Khép lại hành trình 2 năm của “Tôi mạnh mẽ”

 

Ngày 13/6 vừa qua, dự án Tôi Mạnh Mẽ đã chính thức khép lại với sự kiện tổng kết ở cả ba huyện Hậu Lộc, Ngọc Lặc và Thọ Xuân trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Tôi Mạnh Mẽ là dự án dự án hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của các nữ công nhân với niềm tin rằng nữ công nhân là người nắm giữ vai trò then chốt trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của họ ở cộng đồng và nơi làm việc, họ tự đánh giá được các nhu cầu của mình và chủ động trong việc thúc đẩy chất lượng sống của mình, đặc biệt khi họ làm việc theo nhóm và có tính tập thể. Tôi Mạnh Mẽ kết nối và xây dựng các nhóm nữ công nhân sinh sống và làm việc trên cùng một địa bàn, củng cố mối gắn kết giữa họ để họ có không gian chia sẻ, bày tỏ, đánh giá và thấu hiểu vấn đề của chính mình và tiến một bước xa hơn trong việc đề cập và giải quyết những vấn đề ấy. 

 Dự án được thực hiện bởi Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam, Viện iSEE và Quỹ Vì tầm vóc Việt, phối hợp cùng Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa. Hành trình Tôi Mạnh Mẽ ghi dấu bởi hai giai đoạn chính giai đoạn đầu tiên tập trung vào đồng nghiên cứu và chia sẻ kết quả nghiên cứu với cộng đồng, đối thoại với nhà máy; và giai đoạn hai là các nữ công nhân lên kế hoạch và thực hiện các sáng kiến để cải thiện chất lượng cuộc sống của mình. Buổi tổng kết của “Tôi Mạnh Mẽ” nhìn lại hành trình gần 2 năm đã qua của toàn bộ dự án và cùng tương lai đầy hứa hẹn ở phía trước.

 Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên buổi tổng kết không được tổ chức như dự định ban đầu và đã chuyển sang thực hiện trên nền tảng trực tuyến. Nói “Tôi Mạnh Mẽ” là một hành trình đầy mạnh mẽ bởi lẽ ngay cả buổi tổng kết với những khó khăn do dịch bệnh, mưa bão, kỹ thuật cũng không làm giảm bớt “nhiệt” trong niềm háo hức và tinh thần chủ động của các chị em công nhân. Buổi tổng kết có sự tham gia của hơn 50 chị em công nhân ở cả ba huyện và được thực hiện theo đúng quy định về tập trung trong giai đoạn COVID-19.

 Trước đó, dự án “Tôi Mạnh Mẽ” chỉ được tiến hành ở quy mô từng huyện nên buổi tổng kết là cơ hội để toàn bộ chị em ở cả ba huyện dự án triển khai được gặp gỡ, chia sẻ và trao đổi cùng nhau. Các nữ công nhân làm quen cùng nhau nhờ mở đầu bằng cách giới thiệu các thành viên trong nhóm thực hiện đồng nghiên cứu và sáng kiến của mình. Mỗi gương mặt được giới thiệu đều là một sự hiện diện đầy mạnh mẽ, là một nét vẽ độc đáo trên bức tranh “Tôi Mạnh Mẽ” đa sắc, là tiếng nhạc riêng trong bản hoà ca thắm tình đoàn kết.

 Các chị em dù trước đây chưa gặp mặt nhau nhưng ở các buổi thảo luận trong nhóm cũng đã được giới thiệu và chia sẻ về những nghiên cứu, những sáng kiến mà các nhóm khác ở các huyện khác thực hiện. Bởi lẽ ấy mà phần chia sẻ về hoạt động của từng nhóm ở buổi tổng kết được các chị em ở huyện khác đón chờ với một niềm trông đợi và cổ vũ nhiệt tình. 

Sau khi giới thiệu các thành viên trong nhóm, từng nhóm nhỏ ở các huyện chia sẻ về hoạt động mà mình cảm thấy ấn tượng nhất trong toàn bộ hành trình “Tôi Mạnh Mẽ”. Một nữ công nhân ở nhóm Hạ Sơn, huyện Ngọc Lặc chia sẻ rằng chị cảm thấy nhớ nhất giai đoạn thực hiện đồng nghiên cứu bởi lẽ ban đầu khi nghe đến “nghiên cứu”, các chị em nghĩ rằng đó là việc chỉ các nhà khoa học hay học giả mới làm được chứ không phải những người “bình thường như chúng mình”. Chị Lê Thị Chung, công nhân may ở huyện Hậu Lộc nhớ đồng nghiên cứu là bởi những buổi trưa thay vì nghỉ trưa như trước đây thì chị lại đi xung quanh khu vực hàng xóm để hỏi han và thu thập dữ liệu. Cất công như vậy là bởi lẽ “nếu nghiên cứu mà chỉ nói mình câu chuyện của mình, quan điểm của mình là không được. Mà phải là câu chuyện của nhiều người, của chung.”

Giai đoạn đồng nghiên cứu quả thật là một dấu ấn khó phai trong nhiều người, chị em ở bốn xã và thị trấn ở Hậu Lộc vẫn luôn ghi nhớ từng chi tiết nhỏ trong buổi Đối thoại với Nhà máy và kể một cách tự hào về sự ghi nhận và cải thiện chất lượng công xưởng từ phía nhà máy như lắp đặt thêm hệ thống làm mát, xây dựng lại nhà để xe sau khi lắng nghe ý kiến và đóng góp của công nhân. Công nhân ở xã Hoà Lộc, huyện Hậu Lộc và huyện Thọ Xuân lại ghi nhớ sâu sắc bởi những kiến thức đã học hỏi được sau quá trình làm đồng nghiên cứu và được học hỏi, trao đổi và nhận được góp ý từ các chuyên gia. Các chị nhớ những bài chia sẻ về cách quản lý chi tiêu trong gia đình và cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn cho trẻ bởi đã áp dụng được trong cuộc sống hằng ngày và còn chia sẻ với nhiều người xung quanh.

IMG_9523-1024x575.jpg

 Ở giai đoạn hai, quá trình lên kế hoạch và thực hiện sáng kiến cũng được nhiều chị em cho là hoạt động đáng nhớ nhất bởi lẽ đây là giai đoạn các chị nắm toàn bộ sự chủ động từ khâu lên ý tưởng đến kêu gọi, triển khai sáng kiến mà mình mong muốn. Câu chuyện đi chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn được kể lại trong sự xúc động của nhóm Trao Yêu Thương (Ngọc Lặc), các chị quan niệm rằng tuy mình khó khăn nhưng còn nhiều người còn khó khăn hơn mình, và vì vậy “lá lành đùm lá rách.” Ngày hội “Trải nghiệm cùng con” (Thọ Xuân), “Trò chơi dân gian” (Thị trấn Hậu Lộc) cũng là trải nghiệm đáng nhớ với các chị em bởi lẽ hiếm khi nào các con có một không gian để vui chơi những trò chơi truyền thống, rời xa những chiếc điện thoại thông minh hay TV; cũng chưa bao giờ các chị cùng con có cơ hội để chia sẻ và lắng nghe nhau thông qua những thực hành như vẽ “trái tim cảm xúc” như ở những ngày hội ấy. Chia sẻ trong buổi tổng kết, các chị em ở xã Hoà Lộc (Hậu Lộc) kể lại rằng sáng kiến “Ngày hội sách” bắt nguồn từ chính trải nghiệm thời niên thiếu của mình khi không có nhiều điều kiện để mua và có sách đọc. Đây là ngày hội để trẻ em và học sinh trong xã đến để trao đổi sách, đọc sách và mượn sách về nhà đọc. 

Cải thiện đời sống ở gia đình và cộng đồng mình là mong muốn của nhiều chị em khi thực hiện sáng kiến, tuy nhiên ở nhiều nhóm, các chị em cũng cho rằng nâng cao chất lượng cuộc sống trước tiên phải tập trung vào chính mình thì từ đó mới giúp đỡ và xây đắp nên một cộng đồng lành mạnh. Với tinh thần đó, nữ công nhân ở Hạ Sơn (Ngọc Lặc) và Lộc Sơn (Hậu Lộc) đã chủ động triển khai thực hiện sáng kiến đánh bóng chuyền hơi và tập nhảy dân vũ vào mỗi cuối tuần. Những buổi sinh hoạt thể dục thể thao này thu hút rất nhiều sự quan tâm và tham dự của người dân xung quanh. Ở xã Lộc Sơn, có đến 60-70 người tham dự mỗi buổi sinh hoạt như vậy.

Dự án “Tôi Mạnh Mẽ”’ có thể khép lại nhưng hành trình mạnh mẽ ấy vẫn đang được tiếp tục với rất nhiều hy vọng ở phía trước. Nhiều hoạt động khơi nguồn từ tiến trình làm đồng nghiên cứu và sáng kiến vẫn được chị em thực hiện. Ở nhóm thị trấn Hậu Lộc, sáng kiến mở lớp học bơi cho trẻ sau khi bị tạm hoãn do dịch COVID-19 đã “rục rịch” trở lại, buổi học bơi và phòng chống đuối nước đầu tiên sẽ được triển khai ngay cuối tuần này. Chị em ở huyện Hậu Lộc cho rằng buổi Đối thoại với nhà máy vô cùng hữu ích và có giá trị nên đã đề xuất thực hiện kênh thông tin trao đổi với nhà máy một cách dài hạn và thường xuyên. Những sáng kiến như “Ngày hội sách”, “Trải nghiệm cùng con” và các buổi tập nhảy dân vũ, tập bóng chuyền vẫn được vẫn được các chị em lên kế hoạch để duy trì và dần dần trở thành những hoạt động thường xuyên trong cuộc sống.

Chính bởi lẽ ấy mà buổi tổng kết “Tôi Mạnh Mẽ” không đóng lại mà mở ra rất nhiều cánh cửa và cơ hội trong tương lai, nó cũng không chỉ là sự nhìn lại một hành trình đã đi qua và đã kết thúc mà là bên nhau cùng hướng tới những điều hứa hẹn, những khả năng mà chị em biết chắc mình hoàn toàn có thể làm được và họ sẽ làm được. Bởi lẽ trước đây họ đã làm được, làm một cách mạnh mẽ và cùng nhau.


Previous
Previous

Quan điểm xã hội về hôn nhân cùng giới: Một điểm nhìn về giá trị hôn nhân

Next
Next

Khảo sát về tác động của COVID-19 tới cuộc sống và nhu cầu của người LGBTI