“Bỏ xử phạt việc kết hôn cùng giới” – Bước tiến nhỏ của một hành trình dài

 

“Chính thức cho phép kết hôn đồng giới” hay “Được phép làm đám cưới giữa những người cùng giới”? Đây đều là những cách hiểu chưa đúng về quy định mới trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hôn nhân gia đình của Nghị định 110/2013/NĐCP ban hành ngày 24/9/2013.

“Đăng ký kết hôn” khác gì với “tổ chức đám cưới”?

“Đăng ký kết hôn” khác gì với “tổ chức đám cưới”?

1. Điểm mới trong quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Hôn nhân và gia đình của Nghị định 110/2013/NĐCP

Nghị định 110/2013/NĐCP của Chính phủ ban hành ngày 24/9/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, Hôn nhân gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Riêng trong lĩnh vực Hôn nhân gia đình, nghị định đã có thay đổi đáng kể so với Nghị định 87/2001/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Hôn nhân và gia đình trước đây.

Theo Nghị định 110/2013/NĐCP, trong quy định tại điều 48 về những hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng (mức phạt từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng) thì hành vi “kết hôn giữa những người cùng giới tính” không còn được nêu ra. (Theo Nghị định 87/2001/NĐ-CP đã hết hiệu lực, thì hành vi ” kết hôn giữa những người cùng giới tính” được liệt vào những hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, và bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng).

Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi này:

Một là, việc xử phạt hành vi “kết hôn giữa những người cùng giới tính” là không khả thi trên thực tế.

Luật pháp hiện hành của nước ta quy định “Kết hôn là việc xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.” Việc hai người có cùng giới tính muốn đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền chắc chắn sẽ không được chấp nhận. Do đó, hành vi “kết hôn giữa những người cùng giới tính” không xảy ra trong thực tế và xử lý một hành vi không có trong thực tế là điều không cần thiết.

Hai là, việc quy định xử phạt hành vi “kết hôn giữa những người cùng giới tính” dẫn đến cách hiểu sai của một số cơ quan, chính quyền địa phương.

Có không ít trường hợp chính quyền địa phương ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với những đám cưới của những người cùng giới tính, ví dụ như đám cưới của cặp đôi đồng tính nam tại Kiên Giang. Quyết định xử phạt sai của chính quyền địa phương xuất phát từ cách hiểu sai về “kết hôn” và “đám cưới”, dẫn đến việc lấy quy định xử phạt hành vi kết hôn giữa những người cùng giới tính để xử phạt những đám cưới giữa những người cùng giới tính.

2. Cho phép kết hôn đồng giới?

Không. Theo pháp luật hiện hành, thì “kết hôn giữa những người cùng giới tính” vẫn là hành vi bị cấm. Quy định pháp luật đã có thay đổi, không xử phạt hành vi đó, nhưng cũng không cho phép.  Trong kỳ sửa đổi Luật Hôn nhân gia đình đang diễn ra, thì quy định về việc chung sống giữa những người cùng giới tính vẫn còn đang được thảo luận.

3. Được phép làm đám cưới giữa những người cùng giới tính?

Đúng. Luật pháp từ trước tới nay hoàn toàn không có điều khoản nào cấm làm đám cưới giữa những người cùng giới tính, hay nói rộng hơn là không coi đám cưới có giá trị pháp lý, dù là cùng giới hay khác giới.

Sự sửa đổi này cũng là một tin vui cho cộng đồng những người đồng tính vì nó thể hiện sự nhạy cảm hơn trong cách thức pháp luật đưa ra quy định. Đồng thời, quy định mới này cũng sẽ chấm dứt việc áp dụng sai để xử phạt hành chính những đám cưới của những người đồng tính.

Kết lại: Điểm mới trong nghị định 110/2013/NĐCP của Chính phủ là một bước tiến dù nhỏ, nhưng rất đáng hoan nghênh. Và những bước tiến tiếp theo vẫn sẽ được cộng đồng người đồng tính mong chờ ở Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi tới đây, đảm bảo những quyền lợi chính đáng trong việc chung sống với nhau giữa những người cùng giới tính.


Previous
Previous

Quan điểm iSEE về việc tạm giam, tạm giữ, giam giữ người đồng tính và chuyển giới

Next
Next

Ngày hội Tôi Đồng Ý – Bình đẳng với yêu thương