Viện iSEE chia sẻ kết quả nghiên cứu: “Người dân tộc thiểu số di cư đến các thành phố lớn tại Việt Nam: Những thách thức trong quá trình hòa nhập"
Ngày 22 tháng 5 năm 2023, buổi hội thảo tham vấn nghiên cứu “Người dân tộc thiểu số di cư đến các thành phố lớn tại Việt Nam: Những thách thức trong quá trình hòa nhập" được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của viện iSEE, dẫn dắt bởi TS. Lâm Minh Châu đã có phần trình bày về những phát hiện mới về trải nghiệm của người DTTS di cư. Trong hội thảo, chúng tôi cũng có cơ hội được lắng nghe những ý kiến đóng góp từ đại diện Uỷ ban Dân tộc, các tổ chức quốc tế, các tổ chức NGO tại VN, và đặc biệt là chính từ các đại diện cộng đồng người DTTS.
SEE xin được chia sẻ một số tiêu điểm trong buổi hội thảo cùng các độc giả như sau:
Về dự án nghiên cứu báo cáo
Trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể làn sóng người dân tộc thiểu số (DTTS) di cư từ nông thôn và miền núi đến các thành phố lớn. Mặc dù sự di cư của người DTTS đến các thành phố lớn đã đóng góp nhiều vào sự tăng trưởng kinh tế đô thị,sự hiện diện của họ dường như là vô hình và những vấn đề của họ chưa từng được bàn tới trong các chính sách. Do đó, đánh giá này được thực hiện nhằm có những hiểu biết rõ hơn về trải nghiệm đa dạng của người DTTS di cư trong quá trình hòa nhập vào đời sống kinh tế và xã hội đô thị. từ tháng 11 năm 2022, nhóm chương trình Dân Tộc Thiểu Số viện iSEE, đã bắt đầu một nghiên cứu định tính về người dân tộc thiểu số di cư tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, tiến sĩ Lâm Minh Châu, phó Trưởng khoa Khoa học xã hội và Kinh tế trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh rằng điểm mới của báo cáo là: tìm hiểu về những khó khăn của người DTTS di cư, không chỉ với tư cách là người di cư, mà còn với tư cách là người DTTS. Nghĩa là có những khó khăn người DTTS gặp phải, mà người di cư thuộc các nhóm dân tộc đa số không gặp phải.
Các phát hiện và khuyến nghị về chính sách: 5 thách thức chính được chỉ ra bao gồm:
Công việc, thu nhập và điều kiện làm việc: Các khó khăn, thiếu thông tin và nhiều khó khăn để tìm việc, hoặc chỉ tìm được những công việc với điều kiện khó khăn, có chủ bóc lột…
Khó khăn tiếp cận các dịch vụ cần thiết: Khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế do tiếng Việt không tốt, quy trình làm giấy tờ để nhận bảo hiểm phức tạp, hoặc khó khăn trong việc tìm trường cho con cái…
Khó khăn trong hoà nhập vào đời sống văn hoá ở đô thị: Định kiến tộc người xuất hiện theo nhiều cách (tuy không phải lúc nào cũng là cố ý), hoặc cảm giác lạc lõng do khác biệt văn hoá.
Các thách thức từ chính sách không bao trùm (non-inclusive policies): Nhiều người tham gia phỏng vấn đã báo lại rằng hệ thống hộ khẩu gây khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ công như tìm trường cho con hoặc các dịch vụ y tế.
Thách thức do dịch Covid và hệ quả sau dịch: mất thu nhập, thì khó tìm việc, việc trả lương chậm đã trở thành chuyện thường xuyên sau dịch.
Trong đó, có các thách thức gặp phải bởi người di cư vì là người DTTS:
Tiếng Việt ở mức độ chưa tốt
Môi trường/không gian văn hoá thiếu thân thiện
Không được hưởng những chính sách dành cho người DTTS nếu họ đi làm xa (chỉ nhận được hỗ trợ nếu ở địa phương).
Dựa trên những thách thức này, nghiên cứu đã đưa ra các đề xuất sau:
Cải thiện khả năng tiếp cận vốn nhân lực của người DTTS: hỗ trợ hướng nghiệp, học nghề và tập trung vào các nghề nghiệp và ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh…) để người DTTS có thể tiếp cận nhiều ngành nghề đa dạng hơn.
Cải thiện khả năng tiếp cận vốn kinh tế của người DTTS: Có thể cân nhắc việc chuyển các gói hỗ trợ mà người DTTS có thể nhận ở quê tại nơi họ chuyển đến làm việc.
Cải thiện khả năng tiếp cận vốn xã hội/các mối quan hệ xã hội: Nên có những mạng lưới, hội nhóm cung cấp thông tin cho người DTTS để chia sẻ các thông tin cần thiết về nhà ở, trường học…
Các ý kiến nổi bật trong phiên bình duyệt
Phiên bình duyệt đã mời đến bốn chuyên gia với kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dân tộc thiểu số hoặc nghiên cứu về chính sách di cư là: chị Bế Thị Hồng Vân, phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, Uỷ ban Dân tộc. 2, anh Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Mekong. 3 Anh Tào Việt Thắng, phó Vụ trưởng Vụ Địa phương, Uỷ ban Dân tộc TP HCM. ( tham gia online) 4. anh Trần Quốc Hùng, Học viện Dân Tộc, Uỷ ban Dân tộc.
Những chuyên gia này đều đã đưa ra các góp ý rất xác đáng như:
Cần thống nhất các khái niệm chung về “di cư", cần đưa ra cụ thể các đề xuất hơn thì mới có thể gửi đến các cơ quan hoạch định chính sách.
Đồng bào người DTTS có nguy cơ mai một về phong tục tập quán (ví dụ như người Chăm, người Khmer không có cơ hội thực hành văn hoá, tham gia lễ của mình) nên ngoài chính sách liên quan tới xóa đói giảm nghèo thì còn cần có chính sách giữ gìn phát triển bản sắc, nên có nghiên cứu về tạo điều kiện hỗ trợ người dân tộc thiểu số sinh hoạt văn hoá cộng đồng.
Đây là nghiên cứu định tính tập trung tại HCM và HN nên có quy mô tương đối nhỏ, tập trung vào nhóm di cư tự do. Nên mở rộng tới các nhóm khác như nhóm đi vào các khu công nghiệp. Các lao động này đóng góp quan trọng cho tiền gửi về các địa phương, là cách để các nhóm dtts thoát nghèo.
Một điểm có thể cải thiện là nghiên cứu chưa rõ ràng lắm về Người DTTS mà chủ yếu về các nhóm di cư, nên có thêm nhóm đối chứng là người Kinh để làm rõ hơn.
Góp ý từ phía cộng đồng
iSEE cho rằng để đảm bảo tính xác thực, một nghiên cứu về cộng đồng cần thiết có những góp ý, chia sẻ của chính cộng đồng trong nghiên cứu đó. Tại buổi hội thảo, chúng tôi cũng đã mời đến đại diện cộng đồng DTTS từ Mạng Lưới Tiên Phong - nhóm cũng có những người DTTS di cư hoặc có người thân đi làm xa.
Cô Nguyễn Thị Điềm đã chia sẻ rằng thực ra người DTTS cũng không muốn phải bỏ quê hương, nhưng do đất đai ngày càng thu hẹp, không thể làm nông duy trì sinh kế được nên đi làm xa là bắt buộc. Mong rằng nghiên cứu cũng chỉ ra các cách để giảm di cư từ nông thôn ra thành phố. Cuối bài phát biểu, cô đã có lời như sau: “Người phải có nhà, chim phải có tổ". Câu nói thể hiện mong muốn người DTTS có thể định cư và đảm bảo sinh kế tại quê hương.
Anh Sohaniim có đề nghị là nên tạo điều kiện cho các nhóm cộng đồng, và hỗ trợ họ trong các hoạt động chia sẻ tri thức, văn hoá. Về vấn đề bố mẹ đi làm xa phải bỏ con cái ở nhà, anh mong rằng có chính sách để con em DTTS có cơ hội theo bố mẹ và học tập tại các thành phố lớn.
Anh Mai Quang Chiêu, người Chăm tại Bình Thuận, sống và làm việc tại TPHCM có chia sẻ rằng: nên có nhiều công ty, ngành học ở Bình Thuận hơn, chứ như hiện tại thì người DTTS không thể học ngành mình muốn ở quê, hoặc học xong thì không thể về quê làm. Người Chăm không muốn rời xa quê vì nếu đi thì không có cơ hội tham gia các lễ quan trọng như lễ hội Ka te hay Ramuhwan.
Cô Nguyễn thị Lâu có con cái đi làm ăn xa đã quan sát thấy nhiều vấn đề. Cô cho rằng định kiến với người DTTS bây giờ mặc dù không còn quá rõ ràng, nhưng sẽ thể hiện ở những khía cạnh sâu hơn, nên không thể nói rằng định kiến không tồn tại được.
Xuyên suốt buổi hội thảo, điều đặc biệt nhất có lẽ là sự đa dạng trong góc nhìn. Nhóm nghiên cứu nói riêng và iSEE nói chung đều cảm thấy bản thân trưởng thành hơn rất nhiều sau những chia sẻ, đóng góp ý kiến từ cộng đồng và chuyên gia, cũng như các nhà làm chính sách, các tổ chức phát triển đã có mặt ngày hôm đó. Chúng tôi tin rằng những đóng góp này là không thể thiếu để khiến nghiên cứu hoàn thiện hơn trước khi công bố nghiên cứu.