Quan điểm xã hội về hôn nhân cùng giới: Một điểm nhìn về giá trị hôn nhân

 

Trong bối cảnh năm năm sau thời điểm Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, các tổ chức và các nhà hoạt động xã hội đã và đang chuẩn bị cho giai đoạn vận động sửa đổi luật tiếp theo, hướng tới hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới. Nghiên cứu Quan điểm xã hội về Hôn nhân cùng giới được Viện iSEE thực hiện từ tháng 7 đến tháng 11 năm 2019 nhằm tìm hiểu quan điểm xung quanh vấn đề hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới, từ đó cung cấp thông tin giúp xây dựng chiến lược nâng cao nhận thức xã hội. 

Từ mục đích này, nhóm nghiên cứu đã tập trung tìm hiểu nhóm tự nhận là có quan điểm trung lập về hôn nhân cùng giới trong xã hội, bao gồm những người có quan điểm phần nào ủng hộ hoặc phản đối nhưng vẫn nhận ở nhóm trung lập. Có 36 người ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia cung cấp thông tin cho nghiên cứu, thông qua phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm. Nghiên cứu đã ghi chép lại những lý do ủng hộ hay phản đối hôn nhân cùng giới của người tham gia, cũng như chỉ ra những yếu tố tác động đến quan điểm và thái độ của họ. 

Những người có quan điểm nghiêng về phía ủng hộ công nhận hôn nhân cùng giới có điểm chung là những người được tiếp cận thông tin đúng đắn về người đồng tính nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung. Họ cho rằng việc công nhận quyền kết hôn của người LGBTI thể hiện sự bình đẳng về quyền và đóng góp cho sự hòa hợp, phát triển của xã hội. 

Ngược lại, những người có quan điểm nghiêng về phản đối bày tỏ sự lo ngại về các hệ lụy xã hội từ việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới. Cụ thể, họ cho rằng giới trẻ có thể sẽ bị ngộ nhận về giới tính và dân số bị ảnh hưởng. Hai mối lo ngại này thường đến từ sự thiếu kiến thức về tính dục, họ cho rằng đồng tính là một dạng bệnh lý và có thể “lây”, và việc công nhận hôn nhân cùng giới sẽ dẫn tới số lượng người đồng tính ngày càng tăng lên, gây suy giảm dân số.

Một băn khoăn khác mà hầu hết người tham gia nghiên cứu đều đưa ra là việc công nhận hôn nhân cùng giới sẽ dẫn đến xung đột xã hội giữa các nhóm có quan điểm khác nhau về người LGBTIQ. Đây là gợi ý cho các chiến lược nâng cao nhận thức xã hội mở rộng hoạt động, vươn tới những địa bàn ngoài khu vực đô thị. 

Kiến thức, hiểu biết của một người về cộng đồng LGBTI không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng tới quan điểm ủng hộ, trung lập hay phản đối hôn nhân cùng giới của họ. Quan điểm về mục đích của hôn nhân, những giá trị nền tảng về tình yêu và gia đình, những quy chuẩn về vai trò giới trong xã hội, hay nhận thức về mối quan hệ giữa công dân và pháp luật cũng là các yếu tố ngầm chi phối quan điểm của họ khi được hỏi. 

Hầu hết người tham gia nghiên cứu đều đồng ý rằng, ‘hôn nhân’ là cái đích mà các cặp đôi đều hướng tới khi yêu nhau để cùng xây dựng ‘gia đình’. Vì thế trong các định nghĩa về ‘hôn nhân’ và ‘gia đình’ mà những người trả lời phỏng vấn đưa ra có mối quan hệ mật thiết với nhau. Có một điều thú vị rằng với họ ‘tình yêu’ không phải là điều duy nhất quan trọng trong hôn nhân. Theo bảng tần suất dưới đây, các thành tố quan trọng nhất trong hôn nhân lần lượt là: Duy trì nòi giống, (hướng tới duy trì) Mối quan hệ lâu dài, Trách nhiệm, Sự chia sẻ, và Tình yêu.

Những thành tố của hôn nhân này cũng gắn chặt với hình mẫu gia đình lý tưởng mà những người trả lời phỏng vấn mô tả, là nơi mà: hai người nam nữ cùng sinh con và chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con cái để duy trì một gia đình bền lâu. Những cách nhìn nhận về hôn nhân và gia đình này rất nhất quán khi đối chiếu với câu trả lời về những lý do khiến người tham gia nghiên cứu lo ngại về việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.

Không chỉ giới hạn ở quan điểm về hôn nhân, những giá trị và nền tảng văn hoá gia đình cũng có tầm ảnh hưởng nhất định tới quan điểm của người tham gia nghiên cứu. Số đông người tham gia nghiên cứu cho rằng ‘hy sinh’ được cho là một thành tố quan trọng để cá nhân có thể duy trì gia đình bền vững, đặc biệt ở nhóm trung niên và nhóm cao tuổi. Quan niệm này được xây đắp trong xã hội Việt Nam từ thời kỳ chiến tranh và kéo dài đến tận giai đoạn hậu chiến. Những trải nghiệm từ cuộc sống cá nhân khiến cho họ tin rằng sự hy sinh là đức tính cần thiết phải có khi sống trong gia đình. Đạo đức của sự hy sinh đặc biệt được nhắc tới như là đức tính đáng trân trọng trong vai trò của những người làm cha, làm mẹ khi cống hiến tất cả trong khả năng có thể cho con cái. 

Trước quan niệm này, những người con trong gia đình cũng được mong đợi cần phải biết tiết chế ‘cái tôi’ (ego), đặt sự hòa hợp của gia đình lên hàng đầu. Điều này cũng giải thích việc người LGBTI công khai sống thật có thể bị chỉ trích hơn là nhận được sự thông cảm. Việc công khai và sống khác với ‘lẽ thường’, trái với kỳ vọng của gia đình và số đông xã hội trở thành những lựa chọn cá nhân ‘ích kỷ’, ‘chỉ biết đến bản thân mình’. Trong nền văn hóa đặt những nhu cầu cá nhân đằng sau những chuẩn mực và trật tự xã hội, người đồng tính cũng bị yêu cầu phải ‘hy sinh’ để sống theo những gì mà cha mẹ và xã hội mong muốn. 

Với gia đình của người Việt, trẻ em sớm tiếp nhận các ý tưởng về những chuẩn mực giới (gender norms) trong hệ thống tư duy nhị nguyên (binary mindset). Có thể dễ thấy những cặp phạm trù theo kiểu cấu trúc luận (structuralism) xuất hiện trong tư duy về vai trò giới của những người tham gia nghiên cứu: nam – nữ, vợ – chồng, bố – mẹ, chồng gánh vác kinh tế – vợ chăm sóc con cái, v.v… Quy chuẩn hóa dị tính trong hình mẫu gia đình cũng được củng cố thông qua luật pháp, và được người dân sử dụng như là chuẩn mực trong việc tham chiếu đến những hình mẫu gia đình ‘phi truyền thống’ khác, bao gồm cả các cặp đôi đồng giới hay bà mẹ đơn thân. Chính vì bà mẹ đơn thân hay các cặp đôi đồng giới không đáp ứng được những mong đợi về hình mẫu gia đình ‘truyền thống’ chuẩn mực, họ thường bị coi là không có khả năng tạo ra môi trường giáo dục hoàn hảo cho trẻ em. Trong khi gia đình của bà mẹ đơn thân chỉ bị coi là ‘khiếm khuyết’ vai trò của người bố, thì gia đình đồng giới không những bị coi là ‘khiếm khuyết’ vai trò của người bố hoặc mẹ mà còn bị coi là môi trường tiềm ẩn nguy cơ khiến trẻ em bị “lệch lạc về giới tính” và có nguy cơ chịu sự kỳ thị từ những người xung quanh.

Cuối cùng, mối quan hệ giữa công dân và pháp luật, hay cụ thể hơn là quan điểm của công dân về vai trò của họ trong các thảo luận xã hội, cũng có ảnh hưởng tới quyết định lên tiếng về vấn đề hôn nhân cùng giới. Nhiều người có quan điểm trung lập cho rằng vấn đề có ủng hộ hôn nhân đồng giới hay không ít có liên hệ tới bản thân mình. Họ cho rằng kết hôn là quyền của mỗi cá nhân, và do đó hôn nhân đồng giới là vấn đề mà các cặp đôi đồng giới phải tự lên tiếng giải quyết. Ngoài ra, nhiều người tham gia nghiên cứu tỏ ra không có niềm tin vào hệ thống luật pháp. Trong bối cảnh xã hội và chính trị nhiều biến động, nhiều người dân Việt Nam dường như phải đối mặt với nhiều bất ổn trong đời sống hằng ngày. Khi đối mặt với bất ổn nhưng hệ thống hành pháp lại không tỏ ra hiệu quả trong việc giải quyết những khúc mắc trong đời sống, người dân nảy sinh cảm giác mất niềm tin vào tính hiệu lực của luật pháp. Thay vào đó, họ tự mình xử lý các vấn đề phát sinh. Tâm lý mất niềm tin vào hiệu lực thực thi của luật pháp khiến cho cả những người có quan điểm trung lập và quan điểm nghiêng về phía ủng hộ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới tỏ ra không mấy quan tâm đến việc vận động luật. 

Gia đình của người LGBTI vẫn đang được hình thành và phát triển trong xã hội Việt Nam một cách tự nhiên, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn do không được công nhận trong pháp luật. Một mặt, việc chứng minh gia đình người LGBTI không hề mẫu thuẫn với những khuôn mẫu, giá trị hay vai trò truyền thống của gia đình Việt Nam là vô cùng quan trọng trong việc kêu gọi sự ủng hộ của toàn xã hội. Mặt khác, việc đưa ra hình ảnh các gia đình đa dạng để mở rộng sự hiểu biết và phá vỡ những khuôn mẫu hiện tại về các cặp đôi cùng giới cũng cần thiết nhằm thúc đẩy cho những diễn ngôn ngôn chính xác hơn về gia đình Việt Nam đương đại. 2 yếu tố này cần song hành với nhau để đảm bảo sự đón nhận của xã hội Việt Nam với các khuôn mẫu gia đình mới mẻ và “phi truyền thống” như gia đình của người LGBTI.


Previous
Previous

Chiếm dụng văn hóa: Học được gì từ câu chuyện Biti’s?

Next
Next

Khép lại hành trình 2 năm của “Tôi mạnh mẽ”