Chiếm dụng văn hóa: Học được gì từ câu chuyện Biti’s?

Trong vài năm trở lại đây, cụm từ chiếm dụng văn hóa/ chiếm đoạt văn hóa được nhắc tới nhiều trong truyền thông và thời trang. Tuy nhiên, để hiểu về chiếm đoạt văn hóa đòi hỏi những góc nhìn đa chiều bởi sự phức tạp của hiện tượng trên.

anh-ngang.jpg

Gần đây nhất, mẫu giày Biti’s Hunter bloomin’ central tạo nên nhiều dư luận xoay quanh việc sử dụng vải thổ cẩm của người Chăm nhưng truyền thông là thổ cẩm Tây Nguyên. Sau khi được nhiều cá nhân và tổ chức góp ý, Biti’s đã có lời xin lỗi tới công chúng và điều chỉnh nội dung truyền thông cho sản phẩm. Phản hồi này của Biti’s là một hành động tích cực từ phía doanh nghiệp khi làm sản phẩm được truyền cảm hứng văn hóa của các tộc người.

Vậy chúng ta học được gì sau sự kiện Biti’s?

Để hiểu hơn về vấn đề trên, Viện iSEE đã cùng trao đổi với chị Hà Yến Chi - hiện đang theo học chương trình cao học về Nhân học và nghiên cứu Đông Nam Á tại đại học California Riverside về chủ đề này.

  1. Không nên sử dụng chiếm dụng văn hóa như một tấm biển cấm

Chiếm dụng văn hóa, được dịch từ thuật ngữ “cultural appropriation” trong tiếng Anh. Theo cách dùng thông dụng hiện nay, chiếm dụng văn hóa được hiểu là hiện tượng một cá nhân hoặc cộng đồng có ưu thế hơn về quyền lực vay mượn, sử dụng tri thức, thực hành văn hóa của cộng đồng yếu thế hơn. Việc vay mượn này bị chủ thể của văn hóa phản đối hoặc không cho phép, có thể do phạm vào những điều cầm kị trong cộng đồng, đặt thực hành văn hóa sai bối cảnh hoặc tạo ra tổn hại cho cộng đồng chủ thể văn hóa. Một ví dụ là năm 2019, ca sĩ Kacey Musgraves bị nhiều cộng đồng người Việt phản đối khi mặc áo dài Việt Nam mà không mặc quần, tạo dáng chụp ảnh “phản cảm”. 

Thông thường, chiếm dụng văn hóa được nhìn như một hiện tượng tiêu cực, không tôn trọng cộng đồng sở hữu văn hóa. Đối ngược với hiện tượng này là Trân trọng văn hóa (cultural appreciation). Tuy nhiên, đa phần các các hiện tượng chiếm dụng văn hóa nằm ở vùng xám, không hoàn toàn tích cực hoặc tiêu cực. Một ví dụ quen thuộc là thương lái người Kinh bán hoặc cho thuê các sản phẩm của cộng đồng dân tộc thiểu số. Về phía tích cực, điều này giúp văn hóa của các tộc người được biết tới nhiều hơn. Ở khía cạnh khác, có thể nguồn lợi kinh tế từ văn hóa bản địa không tới được cộng đồng sở hữu văn hóa đó, hoặc một sản phẩm văn hóa được dùng một cách không phù hợp.

Do sự phức tạp của hiện tượng này, nếu chỉ nhìn chiếm dụng văn hóa ở hai thái cực, trân trọng - tốt và chiếm dụng - xấu, sẽ tạo thành rào cản cho ngành công nghiệp sáng tạo, cũng như những cá nhân muốn thúc đẩy văn hóa của các tộc người. Thiết nghĩ, bên cạnh lưu ý về việc một văn hóa có thể bị tác động ra sao, chúng ta không nên dùng cụm từ chiếm dụng văn hóa như 1 lằn ranh, 1 cái thẻ đỏ khi một cá nhân, tổ chức muốn sử dụng văn hóa của nhóm yếu thế cho mục đích của họ. Một trong những giải pháp là người ngoài cộng đồng tìm tới chủ thể văn hóa để hỏi ý kiến, hoặc mở ra những không gian đối thoại để kết nối những người trong và ngoài cộng đồng với nhau.

2. Thông tin về một sản phẩm văn hóa là trách nhiệm của nhiều bên

Biti’s đã xin lỗi công chúng về việc chưa biết rõ nguồn gốc của những hoa văn trên tấm thổ cẩm. Tuy nhiên, có một câu hỏi là, trách nhiệm cung cấp thông tin về một sản phẩm văn hóa chỉ đến từ nhà sản xuất hay còn đến từ đâu nữa?

Liệu rằng, bên cung cấp nguyên liệu sản xuất - bao gồm nhà phân phối, cá nhân, cộng đồng tạo ra tấm thổ cẩm - nên chủ động cung cấp thông tin và phản hồi với nhà sản xuất về ý nghĩa của tấm thổ cẩm? Để tránh tạo ra những hiểu lầm từ người sử dụng tấm thổ cẩm cho những sản phẩm tiếp theo. Những thông tin cụ thể như tấm thổ cẩm của dân tộc nào, ý nghĩa hoa văn của tấm thổ cẩm là gì, những lưu ý và điều cấm kị khi dùng một cái khăn, một tấm thổ cẩm, một hoa văn... rất có ích cho người tạo mẫu và người sử dụng sản phẩm.

Và người dùng sản phẩm có cần lưu ý vấn đề này? Khi chúng ta tiêu thụ một sản phẩm thiếu sự trân trọng văn hóa cộng đồng, chúng ta góp phần duy trì và thúc đẩy vấn đề đó; và cộng đồng - chủ sở hữu của văn hóa - càng trở nên vô hình trong chính những tri thức mà họ đã tạo ra. 

3. Cần nhìn nhận thổ cẩm chính xác tại cộng đồng nơi nó sinh ra 

Biti’s không phải đơn vị đầu tiên gọi chất liệu vải truyền thống của các tộc người với một cái tên chung chung “thổ cẩm Tây Nguyên”. Đã có rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp dùng mác đồ thổ cẩm, “tribal” (phong cách dân tộc/thổ dân) để nói về sản phẩm mà mình tiêu dùng hay buôn bán. Cách gọi này vô tình làm mờ đi những cái tên, những nền văn hóa rất đặc trưng đằng sau mỗi họa tiết. 

Mỗi tấm thổ cẩm đều có những ý nghĩa riêng, mang trong mình hệ giá trị sống và cả tinh thần của một cộng đồng dân tộc sản sinh ra nó. Cộng đồng này có thể học một hoa văn từ cộng đồng khác, có thể mua một tấm vải từ nơi khác về sử dụng, có thể di cư tới những vùng đất khác nhau… nhưng cộng đồng đó vẫn tự gọi mình với một tên gọi riêng. Việc chúng ta gọi chính xác tên của tộc người gắn bó với tấm thổ cẩm ấy, là thổ cẩm của người Ê đê, người Chăm hay người Mạ,... là cách mỗi một người sử dụng sản phẩm thể hiện sự tôn trọng và ghi nhận giá trị tri thức của các cộng đồng. Hơn hết, nó là cách để chúng ta cùng chậm lại, tìm hiểu và kết nối với những đồ vật tưởng chừng giản đơn nhất mà ta dùng hằng ngày. 

4. Cần những tổ chức đại diện cho cộng đồng để kết nối và lên tiếng về văn hóa của mình 

Để biết một hiện tượng đang diễn ra có phải là chiếm dụng văn hóa không, điều tiên quyết là biết quan điểm từ cộng đồng sở hữu văn hóa đó. Chiếm dụng văn hóa được nhắc tới rất nhiều từ những năm 2010s, được lên tiếng bởi cộng đồng bản địa ở các nước thuộc Châu Mỹ và Châu Úc rồi lan ra toàn thế giới. Trên thực tế, những hiện tượng giống như chiếm dụng văn hóa đã tồn tại từ trước đó rất lâu và trên nhiều lãnh thổ khác nhau. Bối cảnh để chiếm dụng văn hóa được nhắc tới, một phần là nhờ internet phát triển, các cộng đồng có khả năng cập nhật thông tin và lên tiếng nói. Khi chủ thể văn hóa thấy đó là vấn đề - chiếm dụng văn hóa mới thực sự được quan tâm bởi những người ủng hộ quyền văn hóa, quyền của người bản địa. 

Trong sự kiện Biti’s vừa qua, góp ý từ Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam giúp làm rõ hơn quan điểm từ người Chăm; đồng thời, giúp công chúng hiểu hơn ý nghĩa của hoa văn ‘chân chó’ được ứng dụng trong mẫu thiết kế. 

5. Cần những nguồn thông tin dễ tiếp cận và tổng hợp về thổ cẩm các dân tộc

Hiện nay, rất khó để tìm kiếm trên internet những thông tin về thổ cẩm, ý nghĩa hoa văn các tộc người một cách đầy đủ và theo hệ thống. Đâu đó đã xuất hiện những dự án của các cá nhân và tổ chức thúc đẩy câu chuyện văn hóa từ trong cộng đồng và do chính cộng đồng thực hiện: sách Dòng chảy sắc màu của mạng lưới Tiên Phong Việt Nam, thư viện bảo tồn hoa văn online của nhóm Ethnicity, dự án khôi phục phương pháp làm vải và làm sợi của Ede Yarns,... Bên cạnh đó, có nhiều nghiên cứu về thổ cẩm đã được thực hiện và lưu trữ dạng sách giấy trong các thư viện. 

Những tài liệu và dự án này là cầu nối để câu chuyện của cộng đồng tới với người thiết kế, cá nhân, tổ chức trân trọng văn hóa bản địa. Tuy nhiên, tất cả những thông tin kể trên, vẫn đang trong quá trình thực hiện và rải rác nhiều nơi. Cần lắm những nguồn thông tin tổng hợp để thúc đẩy kết nối giữa người quan tâm tới văn hóa và chủ thể sở hữu văn hóa. 

***

Số tiếp theo trong series bài viết trên: Đồng sáng tác, sự va chạm giữa nghệ sĩ và cộng đồng.  









Previous
Previous

Đồng sáng tác: sự va chạm và trân trọng chủ thể giữa nghệ sĩ và cộng đồng

Next
Next

Quan điểm xã hội về hôn nhân cùng giới: Một điểm nhìn về giá trị hôn nhân