Khoảnh khắc đạo đức – Để trái tim soi đường cho thấu hiểu
Nằm trong sự kiện Tôi tin tôi có thể 2020 với chủ đề “Dùng trái tim soi việc đúng”, buổi khai mạc và tọa đàm “Khoảnh khắc đạo đức” đã diễn ra vào ngày 02/07 tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ. Chương trình là không giao thảo luận và chia sẻ những quan điểm và góc nhìn của chính những đồng bào DTTS và các nhà nghiên cứu. Chủ đề về đạo đức, bởi lẽ ấy, đi từ những câu chuyện gần gũi, thân thương đến những thông điệp mang tính khái quát, tất cả mang sắc màu đa dạng trên tinh thần của sự yêu thương và thấu hiểu con người.
Thế nào là đạo đức?
Thông điệp về sự đa dạng văn hóa được truyền tải khéo léo qua những tiết mục văn nghệ đặc sắc ngay từ đầu chương trình. “Vui hội mùa lúa” của các bạn sinh viên người Thái và Mông lấy ý tưởng từ cuộc sống sinh hoạt đời thường từ đồng bào ở quê hương mình, diễn tả niềm vui ngày mùa bội thu và sự gắn kết của các đồng bào, không chỉ dân tộc Thái hay Mông mà nhiều dân tộc khác nhau sinh sống trên cùng một mảnh đất. Tiếng hát và tiếng trống hòa điệu trong điệu múa trống của người Chăm ở Ninh Thuận mang đến cho người nghe trong khán phòng khoảnh khắc của sự thấu hiểu, cảm hứng và tự hào. Tất cả chính là tinh thần chung của Tôi tin tôi có thể.
Bàn về “đạo đức” nhưng trước tiên, đó không phải là một thứ gì đó xa xôi hay trừu tượng mà rất gần gũi, thân thương. Cô Phạm Thị Sơn khai mạc chương trình bằng câu chuyện nhân văn như thế của cộng đồng với người phụ nữ sau khi sinh của dân tộc Mường ở Thanh Hóa: “Sau khi họ hàng làng xóm biết một gia đình có người phụ nữ mới sinh con, tất cả mọi người đến động viên, chia sẻ, mỗi người một việc, có thể ngủ ở nhà sản phụ 10-15 ngày để giúp đỡ gia đình trong các việc vặt, làm việc đồng áng, cày bừa cấy hái, những việc gia đình không làm được thì giúp đỡ. Nếu sản phụ gặp khó khưan như không có sữa thì chị em trong bản sẵn sàng chia sẻ sữa cho đứa con đứa cháu mới ra đời.” Những câu chuyện như vậy chính là những “Khoảnh khắc đạo đức”.
Các khách mời bắt đầu cuộc tọa đàm với những chia sẻ thú vị về trang phục truyền thống của mình. Câu chuyện về bộ trang phục Chăm luôn khoác trên mình của anh Jaka mang đến cho người nghe những suy tư về những góc nhìn khác nhau về đạo đức. Với bản thân anh, khoảnh khắc được nghe câu chuyện về ngôn ngữ Chăm đang dần bị thất truyền là giây phút anh được thức tỉnh, sau đó quyết định về quê hương sống và gìn giữ văn hóa của dân tộc mình.
Với anh sự giữ gìn và phát huy những nét đẹp của dân tộc mình là đạo đức, nhưng cũng có những khoảnh khắc đạo đức ấy của anh gặp xung đột với những đạo đức khác. Một lần khi tham dự một đám cưới, có một người bác thấy anh mặc trang phục Chăm như vậy đã tát anh và hỏi tại sao anh không tiếp tục mặc quần áo sơ mi để tiếp tục học hành, trở thành giáo sư tiến sĩ có quyền có chức mà lại về nơi nắng gió, một nơi ai cũng muốn bỏ đi như nơi này?
Anh Jaka chia sẻ dù cách hành xử khi đó của bác có vẻ không đúng nhưng anh hiểu vì bác thương mình nên mới làm như vậy, anh cảm thấy đồng cảm và thương bác.
Như vậy thì ai mới là người có đạo đức ở đây? Với anh Nguyễn Đức Thành, đó là một khoảnh khắc mang rất nhiều xúc cảm về đạo đức khi người bác lo lắng cho tương lai của Jaka, bác nghĩ cháu mình nên đi theo con đường như số đông để được ổn định. Ở vị trí của người bác thì người bác là có đạo đức, còn Jaka lại đang thực hiện đạo đức của một người con giữ gìn văn hóa của dân tộc Chăm.
“Có nhiều góc nhìn khác nhau về đạo đức, và đôi khi có những điều được truyền tụng rộng rãi nên mình không cần suy nghĩ gì nhiều mà cứ thế làm, thế nào là đúng thế nào là sai cũng luôn thay đổi”, chị Nghiêm Hoa nhấn mạnh.
Sự kiên nhẫn và lắng nghe cơn giận dữ của người bác của Jaka là cách ứng xử rất trưởng thành, không phải ai cũng có thể làm như vậy. Một ngày ai cũng phải đối diện với những khoảnh khắc chất vấn về cái đúng sai, không phải khi nào nhanh chóng đi đến sự quyết định cũng là tốt, đôi khi cần phải trì hoãn để có được khoảnh khắc đạo đức.
“Khoảnh khắc đạo đức” từ những quan niệm trong cộng đồng
Người nghe đi từ bất ngờ đến xúc động trước những thông điệp ẩn trong các tác phẩm nghệ thuật của các cộng đồng kết hợp với nhóm nghệ sĩ trẻ. Chị H’Nưn Mlo chia sẻ câu chuyện về con nuôi con đẻ ở dân tộc Ê Đê mình: “Kể cả bé người Kinh hay người Pháp người Mỹ thì một khi đã đặt chân vào trong lòng mình thì đều là con mình, khi đã được nhận nuôi thì con sẽ là con của gia đình, bất kì thứ gì trong gia đình, là một cái chiêng hay một con gà thì đều là của con. Sau này khi con trưởng thành thì phụng dưỡng mẹ đến cuối đời và tất cả tài sản đều là của con.”
Anh Tòng Văn Hân, người dân tộc Thái mang đến câu chuyện về sự có mặt của hồn vía trong mỗi con người. Theo quan niệm của người Thái thì từ khi con người lọt lòng mẹ thì được một thế lực siêu nhiên ban phát hồn vía cho mình, từ tóc đến tận ngón chân đều có hồn vía gắn cùng.
Quan niệm về hồn vía dẫn lối cho người Thái có cách hành xử với môi trường và cộng đồng tốt hơn. Bởi quan niệm cây cối hay nguồn suối cũng có hồn vía, nên họ luôn xin trước khi hái quả, kiêng kị không chặt cây, chặt cành của cây chua cây ngọt. Bởi quan niệm có thần nước trú ngụ ở rừng đầu nguồn, nên khi vào đó người ta sợ và phải giữ gìn để nguồn suối trong lành mãi mãi, kiêng kị làm những điều ô uế với nguồn suối.
Với cộng đồng, hồn vía của cá nhân liên kết với hồn vía cộng đồng, hồn vía của một bản liên kết với nhau, khi hồn vía của một ai đó tự ái thì họ sẽ bị ốm, khi đó cộng đồng sẽ đến để chăm coi động viên, ban đêm tránh hiu quạnh các nhà xung quanh đến đốt lửa trực đêm, người ta quan niệm có nhiều hồn vía bảo vệ thì người ốm sẽ mau lành, cúng để cho hồn vía quay trở về, cho hồn vía ăn no ăn ngon thì hồn vía sẽ quay trở về với cơ thể.
Ứng xử thế nào với những hành động phi đạo đức?
Với những hành động phi đạo đức, mỗi dân tộc cũng có cách hành xử rất nhân văn. Với người Thái trước đây, từ chính quan niệm về hồn vía bên trong mình mà họ không làm những việc trái đạo đức, làm hại cộng đồng mình bởi làm như vậy sẽ khiến hồn vía của họ tự ái. Người ta cũng không chửi bới hay phán xét mà thương cho người đó vì có khi họ nghèo nên mới làm vậy. Người Thái chọn cách hành xử như vậy là bắt nguồn từ “Hùa mốc hùa chàư”, tức là từ tấm lòng và trái tim. Cách suy nghĩ của người Chăm qua lời kể của anh Jaka cũng tương tự, vì người đó cũng đã lỡ bồng bột mà làm như vậy rồi nên phải lựa lời nói cho họ hiểu. Theo chị Nghiêm Hoa:
Cùng chung nguyên tắc là bảo vệ cái đẹp, nhưng mỗi người có một cách lí giải cái đẹp khác nhau và tự coi mình là đúng nên xảy ra xung đột nhằm bảo vệ quan điểm. Chúng ta sống trong thế giới quan của mình và cùng những người chia sẻ cái chung đấy thì mình cảm thấy an toàn. Khi chúng ta bước ra thế giới của chúng ta và nhìn những thế giới quan khác thì lại rơi vào tình cảnh trớ trêu.
Thông điệp đó được chị Nghiêm Hoa gửi gắm thông qua một trường hợp nghiên cứu kinh điển về một học sinh người Việt Nam ở nước ngoài, khi đi học cô giáo nhìn thấy nhiều vết thâm tím trên mặt và cổ liền hỏi “Who did this to you? (Ai làm thế này với em?), đứa trẻ này trả lời thành thật là “My mom” (Mẹ em). Sau đó cô giáo này đã báo với nhà trường và các cơ quan bảo vệ trẻ em vì cô cho rằng đứa trẻ đã bị bạo hành về mặt thể xác bởi gia đình mình. Đúng là người mẹ đã làm thế với em, nhưng trên thực tế những vết tím ấy bắt nguồn từ hành động đánh gió để chữa bệnh cho con của người mẹ, một phương pháp chữa bệnh lưu truyền trong dân gian rất phổ biến ở Việt Nam.
Trong nhiều trường hợp, tri thức bản địa của một cộng đồng thiểu số khi đối diện với sự hiểu nhầm, những định kiến và áp lực của nhóm đa số rất dễ bị tội phạm hóa và bị trừng phạt. Câu chuyện tương tự xảy ra với rất nhiều các cộng đồng DTTS ở Việt Nam, đi cùng với những cái “nhãn” tiêu cực bị dán lên họ như cổ hủ, lạc hậu, … Tình cảnh trớ trêu xảy đến khi hệ thống hành chính, tư pháp không hiểu những tri thức bản địa của một cộng đồng người dẫn đến những sai lầm.
Trên thực tế, những tri thức bản địa hoặc những điều kiêng kị trong cộng đồng đều xuất phát từ những kinh nghiệm được họ đúc rút và ẩn chứa những bài học đạo đức sâu sắc về cách làm người muốn truyền lại cho con cháu đời sau. Anh Jaka bổ sung bằng bài ca dao con cò của dân tộc Chăm với ý nghĩa con người cần phải liên tục chất vấn trên hành trình tìm kiếm tri thức đích thức, khi cãi nhau ta dễ dựa trên những định kiến của mình mà không có sự dừng lại để tìm hiểu, từ đó dẫn đến sự áp đặt. Với anh đạo đức là một thứ rất trực tiếp, cảm xúc và chân thực.
“Dùng trái tim soi việc đúng” chính là dùng trái tim để cho mình những khoảnh lặng. Trước tiên phải dùng trái tim của mình để cảm, sau đó soi tỏ bằng câu hỏi chứ không phải bằng định kiến. Đó chính là thông điệp mà cuộc tọa đàm nói riêng và Tôi tin tôi có thể 2020 nói chung muốn gửi gắm.