Chống kỳ thị, định kiến và phân biệt đối xử: câu chuyện không của riêng ai
Chúng ta có tạo nên sự khác biệt?
Ngày Quốc tế chống kỳ thị Người Đồng tính, Song tính và Chuyển giới 17/5 (IDAHOT) không chỉ là ngày tôn vinh riêng biệt trong cộng đồng Người Đồng tính, Song tính và Chuyển giới (LGBTIQ), mà còn là cơ hội để những cộng đồng lớn hơn nói với nhau về chống phân biệt đối xử, tôn trọng sự đa dạng, tôn trọng những giá trị nhân phẩm tốt đẹp của mỗi con người.
Đã gần 04 năm trôi qua kể từ thời điểm Việt Nam thừa nhận Quyền chuyển đổi giới tính (11/2015), và gần 06 năm đối với những thay đổi bước đầu trong Luật Hôn nhân và Gia đình (2013) – bỏ “cấm” nhưng “không thừa nhận” hình thức hôn nhân đồng giới, cộng đồng LGBTIQ tại Việt Nam đã làm được nhiều hơn những thay đổi này của pháp luật. Trong cả một hành trình miệt mài thay đổi xã hội và kiến tạo những trao đổi cởi mở về tôn trọng sự đa dạng của cả một quốc gia, đây vẫn đang là những chặng đường đầu tiên.
Những biến thể của phân biệt đối xử “kiểu mới”
Việc cấm đoán hay hạn chế một bản năng tiềm thức của con người như việc nhận xét, đánh giá và đưa ra quyết định dựa trên các thuộc tính bề ngoài gần như là không thể. Nhưng khi chúng được khái quát hoá một cách tuyệt đối và trở thành khuôn mẫu chuẩn mực để đánh giá, phán xét và ứng xử với tất cả các thành viên thuộc nhóm/cộng đồng này, bất chấp sự thay đổi trong thực tế và những khác biệt về mặt cá nhân, thì những quan điểm và hành vi này sẽ trở thành sự phân biệt đối xử.
Đã có những báo cáo toàn cầu, chỉ báo cấp quốc gia và rất nhiều những con số thống kê về tình trạng bất bình đẳng và phân biệt đối xử dựa trên bản dạng giới, xu hướng tính dục và thể hiện giới ở các địa phương và môi trường làm việc cụ thể tại Việt Nam. Những chỉ báo mang tính định lượng này rất quan trọng, tuy nhiên lại chưa thâu tóm được độ sâu và chưa phản ánh được sự ngần ngại trong việc xóa bỏ kỳ thị, sự tinh vi của các hành vi phân biệt “kiểu mới”, cũng như chưa lý giải cho chúng ta biết nguyên nhân của tình trạng phân biệt đối xử vẫn đang tồn tại dai dẳng tại Việt Nam. Hậu quả của sự phân biệt đối xử không loại trừ một ai, từ cấp độ trực tiếp đầu tiên là nạn nhân cụ thể của hành vi, cho tới gián tiếp là sự khoan dung và cản trở sự hòa hợp của xã hội.
Hôn nhân đồng giới vẫn là một thách thức với các thành trì truyền thống xã hội Việt Nam. Xã hội có thể rất cởi mở với việc hai người đồng giới có quan hệ yêu đương, có thể hiện thân mật, nhưng xã hội chưa chấp nhận được việc họ “lấn tới” đòi quyền kết hôn. Được kết hôn, tức là sẽ ngồi ngang hàng về quyền và nghĩa vụ như các cặp đôi dị tính khác, với các truyền thống gia đình lâu đời. Nếu một cặp đôi cùng giới được kết hôn và ly hôn, có lẽ thẩm phán trong phiên xử ly hôn sẽ rất bối rối không biết khuyên ai nên nhún nhường an phận về nhà làm bà hoàng, và mặc định ai là đại bàng ra ngoài tìm mồi nuôi tổ. Ranh giới của việc đòi quyền chạm ngưỡng nếu tẩt cả chúng ta giống nhau, vì dù thế nào vẫn phải giữ nề nếp, số đông cần… bình đẳng hơn.
Chúng ta đã có thừa một xã hội rất sẵn sàng giận dữ để bảo vệ cho những người bị xem là nạn nhân chịu phân biệt trong mỗi vụ việc cụ thể – một nạn nhân nhỏ bé cần có số đông anh hùng lên tiếng (ví dụ, trường Đại học Sư Phạm HCM quy định chỉ tuyển nữ sinh viên cao trên 1m50), nhưng chúng ta lại rất thiếu những tiếng nói đòi hỏi một tấm khiên bảo vệ từ ban đầu cho toàn thể xã hội– một đạo luật chống Phân biệt đối xử và bình đẳng cho mỗi con người.
“Một cái tên đẹp”
Đầu tháng 9/2018, tôi nhận được một văn bản trả lời ‘Yêu cầu đổi tên của công dân’, từ phòng Tư pháp của một huyện. Công dân yêu cầu là một người Chuyển giới Nam đã trên 18 tuổi, và có cái tên khai sinh rất nữ tính. Trong phần ý kiến trả lời, cơ quan nhà nước đã nêu lý do từ chối yêu cầu đổi tên như sau: đây là “một cái tên đẹp, nữ tính, phù hợp với giới tính khai sinh, do đó không có lý do hợp lý để đổi”.
Một cái tên đẹp và nữ tính sẽ phù hợp với một người nữ. Một vóc dáng và thể hiện nam tính luôn phù hợp với một người nam. Vẫn còn những quy định pháp luật cố sức bảo vệ cho sự đẹp và sự phù hợp định kiến như thế, và nó đụng chạm tới mỗi nhân phẩm con người, ở những góc khuất chúng ta không nhìn thấy được, và ép mỗi người phải sống đúng sự phân biệt như thế. Ở tầm cao hơn, những khuôn mẫu này nếu tiếp tục được áp dụng vào trong các chuẩn mực pháp luật sẽ biến một cộng đồng thiểu số trở thành một cộng đồng ngoài cuộc.
Pháp luật phải chứa đựng các giá trị về nhân phẩm và bình đẳng; tôn vinh sự đa dạng
Ngày Quốc tế chống kỳ thị Người Đồng tính, Song tính và Chuyển giới là một ngày để nói về Quyền con người. Các quyền của cộng đồng LGBT cũng như các cộng đồng thiểu số khác được thực hiện trên thực tế ra sao, phải xét dưới hai khía cạnh: pháp luật có thừa nhận sự bình đẳng và không phân biệt đối xử hay không, đồng thời pháp luật mang tính giáo dục các giá trị phổ quát về bảo vệ nhân phẩm và tôn trọng sự đa dạng của mỗi thực thể thế nào.
Xu hướng chung của các nhà làm luật cấp tiến là quyền bình đẳng trước pháp luật ngày càng được bổ sung trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, quyền bình đẳng trước pháp luật mới mở rộng và thừa nhận thêm các quyền công dân, chứ chưa đảm bảo các nguyên tắc tuyệt đối bảo vệ quyền con người và nhân phẩm của mỗi người. Đây là sự hạn chế, bởi quyền con người có khái niệm rộng hơn quyền công dân, và vấn đề đặt ra là nếu một người bị hạn chế quyền công dân (ví dụ, chưa được thừa nhận hôn nhân đồng giới) thì quyền con người – trong đó có quyền bình đẳng trước pháp luật – sẽ không được thừa nhận một cách toàn vẹn và không được bảo vệ một cách đầy đủ. Hôn nhân bình đẳng, do đó, là một cơ hội để nói với nhau về tình yêu dành cho tất cả mọi người, và là cách các cộng đồng khác nhau tôn vinh sự đa dạng của cuộc sống.
Chống kỳ thị, định kiến và phân biệt đối xử không chỉ là câu chuyện của riêng Việt Nam. Chúng ta luôn có thể đọc được ở đâu đó, một quốc gia vẫn tiếp tục áp dụng những hình phạt tàn nhẫn với cộng đồng LGBT, một cặp đôi đồng tính bị từ chối làm bánh cưới trong hôn lễ của mình, một phán quyết công nhận hôn nhân đồng giới bị phản đối bởi cuộc trưng cầu ý dân – nhằm bảo vệ “giá trị của gia đình truyền thống”. Chống phân biệt đối xử cũng là nguyên tắc trọng tâm của các quốc gia nhằm đảm bảo sự bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực xã hội, bình đẳng trước pháp luật và đảm bảo cho sự phát triển của mỗi đất nước.
Trong Kỳ kiểm điểm Nhân quyền phổ quát (UPR) lần thứ 3 tháng 1/2019 vừa qua, Việt Nam đã tiếp tục nhận được hơn 10 khuyến nghị của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc về thúc đẩy xây dựng các cơ chế chống lại sự phân biệt đối xử dựa trên bản dạng giới và xu hướng tính dục, cũng như hoàn thiện các quy định tiến bộ bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người LGBT. Đây sẽ tiếp tục là cơ hội cho không chỉ cộng đồng LGBT, mà còn cho những cộng đồng ngoài cuộc lên tiếng về quyền của mình, và thúc đẩy những thành trì truyền thống phải thay đổi để bảo vệ phẩm giá mỗi con người
Đinh Hồng Hạnh