Hiểu về Trách nhiệm Xã hội của doanh nghiệp
Trong những năm gần đây, rất nhiều các thương hiệu đã thực hiện các chiến dịch để tạo ra lợi ích cho cộng đồng, cho các nhóm thiểu số trong xã hội. Tuy nhiên, những hoạt động mang theo ý nghĩa tốt đẹp tưởng chừng phải được hưởng ứng một cách tích cực mà không cần tranh cãi, lại thường xuyên đón về nhiều ý kiến trái chiều.
Những ý kiến này đa phần mang tính phản biện, đặt câu hỏi về động cơ của doanh nghiệp, cũng như về cách thực hiện, hay thậm chí là những lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực đến các nhóm cộng đồng. Đến đây có lẽ nhiều trong số chúng ta đã đặt ra câu hỏi: Vì sao mà chỉ việc muốn làm tốt cho cộng đồng cũng có thể mang về nhiều tranh cãi đến vậy?
Đối mặt với những chỉ trích này, có nhiều tiếng nói đã bênh vực doanh nghiệp và gọi các chiến dịch này là CSR (Corporate Social Responsibility) - hay còn hiểu là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội. Luồng ý kiến này cho rằng đây là cách mà doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm với cộng đồng.
Bên cạnh đó, ý kiến này còn cho rằng không thể yêu cầu doanh nghiệp phải làm một việc mà không mang về lợi ích gì cho họ, bởi suy cho cùng, bản chất của doanh nghiệp là phải có lợi nhuận. Và vì thế, kể cả khi thực hiện CSR thì cũng không thể chỉ trích các doanh nghiệp vì có các động cơ làm đẹp thương hiệu hay thu về các lợi ích khác. Cuối cùng, dù có thế nào thì các hoạt động này vẫn là hoạt động thiện nguyện và vì thế, không đáng bị chỉ trích.
Tuy nhiên, cách hiểu này có phần chưa đúng vì nó đã giới hạn định nghĩa "trách nhiệm doanh nghiệp” về mặt hoạt động, mà bỏ qua ý nghĩa cũng như bối cảnh mà khái niệm này ra đời, đi cùng những ràng buộc về trách nhiệm mà một doanh nghiệp cần phải có với cộng đồng.
Cụ thể, trong bài viết này, iSEE mong muốn làm rõ hơn ý nghĩa của khái niệm CSR - trách nhiệm của doanh nghiệp, và vai trò của mỗi người chúng ta trong việc đồng hành, phản hồi và quan tâm để các doanh nghiệp có thể hiểu, và thực hiện tốt hơn các trách nhiệm đối với cộng đồng.
Khái niệm “Trách Nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp” (CSR)
Khi nói đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cách hiểu trực tiếp nhất có lẽ là những hoạt động được khởi xướng bởi các doanh nghiệp để thể hiện sự quan tâm đến cộng đồng, những điều mà doanh nghiệp làm cho/vì cộng đồng. Hiểu theo nghĩa này, ta rất dễ liên hệ nó đến các hoạt động thiện nguyện được tổ chức bởi những cá nhân, hội nhóm.
Tuy nhiên, hiểu như vậy lại có nguy cơ khiến chúng ta hiểu lệch đi về cái gọi là "Trách Nhiệm Doanh Nghiệp.” Việc thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp khác với công tác thiện nguyện/công tác xã hội, dù doanh nghiệp có thể hợp tác với các cá nhân và hội nhóm trong một dự án cho cộng đồng.
Để hiểu về cụm từ này, ta cần quay về thời điểm đầu tiên mà nó xuất hiện. Những thảo luận sớm nhất về CSR xuất phát ở Mỹ khi các doanh nghiệp bắt đầu thực hiện các hoạt động từ thiện vào những năm 1950, tuy nhiên từ khoá này chỉ được gọi tên sau khi nhà kinh tế học Howard R. Bowen xuất bản quyển sách có tên “Trách nhiệm xã hội của Doanh nhân” (Social Responsibilities of the Businessman).
Trong quyển sách này, Bowen định nghĩa việc thực hiện CSR là để tăng phúc lợi xã hội. Bowen cho rằng các chủ doanh nghiệp nên ý thức được ảnh hưởng của họ đến xã hội và cộng đồng, và nên theo đuổi các chính sách mang lại lợi ích cho mục đích và giá trị chung của xã hội .
Cái lõi của CSR là phát triển bền vững, điều này bao gồm và không giới hạn ở những chiến dịch tặng đồ, quà cáp cho một nhóm, mà còn được thể hiện ở các thực hành của doanh nghiệp đó với môi trường, với công nhân viên, với các vấn đề xã hội khác.
Uỷ Ban Châu Âu vào năm 2001 đã định nghĩa CSR là các hoạt động tự nguyện được thực hành bởi các doanh nghiệp để giữ gìn ba trụ cột chính của phát triển bền vững: Phát triển kinh tế, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Theo định nghĩa này, ta có ví dụ là một doanh nghiệp thực hiện CSR thì cần phải đảm bảo được điều kiện làm việc, an toàn lao động của công nhân; các sản phẩm tạo ra theo cách giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường, các nguyên vật liệu được khai thác và bảo tồn hợp lý…
Như vậy, CSR không phải một điều "có là tốt”. Nó là cam kết của doanh nghiệp với tư cách là một phần của xã hội.
2. Mọi doanh nghiệp có nên hướng đến thực hiện CSR?
Chắc chắn câu trả lời là có, và không phải chỉ vì để doanh nghiệp có hình ảnh tốt hơn trong mắt công chúng - dù đó có thể là một lợi ích. Nhưng nếu chỉ đặt lợi ích của việc làm đẹp thương hiệu làm trung tâm thì CSR đã mất đi ý nghĩa của nó, và như một hệ quả, bất kì chiến dịch nào, bất kì hoạt động dự án nào cũng sẽ được đánh giá thành công qua các chỉ số truyền thông, lợi tức thu về, chứ không phải là đã đóng góp như thế nào vào tiến trình phát triển bền vững.
Doanh nghiệp phát triển dựa vào sức người, tài nguyên thiên nhiên, và tài nguyên xã hội, và khi thu về lợi nhuận, các doanh nghiệp có trách nhiệm phải đảm bảo rằng sự phát triển của mình là bền vững và có cân nhắc, suy tư đến những người làm cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, cộng đồng và môi trường.
Một khi đã cam kết với CSR, doanh nghiệp cần phải thực hiện trách nhiệm của mình một cách toàn diện, kết hợp chặt chẽ và là một phần không tách rời với chiến lược phát triển chung.
Có một điều đáng tiếc là ý nghĩa của CSR đã bị thay đổi khá nhiều kể từ lần đầu nó xuất hiện. Thay vì được hiểu như một trách nhiệm mang tính ràng buộc của các doanh nghiệp, nó dần trở thành một công cụ quản lý, một chiến lược lãnh đạo để tạo ra lợi nhuận.
Vậy nên, cần phải cẩn thận khi gọi một chiến dịch nào đó là CSR, nhất là khi chiến dịch ấy có thời hạn, hướng đến giải quyết vấn đề một cách bề mặt, và có nhiều điều chưa thỏa đáng về mặt tiếp cận (ví dụ như sử dụng hình ảnh trẻ em và để công chúng có quyền tiếp cận, đính kèm nội dung lên hình ảnh trẻ em mà thiếu sự kiểm soát, sàng lọc chẳng hạn).
Nếu cứ xem những chiến dịch mang tính quảng bá thương hiệu với ít suy tư và cố gắng từ phía doanh nghiệp là CSR, thì càng ngày sẽ càng có nhiều doanh nghiệp sử dụng khái niệm này dễ dàng mà không thực sự giữ gìn giá trị của nó.
3. Vai trò của người tiêu dùng trong việc góp ý các chiến dịch xã hội của doanh nghiệp
Có lẽ không sai khi nói rằng phản ứng đầu tiên của mỗi người chúng ta khi thấy một việc tốt là sẽ tuyên dương, cổ vũ để lan tỏa năng lượng tích cực và phát huy, để các cá nhân và tổ chức có thêm động lực làm nhiều việc tốt nữa. Tuy nhiên, lan tỏa tinh thần làm việc tốt cũng không có nghĩa là phải bỏ qua các vấn đề tồn tại trong một hoạt động hoặc một chiến dịch.
Bất kì một hoạt động làm cùng, làm vì cộng đồng đều phải cần rất nhiều đầu tư. Đầu tư ở đây không nhất thiết là về nguồn lực có sẵn, về những cái ta có thể cho đi; mà là đầu tư trong việc giữ gìn phẩm giá và đảm bảo vị thế và quyền của các bên liên quan.
Vấn đề không nằm ở bao nhiêu bộ quần áo được cho đi, bao nhiêu phần quà được phát ra, hay bao nhiêu bữa cơm được nấu. Câu hỏi lớn nhất ở đây cần đặt ra là: Nhận những thứ đó, cộng đồng có khả năng mất đi điều gì khác không?
Cộng đồng có mất đi tính tự chủ, có bị ảnh hưởng bởi định kiến thêm sâu hay không? Liệu khi các bạn trẻ trưởng thành và nhìn lại hình ảnh của bản thân thuở bé có cảm thấy tổn thương không? Dự án có đang gián tiếp làm dày khoảng cách quyền lực giữa cộng đồng thiểu số và đa số hay không?
Đó là những điều mà chúng ta cần đặt ra đối với các dự án và hoạt động, bất kể người thực hiện nó là ai.
Đối với các doanh nghiệp, việc hướng tới thực hiện CSR luôn là một tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên đó cũng là cả một quá trình suy tư để làm đúng, và mỗi người tiêu dùng đều có thể là một giọng nói góp phần giúp các doanh nghiệp điều chỉnh và tham gia thực hiện trách nhiệm một cách toàn diện hơn, giúp doanh nghiệp cam kết tốt hơn với trách nhiệm xã hội của mình.
Ngoài ra, việc thực hiện CSR cũng cần có sự giám sát của các bên có thẩm quyền từ phía nhà nước, để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả thông qua các chính sách, chế tài. Một ví dụ là công đoàn có thể giám sát đãi ngộ của doanh nghiệp đối với người lao động để đảm bảo doanh nghiệp thực hiện đúng trách nhiệm của mình với người lao động (cũng được xem là một phần của trách nhiệm xã hội).
4. Các doanh nghiệp có thể làm gì để cam kết tốt hơn với trách nhiệm xã hội?
Có một số điều mà các doanh nghiệp có thể làm để CSR trở thành một hướng đi bền vững, thay vì chỉ một công vụ mang tính thời vụ:
Kết hợp CSR vào chiến lược phát triển toàn diện của doanh nghiệp, các mục tiêu phát triển xã hội, cộng đồng cần được đặt song song với mục tiêu phát triển doanh nghiệp để có thể điều chỉnh phù hợp
Nghiên cứu kỹ càng về vấn đề mình muốn làm, nhìn từ góc độ giải quyết bền vững chứ không chỉ ở bề mặt
Có sự tham gia của cộng đồng mà dự án hướng tới, lắng nghe tiếng nói và đảm bảo tính tự chủ của người trong cuộc
Kết hợp tham gia với các tổ chức cộng đồng có cùng mối quan tâm
Có quy trình giám sát và thực hiện (M&E) để chắc chắn rằng đạt được các mục tiêu bền vững trong thời gian dài.
Một số nguồn tham khảo:
Bowen, H. R., & Johnson, F. E. (1953). Social responsibility of the businessman. Harper.
Acquier, A., Gond, J.-P., & Pasquero, J. (2011). Rediscovering Howard R. Bowen’s legacy. Business & Society, 50(4), 607–646. https://doi.org/10.1177/0007650311419251
Lee, M.-D. P. (2008). A review of the theories of corporate social responsibility: Its evolutionary path and the road ahead. International Journal of Management Reviews, 10(1), 53-73.