Đồng tính - Chữa sao cho phải?: Khi yêu thương đến từ sự thấu hiểu
“Đồng tính - Chữa sao cho phải?” là buổi toạ đàm trực tuyến nằm trong khuôn khổ chiến dịch mang tên “Leave with PRIDE - LGBTIQ không phải là bệnh”, được thực hiện từ tháng 11 năm 2021 bởi Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (Viện iSEE). Tính đến thời điểm hiện tại, Chiến dịch đã có những thành công đầu tiên với việc thu thập được hơn 80.000 chữ ký từ công chúng nhằm gửi tới Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) với mục tiêu đưa ra tuyên bố chính thức công nhận LGBTIQ không phải là bệnh.
Những thực trạng đáng buồn
Mở đầu buổi toạ đàm, anh Chu Thanh Hà - Giám đốc điều hành của Tổ chức cộng đồng IT’S T TIME, một tổ chức hoạt động cho quyền của người chuyển giới đã có những chia sẻ liên quan tới kinh nghiệm của anh trong quá trình làm việc với người chuyển giới và đa dạng giới. Anh Hà nhớ nhất là những câu chuyện về những bạn chuyển giới trẻ tuổi đã gặp phải vô vàn trở ngại và khó khăn trong quá trình nhận thức về bản thân và công khai giới tính của chính mình. Nhiều gia đình tỏ ra bối rối trước việc con mình là người LGBTIQ, thậm chí đã mang con tới các cơ sở y tế hay các chuyên gia tâm lý với mong muốn giúp con mình trở lại như “bình thường”.
Chị Hồ Thu Hà, Nhà trị liệu tâm lý và Giảng viên tại Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý CRISP, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN cũng chia sẻ những trải nghiệm của bản thân trong quá trình làm việc với các bạn thuộc cộng đồng LGBTIQ từ năm 2014 đến nay. Chị Hà đã nhận được rất nhiều yêu cầu từ phụ huynh với mong muốn có thể giúp thay đổi bản sắc cá nhân của con họ. Ngay cả ở thời điểm hiện tại, số lượng yêu cầu như trên vẫn còn rất nhiều chứ không phải là hiếm. Chị Hà cũng nhấn mạnh rằng dù những yêu cầu này có đến từ bất kỳ lí do gì thì cũng sẽ không những không mang lại hiệu quả, mà còn gây ra những tổn thương không thể đảo ngược cho chính các bạn LGBTIQ.
“Khi phụ huynh phát hiện ra con mình là người ở trong cộng đồng thì câu hỏi đầu tiên luôn là “Liệu đó có phải là bệnh không?”, và “Làm như thế nào để chữa bệnh cho nó?”” - Cô Nguyễn Lang Mộng, trưởng nhóm PFLAG (Hội Cha mẹ và Người thân của người LGBTIQ) Sài Gòn chia sẻ. Tham gia PFLAG từ năm 2011 sau khi phát hiện con mình là người LGBTIQ, cô Mộng đã từng chứng kiến rất nhiều trường hợp đau lòng khi những phụ huynh cô từng gặp và làm việc cùng hầu như luôn luôn có một niềm tin rằng con mình sẽ trở lại “bình thường”, và họ sẽ làm mọi cách giúp con mình “khỏi bệnh”.
Nhìn từ góc độ chuyên môn
Bất ngờ là cảm xúc chung của tất cả mọi người khi biết được thông tin “Có hơn 30% người Việt tin rằng người đồng tính, song tính, chuyển giới, đa dạng giới (LGBTIQ) là bệnh”(1). Dù đã trải qua một tiến trình rất dài, nhưng định kiến và kỳ thị vẫn còn hiện hữu. Chị Hồ Thu Hà cho rằng quan niệm này bắt nguồn từ chính những chuẩn mực xã hội về giới và tính dục. Chị cho biết, để một hiện tượng có thể được coi là bệnh cần đáp ứng được 3 mặt đi cùng với nó. Đầu tiên và quan trọng nhất, đó phải là một hiện tượng bất thường gây rối loạn các chức năng của một người. Thứ hai, những hiện tượng đó phải khiến cho một cá nhân gặp khó khăn trong các hoạt động trong cuộc sống như học tập, làm việc, giao tiếp; hoặc gây nên rất nhiều căng thẳng và đau khổ về tình trạng của cá nhân đó. Cuối cùng, những hiện tượng đó có thể khác biệt hay đi ngược lại với các chuẩn mực xã hội.
Theo chị Hà, việc một người là LGBTIQ không đáp ứng 2 mặt đầu tiên của tiêu chuẩn này. Các căng thẳng và đau khổ mà người LGBTIQ gặp phải đến từ các yếu tố bên ngoài như kỳ thị, áp lực xã hội hay từ việc bị tước đi các cơ hội đến từ chính sự kỳ thị đó, chứ không phải xuất phát từ việc bản thân người đó là LGBTIQ. Khi xét đến mặt thứ ba, chị Hà cho rằng, nếu các chuẩn mực xã hội đó thuộc về và đại diện cho số đông, thì có thể nói rằng người LGBTIQ là khác biệt. Còn nếu nhìn chuẩn mực xã hội theo hướng tiếp cận coi nó là những chuẩn mực đa dạng, với nhiều hình thức và cách thể hiện khác nhau, thì lúc đó người LGBTIQ sẽ không bị coi là trái chuẩn mực nữa. Từ đó chị đi tới kết luận rằng người LGBTIQ hoàn toàn không rơi vào nhóm định nghĩa về mặt bệnh lý.
Về việc xem hiện tượng bức bối hay phiền muộn giới ở người chuyển giới là một rối loạn tâm thần, chị Hà cho rằng nó có thể gây nên những định kiến không cần thiết. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức độ căng thẳng của một người khi có sự mâu thuẫn hay không đồng nhất giữa bản dạng giới và cơ thể không gây nên nhiều căng thẳng cho người đó bằng những áp lực do xã hội tạo ra. Giải thích cho điều này, chị Hà cho rằng những căng thẳng này phần nhiều đến từ quan niệm được mỗi người nhập tâm từ khi còn bé, về việc xác định danh tính, bản sắc cá nhân dựa trên đặc điểm cơ thể theo chuẩn mực xã hội tới từ số đông. Do vậy, các chuyên gia tâm thần học đã loại bỏ hiện tượng bức bối giới ra khỏi Bảng phân loại các rối loạn tâm thần ICD-11.
Nhiều phụ huynh mang cảm giác tội lỗi, không biết có phải do mình nuôi dạy sai cách mà con trở thành người LGBTIQ hay không. Nhiều người đổ lỗi do môi trường, cho rằng con mình bị bạn bè dụ dỗ, lôi kéo. Chị Hà cho biết, nguyên nhân gây nên hiện tượng đồng tính, song tính hay chuyển giới vẫn còn là một chủ đề được tranh luận rất nhiều trong giới chuyên môn. Theo chị, tính cách và biểu hiện của mỗi người được hình thành từ hai yếu tố là bẩm sinh và môi trường. Cũng tương đương như vậy, những khám phá của bản thân mỗi người về góc độ giới và tính dục cũng là tổng hoà của cả 2 yếu tố trên. Những lý thuyết cho rằng giới và tính dục chỉ chịu ảnh hưởng từ yếu tố môi trường đã được nhiều nghiên cứu chỉ ra là sai và không có cơ sở.
Các liệu pháp chữa bệnh cho người LGBTIQ là một chuỗi các hành vi liên tiếp nhằm cố gắng thay đổi bản dạng giới, xu hướng tính dục hay thể hiện giới của một người để người đó không còn nhận định mình là người LGBTIQ nữa. Ở một số nước, tuỳ theo bối cảnh về văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo hay tình hình chính trị, xã hội mà các liệu pháp chữa trị này lại có những đặc trưng riêng. Cụ thể ở Châu Á, các quan niệm về “thể diện gia đình” hay “thuần phong mỹ tục” chính là những áp lực ngầm thôi thúc rất nhiều bậc phụ huynh tìm kiếm các liệu pháp chữa “bệnh” cho con mình. Các gia đình thường tìm đến những cơ sở tâm linh, tôn giáo và sử dụng những biện pháp dân gian như bùa ngải; hay ép con mình đi khám và sử dụng thuốc, gây nên những hậu quả không thể đảo ngược. Ở bối cảnh Việt Nam hiện nay, các kiến thức về phi bệnh lý hoá người LGBTIQ vẫn chưa được tiếp cận và phổ biến tới đông đảo công chúng, khiến cho tình trạng này vẫn còn tiếp diễn.
Đã từng có những giai đoạn khi mà các nghiên cứu của giới chuyên môn chỉ ra rằng xu hướng tính dục và bản dạng giới của một người là có thể thay đổi được. Tuy vậy, những kết quả này chỉ mang tính nhất thời ngay tại thời điểm kết thúc quá trình “trị liệu”, còn về lâu dài những người tham gia vào nghiên cứu khi được phỏng vấn đều trả lời rằng thực chất họ không hề thay đổi. Rất nhiều trong số họ gặp phải các vấn đề tâm thần không thể đảo ngược. Điều này chứng minh rằng việc tìm cách chữa trị cho người LGBTIQ là tàn nhẫn và hoàn toàn không có cơ sở, gây nên rất nhiều những hệ luỵ và tổn thương không đáng có cho rất nhiều người.
Đến những trải nghiệm thực tế
Đối với chính bản thân cô Mộng, khi phát hiện con mình là người thuộc cộng đồng LGBTIQ vào năm 2011, cô đã nghĩ rằng đó là bệnh, và mục đích duy nhất của cô vào thời điểm đó là tìm cách để con mình được “bình thường” như bao người khác. Sau 1 năm nỗ lực tìm cách thay đổi con mình, cuối cùng cô nhận ra rằng, LGBTIQ không phải là bệnh, và mình đang vô tình đẩy con mình vào những khủng hoảng và áp lực không đáng có.
Trong quá trình tham gia tập huấn cùng với PFLAG, cô nhớ nhất là một trường hợp bạn nữ ở An Giang, khi bị gia đình phát hiện ra là người đồng tính nữ, đã bị mang đến một bà đồng cô để chữa trị. Sau mấy ngày liên tiếp bị hành hạ, bạn bị tống vào chùa để tu tâm dưỡng tính, với hi vọng sẽ cắt được “vong đồng tính”. Khi nhận ra dù đã làm đủ mọi biện pháp mà vẫn không làm con mình hết bệnh, gia đình đã ép bạn phải lấy chồng. Quá nhiều khủng hoảng đã khiến bạn phải bỏ nhà ra đi như một bước đường cùng.
Hay như trường hợp khác, một bạn nam khi bị phát hiện là đồng tính nam đã bị gia đình ép đi trị liệu tâm lý. Trong vòng 6 tháng, bác sĩ yêu cầu bạn phải liên tục sử dụng thuốc dẫn đến những rối loạn nghiêm trọng về tâm thần. Từ những sai lầm như vậy vô tình đã đẩy nhiều người LGBTIQ vào một cuộc sống bi kịch. Cô Mộng chia sẻ rằng, những hành động này xuất phát từ tình thương của cha mẹ, với hi vọng không để con mình phải khổ vì là người LGBTIQ. Tuy nhiên chính từ sự thiếu đi kiến thức cũng như sự đồng cảm với con cái đã gây nên vô vàn những hệ luỵ đau lòng.
Những biện pháp chữa trị cực đoan như ép quan hệ tình dục với người khác giới tại Việt Nam cũng không hề hiếm gặp. Nhiều người bị ép kết hôn và sinh con, tuy nhiên hầu hết những gia đình như vậy đều tan vỡ. Hậu quả lúc này không chỉ dừng lại ở bản thân người LGBTIQ nữa, mà còn xảy đến với gia đình và con cái của họ.
Nhìn một cách đa chiều hơn, người LGBTIQ không phải là nạn nhân duy nhất trong câu chuyện này. Chính cha mẹ cũng phải trải qua rất nhiều áp lực, bỡ ngỡ với những thứ đối với họ là hoàn toàn mới hay xa lạ, đòi hỏi cần phải có thời gian để thực sự tiếp cận và thấu hiểu con. Một phụ huynh khi mang con đi “trị liệu” đã chia sẻ với chị Hà rằng có thể biện pháp lúc này sẽ khiến con phải chịu nhiều đau đớn và tổn thương, nhưng thà chịu khổ một thời gian để được quay lại làm người “bình thường”, còn hơn để con phải chịu khổ cả đời. Việc nhiều nhà trị liệu đưa ra những chẩn đoán không chính xác, đưa cho cha mẹ những hy vọng giả về việc có thể thay đổi bản chất của con mình chỉ càng làm sâu sắc thêm những tổn thương vốn có từ cả hai phía.
Cha mẹ của nhiều người LGBTIQ sinh ra và lớn lên ở những thế hệ trước, khi mà kiến thức về cộng đồng còn rất hạn chế. Nhiều bậc phụ huynh có định kiến xấu về cộng đồng, cho rằng người LGBTIQ làm xấu thể diện gia đình do không thể duy trì nòi giống. Cho nên đối với cô Mộng, mấu chốt ở đây chính là việc cung cấp những kiến thức đúng về LGBTIQ để phụ huynh có thể hiểu. Một khi đã hiểu đúng về kiến thức, sẽ dẫn đến thay đổi trong cách suy nghĩ và hành động. Ngoài ra, việc lan truyền những hình ảnh đẹp về cộng đồng, rằng những người LGBTIQ vẫn sống tốt và cống hiến như bao người khác cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh.
Hy vọng cho sự thay đổi
Từ khi quyết định tham gia PFLAG, hầu như các phụ huynh đều có chung một mục tiêu duy nhất là bảo vệ và lấy lại công bằng cho con mình. Nên khi được tập huấn về các kiến thức liên quan đến cộng đồng LGBTIQ, các vị phụ huynh đều tìm cách chia sẻ chúng đến với nhiều người nhất có thể. Dù đôi khi có nhiều áp lực, nhưng với tình thương và sự thấu hiểu, họ sẵn sàng đứng ra để bảo vệ con mình. Đặc biệt, hội PFLAG còn đứng ra tổ chức các buổi tham vấn cho các bậc phụ huynh về nhiều chủ đề khác nhau liên quan tới con cái họ, từ chuyện come out cho tới những áp lực khi là người LGBTIQ. Nhiều phụ huynh thậm chí còn gọi điện đến 2, 3 giờ sáng để được chia sẻ với hội.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc lan toả những kiến thức đúng đắn về cộng đồng tới nhiều người hơn, hội PFLAG ưu tiên các hoạt động nhằm hướng đến các lực lượng ủng hộ khác, chẳng hạn như trường học, hội phụ nữ hay ngay cả hàng xóm hoặc những người buôn bán ở chợ. Mục tiêu của PFLAG không chỉ là nâng cao nhận thức xã hội, mà còn là lan toả tình yêu đối với cộng đồng LGBTIQ tới với mọi người.
Còn đối với chị Hà, là một nhà trị liệu tâm lý, đa phần các công việc của chị đều thầm lặng hơn. Chị chủ yếu giúp đỡ các gia đình tìm đến mình bằng việc hỗ trợ cá nhân các bạn LGBTIQ cũng như bố mẹ các bạn trong quá trình tìm hiểu bản sắc, cũng như tìm cách chấp nhận chuyện con mình là người LGBTIQ. Chị và các đồng nghiệp cũng cố gắng góp tiếng nói của mình trong các buổi hội thảo của giới chuyên môn để mọi người có cái nhìn và quan điểm đúng đắn hơn về cộng đồng.
Để kết thúc buổi toạ đàm, dưới cương vị là một phụ huynh của người LGBTIQ, cô Mộng muốn nhắn nhủ tới các bậc cha mẹ đang băn khoăn, lo lắng về danh tính của con mình rằng: “Con mình vẫn là đứa con như trước lúc mình phát hiện nó là người trong cộng đồng, vậy thì tại sao mình lại không bao bọc con mình? [...] Yêu thương con là một điều nhưng cần phải có sự thấu hiểu con để dễ dàng chấp nhận con. [...] Khi tìm hiểu và hiểu rồi thì mình sẽ thay đổi được cách suy nghĩ đối với con mình. Phụ huynh nào cũng thương con mình hết, mỗi người thương một cách khác nhau, nhưng nếu thương theo cách thấu hiểu con thì con mình sẽ là người hạnh phúc nhất.”
Nhìn rộng ra, Chiến dịch Leave with PRIDE do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (Viện iSEE) khởi xướng chính là một tiếng lòng từ cộng đồng LGBTIQ, từ cha mẹ cũng như rất nhiều công chúng trong xã hội muốn gửi tới các cơ quan y tế, đặc biệt là tới Tổ chức Y tế thế giới WHO tại Việt Nam với hi vọng chấm dứt tình trạng bệnh lý hoá người LGBTIQ, cũng như nâng cao nhận thức để xã hội Việt Nam trở nên cởi mở, tôn trọng sự đa dạng về giới và tính dục hơn. Mục tiêu cuối cùng là để người LGBTIQ được sống và phát triển một cách toàn diện trong xã hội Việt Nam.
(1) Phạm Quỳnh Phương, Người đồng tính, song tính và chuyển giới ở Việt Nam: Tổng luận các nghiên cứu, (Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, 2013), 110.