Hội thảo quốc tế về bảo vệ quyền LGBT

 

“Sau 13 năm tồn tại, Luật Hôn nhân và Gia đình cần có những thay đổi cơ bản thể hiện được nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ ở mức độ cao nhất các quyền con người, quyền công dân mà Việt Nam đã cam kết”, ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế khẳng định tại Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ quyền của LGBT trong quan hệ hôn nhân và gia đình” do Bộ Tư pháp và UNDP phối hợp tổ chức.

Khai mạc hội thảo, ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế Bộ Tư pháp cho biết hôn nhân đồng giới là một vấn đề còn rất mới, Việt Nam đã có những bước đi rất tiến bộ trong khi nhiều nước châu Á và nhiều nước phát triển khác chưa đặt ra vấn đề này. Điều đó thể hiện nguyên tắc tôn trọng các quyền con người, cũng như quyết tâm đối mặt với các vấn đề cuộc sống của Nhà nước và Chính phủ Việt Nam.

Ông Dương Đăng Huệ chủ trì hội thảo

Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và Trung tâm ICS đã góp những tiếng nói rất quan trọng tại hội thảo. Trong bài trình bày mở đầu hội thảo, Viện trưởng iSEE Lê Quang Bình cung cấp các thông tin và số liệu về khoảng 1.65 triệu người đồng tính, song tính và chuyển giới ở Việt Nam, những người đang chịu nhiều thiệt thòi và bất bình đẳng do sự kỳ thị của xã hội. Trên nền thông tin đó, đại diện cộng đồng người đồng tính và đại diện các phụ huynh của người đồng tính có mặt tại hội thảo đã đem tới những lát cắt hiện thực của cộng đồng. Giám đốc Trung tâm ICS Trần Khắc Tùng chia sẻ câu chuyện của bản thân anh, của ba mẹ, bạn bè và những người xung quanh, khẳng định người đồng tính là những thành viên bình thường của xã hội, không xa lạ, không đặc biệt, song vẫn phải gánh chịu những bất công khi mà những gì một người dị tính cho là điều đương nhiên thì người đồng tính chỉ dám mong ước sẽ có được trong 10 năm nữa. Còn bà Nguyễn Thị Kiều Hạnh, đại biểu đến từ thành phố Hồ Chí Minh, thì bộc bạch tâm tư của một người mẹ hết lòng yêu con, vượt qua những định kiến xã hội và vượt qua chính bản thân mình để thừa nhận và bảo vệ con. Bà vui mừng nói: “hội thảo cho tôi biết mình không còn đơn độc nữa, mà xung quanh đã có rất nhiều người quan tâm và bảo vệ con tôi”.

Bà Nguyễn Thị Kiều Hạnh phát biểu tại hội thảo

Thay cho những phát ngôn to tát, những câu chuyện dung dị, đời thường về tình yêu thương đã tạo nên sự cảm động sâu sắc trong cử tọa, khiến cho lý do của việc tôn trọng và bảo vệ quyền của người đồng tính, trong đó có quyền hôn nhân, trở nên rõ ràng và hiển nhiên hơn bao giờ hết.

Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ quyền của LGBT trong quan hệ hôn nhân và gia đình” là hội thảo quốc tế đầu tiên được Bộ Tư pháp và Chương trình phát triển liên hợp quốc UNDP tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận về các vấn đề pháp lý với LGBT trong tiến trình sửa Luật Hôn nhân và Gia đình, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu hàng đầu về luật pháp liên quan đến LGBT, như giáo sư Kees Waaldijk, Đại học Luật Leiden (Hà Lan) và giáo sư Lee Badget, Đại học Massachusetts Amherst (Hoa Kỳ).

Đoàn chủ tịch Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ quyền của LGBT trong quan hệ hôn nhân và gia đình”

Ông Nicholas Booth, cố vấn pháp lý của Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP tại Việt Nam tái khẳng định điều mà ông luôn nhấn mạnh tại các dịp thảo luận về quyền kết đôi và được thừa nhận của LGBT: “Lập trường của Liên hợp quốc rất đơn giản, đó là mọi con người đều phải được hưởng các quyền như nhau, không phân biệt”.

Hội thảo được Bộ Tư pháp và Chương trình phát triển liên hợp quốc UNDP phối hợp tổ chức trong hai ngày 20 và 21 tháng 12 năm 2012 tại Hà Nội.


Previous
Previous

Quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới và iSEE 2012

Next
Next

NÀO TA CÙNG TÍM