Thông tin giải đáp về việc “Bỏ cấm kết hôn cùng giới” từ ngày 1/1/2015

 

Trong vài ngày qua, nhiều báo, trang tin đăng tải thông tin về việc “bỏ cấm kết hôn cùng giới”, “người cùng giới được phép kết hôn”, “không cấm kết hôn cùng giới”… từ ngày 1/1/2015. Thông tin này khiến nhiều người vui mừng, hoặc một số thì nghi ngờ, khó hiểu, đặc biệt là với cộng đồng người đồng tính. Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) xin cung cấp một số thông tin chính thức như sau về quy định này để mọi người có cái nhìn đầy đủ hơn.

Ảnh sự kiện “Bước tới Tự do” ngày 9/12/2013 do iSEE tổ chức

Ảnh sự kiện “Bước tới Tự do” ngày 9/12/2013 do iSEE tổ chức

1. Luật không còn cấm hôn nhân cùng giới?Đúng, về lý thuyết là như vậy. Ngày 19/6/2014, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 (còn gọi là Luật HN&GĐ năm 2014), thay thế cho Luật HN&GĐ năm 2000. Trong đó, Khoản 5 Điều 10 của Luật HN&GĐ năm 2000 quy định cấm kết hôn “giữa những người cùng giới tính” đã bị bỏ ra khỏi Luật HN&GĐ 2014. Đây là kết quả của quá trình vận động và thảo luận xã hội trong suốt những vừa năm qua, dẫn đến việc các nhà làm luật đã nhìn nhận tích cực hơn về quyền kết hôn, bình đẳng của người đồng tính và các cặp đôi cùng giới.

2. Nghĩa là tôi sẽ được kết hôn với người cùng giới?Thực tế là không. Mặc dù đã bãi bỏ quy định cấm kết hôn cùng giới, nhưng Luật HN&GĐ 2014 cũng đồng thời quy định tại Điều 8 về “Điều kiện kết hôn” là “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.” Mà nhiều người hay gọi tắt điều này là “bỏ cấm, nhưng không thừa nhận.” Việc không thừa nhận này đồng nghĩa với việc các cặp đôi cùng giới sẽ không thể đi đăng ký kết hôn, không được cấp chứng nhận kết hôn, hay việc chung sống của họ sẽ không được pháp luật thừa nhận, và không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ như vợ chồng giữa họ.

3. Nhưng “không cấm” có nghĩa là “được phép làm”?Đúng vậy, theo nguyên tắc thì những gì nhà nước không cấm thì công dân được phép làm. Tuy nhiên, với quy định như hiện tại thì quyền kết hôn cùng giới đang ở tình trạng “vô thừa nhận,” hay nói vui là một quyền “treo, chờ quy hoạch trong tương lai.” Nói một cách khác, nếu trước đây quyền kết hôn cùng giới là “không được làm,” thì bây giờ là “không làm được.”

4. Vậy tôi có được phép làm đám cưới, tổ chức hôn lễ, hay chung sống với nhau như vợ chồng không?Được. Kết hôn là việc xác lập quan hệ vợ chồng tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Kết hôn khác với việc làm đám cưới hay tổ chức hôn lễ. Luật HN&GĐ năm 2000 hay năm 2014 đều không coi những hình thức đám cưới, đám tiệc như những hành vi có giá trị pháp lý và được thừa nhận. Vì vậy, các cặp đôi cùng giới hoàn toàn có quyền thực hiện những nghi lễ hay chung sống với nhau. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền và nghĩa vụ khi chung sống thì các cặp đôi cùng giới nên sử dụng các thỏa thuận dân sự khác như ủy quyền, viết di chúc để tự trao cho nhau các quyền như việc kết hôn làm phát sinh các quyền giữa các cặp khác giới.

5. Nhưng tại sao lại là ngày 1/1/2015?Theo quy định thì một văn bản pháp luật chỉ có hiệu lực sau ít nhất là 45 ngày kể từ ngày được công bố hoặc ký ban hành, trừ trường hợp khẩn cấp. Quốc hội Việt Nam thường họp hai kỳ vào tháng 5 và tháng 10, vì vậy thường những luật được thông qua ở kỳ họp tháng 5 sẽ chờ đến 1/1 năm sau, và những luật được thông qua ở kỳ họp tháng 10 thì sẽ chờ đến 1/7 năm sau để chính thức có hiệu lực. Luật HN&GĐ 2014 được thông qua vào ngày 19/6/2014 và được quy định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.

6. Vậy cuối cùng thì có gì thay đổi với tôi không?Về mặt quyền thực tế, không có gì thay đổi. Tuy vậy về mặt tác động tới xã hội, hôn nhân cùng giới không còn bị coi là hành vi bị ngăn cấm hay gây nguy hại cho xã hội, và tiến tới sẽ cần được thừa nhận trong tương lai. Điều này thể hiện sự thay đổi trong quan niệm của những nhà làm luật, và chắc chắn nó có tác động đến quan điểm xã hội nói chung. Ít nhất, ở một lớp học giáo dục công dân nào đó, giáo viên khi dạy bài về hôn nhân sẽ không còn phải nói rằng “hôn nhân cùng giới bị pháp luật cấm” nữa, mà nó mở ra cho tất cả chúng ta hy vọng và động lực để hướng tới những điều hoàn thiện hơn trong tương lai.

Đọc thêm các câu hỏi-đáp tình huống pháp lý hay gặp nhất về hôn nhân và gia đình đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới tại đây: www.quyencuatoi.com/honnhangiadinh


Previous
Previous

“Những ngăn tủ” – Trưng bày hiện vật và câu chuyện của người LGBT

Next
Next

Quan điểm iSEE về việc tạm giam, tạm giữ, giam giữ người đồng tính và chuyển giới