Ảnh hưởng của định kiến lên sức khỏe tâm trí của cộng đồng LGBT
Ngày 24/6/2014, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) tổ chức hội thảo “Hậu quả của định kiến kỳ thị trong gia đình với sức khỏe tâm trí của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT)” với sự tham gia của hơn 50 nhà nghiên cứu, cán bộ các cơ quan nhà nước về y tế, tư pháp, báo chí và đại diện cộng đồng LGBT. Qua các bài trình bày và phần chia sẻ của chính bản thân cộng đồng LGBT, các chuyên gia đều có chung nhận định khi gia đình cố thay đổi xu hướng tính dục của con mình bằng cách đưa đi “chữa trị” hay gây áp lực đều sẽ tác động xấu lên sức khỏe tâm trí của người LGBT như trầm cảm, tỉ lệ tử tự tăng cao.
Ở Việt Nam, vấn đề này lần đầu tiên được nghiên cứu sâu trong cộng đồng người đồng tính nữ và người chuyển giới từ nữ sang nam. Kết quả ban đầu cho thấy định kiến và kỳ thị trong gia đình có liên quan chặt chẽ với tỉ lệ trầm cảm, các hành vi tự hủy hoại bản thân, ý nghĩ tự tử và hành vi tự tử của người đồng tính nữ và người chuyển giới từ nữ sang nam. Trong số 2.037 người tham gia nghiên cứu, những người thường xuyên bị gia đình đối xử tiêu cực nhất có khả năng bị trầm cảm cao hơn hẳn, tới hơn gấp đôi so với những người có cuộc sống gia đình yên ả. Họ cũng có ý nghĩ “thà chết còn hơn” và tỉ lệ tự tử cao hơn nhiều so với nhóm người có cuộc sống êm ả hoặc chỉ phải chịu sức ép vừa phải.
Một tỉ lệ không nhỏ những người đồng tính nữ đã bị gia đình nhờ đến bệnh viện, bác sĩ hoặc thày lang “chữa” cho thôi yêu người cùng giới. Những người này cũng có tỉ lệ (có thể) bị trầm cảm, tỉ lệ nghĩ đến cái chết và tỉ lệ tự tử cao hơn các nhóm khác. Vì vậy theo chị Nguyễn Quỳnh Trang, cán bộ nghiên cứu của iSEE, “câu hỏi đặt ra là hiện nay các bác sỹ đang xử trí như thế nào khi gia đình đưa người đồng tính đến gặp, và họ nên đóng vai trò gì để bảo vệ cho những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương này”.
Những kinh nghiệm tham vấn tâm lý cho người đồng tính, song tính, chuyển giới và người thân của họ cũng được các nhà chuyên môn từ iSEE và CSAGA (Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên) chia sẻ. Bên cạnh các cuộc gọi từ những người đồng tính, số lượng cha mẹ, bạn bè của người đồng tính tìm đến các đường dây tư vấn là rất lớn, cho thấy sự cần thiết của việc tư vấn cho cả người đồng tính và người thân của họ nhằm giảm bớt định kiến kỳ thị trong gia đình, yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm trí của người đồng tính, song tính và chuyển giới.
Hội thảo cũng là dịp để thảo luận các giải pháp tư vấn tâm lý cho nhiều đối tượng liên quan, các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cũng như chiến lược lâu dài để giải quyết vấn đề định kiến kỳ thị trong gia đình, xã hội với người đồng tính, song tính và chuyển giới.