NÀO TA CÙNG TÍM
Chiến dịch truyền thông mạng xã hội nhân ngày Wear It Purple Day – 19/10/2012
“Hãy suy nghĩ trước khi làm tổn thương một đứa trẻ!”
Đó là thông điệp mà Trung tâm ICS – trung tâm hoạt động vì quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) truyền thông rộng rãi trên các mạng xã hội nhiều ngày qua, nhằm kêu gọi mọi người hãy tìm hiểu thông tin khoa học và cập nhật về sự đa dạng của tính dục để tránh những hành động và lời nói làm tổn thương và cướp đi cơ hội học tập và sống hạnh phúc của trẻ LGBT.
Đỉnh điểm của chiến dịch truyền thông này sẽ là ngày “Nào Ta Cùng Tím” – thứ Sáu 19 tháng 10 năm 2012. Ai cũng có thể tham gia bằng cách mặc hoặc mang một món đồ màu tím và truyền thông điệp cho người khác vào ngày này.
Chiến dịch “Nào Ta Cùng Tím” – “Wear It Purple Day” xuất phát từ thực tế trẻ em, vị thành niên LGBT thường phải gánh chịu bạo lực và phân biệt đối xử do xu hướng tình dục và bản dạng giới khác biệt của mình.
“Con không phải là con trai, vì con là pê-đê mẹ ạ” Mộng vừa thốt ra câu đó thì một bạt tai đã giáng xuống: “Mày im chưa thằng trời đánh! Tao nuôi mày lung dài vai rộng bây giờ mày trả treo tao sao? Đồ thứ con trời đánh! Nếu mày muốn sống với mấy con pê-đê thì dọn đồ ra khỏi nhà ngay! Tao không còn đứa con như mày”.
Đó là phản ứng của gia đình khi Mộng, sinh năm 1986 thú nhận với gia đình mong muốn được trở thành con gái. Mộng phải bỏ học từ nhỏ, chịu sự nhạo báng từ những người xung quanh và bị mẹ ghẻ lạnh, đánh đập hàng ngày.
Không ít các bạn trẻ đồng tính đã phải trải qua quãng đời học sinh như thế này “Tuổi thơ tôi là những ngày dài buồn bã. Mỗi ngày đến lớp là một ngày nặng nề với tôi vì phải nghe những lời trêu chọc của đám bạn. Đi đến đâu tôi cũng bị chúng chỉ trỏ, bêu riếu, ném đá, ném dép vào mặt, vào lưng rồi cười phá lên mặc cho tôi khổ sở thế nào. “Hô hô thằng này ái chúng mày ơi”, “đồ pê-đê, đồ xăng pha nhớt”… Những câu nói kia, tiếng cười kia cứ vây lấy tôi mỗi khi tôi xuất hiện, ám ảnh tôi trong mỗi giấc mơ”.
Một nghiên cứu về bạo lực và phân biệt đối xử trong học đường năm 2012 (CCIHP) cho thấy 46% trẻ đồng tính, chuyển giới bị chế nhạo, đánh đập; và nghiêm trọng hơn, 31% có ý định tự tử. Hậu quả của bạo lực học đường làm cho 54% số trẻ thấy căng thẳng và không tập trung học tập 26% chán học và học sút. Điều đáng tiếc là ngay khi được báo cáo thì 44% thầy cô cũng không làm gì. Thậm chí 18% các trường hợp bạo lực và phân biệt đối xử còn bị gây ra bởi thầy cô và cán bộ trong trường.
Tại gia đình, tình trạng bạo lực với trẻ LGBT cũng không kém phần nghiêm trọng. Theo một nghiên cứu của iSEE năm 2008, 15% người đồng tính cho biết đã từng bị gia đình đánh đập, nhốt hoặc bắt đưa vào các bệnh viên tâm thần chữa trị trái với ý muốn của mình. Hậu quả là nhiều trẻ đã bỏ nhà ra đi, tự hủy hoại bản thân mình hay tự tử.
Theo ông Trần Khắc Tùng (giám đốc Trung tâm ICS) bậc phụ huynh nào cũng yêu thương và lo lắng cho con mình. Khi có một đứa con đồng tính hay chuyển giới trong gia đình, có lẽ điều bố mẹ lo lắng nhất là con mình không được hạnh phúc, phải chịu sự kỳ thị của xã hội. Chính vì vậy họ luôn bắt con mình phải thay đổi. Nhưng thực tế, cái cần thay đổi là định kiến của xã hội đối với người đồng tính và chuyển giới. Cách tốt nhất là các bậc cha mẹ hãy tìm hiểu các thông tin khoa học và cập nhật về đa dạng tính dục để hiểu rõ con mình, chấp nhận con mình và giúp đỡ con mình sống thật và vượt qua được các định kiến của xã hội.
• Đồng tính luyến ái đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) loại ra khỏi danh sách bệnh lý từ năm 1990.
• Do không phải là bệnh, nên không thể chữa trị.
• Các biện pháp chữa trị có thể mang đến những hậu quả nghiêm trọng.
• Các thông tin khoa học về LGBT: http://www.mediafire.com/?3flwpr0s4eywh4a
“Wear it purple day” – Nào ta cùng tím – 19/10/2012
• Mục đích nâng cao nhận thức và sự ủng hộ của xã hội với cộng đồng LGBT và để chống lại nạn bạo hành trẻ em LGBT trên toàn thế giới.
• Ra đời năm 2010 và được hưởng ứng bởi hàng triệu người, trong đó có hàng trăm các ngôi sao, người nổi tiếng, các cơ quan, và doanh nghiệp và nhiều trường học trên thế giới.
• Ai cũng có thể tham gia bằng cách mặc hoặc mang một món đồ màu tím (quần, áo, mũ, giày, dép, vòng, khăn, vật dụng) hoặc thay đổi giao diện, avatar, cover, hình ảnh của mình tại các trang mạng xã hội vào ngày 19/10 và truyền thông điệp cho những người xung quanh về ngày này.
Thông tin sự kiện Nào Ta Cùng Tím tại Việt Nam: http://goo.gl/7It7u
Album ảnh hưởng ứng Nào Ta Cùng Tím: http://goo.gl/bn4Mk
Phụ trách truyền thông sự kiện: Trung tâm ICS – http://www.facebook.com/icsvn
Để tìm hiểu thêm thông tin về sự kiện, xin liên hệ:
Quản lý truyền thông: Anh Huỳnh Minh Thảo
Điện thoại: 0908.339900 | Email: thao.huynh@ics.org.vn