Người chuyển giới: Người vô hình trong pháp luật Việt Nam
Sáng ngày 27/6/2014 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) đã tổ chức hội thảo “Chuyển giới: Người vô hình trong pháp luật Việt Nam – Một số đề xuất liên quan tới quyền nhân thân trong Bộ luật Dân sự (BLDS)” với sự tham gia của hơn 60 đại biểu là cán bộ đang làm việc ở các cơ quan nhà nước, báo chí, và các đại diện của cộng đồng chuyển giới nam và nữ. Tại hội thảo, nhiều người chuyển giới đã bày tỏ mong muốn được Bộ luật bảo vệ tốt hơn các quyền nhân thân của mình, như quyền đổi tên, quyền phẫu thuật xác định lại giới tính, quyền được thừa nhận giới tính mới sau khi phẫu thuật.
Theo nghiên cứu của iSEE, các trở ngại trong cuộc sống của người chuyển giới như một vòng xoáy: Không được gia đình chấp nhận thể hiện giới từ nhỏ, bạn bè thầy cô xa lánh, nghỉ học sớm, dẫn đến khó có được một nghề nghiệp và thu nhập ổn định, trong khi các nhu cầu, nguy cơ về sức khỏe là rất cao. Tất cả dẫn đến một hình ảnh tiêu cực hay gắn với người chuyển giới là: nghèo, học thức thấp, thể hiện “lố lăng”, làm những công việc bị xã hội coi thường.
Bên cạnh các yếu tố như sự định kiến, thiếu thông tin thì việc pháp luật không thừa nhận những quyền của người chuyển giới góp phần nhấn mạnh thêm các rào cản mà người chuyển giới phải đối mặt: không có giấy tờ nhân thân, hoặc giấy tờ nhân thân không phù hợp thực tế, không thể thực hiện các giao dịch thông thường như mua bán, đăng ký, đi lại máy bay, hồ sơ việc làm…
“Nhiều người chuyển giới dường như đang sống “ngoài vòng pháp luật”, do không có chứng minh thư, không sử dụng tên khai sinh, và không được thừa nhận giới tính thực tế sau phẫu thuật. Thiếu sự bảo vệ của pháp luật, họ trở thành một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Đã đến lúc xã hội và Nhà nước phải thừa nhận và có biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người chuyển giới trên cả phương diện pháp lý và trong đời sống thực tế”, ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cho biết.
Phát biểu tại hội thảo, TS Phạm Quỳnh Phương chia sẻ, hầu hết quốc gia châu Âu cho phép đổi tên theo giới tính mong muốn. Ví dụ tại Úc: Phẫu thuật xác định lại giới tính không phải là điều kiện tiên quyết để cấp hộ chiếu với giới tính mới. Một lá thư từ người hành nghề y tế xác nhận người này đã, hoặc đang, nhận điều trị thích hợp cho việc chuyển giới sang một giới tính mới, hoặc chứng nhận họ là người liên giới tính và không nhận mình với giới tính khi sinh ra, sẽ được chấp thuận. Một hộ chiếu có hiệu lực đầy đủ với giới tính mới sẽ được cấp khi người đó đã trải qua phẫu thuật xác định lại giới tính và đăng ký với Cục sinh, tử, kết hôn hay Cục Di dân và Hộ tịch.
Bộ luật Dân sự đang được lấy ý kiến cho việc sửa đổi và trình Quốc hội vào tháng 10/2014. Tại hội thảo nhiều đại diện của cộng đồng người chuyển giới bày tỏ mong muốn được Bộ luật bảo vệ tốt hơn các quyền nhân thân của mình, như quyền phẫu thuật xác định lại giới tính, quyền đổi tên, quyền được thừa nhận giới tính mới sau khi phẫu thuật.