“Dệt câu chuyện mình”: Bên khung dệt ta kể nhau nghe…
Trong buổi chiều Hà Nội một ngày giáp Tết, hiếm hoi lắm mới có cơ hội để quy tụ nhiều cộng đồng từ các tỉnh thành về đây để cùng kể câu chuyện của những tấm thổ cẩm. Lắng nghe chia sẻ từ các nghệ nhân và người trẻ từ cộng đồng các dân tộc Pà Thẻn, Mường hay người Chăm, những khán giả có mặt tại Ơ kìa Hà Nội hiểu rằng, bên khung cửi thô mộc kia, người ta không chỉ dệt hoa văn mà còn dệt cả những nét văn hóa đặc sắc, chuyên chở những câu chuyện giản dị, quá đỗi bình dị nhưng ý nhị và sâu sắc.
Sau phần khai mạc bởi thành viên Mạng Lưới Tiên Phong – đơn vị tổ chức sự kiện, “Dệt câu chuyện mình” mở đầu với câu chuyện chia sẻ của cô Ván Chi, cô Cao Thị Sơn, cô Lâm Nữ Minh là đại diện của cộng đồng người Pà Thẻn, người Mường và người Chăm giới thiệu về nghề dệt thổ cẩm trong đời sống và văn hóa cộng đồng. Đằng sau những hoa văn đầy tính biểu tượng là những câu chuyện, điển tích, thần thoại… gắn liền với cả một cộng đồng.
Từ điểm nhìn về những hoa văn, câu chuyện được mở rộng, hướng về cả một nét nghệ thuật dệt thổ cẩm. Người nghe có thể thấy những băn khoăn, trăn trở và cả những khó khăn đang bủa vây tới nghề dệt thổ cẩm trong nền kinh tế thị trường. Sâu xa hơn, những suy nghĩ về một bản sắc Việt cũng được gợi lên trong lòng khán giả: Liệu cái chúng ta vẫn đang gọi là bản sắc Việt đã mang tính phổ quát? Những bộ trang phục tự hào mang hình ảnh người Việt Nam đi thế giới có thực sự là một bản sắc “Việt” khi chúng ta bỏ quên nhiều trang phục truyền thống của các cộng đồng khác?
Chú Hà Thanh Dương – một trong nghệ nhân dệt thổ cẩm nam hiếm hoi người Mường trải lòng về câu chuyện quan niệm về giới tính gắn với nghề dệt thổ cẩm. Người ta vẫn coi dệt thổ cẩm là nghề của phụ nữ khi nam giới Mường đáng nhẽ ra phải biết săn bắn. Năm 13 tuổi, chú bắt đầu dệt những phục trang đầu tiên. Năm 17 tuổi, chú đổi 2 bộ quần áo lấy một căn nhà. Ở tuổi đã ngoài tứ tuần, khi chứng kiến sự phát triển ồ ạt của dệt công nghiệp với mẫu mã kém chất lượng, chú Dương đã đốt 25 khung dệt.
Chị Tải Thị Mai kể rằng, với người Pà Thẻn, biết dệt là một điều rất cao quý. Trong quan niệm của người Pà Thẻn, con gái Pà Thẻn biết dệt sẽ có thể gả vào các gia đình quyền quý, không biết dệt sẽ không được đánh giá cao. Nối nghiệp mẹ – một nghệ dân Dệt người Pà Thẻn, chị Mai cũng bắt đầu với từng đường thoi, sợi vải, hiểu ngọn ngành những hoa văn. Nghề dệt như một “báu vật” được truyền từ đời này sang đời khác, tưởng chừng như bị bỏ quên, nay mang đến ý nghĩa mới cho cuộc đời chị Mai và cả gia đình.
Chị Phú Thị Mỹ Yến, tốt nghiệp ngành Điều dưỡng nhưng đã trở lại quê hương nối nghiệp cha mẹ; con út người Chăm sẽ tiếp quản cơ ngơi gia đình. Và “cơ ngơi” ấy là nghề dệt, những khung dệt và một kho tàng văn hóa đang chờ người tiếp nối. Là một người trẻ trăn trở với văn hóa và giá trị truyền thống, chị Yến đã tự hỏi sao mình lại quá sống vội từ trước đến nay, không tìm hiểu kỹ càng ý nghĩa những hoa văn của dân tộc mình. Nghề dệt, như bao nét văn hóa đặc sắc khác của các cộng đồng dân tộc thiểu số, tưởng chừng như đã mai một nhưng vẫn còn có những người trẻ đang thắp lên những tia hy vọng.
Kể chuyện hoa văn nhưng những con người ấy, thực chất, đang thảo dựng, phác họa lại cả một nền văn hóa với những giá trị cộng đồng, niềm tin bắt rễ từ hàng trăm năm qua. Xin cảm ơn Mạng lưới Tiên Phong, nhóm Ethnicity, Đại sứ quán Canada và đặc biệt là tất cả mọi người đã làm nên một sự kiện ý nghĩa trong buổi chiều ngày 27/01/2021.