Khi tiếng mẹ đẻ phải “xếp sau” - một góc nhìn về việc bảo tồn ngôn ngữ và quyền của người dân tộc thiểu số đối với văn hoá chính mình

Trong bài viết giới thiệu quyển sách “Văn hoá Việt Nam Trong Ngôn Ngữ" của TS. Lý Tùng Hiếu, GS. TS. Phạm Đức Dương (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á) có đoạn như sau:

“ [...] ngôn ngữ được xem là đặc trưng tộc người và không phải ngẫu nhiên mà các nhà dân tộc học đã phân chia tộc người theo tiêu chí ngôn ngữ. Đó là tài sản quý giá nhất, đích thực nhất của một dân tộc.” (Trích lời giới thiệu sách trên website của Khoa Văn Hoá Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh).

Quả đúng vậy, khi gõ từ khoá “trẻ em Việt ở nước ngoài không biết tiếng Việt", ta sẽ thấy hàng loạt các đầu bài viết với thông điệp khuyên nhủ bố mẹ cố gắng “giữ gìn", không để con “mất gốc". Việc để trẻ em Việt Nam nói tiếng Việt, dù ở bất kì nơi nào trên thế giới, vẫn luôn là một điều khiến phụ huynh trăn trở. Trong những trường hợp này, Tiếng Việt luôn được liên hệ đến “cội nguồn", “gốc gác", là điều cơ bản nhất để duy trì căn tính là người Việt. Đối với chúng ta, ngôn ngữ là văn hoá, là dấu ấn của nguồn cội và phải được bảo tồn.

Nếu vậy, có ai tưởng tượng được rằng có những người lại cho rằng việc mất đi tiếng mẹ đẻ là việc “phải" xảy ra theo tự nhiên không?

Nhân ngày Thế giới vì Đa dạng văn hoá vì đối thoại và phát triển (21/5), iSEE xin chia sẻ một câu chuyện xoay quanh những thách thức và nỗ lực bảo tồn ngôn ngữ của các tộc người, để chia sẻ thêm góc nhìn trong quyền của con người đối với ngôn ngữ và văn hoá của chính mình.


“Việc mất ngôn ngữ Mông là rất đáng tiếc, nhưng nếu đó là chuyện phải xảy ra thì đành thế”

Có một thực tế đáng tiếc, mà chúng tôi chứng kiến trong quá trình đồng hành bên cạnh cộng đồng trong các dự án: Đối với nhiều cộng đồng thiểu số, rất khó để có thể giữ được tiếng nói của mình. Trong nhiều trường hợp, trẻ em các tộc người có áp lực phải cân bằng giữa các chương trình học bằng tiếng Việt toàn phần và tiếng mẹ đẻ, dẫn đến việc phải lựa chọn tập trung vào một trong hai. Phần lớn thời gian, tiếng mẹ đẻ của các em sẽ phải xếp sau trong thứ tự ưu tiên, và dần dà bị quên lãng khi không được sử dụng nhiều.

Điều này thể hiện rất rõ trong một cuộc thảo luận gần đây của chúng tôi với các bạn sinh viên trẻ người Mông, khi chủ đề chuyển sang vấn đề ngôn ngữ.

Một bạn đã chia sẻ rằng: “Em cảm thấy rất may mắn vì được bố mẹ cho học tiếng Việt từ bé. Bố mẹ em luôn động viên em học tiếng Việt cho thật sành sỏi.” Thế nhưng, khi có người trong nhóm đặt ra câu hỏi: “Các bạn nghĩ như thế nào về việc bố mẹ trẻ người Mông bây giờ không dạy tiếng mẹ đẻ cho con cái nữa?”; thì có một câu trả lời khiến chúng tôi rất nhớ.

Bạn trẻ ấy nói rằng: “Em nghĩ việc mất ngôn ngữ Mông là rất đáng tiếc, nhưng nếu đó là chuyện phải xảy ra thì đành thế.”

Trong khoảnh khắc đó, chúng tôi liên hệ đến các bài báo động viên bố mẹ trẻ người Việt ở nước ngoài “giữ gốc" cho con cái, đến việc truyền thông luôn “báo động" về việc mất đi tiếng Việt. Rõ ràng, đều cùng là một lo ngại về mất đi văn hoá, mất đi ngôn ngữ đầu tiên mà mình được sinh ra cùng, vậy thì chuyện gì đã xảy ra, khiến cho một người rất trẻ như thế của cộng đồng người Mông phải “đành chịu"?

Quyền văn hoá như một phần của quyền con người

Trong “Công Ước về Bảo Vệ và Phát Huy Sự Đa Dạng của Các Biểu Đạt Văn Hoá” 2005 mà trong đó Việt Nam nằm trong Ủy Ban Liên Chính Phủ (UBLCP) của công ước, có phần như sau:

“Công nhận rằng sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, bao gồm cả các biểu đạt văn hóa truyền thống, là một yếu tố quan trọng cho phép các cá nhân và các dân tộc thể hiện và chia sẻ ý tưởng và giá trị của mình với những cá nhân và những dân tộc khác,

Nhắc lại rằng đa dạng ngôn ngữ là một yếu tố cơ bản của đa dạng văn hóa, và tái khẳng định vai trò cơ bản của giáo dục trong việc bảo vệ và phát huy các biểu đạt văn hóa

Lưu ý về tầm quan trọng của sức sống của các nền văn hóa, kể cả đối với những người thuộc các dân tộc bản địa và thiểu số, thể hiện ở sự tự do sáng tác, phổ biến và phân phối các biểu đạt văn hóa truyền thống của họ, và việc tiếp cận chúng để hưởng thụ vì sự phát triển của chính họ,” (trang 2 - 3, Công Ước về Bảo Vệ và Phát Huy Sự Đa Dạng của Các Biểu Đạt Văn Hoá, UNESCO tại Việt Nam)*

Như vậy, nếu hiểu rằng “đa dạng ngôn ngữ là một yếu tố cơ bản của đa dạng văn hoá", và sức sống của các nền văn hoá được thể hiện ở sự tự do sáng tác, phổ biến và phân phối các biểu đạt văn hoá truyền thống - trong trường hợp này là ngôn ngữ - thì câu chuyện của các bạn người Mông cho thấy rằng quyền sử dụng ngôn ngữ để bảo tồn văn hoá đã không được trọn vẹn. Không chỉ các bạn trẻ người Mông, mà đây là tình trạng chung của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số khi đứng trước những khó khăn trong việc bảo tồn ngôn ngữ, văn hoá của mình.

* Đọc Công Ước về Bảo Vệ và Phát Huy Sự Đa Dạng của Các Biểu Đạt Văn Hoá tại đây: https://unesdoc.unesco.org/.../PDF/142919vie.pdf.multi

Các khó khăn trong việc bảo tồn ngôn ngữ của các cộng đồng

“Bây giờ trẻ em nói tiếng Kinh cũng nhiều. Có đứa không biết cả tiếng bố tiếng mẹ. Bố mẹ nói tiếng Nùng nó lại trả lời tiếng Kinh. Hỏi nó “Bà có nhà không?” bằng tiếng Nùng, nó bảo “Bác nói gì cháu không hiểu”. Đến từ “bà” mà cháu cũng không biết.”

Phía trên là lời tự sự của chị La Thị H., người dân tộc Nùng ở Lạng Sơn, trích đoạn nghiên cứu của iSEE về vấn đề định kiến và phân biệt đối xử với người DTTS tại Việt Nam.

Trong điều tra về thực trạng sử dụng chữ Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc của Trung tâm vì sự phát triển bền vững miền núi, Uỷ ban dân tộc và ActionAid (2014), thấy rằng học sinh cấp II người Mông chưa thành thạo và không biết tiếng dân tộc mình vì ba lý do sau: sinh ra và lớn lên ở thị trấn hoặc chuyển đến sống ở thị trấn từ nhỏ (40%), gia đình chỉ giao tiếp bằng tiếng Việt (35%) và tự bản thân các em không thích học tiếng Mông (25%).

Bên cạnh khía cạnh giáo dục, việc sử dụng tiếng Việt cũng là bắt buộc để người DTTS có thể sử dụng các dịch vụ xã hội, tìm kiếm việc làm, và hoà nhập với cộng đồng đa số. Do đó, để con cái có tương lai tốt hơn, các bậc cha mẹ rất khuyến khích con cái học tiếng Việt từ nhỏ, và rồi như bạn trẻ người Mông kia đã nói: “Việc mất ngôn ngữ Mông là rất đáng tiếc, nhưng nếu đó là chuyện phải xảy ra thì đành thế.”

Nếu đứng từ góc độ người đa số không có lo ngại gì vì ngôn ngữ của mình được sử dụng hằng ngày ở khắp mọi nơi, ta có thể thấy bình thản trước câu nói ấy. Nhưng nếu đặt bản thân mình vào người thuộc cộng đồng, hoặc, để dễ hình dung hơn, có thể nghĩ đến việc trẻ em người Việt không nói được tiếng Việt ở nước ngoài; ta thấy rằng khi một cộng đồng trở thành thiểu số ở nơi họ sống thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc giữ gìn văn hoá, mà cụ thể hơn là ngôn ngữ.

Sự ảnh hưởng của định kiến và kì thị lên việc bảo tồn ngôn ngữ của tộc người

Cũng trong cuộc trò chuyện với các bạn sinh viên người Mông, chúng tôi có cơ hội lắng nghe những chia sẻ về vấn đề ngôn ngữ của các bạn và những định kiến và kì thị kể cả khi các bạn nói tiếng Việt:

“Hồi mới ra Hà Nội, em rất ngại nói tiếng Kinh, tại vì người ta nghe ra giọng của em, người ta biết em là người Mông ấy”

“Vào quán cà phê, em còn không dám gọi nước mà chỉ chỉ vào menu, sợ người ta nghe ra giọng mình ấy chị"

“Em thì không sợ bị kì thị. Người ta kì thị mình thì mình kì thị lại. Nhưng may mà người xung quanh em cũng tốt, ít ai để ý chuyện này”

Giữa thật nhiều những chia sẻ, cả tích cực lẫn tiêu cực, đều có thể thấy rằng chỉ việc nói tiếng Việt thôi cũng khiến các bạn trẻ phải suy nghĩ thật nhiều. Thay vì cảm thấy tự hào với bản sắc văn hoá của mình, trong nhiều trường hợp, các bạn đã phải lo ngại khi người khác biết mình là người Mông từ giọng nói của mình. Bên cạnh đó, việc cộng đồng chọn ưu tiên tiếng Việt cũng là để phục vụ cho học tập và công tác.

Câu chuyện nhỏ này đã phản ánh lại một bức tranh lớn hơn về hệ quả của sự định kiến với tộc người trong quá trình bảo tồn văn hoá, nhưng cũng là những hiệu ứng tương tự của quá trình toàn cầu hoá (khi mà con người ta chọn học một ngôn ngữ phổ biến hơn để phục vụ cho sinh kế và các kế hoạch tương lai). Một mặt, những định kiến trong thời gian dài khiến cộng đồng nội tâm hoá chúng, và cho rằng văn hoá của mình không quan trọng, có mất đi thì cũng không sao. Mặt khác, việc học tiếng Việt là chuyện phải làm để có thể phát triển hơn trong tương lai. Rất khó để cân bằng được cả hai.

Tuy nhiên, sâu thẳm trong nội tâm, cộng đồng vẫn có khát vọng bảo tồn văn hoá của mình. Đối với bạn trẻ nói ra câu “đành chịu vậy", ngoại trừ khoảnh khắc ấy, bạn đã nhiều lần kể về văn hoá Mông, và luôn rất tích cực chia sẻ về những câu chuyện về người Mông mỗi khi được hỏi. Các bạn trẻ khác cũng vậy, khi chúng tôi bày tỏ rằng rất muốn học hỏi và biết thêm về văn hoá của các bạn, ai nấy đều trở nên tự hào và hăng hái trong việc dạy về ý nghĩa một số thực hành văn hoá của các bạn. Vậy nên, chúng tôi thật sự không tin rằng bạn hoặc các bạn trẻ khác sẽ để tiếng Mông mất đi.

Đó là lý do tại sao trong các dự án của iSEE với cộng đồng, chúng tôi đều đặt trọng tâm lên sự tự hào, tự tin và tự chủ. Tự hào với văn hoá của mình là một bản năng, nó có thể bị vùi đi sau một thời gian dài phải chịu những định kiến, nhưng sẽ dễ dàng được khơi gợi bằng sự tôn trọng, sẵn sàng lắng nghe.

Previous
Previous

Viện iSEE chia sẻ kết quả nghiên cứu: “Người dân tộc thiểu số di cư đến các thành phố lớn tại Việt Nam: Những thách thức trong quá trình hòa nhập"

Next
Next

Tục kéo vợ trong phim “Những đứa trẻ trong sương” và thực tế