Góc bóng bàn: “Giải bỏ”" hay “Giải oan” cho cụm từ “Thế giới thứ ba” & “Giới tính thứ ba”
*Lưu ý 1: Bài viết chỉ đưa thêm những quan điểm, góc nhìn đa dạng hơn về chủ đề. Bài viết không có cổ vũ cho việc sử dụng những thuật ngữ này như một thuật ngữ chính thống.
**Lưu ý 2: Bài viết là quan điểm cá nhân của khách mời podcast, không đại diện cho quan điểm của Viện iSEE.
Nhiều người trong cộng đồng LGBTIQ, đặc biệt là các bạn trẻ có thể cảm thấy khó chịu hoặc tiêu cực khi nghe đến những cụm từ như “giới tính thứ ba” hay “thế giới thứ ba”. Điều này hoàn toàn dễ hiểu trong bối cảnh các kiến thức về giới và tính dục được phổ cập rộng rãi hiện nay chịu ảnh hưởng chủ yếu từ các quan điểm và nghiên cứu của các học giả đến từ phương Tây. Đã có rất nhiều những tranh luận xoay quanh việc sử dụng các thuật ngữ này, và người ta có thể dễ dàng kết tội chúng là không đúng khoa học, lạc hậu và không cập nhật. Ngược lại, hai cụm từ này lại được sử dụng một cách rộng rãi và thoải mái bởi nhiều người bên ngoài cộng đồng, hay thậm chí là những người LGBTIQ, chủ yếu ở độ tuổi lớn hơn hoặc không có nhiều tiếp xúc với những lý thuyết khoa học phương Tây.
Những tranh luận thường gặp nhất khi nhắc đến những thuật ngữ này là “LGBTIQ đâu phải là một giới tính?” hay “Nếu LGBTIQ là giới tính thứ ba thì giới tính thứ nhất, thứ hai là gì? Nói như thế có phải là đang xếp hạng hay tách biệt cộng đồng không?”. Vậy chúng ta nên nhìn nhận hai cụm từ này như nào? Có nên sử dụng chúng không, và nếu sử dụng thì cần lưu ý những gì?
Bài viết được trích ra từ podcast Bóng Bàn với chủ đề “Bê đê” - Viên gạch để ném hay để xây?” mong muốn có thể đưa thêm những quan điểm, góc nhìn đa dạng hơn về chủ đề. Để lắng nghe đầy đủ hơn những luận điểm sau đây, mời bạn cùng lắng nghe podcast của Viện iSEE.
1. Cụm từ “thứ ba” có thể hiểu là nằm bên ngoài nhị nguyên 1 - 2 về giới và tính dục
Hiểu một cách rộng ra, “thứ nhất” và “thứ hai” ở đây không nhất thiết phải là thứ tự, mà là đại diện cho hệ nhị nguyên về giới. Theo cách hiểu này, những người thuộc “giới tính thứ ba” chính là những người nằm ngoài hệ nhị nguyên đó, những người không tuân theo các chuẩn mực, khuôn mẫu hay định hình về giới mà xã hội đặt ra. Tương tự, từ “giới tính” ở đây cũng không nhất thiết phải là giới tính sinh học được xác định khi sinh, mà có thể được hiểu như các thành tố riêng rẽ là “giới” và “tính dục”. Nếu hiểu các thuật ngữ này theo nét nghĩa như vậy, chẳng phải chúng không những không lạc hậu mà lại còn cực kỳ cấp tiến, cập nhật với các phong trào LGBTIQ trên thế giới hiện nay xem giới là một phạm trù với nhiều hơn là chỉ nam và nữ hay sao?
2. Việc tách ra cũng là một cách nhấn mạnh, “bắc loa” cho những tiếng nói thiểu số
Việc sử dụng các thuật ngữ “Giới tính thứ ba” hay “Thế giới thứ ba” ngang hàng với các quan niệm nhị nguyên về giới cũng góp phần làm tăng tính hiện diện và khẳng định vị thế của cộng đồng LGBTIQ trong xã hội. Không những vậy, khi so sánh với các thuật ngữ khoa học phổ biến đến từ phương tây như “LGBT”, “LGBTQ”, “LGBT+”, các thuật ngữ địa phương này ngắn gọn, cô đọng hơn, bao hàm được tất cả các nhãn thiểu số về giới và tính dục mà không phải chia nhỏ cộng đồng thành nhiều nhóm khác nhau, tránh được tình trạng bỏ sót các nhóm thiếu hiện diện. Điều này cũng khiến chúng dễ nhớ, dễ liên tưởng, gần gũi và dễ sử dụng hơn trong giao tiếp hàng ngày.
3. Cụm từ này góp phần vào phong trào “giải thuộc địa” những tư tưởng lấy phương Tây làm trọng
Không chỉ ở Việt Nam mà tại khắp các nền văn hoá trên thế giới, các cư dân bản địa cũng có những cách riêng tương tự để nói về cộng đồng những người không tuân theo các chuẩn mực về giới. Sử dụng các thuật ngữ này cũng chính là một cách phù hợp để tôn vinh các khái niệm địa phương, các tri thức bản địa, giảm bớt ảnh hưởng từ các tư tưởng kiến thức phương Tây hay các quan niệm lấy các kiến thức khoa học phương Tây và Hoa Kỳ làm trọng, coi đó là chuẩn mực chung và duy nhất trên toàn thế giới.
4. Mỗi người có quyền lựa chọn ngôn từ nào phù hợp với họ
Hơn hết, đây còn là câu chuyện về quyền tự nhận dạng, gắn bó mật thiết với trải nghiệm cá nhân của mỗi người. Bất kì ai khi giao tiếp với một cộng đồng nên tôn trọng hơn cách mà họ kể về câu chuyện của chính mình. Chúng không đơn thuần chỉ là những thuật ngữ, mà còn phản ánh cách một người lớn lên và trưởng thành, môi trường cũng như những trải nghiệm họ đã trải qua. Khi phát ngôn đại diện cho một cộng đồng, chúng ta phải cẩn thận trong việc lựa chọn ngôn từ để hạn chế nhất việc gây tổn thương tới những người trong cộng đồng đó. Tuy nhiên, trong các bối cảnh chia sẻ câu chuyện cá nhân, mỗi người đều có quyền lựa chọn ngôn từ nào là phù hợp và thoải mái với họ. Mỗi người đều có những câu chuyện riêng của bản thân, nên thay vì áp đặt cách hiểu của mình lên người khác, chúng ta có thể chọn cách tôn vinh sự đa dạng bằng việc khoan dung, thấu hiểu và sẻ chia.
5. Vậy chúng ta nên sử dụng hai cụm từ này ra sao?
Như đã nói ở trên, mỗi cá nhân trong cộng đồng có quyền lựa chọn những ngôn từ phù hợp để tự nhận dạng, gọi tên chính mình. Giành lại ngôn từ là một tiến trình dài, mà ở đó không phải ai cũng sẵn sàng cởi mở với những ngôn từ từng một thời trong quá khứ được dùng để chia rẽ, phân biệt, kỳ thị chính cộng đồng mình. Tương tự như những từ “bê đê”, “bóng”, có lẽ vẫn còn cần thêm thời gian để nhiều người, đặc biệt là những người LGBTIQ trẻ chấp nhận “thế giới thứ ba” và “giới tính thứ ba” như những ngôn từ được tái chiếm để cộng đồng khẳng định vị thế và danh tính của mình.
Có những ngôn từ có thể với mình là bình thường nhưng với người khác lại gây tổn thương và xấu xí. Do vậy, nên tránh sử dụng hai cụm từ trên trong giao tiếp nếu người nghe cảm thấy không thoải mái với việc sử dụng chúng. Ngoài ra, cũng không nên sử dụng chúng như các thuật ngữ chính thống để nói về cộng đồng, đặc biệt là trên truyền thông đại chúng, bởi những người không thuộc cộng đồng. Việc sử dụng các thuật ngữ này một cách rộng rãi như vậy có thể gây nên nhiều tổn thương không đáng có cho người LGBTIQ, và có thể dẫn đến hiểu lầm rằng bất kỳ ai cũng có quyền sử dụng chúng để nói về cộng đồng. Ngược lại, khi chúng ta thấy có người sử dụng những ngôn từ trên, thay vì ngay lập tức quy kết rằng họ sai và cần phải loại bỏ cách sử dụng từ đó, hãy giới thiệu cho họ về những ngôn từ “hợp lý” hơn, “cập nhật” hơn. Tuy vậy, vẫn cần tôn trọng cách sử dụng từ của họ, đặc biệt là trong những bối cảnh mang tính cá nhân, riêng tư.
Do đó, không có một thang đo đúng / sai rõ ràng cho cách sử dụng về ngôn từ. Chỉ có cộng đồng mới có quyền quyết định nên sử dụng những cụm từ này như thế nào, trong bối cảnh nào và với thái độ ra sao. Những ngôn từ mang tính kỳ thị cũng như những viên gạch ném về phía cộng đồng. Một khi đã giành lại được sức mạnh, chúng ta có quyền sử dụng chính những viên gạch đó để xây nên một nơi trú ẩn an toàn, bảo vệ cộng đồng khỏi những định kiến và thù ghét. Một cách thú vị, mỗi người lại cảm thấy an toàn trong những “căn phòng” khác nhau, trong những định danh khác nhau. Thay vì “đập” bớt đi, sao chúng ta không cùng nhau củng cố và xây thêm những căn phòng mới?
—
Podcast Bóng Bàn phát sóng vào THỨ TƯ CÁCH TUẦN CỦA THÁNG
Trên các nền tảng nghe podcast (Spotify, Anchor, Apple Podcasts)
Facebook | Youtube: Viện iSEE
#iSEE #podcast #BongBan