Phân biệt các loại tin giả

Trong cuộc sống ta có thể thấy thuật ngữ “tin giả” thường được dùng nhiều nơi. Tuy nhiên, nếu chỉ dùng cụm từ “tin giả” chung chung thì vẫn là khái niệm mang tính quy chụp, thiếu chính xác, mơ hồ và dễ gây rối rắm cho người dùng, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng thông tin bởi người đọc không biết được thế nào là “thật”, “giả” hoàn toàn hoặc sai sự thật, bị bóp méo tới mức nào. Chính vì thế, để giúp tăng sự hiểu biết của cộng đồng về tin giả này, chúng mình xin mời bạn đọc tìm hiểu và phân biệt các phân loại chính của tin giả.

Có 3 phân loại chính của tin giả:

1. Tin sai (mis-information)

Những thông tin sai lệch một cách tự nhiên, không chủ đích của người viết, thường đến từ việc hiểu sai vấn đề, không rà soát lỗi chính tả, không kiểm tra lại thông tin.

Trên truyền thông, ta có thể bắt gặp tin sai ở các dạng lỗi sai phạm, tắc trách hay định kiến vô thức của người đưa tin. Đó có thể là lỗi viết sai tên đối tượng của một bài báo, lỗi viết nhầm ngày, địa điểm trong một văn kiện, hay việc chia sẻ một tin sai sự thật với mục đích giúp đỡ nhưng không kiểm chứng nội dung được chia sẻ.

2. Tin xuyên tạc / Tin dắt mũi (dis-information)

Tin xuyên tạc, hay dắt mũi là các loại thông tin cố ý đưa sai sự thật với nhiều kỹ thuật chỉnh sửa hình ảnh, nội dung, số liệu, ngữ cảnh, văn phong… nhằm đạt được mục đích lợi ích cụ thể và để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Theo bài đăng trên tạp chí Tia Sáng, trong thực tế, tin xuyên tạc/dắt mũi còn có các phân loại nhỏ hơn. Các phân loại đó là:

Lời nói dối gây hại (malicious lies): Đây là thông tin sai lệch được tạo ra với mục đích hãm hại một đối tượng cụ thể, nhằm mang lại lợi ích thương mại, cá nhân, hoặc chính trị cho đối tượng lan truyền thông tin.
Ví dụ: Lời đàm tiếu vô căn cứ, tin đồn thất thiệt, đả kích các đối tượng chính trị mà không có căn cứ…

Thông tin, hình ảnh đánh lạc hướng (visual dis-information): Hình ảnh gây hiểu lầm với chức năng tạo dựng câu chuyện sai lệch.
Ví dụ: Hình ảnh bị chỉnh sửa, bản đồ giả, hoạ đồ, đồ thị thiếu chuẩn khoa học nhằm tạo nên đánh giá thông tin sai…

Tin dắt mũi/xuyên tạc đúng (true dis-information): Tin dắt mũi mang tính chất đúng, hoặc nhấn mạnh một phần sự thật, nhưng lại gây hiểu lầm hoặc hiểu sai.
Ví dụ: Các bài báo ‘giật tít’ nhằm thu hút chú ý của người xem tin với tiêu đề gây hiểu lầm, các hình thức PR quan hệ công chúng mang tính ‘nhào nặn’ sự thật theo hướng có lợi cho cơ quan và doanh nghiệp.

Tin dắt mũi/xuyên tạc gây hiệu ứng phụ (side-effect dis-information): Thông tin gây hiểu sai, dù người đưa tin không cố ý lừa lọc người nhận thông tin.
Một ví dụ thực tế là trong một nghiên cứu nổi tiếng vào năm 2004, G.S. Halavais của ĐH Arizona State University thử nghiệm chèn thông tin sai lệch vào các bài viết trên Wikipedia và đo lượng thời gian các thông tin này được phát hiện ra bởi các biên tập viên trên trang này. Thông tin sai lệch đó có thể được xem là tin dắt mũi/xuyên tạc gây hiệu ứng phụ vì G.S. Halvais không cố ý đưa tin giả nhằm lừa lọc người đọc trên Wikipedia.

Tin dắt mũi/xuyên tạc mang tính thích nghi (Adaptive dis-information): Thông tin sai lệch mang lại lợi ích có hệ thống cho người đưa tin hoặc một đối tượng chính trị xã hội nào đó. Ở các quốc gia dân chủ, truyền thông đại chúng phân chia theo truyền thông và truyền thông cánh hữu; kênh Fox News ở Mỹ thường đưa tin sai lệch theo cách có lợi cho đảng Cộng Hoà (cánh hữu) ở Mỹ. Thông tin sai lệch đó là ví dụ cho tin dắt mũi/xuyên tạc mang tính thích nghi.

Tin dắt mũi/xuyên tạc vị tha (altruistic dis-information): Thông tin sai lệch với mục đích mang lại lợi ích cho đối tượng tiếp nhận thông tin
Ví dụ: Bác sĩ nói dối bệnh nhân về tình trạng bệnh nhằm giúp bệnh nhân lạc quan hơn, chính phủ lượt bỏ chi tiết về khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội, nhằm ngăn ngừa hoảng loạn đám đông.

Tin dắt mũi/xuyên tạc gây bất lợi (detrimental disinformation): Thông tin sai lệch được đưa ra với mục đích cứu vãn một tình thế khác
Ví dụ: Bệnh nhân ngại đưa ra thông tin đúng về sức khỏe của mình (chế độ dinh dưỡng, chế độ tập thể thao, loại thuốc họ đang sử dụng) cho bác sĩ, cung cấp thông tin sai lệch và có thể gây hại cho bản thân.

3. Tin nguy hại (mal-information)

Đây là thông tin dựa trên hiệu thực nhưng được dùng để gây hại cho một cá nhân, tổ chức hay quốc gia.

Một số ví dụ cho tin nguy hại là tin tiết lộ thiên hướng tính dục của một cá nhân với mục đích phỉ báng, tin tiết lộ đời tư cá nhân của người nổi tiếng không có sự cho phép của người đó, hay tin công kích một đối tượng vì phẫu thuật chuyển giới.

Ta cần phân biệt các thông điệp đúng sự thật với thông điệp không đúng sự thật, những cũng cần phân biệt thông tin đúng sự thật (hoặc chứa một phần sự thật) nhưng lại được sáng tạo, sản xuất hay phân phối bởi “những tác nhân” có ý đồ hủy hoại hơn là phục vụ lợi ích công. Những tin nguy hại như thế - như thông tin có thật nhưng lại xâm hại đến sự riêng tư của một cá nhân mà không mang lại lợi ích công gì - đi ngược lại chuẩn mực và đạo đức của báo chí.

Những phân loại của các loại tin giả, đặc biệt là tin dắt mũi/xuyên tạc (dis-information), cho thấy việc xác định thông tin thật-giả không hề đơn giản: Nó phụ thuộc rất nhiều vào việc người dùng có am hiểu rộng hơn về bối cảnh thông tin hay không, và vào việc người tiêu thụ có thông tin cơ sở để đặt nghi vấn về nội dung thông tin được truyền tải hay không. Tuy vậy, các yếu tố thời gian và việc phân tích thông tin có chiều sâu không phải người dùng nào cũng sẵn sàng bỏ ra. Tình huống toàn bộ dân chúng phải dành thời gian tranh luận và phân tích bối cảnh, tính xác thực, và độ đáng tin của thông tin là bất khả thi, còn chưa kể đến việc không phải lúc nào bức tranh toàn cảnh về các vấn đề khoa học và xã hội phức tạp cũng có thể sẵn sàng được đưa tới công chúng (theo bài đăng trên tạp chí Tia Sáng).

Chúng mình nghĩ rằng chính vì thế, chúng ta cần bắt đầu suy nghĩ về vấn đề này một cách chu đáo hơn. Chúng ta cũng cần suy nghĩ về những người tạo ra loại thông tin này, điều gì khiến họ làm như vậy, các thuật ngữ khác liên quan tới tin giả, cách nhận biết tin giả, nhằm hạn chế những ảnh hưởng của chúng lên chính chúng ta, người thân và xã hội.

Nguồn:

(2022). Journalism, fake news & disinformation: handbook for journalism education and training. Unesco.org. https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000367566

Nguyễn, H. H. Đ. (2020). Tin giả: Không dễ định nghĩa. Tia Sáng. https://tiasang.com.vn/.../Tin-gia-Khong-de-dinh-nghia-24187

Previous
Previous

Điều gì đứng phía sau tin giả?

Next
Next

Làm thế nào tin giả “lây lan” nhanh như virus?