Hãy nói với người bên cạnh: “17/5 là ngày IDAHOT”
Nếu vào ngày 17/5 này bạn chưa đủ 30 tuổi, nghĩa là khi bạn sinh ra, thế giới đã không còn coi đồng tính là bệnh.
Sự thay đổi này không ngẫu nhiên xảy ra. Nó tới từ hàng ngàn nghiên cứu, tranh luận của các nhà khoa học trên khắp thế giới về bản chất của xu hướng tính dục. Nó có sự góp mặt của những con người lên tiếng không vì quyền lợi, mà vì lương tri của họ.
Năm 1939, nhà nghiên cứu Everly Hooker nộp đơn vào làm việc tại Khoa Tâm lý, Đại học California, Los Angeles nhưng bị từ chối vị trí chính thức vì “đã có 3 người phụ nữ trong khoa rồi” và được nhận vào làm trợ lý. Nhưng năng lực xuất sắc đã khiến bà miệt mài làm việc tại đây hơn 3 thập kỷ cho tới tận lúc nghỉ hưu, mà xuyên suốt sự nghiệp học thuật của bà là để chứng minh “đồng tính không phải bệnh.” Nhiều đồng nghiệp thẳng thừng bác bỏ kết quả nghiên cứu của bà hay cho rằng nó không đáng tin cậy. Để rồi những cười chê hay thán phục, hoài nghi hay xúc động từ những nghiên cứu và tâm huyết của bà đã góp phần đưa tới kết quả vào ngày 17/5/1990, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức loại bỏ xếp loại bệnh lý đối với xu hướng tính dục cùng giới. Và ngày này cũng được chọn là Ngày quốc tế chống kỳ thị Đồng tính, Song tính, Chuyển giới/International Day Against LGBT-phobia (IDAHOT)
Everly Hooker không phải là một người đồng tính, bà chỉ đơn giản là có rất nhiều bạn bè là người đồng tính, và tự nhận cho mình một trách nhiệm lương tâm để chứng minh một điều mà bà cho là “hiển nhiên.” Everly Hooker cũng là một nạn nhân của nạn phân biệt giới tính, và vai trò giới trong xã hội đương thời. Định kiến giới biến tất cả chúng ta thành những con người kém cảm thông hơn, kém bao dung hơn, kém minh mẫn hơn. Định kiến giới thu hẹp khả năng một người có thể làm được gì, có thể mạnh mẽ hay yếu đuối ra sao, hay đơn giản là có thể yêu thương ai, có thể là-ai.
Người đồng tính Việt Nam có từ bao giờ? Người chuyển giới Việt Nam bắt đầu công khai từ khi nào? Chắc chắn là từ rất lâu, từ trước cả khi những chiếc nhãn LGBT được dùng để gọi tên hay thậm chí chính họ cũng không hiểu cảm giác này của mình là gì. Chúng ta chỉ biết được từ khi họ lên tiếng và tìm được những bàn tay dìu bước, những bước chân đồng hành từ xung quanh, cũng là khi những tiếng nói phản đối bắt đầu mạnh mẽ hơn.
Cũng tương tự như LGBT, người kỳ thị LGBT cũng có từ rất lâu. Nhưng tới khi người LGBT đầu tiên công khai, người kỳ thị LGBT đầu tiên cũng lộ diện. Sự tồn tại của hai nhóm này vừa mang bản chất vì nhau, có nhau, vừa triệt tiêu nhau. Cho tới khi người kỳ thị LGBT cuối cùng thốt lên rằng “LGBT không phải là bệnh và xứng đáng hưởng quyền bình đẳng như mọi người” thì có lẽ đó cũng là khi khái niệm LGBT có thể chấm dứt sứ mệnh gọi tên của nó. Nói cách khác, nếu bạn không thích người LGBT cứ phải công khai hay tự hào, thì bạn hãy cố gắng thuyết phục tới người kỳ thị cuối cùng.
Gần 30 năm trôi qua, ở nhiều nơi, nhiều lúc, người LGBT vẫn sống như khi họ bị coi là bệnh hoạn, là suy đồi của đạo đức. Thay đổi một thông tin trong tài liệu y khoa cần nửa thế kỷ, nhưng thay đổi một định kiến ăn sâu vào xã hội thì cần nhiều hơn thế, và là trách nhiệm của tất cả.
Khi mà người chuyển giới Việt Nam vẫn còn khắc khoải chờ đợi được chuyển đổi giới tính như Bộ luật Dân sự 2015 đã thừa nhận, khi mà người đồng tính, song tính Việt Nam vẫn còn tiếc nuối một Luật Hôn nhân và Gia đình 2013 nhiều dang dở, thì có lẽ vào mỗi ngày 17/5, chúng ta vẫn còn cần phải nhắc nhở nhau: 17/5 là Ngày quốc tế chống kỳ thị Đồng tính, Song tính, Chuyển giới IDAHOT.
Lương Thế Huy