Nhà máy là ngôi nhà thứ hai của chúng tôi, vậy chúng tôi làm gì để giữ gìn ngôi nhà ấy?
“Nhà máy là ngôi nhà thứ hai của chúng tôi, vậy chúng tôi làm gì để giữ gìn ngôi nhà ấy?” Hay nói cách khác, “chúng tôi” đã, đang và sẽ làm gì để gìn giữ và củng cố thêm cho ngôi nhà ấy, đáp án cho câu hỏi đó chính là động lực và mục tiêu của nhóm nữ công nhân tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa xuyên suốt dự án Tôi Mạnh Mẽ, quả ngọt của các chị chính là buổi Đối thoại và Chia sẻ giữa Nhà máy và Công nhân diễn ra vào ngày 17/01/2021 vừa qua.
Sau một năm từ ngày khởi động tiến trình đồng nghiên cứu, buổi đối thoại được chính các chị em đề xuất đã được tổ chức, nhằm báo cáo kết quả nghiên cứu, đối thoại và chia sẻ về những vấn đề mà các chị em muốn thảo luận cùng nhà máy và cuối cùng là phát động sáng kiến.
Buổi đối thoại diễn ra với sự tham gia của nhóm nữ công nhân Tôi Mạnh Mẽ tại huyện Hậu Lộc; đại diện từ phía nhà máy Ivory, nơi các chị em làm việc; đại diện từ phía đối tác của nhà máy; đại diện thành uỷ thành phố Thanh Hoá, cùng với mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn lao động và hội phụ nữ huyện Hậu Lộc; bên cạnh đó đồng hành cùng buổi đối thoại còn có các chuyên gia về luật và tư vấn viên cao cấp để hỗ trợ cả phía công nhân và nhà máy trong quá trình thảo luận.
Bối Đối thoại và Chia sẻ diễn ra trong không khí tích cực thảo luận, cởi mở tiếp thu từ tất cả các bên. Bầu không khí của buổi đối thoại được mở ra trong sự gần gũi và chân thành, khi mọi người được lắng nghe suy nghĩ của các chị em về nhà máy. Nhà máy là “nơi tôi đến hằng ngày, dành nhiều thời gian hơn cả ở nhà”, “nhà máy tạo việc làm và giúp tôi duy trì cuộc sống”, “nhà máy là ngôi nhà thứ hai với những người bạn giống như chị em trong gia đình tôi”. Chính mối gắn kết bền chặt đó với nhà máy là lý do và động lực thôi thúc các chị em mở ra không gian để đối thoại và chia sẻ với nhà máy, để từ đó cùng nhau giải đáp những thắc mắc về cả hai bên và tìm ra những phương án cải thiện môi trường làm việc chung, thúc đẩy kết quả lao động chung.
Các vấn đề chị em đưa ra để thảo luận chính là kết quả đồng nghiên cứu trong suốt chặng đường vừa qua của dự án. Mở đầu là vấn đề cắt phép, nhóm công nhân sau khi khảo sát ý kiến của nhiều công nhân trong nhà máy đã đưa ra đề xuất nhà máy cắt phép một đến hai ngày vào ngày thứ, nhằm đáp ứng được nhu cầu đi khám chữa bệnh của công nhân, đặc biệt là trường hợp bản thân hoặc người nhà mắc bệnh nặng phải đi khám ở tuyến trung ương. Nhà máy sau khi lắng nghe đã chia sẻ về khó khăn của mình trong việc cắt phép này, bởi lẽ các đại diện từ phía Hàn Quốc (công ty Ivory có vốn đầu tư 100% từ Hàn Quốc) chỉ làm việc vào ngày thứ nên rất khó để cắt phép cho công nhân nghỉ vào những ngày này. Đại diện từ phía nhà máy sẽ đề xuất với ban lãnh đạo để tiếp tục thảo luận về vấn đề này.
Sau đó các chị em tiếp tục thảo luận về môi trường làm việc, vấn đề mà cả công nhân, nhà máy và đối tác nhà máy đều rất quan tâm và chú trọng. Bốn vấn đề nhỏ mà các chị em đưa ra để thảo luận và đề xuất với nhà máy là: (1) Tăng cường hệ thống làm mát, thêm quạt; (2) Gia cố lại nhà xe; (3) Sửa chữa tủ cơm đã xuống cấp; (4) Có thêm bình nóng lạnh để có nước nóng cho công nhân uống vào mùa đông. Các luận điểm được nhóm công nhân đưa ra đều vô cùng thuyết phục với đầy đủ dẫn chứng là các hình ảnh, video mà nhóm đã thu thập được trong quá trình nghiên cứu. Đại diện nhà máy đã chia sẻ sự đồng cảm và thấu hiểu với những vấn đề này của người làm việc, cam kết vào tháng 05/2021 sẽ tiến hành giám sát và tăng cường hệ thống làm mát và tháng 11/2021 sẽ làm lại phần nền của nhà xe, hạn chế tình trạng lụt vào những ngày mưa. Với các vấn đề còn lại, nhà máy trình bày về tình trạng kinh tế khó khăn do đợt Covid và hứa hẹn sẽ xem xét khi có điều kiện tốt hơn.
Buổi Đối thoại và Chia sẻ dần tăng nhiệt khi vấn đề lương thâm niên và tăng ca được đưa ra thảo luận. Bằng những câu chuyện cá nhân rất riêng mà cũng rất chung của mình, đại diện từ phía công nhân đã đặt câu hỏi cho nhà máy về vấn đề chênh lệch lương cơ bản giữa các công ty và lương cho người có thâm niên, bởi lẽ ở nhà máy hiện tại, không có sự khác nhau giữa bậc lương của người mới vào và người làm lâu năm, trong khi đó thưởng thâm niên chỉ dừng lại ở mức 5 năm. Điều này khiến những người có tay nghề cao hụt hẫng, từ đó cũng khó thu hút được những người như vậy vào làm việc trong nhà máy. Bên cạnh đó, các chị em cũng đưa ra những đề xuất cụ thể để điều chỉnh lương cho người có thâm niên cao và tổ chức các cuộc thi tay nghề để công nhân có cơ hội chứng tỏ năng lực của bản thân, và để cho thấy họ xứng đáng, “tự nâng bậc lương bằng sức lực của mình chứ không phải tự nhiên yêu cầu nhà máy tăng lương vô lý”.
Đối với vấn đề tăng ca, hiện tại công nhân làm việc trong nhà máy phải tăng ca đến 21-22h30 trong tất cả các ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy, điều này ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của nhiều chị em khi hầu như ngày nào về đến nhà, gia đình đều đã nghỉ ngơi. Cả hội trường xúc động khi lắng nghe câu chuyện của một công nhân chồng mất và chỉ còn mẹ già, hằng ngày tan ca về nhà, chị thấy con đã ngủ nhưng tay chân còn rất bẩn. Khi đến trường họp phụ huynh, cô giáo phản ảnh con chị học hành chểnh mảng, chị chỉ biết trình bày với cô về tình trạng tăng ca đến tối khuya của mình nên khó kèm cặp con. Câu chuyện mang đến sự xúc động với nhiều người công nhân khác trong nhà máy đến tham dự, bởi lẽ ai cũng thấu hiểu trải nghiệm khó khăn giữa công việc và gia đình đó. Các chị em đã đưa ra đề xuất cụ thể nhằm giúp tháo gỡ vấn đề này, đại diện từ phía nhà máy cũng đưa lời hứa giảm giờ tăng ca để công nhân bảo đảm, chăm lo cho bản thân mình và người thân.
Bên cạnh đó, các chị em cũng đưa ra vấn đề nghỉ dưỡng sức và khám sức khỏe sau sinh, vấn đề không nằm trong nghiên cứu để thảo luận. Buổi chia sẻ cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía khán giả khi có nhiều ý kiến đóng góp thêm vào những vấn đề mà chị em nhóm Tôi Mạnh Mẽ đã đưa ra.
Buổi Đối thoại và Chia sẻ diễn ra trong không khí tích cực một phần nhờ những tiếng nói ủng hộ việc cải thiện môi trường làm việc của công nhân từ phía lãnh đạo huyện và Hội Phụ nữ tỉnh. Ông Trương Văn Thuấn, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện chia sẻ quan sát của mình: “Sự chia sẻ này hướng tới đối thoại chứ không phải đối đầu, phía bên công ty hãy tiếp thu ý kiến của công nhân.” Tất cả mọi người sau khi lắng nghe tâm tư của công nhân đều tỏ ra đồng cảm và thấu hiểu, đề nghị phía nhà máy lắng nghe để cải thiện và cam kết sẽ tham gia để thúc đẩy tiến trình bảo vệ cho các chị em công nhân nói riêng và người lao động trên địa bàn huyện nói chung. Đây là những lời động viên rất có ý nghĩa đối với chị em, và trái ngọt sau hành trình nghiên cứu và nỗ lực để đối thoại với nhà máy.