Khảo sát về tác động của COVID-19 tới cuộc sống và nhu cầu của người LGBTI
Từ cuối tháng 3 đến tháng 4 năm 2020, trong bối cảnh Việt Nam đang trải qua làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp để phòng tránh dịch bệnh lây lan. Các biện pháp được thực hiện theo cấp độ mạnh mẽ ứng với tình hình dịch, bao gồm việc hạn chế đi lại, đóng cửa các trường học, các cơ sở dịch vụ không thiết yếu, và giãn cách toàn xã hội. Các biện pháp này đã có tác dụng tích cực trong việc phòng dịch, nhưng cũng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với các nhóm cộng đồng, trong đó có cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới, liên giới tính và đa dạng tính dục (cộng đồng LGBTI+).
Từ quan sát này, Viện iSEE đã thực hiện Khảo sát trực tuyến về tác động của COVID-19 tới người LGBTI+ vào tháng 5 năm 2020. Khảo sát nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của COVID-19 và các biện pháp ứng phó của Chính phủ đối với cộng đồng LGBTI+ về sinh kế, giáo dục, tiếp cận y tế và mối quan hệ với gia đình, từ đó thăm dò nhu cầu nhận hỗ trợ của cộng đồng.
Với 923 bản trả lời đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước, khảo sát cho thấy dịch COVID-19 và các biện pháp ứng phó với dịch đã gây ảnh hưởng đến mọi khía cạnh cuộc sống của người LGBTI+ ở Việt Nam, mang lại những thay đổi cả tích cực và tiêu cực, ở mức độ nhẹ hoặc trầm trọng khác nhau với mỗi nhóm bản dạng, cũng như khi phân tích theo các đặc thù khác nhau của họ.
Đa phần người hiện đang đi làm hoặc vừa học vừa làm đều cho biết công việc của họ chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, phổ biến nhất bao gồm bị giảm thu nhập (36.5%) và phải nghỉ việc không lương (18.7%). Về ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm chuyển giới nữ và nhóm các bản dạng không hợp giới khác là hai nhóm có tỷ lệ cho biết ảnh hưởng xấu cao hơn cả, bao gồm cả sức khỏe thể chất và tâm trí.
Hầu hết người tham gia hiện đang học tập toàn thời gian hoặc vừa đi học vừa đi làm cho biết họ có tham gia học tập trực tuyến (online), chủ yếu là tại nhà (83.7%). Đáng chú ý hơn, việc thực hiện giãn cách xã hội và học tập tại nhà đã gây ảnh hưởng tới mối quan hệ với gia đình của người LGBTI+. Nhóm tuổi càng trẻ càng cảm nhận sự thay đổi trong quan hệ với gia đình càng xấu hơn, với mức độ thường xuyên trải nghiệm các quan hệ tiêu cực với gia đình trong nhóm 18-24 tuổi cao hơn đáng kể khi so với hai nhóm tuổi lớn hơn. Nhóm chuyển giới nữ và nhóm không hợp giới khác dường như có nhiều trải nghiệm tiêu cực trong quan hệ với gia đình trong giai đoạn này nhất.
Khảo sát cũng đã ghi nhận những nhu cầu nhận hỗ trợ của người LGBTI+, với nhu cầu hỗ trợ về các vấn đề tâm lý cao hơn cả. Các nhóm bản dạng không hợp giới có nhu cầu hỗ trợ việc làm/sinh kế và hỗ trợ tiếp cận dịch vụ y tế cao hơn đáng kể so với các nhóm bản dạng hợp giới. Từ đó, các khuyến nghị đã được nhóm nghiên cứu Viện iSEE đưa ra để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng.
Từ thời điểm công bố kết quả khảo sát tới nay, các tổ chức về người LGBTI+ ở Việt Nam đã có những hoạt động hỗ trợ cộng đồng phù hợp, cụ thể là các hoạt động về mảng tham vấn tâm lý hay xây dựng không gian an toàn cho người LGBTI+ làm việc và học tập. Với các đợt dịch COVID-19 trong năm 2021, Chính phủ cũng đã áp dụng các biện pháp mềm mỏng hơn, nhằm cân bằng việc phòng chống dịch và những ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Trong bối cảnh này, các tổ chức về người LGBTI+ cần tiếp tục quan sát, lắng nghe cộng đồng và soi chiếu các quả từ Khảo sát tác động của COVID-19 năm 2020 để thiết kế hoạt động phù hợp.
Bản đầy đủ của báo cáo khảo sát: https://www.thuvien.lgbt/nghiencuu