Nghệ sĩ cần quan tâm những gì khi sử dụng chất liệu của các nền văn hoá khác?
Cần chuẩn bị trước gì trước sự va đập và giao thoa của các nền văn hoá?
Trong lĩnh vực thiết kế và sáng tác nghệ thuật, càng ngày càng nhiều sản phẩm được truyền cảm hứng và vay mượn từ các yếu tố văn hóa của các tộc người thiểu số. Sự va chạm và giao thoa này là tất yếu trong thời đại toàn cầu hoá.
Tuy nhiên, không phải lúc nào vị thế của người làm sáng tạo và người thực hành văn hoá (hay chủ thể văn hóa) cũng ngang bằng nhau. Tuỳ từng văn cảnh, tác phẩm nghệ thuật có thể vừa đề cao sự đa dạng, vừa vô thức lan truyền những khuôn mẫu không đúng về cộng đồng văn hoá.
Trong bài viết sau, iSEE sẽ cung cấp một góc nhìn tổng thể về quy trình làm việc với cộng đồng trong dự án về sáng tạo sản phẩm văn hóa. Với những quy tắc về sự tôn trọng người trong cuộc được đặt lên hàng đầu, giới nghệ sĩ có thể đồng hành cùng cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy văn hoá.
Ngắn gọn, văn hóa là gì?
Theo một định nghĩa rộng, nhà nhân học Gary Ferraro chỉ ra: “Văn hóa là tất cả những gì con người CÓ, con người NGHĨ và con người LÀM.”
Như vậy, văn hóa luôn gắn với một cộng đồng cụ thể, bao gồm một tộc người, một vùng đất, một quốc gia hay toàn thế giới. Hiện nay, khi các cộng đồng sống đan xen và các đường biên lãnh thổ không còn rõ ràng, một người có thể mang nhiều danh tính và thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau cùng lúc. Ta vừa là người Kinh, vừa là người Việt Nam, vừa là con người.
Sự gặp gỡ của các nền văn hoá khác nhau giúp những văn hoá mới ra đời. Hiện tượng này có thể dẫn tới hai hệ quả: Các tộc người duy trì định kiến về nhau, hoặc tộc có nhiều quyền lực hơn tự cho mình nhiệm vụ cứu giúp những tộc khác, sao cho họ văn minh hơn, tiến bộ hơn.
Khi một bên có nhiều quyền quyết định hơn, nhiều quyền phát ngôn hơn hay đơn giản được hiện diện nhiều hơn trên truyền thông, họ mang nhiều đặc quyền hơn những nhóm khác. Hệ quả của bất cân xứng quyền lực là các bên không đủ tôn trọng lẫn nhau, dẫn đến "chiếm dụng văn hoá" và những xung đột về sở hữu văn hoá.
Ví dụ trực quan là cách truyền thông và cộng đồng mạng nhìn vào tục Kéo vợ như một hủ tục mang tính ép buộc. Điều này đã dẫn tới góc nhìn phiến diện về văn hóa người Mông tại Việt Nam. Định kiến này đã có từ lâu qua tác phẩm Vợ Chồng A Phủ, và tiếp tục được lan truyền qua nhiều sản phẩm nghệ thuật đương đại như Để Mị Nói Cho Mà Nghe, Mời Anh Về Tây Bắc...
Các nền văn hóa có quyền cất giọng ngang nhau?
Cộng đồng dân tộc thiểu số thường "bị động" trên các ấn phẩm truyền thông hiện đại
Các sản phẩm sáng tạo lấy chất liệu từ văn hóa các tộc người thiểu số ngày càng trở nên phổ biến. Dù đa dạng về loại hình, nhưng đa phần người làm sáng tạo và người sản xuất là người Kinh. Điều này dẫn tới việc cộng đồng thiểu số chỉ “bị nói về” thay vì “tự nói.” Hiện diện của các cộng đồng trở thành “được kể” thay vì “tự kể.”
Nhiều thực hành “cấm”, “kiêng” của cộng đồng bị người ngoài mô tả méo mó. Những mô tả này nhiều khi không ác ý nhưng tạo ra những hiểu lầm về văn hóa và gây tổn thương cho cả cộng đồng văn hoá và người sáng tạo.
Năm 2014, trên một chương trình truyền hình, khăn piêu của người Thái bị đem ra làm khố trong khi tác giả muốn thể hiện văn hóa Tây Nguyên. Trên Facebook, thi thoảng lại xuất hiện những bộ ảnh, MV với trang phục tập gợi cảm, quảng cáo tập yoga trong khuôn viên linh thiêng của đền tháp Champa...
Cộng đồng không chỉ là nguyên liệu thô của nghệ thuật
Trong tiến trình sáng tạo từ chất liệu văn hóa, đầu tiên văn hóa cốt lõi được khai thác thô. Sản phẩm tới tay khán giả thông qua sự trình diễn, tiêu thụ đã được "chế biến" kỹ lưỡng. Thông thường, người dân chỉ được tham gia như bên cung cấp nguyên liệu thô, để truyền cảm hứng cho sáng tạo, sản xuất. Trong giai đoạn tiếp theo, khi văn hóa được tinh chế thì họ thường không được tham gia.
Điều này dẫn đến những thắc mắc về vai trò của người thực hành văn hóa. Khi một motif hoa văn, một câu dân ca được sử dụng để thành một phần của sản phẩm, liệu chủ thể văn hóa có được quyết định những yếu tố văn hóa nào của họ được sử dụng, và được sử dụng ra sao?
Không chỉ trong giai đoạn sáng tác mà còn khi sản phẩm được truyền thông và biểu diễn, cộng đồng sở hữu văn hoá cũng chỉ được hiện diện như một nhóm đặc thù, chứ không được nhìn nhận như từng cá nhân với thẩm mỹ và quan điểm sống khác biệt. Một sản phẩm thường được xuất hiện thông qua lời của người làm sáng tạo, người làm sản xuất.
Đơn cử, vào tháng 10 năm 2021, mẫu giày "miền Trung" của Bitis sử dụng hoa văn chân chó (takai asau) của người Chăm Ninh Thuận. Tuy vậy cả hoa văn và tộc người đều không được nhắc tới trong truyền thông của hãng, mà được mô tả bằng cụm từ “thổ cẩm Tây Nguyên.”
Sau khi mạng lưới Tiên Phong - Vì tiếng nói người dân tộc thiểu số phản hồi về sự thiếu vắng ý nghĩa họa tiết, tên của tộc người trong sản phẩm, Bitis mới có những hành động ghi nhận văn hóa Chăm trong các bài truyền thông sau đó.
Từ đây, ta không thể phủ nhận rằng sự tham gia của cộng đồng văn hoá là vô cùng quan trọng trong quá trình sản xuất hàng hoá và nghệ thuật.
Đồng sáng tác – những lưu ý khi lấy chất liệu nghệ thuật từ cộng đồng
Trong một thế giới đa văn hoá, người nghệ sĩ cần lưu ý về vai trò và vị thế giữa mình và cộng đồng trong quá trình thực hành sáng tạo.
Năm 2017, triển lãm Cụng - Đụng - Chạm do Viện iSEE tổ chức đã thực hiện concept về đồng sáng tác giữa các nghệ sĩ trẻ và nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Ý tưởng cốt lõi của concept này là “cộng đồng là người tạo tiếng, nghệ sĩ là người tạo hình.” Từ đó các nghệ sĩ tham gia lưu trú tại các cộng đồng dân tộc Mông, Thái tại Lào Cai, Yên Bái, Đăk Nông và cùng cộng đồng hình thành tác phẩm từ ý tưởng đến khi hoàn thiện.
Thông qua tiến trình đồng hành từ trước khi nghệ sĩ và cộng đồng gặp mặt cho tới khi triển lãm, chúng tôi rút ra một số lưu ý khi lấy chất liệu nghệ thuật từ cộng đồng:
Thứ nhất, người nghệ sĩ cần được chuẩn bị để gặp mặt với cộng đồng. Quá trình chuẩn bị không chỉ là những kiến thức về văn hóa, mà còn là thái độ khi tiếp xúc với một nền văn hóa khác lạ.
Thứ hai, vai trò của chủ thể văn hóa luôn cần được lưu tâm. Tùy theo các cấp độ khác nhau, chủ thể văn hóa có thể là cộng đồng, một gia đình hoặc là một chức sắc, một nghệ nhân. Họ cần được tham khảo về cách sử dụng và sáng tạo một chi tiết trong văn hóa của họ.
Thứ ba, sự tham gia và kết nối với chủ thể văn hóa là một tiến trình, từ khi là nguyên liệu thô để sáng tạo, tới hoàn hoàn thiện sản phẩm và truyền thông. Sự tham gia của cộng đồng là rất quan trọng, bởi một sản phẩm sáng tạo văn hóa là hình ảnh mới về văn hóa một dân tộc tới người bên ngoài.
Thứ tư, quá trình thảo luận, sáng tạo cần nằm trong những không gian an toàn, nơi mà cả người sáng tác và cộng đồng có vị thế ngang nhau, có khả năng đưa ra quyết định như nhau.
Lắng nghe tiếng nói của cộng đồng để trở thành những đồng minh văn hoá
Trong thời đại mà các ranh giới về văn hóa ngày càng trở nên mờ nhạt, việc giao thoa và học hỏi giữa các cộng đồng khác nhau là không thể tránh khỏi. Đây cũng là cơ hội để tạo nên những văn hóa mới trong bối cảnh đương đại.
Trong tiến trình này, khó có nền văn hoá nào có thể giữ vị trí "bất khả xâm phạm." Nhưng việc thúc đẩy sự tham gia sáng tạo vào nhiều khâu sản xuất sẽ giúp nghệ sĩ và cộng đồng văn hoá trở thành những đồng minh thực thụ của nhau.
Thảo luận về đa văn hóa không nên và không thể đơn thanh từ người ngoài cộng đồng, bao gồm nghệ sĩ, giới truyền thông và các nhà nghiên cứu. Sự cất giọng của những "người trong cuộc" của văn hoá cần được lắng nghe và thấu hiểu.