Đi du lịch: Hãy hỏi thêm, để học thêm
“Đây là đã có nêm nếm rồi, chứ người Mông làm gì ăn ngon như thế!”
“Nhà nước thì cứ cố gắng để bọn trẻ đi học, nhưng cứ bỏ học ra đứng thế này…”
Khi đi du lịch đến các khu vực miền núi phía Bắc, bạn có thấy những câu cảm thán trên quen thuộc không? Khi nghe thấy chúng, bạn có phản ứng thế nào?
Vào một bữa trưa nọ, một thành viên của iSEE sau chuyến đi du lịch Hà Giang 2 ngày đã mang về câu chuyện về món mèn mén của người Mông và hình ảnh trẻ em đứng hai bên đường vẫy tay chào các đoàn xe đi ngang qua tại đây. Kì nghỉ lễ dài ngày vừa kết thúc với những chuyến du lịch của rất nhiều người, hãy cùng chia sẻ với iSEE trải nghiệm sau đây của chúng mình nhé!
Với vai trò là người thường xuyên làm việc cùng cộng đồng dân tộc thiểu số, iSEE đã có nhiều cơ hội đến một số nơi là quê nhà của các cộng đồng ở Sapa, ở Hà Giang, ở Yên Bái... Mỗi lần đi là một lần trải nghiệm gần gũi cùng với văn hoá của mọi người, là những lần nhìn thế giới qua con mắt của người trong cuộc.
Vì lẽ đó mà khi lần đầu đi du lịch với hình thức tour, một cán bộ iSEE đã có một chút ngỡ ngàng trước sự khác biệt giữa hai trải nghiệm, và người đó đã quyết định ghi chép lại và chia sẻ những quan sát của mình về các thực hành du lịch, qua đó mở ra một thảo luận về các hình thái du lịch bền vững, có nhạy cảm văn hoá và không gây hại cho cộng đồng. Cụ thể, có hai câu chuyện về món Mèn mén của người Mông, và thực hành từ thiện với trẻ em vùng cao.
Câu chuyện thứ nhất: Món mèn mén
Du lịch Hà Giang hai ngày, nhóm chúng tôi được hướng dẫn viên đưa đến một quán ăn tại phố cổ Đồng Văn, và một trong số những món được phục vụ là mèn mén - một món ăn làm từ ngô của người Mông. Khi nếm thử, một người bạn tôi đã rất thích thú và khen món này ngon, vì nó bùi bùi, có mùi thơm của ngô. Thế nhưng khi hướng dẫn viên nghe được thì đã giải thích rằng: “Đây là đã có nêm nếm rồi, chứ người Mông làm gì ăn ngon như thế!”
Câu nói đấy đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, bởi vì tôi cho rằng nếu hướng dẫn viên nào cũng phản ứng như vậy mỗi lần một du khách bày tỏ sự yêu thích với văn hoá của những tộc người thiểu số, thì cảm giác tốt đẹp ấy có thể sẽ phần nào phai nhạt, và sự hứng thú ban đầu sẽ biến mất. Thay vào đó, người bạn đã khen món mèn mén của tôi chỉ có thể chưng hửng: “À thế à". Ba chữ rất nhẹ nhàng, nhưng đó là một cơ hội đã mất đi để nói về cái đẹp của đa dạng văn hoá.
Trên thực tế, Hà Giang là một nơi rất đẹp, có sông có rừng núi hùng vĩ và là quê hương của nhiều tộc người như người Mông, người Pà Thẻn, người Dao, người Lô Lô… Đó là một vùng đất tuyệt vời để nuôi dưỡng sự tò mò, hứng thú khám phá văn hoá, niềm tự hào một Việt Nam đẹp đẽ và đa dạng - nếu chúng ta có một người đồng hành dẫn lối phù hợp.
Tôi cho rằng người hướng dẫn hôm ấy chưa phải là một người đồng hành phù hợp, bởi thay vì kể thêm cho du khách biết về nguồn gốc món ăn, cách nó được chế biến, vì sao món ấy lại phổ biến ở nơi này, thì người đó đã chọn nói rằng “người Mông làm gì ăn ngon như thế". Câu nói rất đơn giản, nhưng lại chứa bên trong ẩn ý so sánh cao thấp, rằng món ăn mà du khách thấy ngon cũng vì nó đã trải qua nêm nếm thay đổi, chứ không phải là bản thân món ăn ấy của người Mông.
Theo bạn, nếu bạn là hướng dẫn viên du lịch, thì bạn sẽ nói gì khi có người khen món ăn này?
Câu chuyện thứ hai: Thế nào là “giúp"?
Vẫn trong chuyến đi ấy, vẫn người hướng dẫn ấy, vào ngày thứ hai của chuyến đi trong lúc đi xe lên Mèo Vạc, đoàn du lịch đã thấy một hiện tượng: trẻ em đứng hai bên đường vẫy tay chào xe đi ngang qua. Người hướng dẫn giải thích rằng đây là do bố mẹ người vùng cao đưa các em đến đấy, để du khách dừng lại rồi cho tiền các em. Chính vì việc này mà nhiều em còn bỏ học. Người hướng dẫn tỏ vẻ ngán ngẩm nói: “Nhà nước thì cứ cố gắng để bọn trẻ đi học, nhưng cứ bỏ học ra đứng thế này….”
Khi tôi đặt hỏi rằng hành động này là do đâu mà có, hướng dẫn viên mới giải thích: có lẽ do nhiều người đến chụp ảnh cùng các em nhỏ, đôi khi tương tác và mượn một số dụng cụ như mũ, gùi… để chụp ảnh, sau đó đăng lên mạng xã hội nên hiện tượng này trở nên phổ biến. Chưa kể đến xu hướng cho kẹo các em nhỏ bằng cách ném qua cửa sổ từng rất “hot” nhiều năm về trước.
Đến đây, phần lớn người nghe có thể đã nhận ra vấn đề đến từ đâu. Hẳn nhiên nó không nằm ở các em nhỏ chọn cách đứng chờ xe qua để xin tiền và kẹo bánh, mà nằm ở các thực hành thiếu cân nhắc khi đi du lịch. Có thể ý định ban đầu của chúng ta là “giúp", nhưng có lẽ không ai nghĩ đến ý định nhất thời ấy có thể gây nên một hệ quả lâu dài.
Cụ thể là hiện tại, khi đến Hà Giang, bạn sẽ nhiều lần bắt gặp những tấm biển dặn dò không cho tiền trẻ em, và ở khu du lịch sông Nho Quế, người ta sẽ phát loa cảnh báo không được cho tiền trẻ em và phụ nữ, để rồi cuối cùng, người ngoài nhìn vào sẽ chỉ nghĩ rằng trẻ em vùng cao không thích đi học, chỉ muốn xin tiền khách du lịch mà thôi.
Đây là một bài học về việc có ý tốt thôi là chưa đủ, mà còn phải làm thế nào cho đúng. Khi đi du lịch, thời gian chúng ta dành ở nơi đó chỉ vài ngày, nhưng những gì chúng ta làm trong thời gian này sẽ vĩnh viễn ở lại nơi đó, và người phải chịu tác động sẽ là những người dân sống ở vùng đất ấy.
Du lịch - Hỏi thêm, học thêm
Hai câu chuyện trên là hai khoảnh khắc rất nhỏ trong chiều dài của cả chuyến đi và rất dễ để bỏ qua nó vì phần đông chúng ta khi đi du lịch chỉ muốn tận hưởng, bỏ lại những trăn trở phía sau, không muốn để một vài chuyện nhỏ làm ảnh hưởng đến cả hành trình. Tuy nhiên, có những khoảnh khắc dù nhỏ, chỉ cần bắt đầu bằng một câu nói, cũng có thể thay đổi được một số việc mà không làm hỏng cảm giác vui vẻ của chuyến đi.
Cụ thể là trong khoảnh khắc người hướng dẫn viên nói về việc trẻ em vùng cao Hà Giang không thích đi học, tôi đã đặt câu hỏi về nguyên cớ của hành vi ấy. Câu hỏi đó đã khiến cho cả đoàn, thay vì chấp nhận quan điểm ban đầu thì phải đặt lại câu hỏi, để rồi tìm ra những nguyên do sâu xa đằng sau đó.
Thế là cả đoàn dặn nhau là không nên cho tiền, quà bánh cho trẻ em, nhưng cái dặn dò này là sau khi đã ý thức được về ảnh hưởng từ hành động của mình, chứ không phải vì những kết luận ngắn gọn như “trẻ em vùng cao lười biếng", “trẻ em dân tộc học kém”. Có lẽ đều là một kết quả trong hành động, nhưng những suy tư phía sau từ việc hỏi thêm một chút, thay vì nghiễm nhiên chấp nhận đã đem lại những bài học cho những chuyến đi.
Đọc xong những câu chuyện, bạn có thể thử trả lời những câu hỏi sau đây không?
Du lịch bền vững là gì?
Sự nhạy cảm văn hoá khi làm du lịch có ý nghĩa gì với bạn?
Nếu có thể, hãy chia sẻ những quan sát, trải nghiệm của bạn khi đi du lịch và trải nghiệm các văn hoá khác nhau nhé.