu tố không lường được. Nhưng chính vì không thể đoán trước nên nó mới thành hạnh phúc”, tiến sĩ Thu Giang kết lại buổi báo cáo bằng những suy tư mang tính triết học mà cũng hết sức gần gũi, thiết thân với từng cá nhân.

Những trăn trở về tình bạn, tình người và những khả thể để hy vọng trong tương lai này có lẽ là những điểm tựa tinh thần và là điều nâng đỡ các thành viên của Mạng lưới Tiên Phong, những bên đồng hành như Viện iSEE, CECEM và Đại sứ quán Ireland, các chuyên gia trong lĩnh vực nhân học, nghiên cứu văn hoá như chính Tiến sĩ Thu Giang và những người quan tâm tới Tiên Phong trong hành trình 4 năm vừa qua.

 “Tham gia cùng Tiên Phong khiến tôi có nhiều hy vọng hơn, nhận ra thay đổi là rất khó nhưng không phải là không thể.” – Tiến sĩ Nguyễn Thu Giang

Đi qua những bất ngờ lúc ban đầu cho đến những phút giây trào dâng và vỡ oà bởi những suy tư và cảm xúc, để đến cuối cùng là những hy vọng “mở toang” ra bởi tương lai, quả thật hiếm có buổi đánh giá dự án nào như “Tiên Phong – câu chuyện của có và không”. Để rồi vào giây phút khép lại, có những điều trở nên lung lay, có những thứ vững chắc, có những câu hỏi còn bỏ ngỏ, cũng có những quả quyết mạnh mẽ về tương lai. Có những suy tư ở lại đó với từng cá nhân về hạnh phúc, về phẩm giá mà cũng đầy những trăn trở về số phận của cả một cộng đồng và dân tộc. 4 năm, một hành trình, Tiên Phong đã vượt ra khỏi một “dự án” cụ thể. Tiên Phong là mẫu mực về một tầm nhìn phát triển từ cộng đồng, của cộng đồng, và cho cộng đồng.

Tác giả: Nguyễn Lưu Ngọc Quỳnh

Tham khảo: (Tổng hợp của người viết) 

[1] “FROM REDISTRIBUTION TO RECOGNITION? DILEMMAS OF JUSTICE IN A 'POST-SOCIALIST' AGE”: https://newleftreview.org/issues/i212/articles/nancy-fraser-from-redistribution-to-recognition-dilemmas-of-justice-in-a-post-socialist-age?fbclid=IwAR3NPn2-VhhCdxiCFRCrnfVth5ZVeDGVK4psNyWAe4oVfwFxdVZ_Lq1LQ-8






Previous
Previous

Thực hành ‘KÉO VỢ’ và vai trò, ý nghĩa với văn hoá của người Mông

Next
Next

Dòng chảy phù sa - Mạch ngầm phát triển: Khi phát triển là những câu hỏi