Sống chung đồng giới: bởi mọi tình yêu đều bình đẳng
“Sự hiện diện của tình yêu cùng giới là có thật, nó đang xảy ra. Họ đã và đang hiện thực hóa tình yêu cùng giới và sắp xếp cuộc sống chung tùy theo bối cảnh.”
Nhân Ngày Quốc tế Chống kỳ thị người Đồng tính, Song tính và Chuyển giới (IDAHOT) (17/05) mới đây, Viện iSEE tổ chức buổi chia sẻ kết quả sơ bộ của nghiên cứu “Sống chung cùng giới 2019”. Nghiên cứu nhằm tìm hiểu thực trạng quan hệ cùng giới của các cặp đôi, quan điểm của họ đối với các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến việc chung sống cùng giới, cũng như những mong muốn và đề xuất của cộng đồng LGBT về hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới.
“29 năm kể từ ngày 17/05/1990, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhưng hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới chưa nằm trong những thành tựu ấy”, anh Vương Khả Phong – cán bộ chương trình LGBT tại iSEE chia sẻ.
Nói về lý do ra đời của nghiên cứu này, anh Vũ Thành Long, nghiên cứu viên, cho biết: “Một nghiên cứu tương tự đã được iSEE thực hiện năm 2013. Giai đoạn đó việc làm đám cưới cho hai người cùng giới tính vẫn bị coi là vi phạm trật tự, an toàn xã hội. Năm 2015 có sửa đổi luật, những cặp đôi cùng giới có thể tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, quan hệ này chưa được pháp luật bảo vệ như một cuộc hôn nhân”.
Nghiên cứu sử dụng kết hợp hai phương pháp định lượng (5999 bản ghi hoàn thiện; độ tuổi trung bình 21.9) và định tính (20 trường hợp điển hình tại Hà Nội và TP.HCM), người tham gia đa dạng về độ tuổi, bản dạng giới và xu hướng tính dục. Những phân tích ban đầu đưa ra một số kết quả cho thấy một bức tranh lát cắt hiện tại về các cặp đôi sống chung cùng giới.
Tình yêu cùng giới và cuộc sống lứa đôi
54.1% người tham gia khảo sát online cho biết họ đang trong một mối quan hệ cùng giới, các mối quan hệ này chủ yếu kéo dài 1-3 năm tính đến thời điểm hiện tại (44.4%). Độ dài của các mối quan hệ phần nào phụ thuộc vào độ tuổi, những người lớn tuổi hơn sẽ trải nghiệm tình yêu cùng giới lâu hơn. Nhiều cặp đôi đã bên nhau 6-10 năm và lâu hơn thế.
41.3% người khảo sát online đã hoặc đang chung sống với người yêu/bạn đời. Nhiều người quyết định chung sống khi họ cảm thấy đủ yêu thương và cam kết với người yêu của mình (80%). Lý do lớn thứ hai là họ hướng đến những bước tiến xa hơn trong mối quan hệ về cuộc sống nghiêm túc dài lâu (57.6%).
Tuy nhiên, bức tranh không chỉ có màu hồng, nhiều người khảo sát online cho biết họ đã hoặc đang trải qua hôn nhân khác giới do gia đình ép buộc, áp lực xã hội hoặc chấp nhận hôn nhân “bình phong” (62.8% trong số 94 người có trải nghiệm hôn nhân dị tính). Hơn nữa, có tới 46 người quyết định ly thân hoặc ly hôn, chủ yếu do hôn nhân không còn hạnh phúc (41.3%) và nhận ra sai lầm khi kết hôn mà không có tình yêu (54.3%). Anh Long giải thích: “Quan điểm thống trị trong xã hội Việt Nam vẫn là hôn nhân dị tính là đích đến của mỗi con người. Sức ép về hôn nhân dị tính vẫn còn nặng nề đối với cộng đồng LGBT, bất luận nhiều chương trình nói về quyền và sự hiện diện của người LGBT đã được thực hiện để thay đổi vấn đề này”.
Khó khăn khi chung sống
Đa phần người tham gia nhận định việc gia đình không ủng hộ là khó khăn lớn nhất (47.3%), tiếp đến là sự kỳ thị của xã hội với người LGBT (44.6%). Bên cạnh đó, việc thiếu quyền đăng ký kết hôn hợp pháp cũng gây ra không ít trở ngại cho cuộc sống lứa đôi (32.4%). Trong đó, quan hệ tài sản là vấn đề các cặp đôi lo ngại do có nhà đất chung, góp vốn đầu tư kinh doanh chung và sở hữu chung các tài sản có giá trị lớn (ô tô, sổ tiết kiệm, vàng).
Những vấn đề liên quan con cái cũng được các cặp đôi cùng giới quan tâm. Trong mẫu trả lời online, có 12 trường hợp nhận con nuôi, 16 trường hợp sống chung với con đẻ của bạn đời và 19 người cho biết họ có con riêng. 41.3% trong số họ lo lắng sự kỳ thị của xã hội với người LGBT gây ra ảnh hưởng đến con cái. 34.8% gặp khó khăn trong việc giám hộ và đại diện pháp lý cho con. Một số trở ngại khác có thể kể đến là đăng ký nhận nuôi con cùng bạn đời cùng giới tính, đăng ký tên bạn đời trên giấy khai sinh của con hay tiếp cận tinh trùng để thực hiện sinh con hợp pháp (với nữ). “Khi con nó lớn và với định kiến xã hội bây giờ nó có thay đổi hay không, nó có gặp trở ngại gì khi mà có hai ông bố và không có một bà mẹ hay không, đi học nó có gặp vấn đề gì hay không”, đó là trăn trở của một người đồng tính nam tham gia phỏng vấn sâu tại Hà Nội, khi được hỏi về lo ngại nếu có con trong tương lai.
Nhu cầu của cộng đồng
Có thể thấy nhu cầu rất lớn của cộng đồng LGBT về việc công nhận và hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới. 89.2% cho biết họ mong muốn được quyền kết đôi dân sự, 99.8% muốn pháp luật công nhận bình đẳng như các cặp đôi dị tính. Bên cạnh quyền kết hôn, người LGBT cho rằng pháp luật nên cho phép cặp đôi cùng giới nhận con nuôi (96.1%) và nên có các hoạt động hỗ trợ sinh sản cho các cặp đôi đồng tính (95.5%).
“Sự hiện diện của tình yêu cùng giới là có thật, nó đang xảy ra. Họ đã và đang hiện thực hóa tình yêu cùng giới và sắp xếp cuộc sống chung tùy theo bối cảnh”, anh Long cho biết. Dù có những cách thức sắp xếp cuộc sống và tương lai, họ đang trải nghiệm nhiều khó khăn từ gia đình, kỳ thị xã hội, và sự không công nhận của pháp luật. Điều đó cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa của việc vận động hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới tại Việt Nam, bởi mọi tình yêu đều bình đẳng, bất kể xu hướng tính dục và bản dạng giới nào.
Chu Lan Anh (ghi)