Điều gì đứng phía sau tin giả?
Lật dở lại lịch sử của truyền thông, tin giả vẫn luôn tồn tại song song với tin chính thống. Tuy nhiên, chỉ từ khi mạng xã hội xuất hiện, phát triển và trao thêm quyền sản xuất cho người dùng/người tiêu thụ, vấn nạn tin giả mới ngày càng trở nên trầm trọng và mất kiểm soát. Nhiều chuyên gia gọi 'fake news' là thứ dịch còn đáng sợ hơn cả virus Corona. Không phải tự dưng WHO phải cầu viện đến các công ty công nghệ hàng đầu chung tay chống tin giả. “Chúng tôi quá kiệt sức vì fake news, câu view và những thứ gây sự như thế” - Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, đã phải thốt lên trước vấn nạn tin giả trong cuộc chiến chống Covid-19. Rõ ràng, tin giả đã cản trở rất lớn nỗ lực của ngành Y tế, Chính phủ, và cả các nước khác, trong việc kiểm soát dịch bệnh và hướng dẫn người dân phòng dịch an toàn. Khả năng phủ tin với tốc độ lan truyền, chia sẻ chóng mặt cùng với sự thiếu hụt phương tiện kiểm chứng tin tức khiến cho cả người tiêu thụ cũng như các đơn vị truyền thông chính thống bối rối trước những ma trận thông tin trên mạng xã hội.
Có một thành ngữ tiếng Anh: “You become what you eat, so don’t be fast, cheap, easy, or fake” (tạm dịch: bạn sẽ trở thành những gì bạn ăn, vậy nên đừng chọn những thứ nhanh, rẻ tiền, dễ dàng hay giả mạo). Bởi vậy, chúng ta cần bắt đầu suy nghĩ về những tin tức mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày. Những câu hỏi như “tại sao nó lại xuất hiện, nó xuất hiện có ý nghĩa gì, có ích cho ai, nhắm vào điều gì và gây bất lợi cho cái gì, ai là người tạo ra nó” là những thắc mắc nền tảng cần thiết để giúp chúng ta có tư duy phản biện, tự định hướng niềm tin giữa biển thông tin thật giả lẫn lộn.
Khác với văn học hay những sản phẩm văn hóa sáng tạo mang nhiều ý nghĩa gợi mở, hầu hết các sản phẩm báo chí, truyền thông (đặc biệt là tin giả) đều được kiến tạo theo những cấu trúc cụ thể, mang một danh sách mục tiêu (agenda) rõ ràng cần đạt được, thông qua từng sự lựa chọn từ ngữ, hình ảnh, thái độ hay chỉ đơn giản là một con số. Có rất nhiều học thuyết đã được đưa ra để tạo khung nền cho việc so sánh, nghiên cứu chuyên sâu giúp chúng ta hiểu rõ hơn về phương thức vận hành của truyền thông như Agenda Setting Theory (thuyết Thiết Lập Chương Trình), Hypodermic Needle Theory (thuyết Mũi Kim Tiêm), Priming Theory (thuyết Hiệu Ứng Mồi) hay Two-Step Flow Model Theory (thuyết mô hình Hai Bước). Để giúp các bạn bạn hiểu hơn về những thứ đứng đằng sau tin giả, chúng tôi sẽ giới thiệu sơ lược về hai mục đích chính mà tin giả nhắm tới, thông qua việc giới thiệu học thuyết về truyền thông.
Mục tiêu về sức ảnh hưởng chính trị và tác động quan điểm
Thuyết “Mũi kim tiêm” cho rằng người xem hoàn toàn thụ động và bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các phương tiện truyền thông. Họ mặc nhiên chấp nhận những thông điệp mà họ nhận được từ các phương tiện truyền thông mà không cần phải xem xét lại (giống như khi bị tiêm, bạn buộc phải tiếp nhận hoàn toàn những chất được đưa vào cơ thể). Như vậy, thông điệp được “tiêm” thẳng vào người xem và thâm nhập vào tâm trí của họ, tạo ra các phản ứng giống nhau ở mọi người. Nếu như không cảnh giác, những thông điệp này có thể gây ảnh hưởng và thống trị dư luận xã hội. Bằng chứng là trong lịch sử các cuộc bỏ phiếu, bầu cử, rất nhiều thông tin mang tính thiên vị hoặc sai lệch được tạo ra để thuyết phục những người khác, tác động đến suy nghĩ, quan điểm và hành vi chính trị của họ.
Mục tiêu về mặt kinh tế, lợi nhuận.
Thuyết mô hình Hai Bước được phát triển bởi Lazarsfeld và các đồng nghiệp khi nghiên cứu về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Mô hình cho thấy rằng nếu cử tri thay đổi quyết định là do nghe theo ý kiến của bạn bè, người thân hay đồng nghiệp mà họ xem là ‘chuyên gia‘ hoặc người theo dõi sâu sát lĩnh vực chính trị, những KOL (Key Opinion Leader - người lãnh đạo quan điểm). Cũng giống với Thuyết Mũi Tiêm, mô hình này coi người tiêu thụ tin tức là hoàn toàn thụ động và bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài.
Sử dụng mô hình này để tham chiếu vào thực tế, ta có thể dễ dàng nêu lên nhiều ví dụ, tình huống mà hành vi của chúng ta đã nhanh chóng bị tác động bởi những người tự xưng là bác sĩ, y tá, các tổ chức đưa ra những thông tin về các cách chữa bệnh, thực phẩm hỗ trợ sức đề kháng và vô vàn những thông tin y tế khác. Những thông tin giả về việc khan hiếm khẩu trang, vật dụng sinh hoạt, thực phẩm, kit test này đã đánh vào tâm lý của người dân, khiến họ đổ xô ra mua hàng và bên phía cung cấp được dịp tăng giá thành lên gấp nhiều lần để kiếm lời.
Tổng kết lại, trong khi các nhà khoa học hãy còn tranh cãi về mức độ và phương cách gây ảnh hưởng của truyền thông đối với đầu óc con người, thì một điều không còn nghi ngờ gì là truyền thông có sức tác động đáng kể trong việc định hình nhận thức, niềm tin và thái độ của con người. Bằng cách giúp chúng ta hiểu được những ảnh hưởng như vậy, Media Literacy sẽ giúp con người không bị lệ thuộc vào truyền thông.
Nguồn:
University of Twente: Communication Studies Theories (https://www.utwente.nl/en/bms/communication-theories/)
Molina, M. D. et al. (2021) ‘“Fake News” Is Not Simply False Information: A Concept Explication and Taxonomy of Online Content’, American Behavioral Scientist, 65(2), pp. 180–212. doi: 10.1177/0002764219878224.
Jana Laura Egelhofer & Sophie Lecheler (2019) Fake news as a two-dimensional phenomenon: a framework and research agenda, Annals of the International Communication Association, 43:2, 97-116, DOI: 10.1080/23808985.2019.1602782