Luật tục trong Quản lý tài nguyên thiên nhiên: Tri thức tộc người và Cách thức truyền thông cùng cộng đồng

Trong thế giới quan của nhiều tộc người thiểu số ở Việt Nam, thiên nhiên không chỉ là những thực thể để khai thác hay quản lý mà còn là nơi hệ thống thần linh trú ngụ, nơi đất có linh hồn và là mạch sinh nguồn sống mà con người nương vào. Bởi lẽ đó, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên không đơn thuần chỉ là cung - cầu; hơn thế nữa, các tộc người có những giao ước riêng với tự nhiên mà các thành viên phải tôn trọng, thực hiện theo và không được phép phá vỡ. Những giao ước với đất, nước, rừng, thậm chí một nhành cây ngọn cỏ như vậy được hiểu là luật tục (Dẫn lời cô Nguyễn Thị Điềm, dân tộc Tày); và luật tục được thực hành rất khác nhau giữa các cộng đồng thiểu số.

Luật tục là những phong tục, tập quán trong quá trình hình thành và phát triển của một cộng đồng dần dần chuyển hóa thành luật lệ, quy ước chung của cộng đồng đó. Trong bối cảnh phục hồi hệ sinh thái và nuôi dưỡng lối sống bền vững đang là mối quan tâm của nhiều tổ chức và cá nhân, việc hiểu và học thêm từ luật tục trong ứng xử với tài nguyên thiên nhiên của các tộc người sẽ thúc đẩy những giá trị, niềm tin và cách thức sống hoà hợp với nhau và cùng thiên nhiên.

Với mong muốn góp phần thúc đẩy tâm thế này, iSEE và Mạng lưới Tiên Phong: Vì tiếng nói của người dân tộc thiểu số đã đồng tổ chức sự kiện “Luật tục trong Quản lý tài nguyên thiên nhiên: Tri thức tộc người và Cách thức truyền thông cùng cộng đồng” vào ngày 22/6, với nội dung chính xoay quanh những thực hành luật tục trong bảo vệ tài nguyên rừng và cách các tộc người lan tỏa những thực hành này trong chính cộng đồng của mình.

Luật tục thể hiện từ trong các bài thơ, đồng dao hay lời khấn xin thần linh của các tộc người. Người Thái ở Điện Biên khi vào rừng chặt cây gỗ to về làm nhà, luôn khấn xin thần linh trước khi đốn hạ cây:

Ơ chảu pá chảu pu

Chảu mạy chảu tók ơi

Hươn dảo lụ làn mạy lók, tók khát

Phồn lông hua sá pảnh

Lét lạnh sóng chuông non

Khạy lụ tảu lụ làn chắng đảy pa mịt khảu đồng

Pa thồng khảu thướn

Lụ tảu lụ làn ma nỉ xò chảu pá, chảu pu

Chảu mạy chảu tók hảư lụ làn pẳm lăm mạy nị

Pày tẳng dảo sau hươn

Tồ đaư mi pík lỏ bìn

Tồ đaư mi tìn lỏ len

Xò chảu pá chảu pu hảư cốc mạy tẹt sai

Pài mạy tẹt đìn tẹt nhả

Cụm cuồm lụ tảu lụ làn chếp nha đảy sảy nha thầng

Hảư măn đì tênh dảo hảo tênh hươn đè nơ!

(Ơi chủ núi chủ rừng (Chủ có nghĩa là Thần)

Chủ cây chủ lạt ơi

Nhà cửa con cháu gỗ mủn, lạt mục

Mưa xuống dột giàn bánh men

Nắng to lọt chỗ ngủ

Nay con cháu mới mang dao vào rừng

Mang túi cơm lên núi

Con cháu đến đây xin thần núi

Xin thần rừng thần

Thần cây thần lạt cho con cháu chặt hạ cây này

Mang về dựng lại nhà cửa

Con nào có chân thì chạy

Con nào có cánh thì bay nhé

Cầu khấn thần linh hãy cho ngọn cây chạm cát

Lá cây chạm đất nhé

Phù hộ độ trì cho con cháu đừng gặp chuyện đau ốm

Tốt lành cả nhà mạnh khỏe cả đời nhé!)

Hiện lên qua lời khấn này là một thái độ khiêm nhường của con người khi họ “đến đây xin thần núi, xin thần rừng” chỉ khi “nhà cửa con cháu gỗ mủn, lạt mục”; và khi chặt cũng mong không làm tổn hại tới muông thú chung quanh.

Mở đầu sự kiện, thành viên của Mạng lưới Tiên Phong chia sẻ kết quả nghiên cứu cộng đồng về luật tục trong quản lý tài nguyên thiên nhiên đã thực hiện từ năm 2019.

Cô Nguyễn Thị Điềm, người Tày ở Thái Nguyên, chia sẻ rằng thiên nhiên đã rất ưu đãi với người dân ở địa phương của cô; và để bảo vệ rừng và tài nguyên thiên nhiên, cộng đồng người Tày đã lập ra những quy ước riêng với thổ công của rừng. Ví dụ, ở gốc những cây cổ thụ thường có một bát hương thờ thổ công; ai muốn chặt cây cần phải xin phép thổ công trước và khi chặt không được chặt quá số cây đã xin. Do tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu chung của cộng đồng nên việc có những giao ước như trên rất quan trọng để mọi người đều có thể cùng khai thác và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cũng như vun vén tình đoàn kết.

Các đại diện từ nhóm Thái ở Điện Biên cũng chia sẻ câu chuyện rừng thuộc sở hữu cộng đồng và các cách ứng xử với các loại rừng khác nhau. Người Thái tin rằng rừng đầu nguồn là nhà của thần Thuồng Luồng, do đó không được phép làm nương, rẫy ở khu vực này mà chỉ chọn rừng cỏ gianh, cỏ chít để làm. Niềm tin này cũng là cách để răn đe con cháu không được phá rừng đầu nguồn, mà cần bảo vệ mạch nước và đa dạng sinh học. Ngoài ra, còn nhiều loại rừng khác như rừng cúng của bản - nơi trú ngụ của thần linh; hay rừng nghĩa địa - nơi trú ngụ các linh hồn của người đã mất. Con người không được phép phá hay khai thác tài nguyên trong những khu rừng này, bởi nếu phạm vào sẽ là phá chốn nương tựa của các linh hồn.

Anh Jaka, người Chăm ở Ninh Thuận, bày tỏ lòng tôn kính với đất vì với người Chăm, “thần linh luôn ở trên hai vai của mình” bất kể nơi nào. Cũng giống như cộng đồng người Thái, rừng trong thế giới quan của người Chăm rất linh thiêng, mỗi khu rừng đều có thần linh trú ngụ, do đó trước khi vào rừng đều phải xin phép, nói cái mình cần và chỉ lấy cái mình cần.

Luật tục còn thể hiện được sự linh hoạt trong đời sống qua lời chia sẻ của anh Má A Pho, người Mông ở Sa Pa. Anh cho biết trong cộng đồng người Mông ở Sa Pa, việc thừa kế đất đai giữa những người trong cùng một gia đình không nhất thiết phải có những đo đạc và phân định theo các thủ tục hành chính; đặc biệt những người già không có con cái có thể chuyển nhượng đất của mình cho cháu, và người cháu này sẽ có trách nhiệm chăm sóc họ đến cuối đời.

Bên cạnh những nghiên cứu về luật tục trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, nhằm lan toả những tri thức tộc người và giá trị của luật tục trong quản lý tài nguyên thiên nhiên tới chính cộng đồng mình cũng như tới khán giả đại chúng. 3 thành viên trong Mạng lưới Tiên Phong bao gồm chị Sa Kaya (dân tộc Chăm), anh Tuam Khaab (dân tộc Mông), và chị Ká Tuyền (dân tộc S’tiêng - Mạ) đã thiết kế và thực hiện chiến dịch truyền thông từ tháng 8/2022 tới tháng 5/2023.

Nhóm đã lựa chọn bộ lịch năm mới là sản phẩm truyền thông trong cộng đồng của mình để truyền tải thông điệp “Người lớn tuổi có sức ảnh hưởng trong cộng đồng cần sử dụng linh hoạt luật tục và luật pháp trong đời sống và truyền dạy tinh thần này cho người trẻ”. Sự xuất hiện của 3 bộ lịch Chăm, Mông và S’tiêng - Mạ đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ chính cộng đồng trong bối cảnh lịch năm mới của các tộc người thiểu số từ lâu đã không còn được thực hành. Hành trình thực hiện bộ lịch này cũng là chặng đường đi tìm về những câu ca dao, tục ngữ về đất đai đối với chị Ká Tuyền; là những tri ân đối với các bà, các mẹ, các chị trong vai trò chức sắc ở cộng đồng người Chăm của chị Sa Kaya; và với anh Tuam thì là dấu ấn văn hóa trong cộng đồng người Mông ở Mù Căng Chải khi họ đã không còn dùng lịch năm mới của tộc người mình trong 10 năm qua.

Từ trái qua: Bộ lịch của người Chăm, Mông và S’tiêng - Mạ

Bên cạnh đó, việc nhóm hợp tác với chị Chảo Thị Yến trong việc sản xuất chuỗi clip TikTok về những luật tục về đất đai và tài nguyên thiên nhiên trong cộng đồng người Dao cũng mở ra không gian cho nhiều thảo luận thú vị. Trong sự kiện, chị Chảo Thị Yến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm truyền thông xuất phát từ chính cộng đồng dân tộc thiểu số, điều mà nhóm các thành viên Tiên Phong đã đang thực hiện trong những năm vừa qua.

Lời kết

Luật tục trong ứng xử với tài nguyên thiên nhiên của các tộc người thiểu số phản ánh sự linh hoạt trong cách tổ chức, sắp xếp các sinh hoạt xã hội; sự tôn trọng tự nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học; cũng như sự gắn kết giữa các cá nhân trong cộng đồng. Đây cũng là thông điệp mà sự kiện mong muốn truyền tải tới công chúng, với lời ngỏ cùng nhau lan toả những tri thức và giá trị này tới với nhiều người hơn. Trong sự kiện, chị Mai Quỳnh Anh đến từ TUVA - đơn vị tư vấn và truyền thông đồng hành cùng các dự án xã hội, đã bày tỏ sự ấn tượng với các câu chuyện về luật tục trong quản lý tài nguyên thiên nhiên của các nhóm tộc người và gợi ý những cơ hội hợp tác cùng Mạng lưới Tiên Phong và viện iSEE trong việc xuất bản những câu chuyện này trong tương lai.

Previous
Previous

Báo cáo tiêu điểm về tình trạng của người đa dạng giới và tính dục tại Việt Nam - Một số kết quả đáng chú ý

Next
Next

“Chữa trị” người LGBTIQ không dừng lại ở các can thiệp y tế