Quan điểm iSEE về việc tạm giam, tạm giữ, giam giữ người đồng tính và chuyển giới
Quy định Dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam của Bộ Công an về giam giữ riêng người đồng tính, chuyển giới có một số thông tin cần làm rõ hơn, đặc biệt về mặt thuật ngữ, thực tế cũng như kinh nghiệm thế giới. Sau đây là một số phân tích nhằm làm rõ hơn nội dung dự thảo cũng như những nguyên tắc cần lưu với việc tạm giam, tạm giữ, giam giữ người đồng tính và chuyển giới.
Nguyên văn dự thảo của Luật Tạm giam, tạm giữ (tháng 8/2014) như sau:
Điều 23, Khoản 4, Chế độ giam, giữ
Tổ chức giam, giữ đối với người đồng tính được thực hiện như sau:
a) Đối với người bị tạm giữ, người tạm giam chưa xác định được giới tính gồm các đối tượng bị dị tật bẩm sinh; đối tượng đã chuyển đổi một phần hoặc hoàn toàn giới tính thì Thủ trưởng cơ sở giam, giữ đề nghị Cơ quan điều tra thụ lý vụ án phối hợp với Cơ quan y tế có thẩm quyền tiến hành xác định lại giới tính để phân loại giam giữ;
b) Trong thời gian chờ thủ tục xác định lại giới tính thì bố trí giam giữ riêng số đối tượng trên. Khi có giấy chứng nhận của Cơ quan y tế có thẩm quyền xác định giới tính cụ thể thì bố trí giam giữ theo giới tính;
c) Đối với những người bị tạm giữ, người bị tạm giam nếu qua tài liệu, thông tin thu thập được xác định là đối tượng đồng tính, có hành vi đồng tính luyến ái là vi phạm nội quy, quy chế thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm để xử lý kỷ luật, đồng thời tách những đối tượng có hành vi đồng tính luyến ái để giam, giữ ở những buồng khác nhau.
Đồng tính, chuyển đổi giới tính, không xác định giới tính?
Dự thảo dường như có sự nhầm lẫn giữa ba khái niệm trên, khi tất cả được đặt cùng một mục là “tổ chức giam, giữ đối với người đồng tính.” Về mặt cơ thể thì cả người đồng tính và chuyển giới đều có giới tính rõ ràng, không liên quan tới dị tật bẩm sinh.
Với người phẫu thuật hoàn toàn hay một phần gì cũng vậy, đều cực kỳ nguy hiểm nếu xếp một người chuyển giới nam sang nữ vào khu nam (nếu căn cứ theo giới tính giấy tờ), mà cũng sẽ nguy hiểm nếu xếp một người chuyển giới từ nữ sang nam vào khu nam (nếu căn cứ vào thể hiện giới bên ngoài). Nói chung giam người chuyển giới nào vào khu nam đều là nguy hiểm, vì người nam nói chung thường nhiều khả năng bạo hành những nhóm yếu thế khác.
Vì vậy, nên chuyển đổi tên của Điều này thành “Tổ chức giam, giữ đối với người không xác định rõ giới tính” và sửa tương tự dòng quy định ngay dưới tiêu đề tương ứng.
Người chuyển giới: Giam chung hay giam riêng, chung thì chung với ai?
Nhiều nơi trên thế giới lập những nhà tù, hoặc những phòng tạm giam, tạm giữ dành riêng cho người chuyển giới, trong đó thì phân chia người chuyển giới nam và chuyển giới nữ. Đây là giải pháp tốt nhất cho việc giam/giữ người chuyển giới. Trong trường hợp cơ sở vật chất chưa đáp ứng được, nên lấy ý kiến của chính họ, xem họ muốn sắp xếp họ giam riêng một khu vực, hay giam chung với giới tính thực tế mà cơ thể họ đang có.
Với nơi tạm giam, tạm giữ hoặc các trại giam, với trường hợp chuyển giới chưa hoàn toàn thì có thể bố trí khu riêng để tránh những xâm hại hay lạm dụng cả từ hai phía. (ví dụ người có ngực lẫn tinh hoàn có thể là đối tượng bị xâm hại bởi người nam khác, đồng thời có thể là đối tượng bị lạm dụng bởi phạm nhân nữ để thụ thai nhằm thoát, giảm án)
Vì vậy, kiến nghị thêm một điều khoản “Tổ chức giam, giữ đối với người chuyển giới”: a) Đối với người chuyển giới đã phẫu thuật, thì dựa trên mong muốn của đối tượng và điều kiện của nơi giam, giữ để quyết định giam, giữ riêng hoặc giam, giữ theo giới tính thực tế có sự bố trí riêng. b) Đối với người chuyển giới đã phẫu thuật một phần trên cơ thể hoặc chưa phẫu thuật nhưng thể hiện giới không giống với giới tính trên giấy tờ thì bố trí giam giữ riêng để tránh trường hợp bị lạm dụng, xâm hại.
Người đồng tính: Bảo vệ hay hình phạt, bảo vệ thì bảo vệ ai?
Riêng điểm c, liên quan tới người đồng tính thì có nhiều vấn đề cần phải thảo luận. Thật ra đồng tính là một xu hướng tình cảm, không đơn thuần là hành vi tình dục. Mà đã là tình cảm thì không thể có công cụ nào để đo hay giám định được. Còn nếu “hành vi đồng tính” ám chỉ đến điệu bộ cử chỉ thì cái này thật ra không có gì gọi là vi phạm quy chế, nội quy cả.
Đối với người đồng tính thì vấn đề có phần ẩn hơn, đa phần có thể hiện giới vẫn như giới tính bẩm sinh. Khi bị giam, giữ, người đồng tính thường cũng rất cân nhắc việc công khai xu hướng của mình, mặc dù trước đó có thể rất thoải mái công khai.
Dự luật dường như chỉ nghĩ tới phương án bảo vệ “những người khác”, và cho rằng người đồng tính mới là nhóm cần quản lý để họ không xâm hại người khác. Mọi người hay cho rằng người đồng tính ở chung với dị tính thì người đồng tính sẽ nhiều khả năng họ sẽ xâm hại tình dục người dị tính. Cách quy định này cho chúng ta cảm giác việc giam riêng người đồng tính là một hình thức kỷ luật, chứ không phải để bảo vệ họ. Trong khi thực tế người đồng tính mới là người hay bị xâm hại tình dục.
Vì vậy, kiến nghị bỏ đi điểm c này.
Theo một khảo sát của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) vào năm 2014 trên 219 người chuyển giới tại Việt Nam, 42,9% người chuyển giới nữ từng có trải nghiệm giam/giữ bị giam chung với người nam, hơn 1/3 số họ đã phẫu thuật ít nhất một bộ phận cơ thể. Khi được hỏi mong muốn, 58% ý kiến muốn ở khu riêng, và 38% muốn ở khu nữ.
Với hai trường hợp người chuyển giới nữ sang nam từng bị giam/giữ, thì một người đã phẫu thuật bộ phận sinh dục được ở khu riêng và một người ở khu nữ. Ý kiến của nhóm chuyển giới nữ sang nam là 72,4% muốn ở khu riêng, 15,9% muốn ở khu nữ và chỉ 11,7% muốn ở khu nam. Xu hướng chung dù là người chuyển giới nam hay nữ, phẫu thuật hay chưa đều là muốn ở khu riêng và không giam/giữ chung với khu nam, vì sẽ dễ gặp rủi ro bị xâm hại hoặc bạo hành hơn.
Người đồng tính và chuyển giới trong môi trường giam giữ là đối tượng bị xâm hại tình dục nhiều nhất. Có trường hợp người chuyển giới nam sang nữ bị cưỡng hiếp và nhiễm HIV từ một bạn tù dị tính. Người chuyển giới nữ sang nam, khi giam chung với người nữ, thường bị quấy rối từ giám thị nhiều hơn so với các người nữ bị giam giữ khác. Số liệu ở bang California, Hoa Kỳ, cho thấy 67% người đồng tính và chuyển giới ở trại giam đều từng bị xâm hại tình dục, trở thành nhóm dễ bị tổn thương nhất trong các nhà tù.