Tiếp cận dựa trên Quyền
1. Quyền/quyền con người là gì?
Theo định nghĩa của Văn phòng Cao uỷ Liên hợp quốc về Nhân quyền, “quyền con người là những đảm bảo pháp lý phổ quát có tác dụng bảo vệ các cá nhân và/hoặc nhóm khỏi những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến phẩm giá cơ bản của con người.” Quyền con người có thể hiểu là những quyền tự nhiên mà một người có được vì họ là con người, không liên can đến xuất thân, quốc tịch, chủng tộc, dân tộc, ngôn ngữ, giới tính, năng lực hay bất kỳ đặc điểm nào khác. Các quyền này là phổ quát và không thể bị tước đi bởi bất kỳ ai hay thể chế nào.
Vào năm 1948, Tuyên ngôn nhân quyền phổ quát được Liên hợp quốc thông qua, gồm 30 điều và được dịch ra hơn 300 thứ tiếng. Điều khoản cuối cùng của bản Tuyên ngôn có viết "Không được phép diễn giải bất kỳ điều khoản nào trong Bản tuyên ngôn này theo hướng ngầm ý cho phép bất kỳ quốc gia, nhóm người hay cá nhân nào được quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hay thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm phá hoại bất kỳ quyền và tự do nào nêu trong Bản tuyên ngôn này".
Trong khu vực, Tuyên bố Nhân quyền ASEAN được thông qua vào năm 2012, gồm 40 điều khoản, khẳng định mọi công dân ASEAN có 4 nhóm quyền căn bản về dân sự và chính trị, về kinh tế, xã hội và văn hóa, quyền phát triển, và quyền hưởng hòa bình.
Các nguyên tắc của quyền con người:
Tính phổ quát và không thể bị tước đoạt: Quyền con người là phổ quát và không thể bị tước đoạt. Điều này được thể hiện qua Điều 1 trong Tuyên ngôn nhân quyền phổ quát: “Tất cả mọi người đều sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền.”
Tính không thể tách rời: Các quyền con người là không thể bị tách rời. Dù nghiêng về lĩnh vực dân sự, văn hoá, kinh tế, chính trị hay xã hội, các quyền con người đều là một phần trong phẩm giá của con người. Vì thế, các quyền con người đều được công nhận một cách ngang bằng, không thể sắp xếp ưu tiên quyền này hơn quyền khác. Việc một quyền không được công nhận sẽ ảnh hưởng đến việc thụ hưởng các quyền khác.
Tính phụ thuộc và kết nối lẫn nhau: Các quyền con người đều phụ thuộc và kết nối lẫn nhau. Mỗi quyền đều góp phần vào việc công nhận phẩm giá con người thông qua việc thoả mãn các nhu cầu của con người về phát triển, thể chất, tinh thần và tâm linh. Việc thoả mãn một quyền sẽ phụ thuộc, hoàn toàn hoặc một phần, vào sự thoả mãn các quyền khác.
Công bằng và không phân biệt đối xử: Mỗi con người đều có nhân phẩm toàn vẹn, và vì thế tất cả mọi người đều bình đẳng. Do đó, theo các quy chuẩn về quyền con người, không một ai phải chịu đựng sự phân biệt đối xử dựa trên cơ sở chủng tộc, màu da, giới, tuổi tác, ngôn ngữ, xu hướng tính dục, tôn giáo, quan điểm chính trị, quốc tịch, quê quán, nguồn gốc xã hội, tình trạng khuyết tật, tài sản, hay các loại đặc điểm khác.
Sự tham gia và dung hợp: Mọi người đều có quyền tham gia và tiếp cận với các thông tin liên quan đến các tiến trình ra quyết định mà ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Tiếp cận dựa trên quyền cần sự tham gia sâu sát của cộng đồng, xã hội dân sự, các nhóm thiểu số, phụ nữ, người trẻ, người bản địa và các nhóm đặc thù khác.
Trách nhiệm giải trình và nguyên tắc pháp quyền: Nhà nước và các bên mang nghĩa vụ khác có nghĩa vụ thực hiện và giải trình cho các vấn đề liên quan đến quyền con người. Điều này nghĩa là họ phải tuân thủ các chuẩn mực pháp lý của quốc tế về quyền con người. Khi họ không đáp ứng được, những người có quyền bị xâm phạm có quyền khởi kiện để đòi bồi thường thích đáng trước một tòa án hoặc cơ quan xét xử có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Cá nhân, truyền thông, xã hội dân sự và cộng đồng quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc yêu cầu các chính phủ phải chịu trách nhiệm đối với nghĩa vụ bảo vệ quyền con người của họ.
2. Lịch sử phát triển của một số tiếp cận trong phát triển
Tiếp cận theo mô hình từ thiện (Giai đoạn trước những năm 1950)
Trong một thời gian dài, giải pháp mang tính chủ đạo nhằm ứng phó với các vấn đề xã hội là việc làm từ thiện. Cách tiếp cận này tập trung vào việc giảm bớt những đau khổ tức thì thông qua các hành động nhân ái, chủ yếu là những sự hỗ trợ về mặt vật chất, nhưng thường không thách thức các nguyên nhân hệ thống gây ra tình trạng đói nghèo hoặc bất bình đẳng.
Mối quan hệ giữa người cho và người nhận trong mô hình từ thiện cũng có một sự chênh lệch quyền lực đáng kể khi người cho, thường ở một vị trí quyền lực cao hơn, được coi là chủ động giang tay cứu giúp, còn người nhận thường được coi là thụ động và phụ thuộc vào các khoản hỗ trợ. Mặc dù đa phần mang ý tốt, mô hình này có điểm yếu là cách tiếp cận từ trên xuống, đồng thời duy trì một tình trạng phụ thuộc vào sự trợ giúp từ bên ngoài đối với nhóm được nhận hỗ trợ. Việc từ thiện cũng chỉ mang tính chất cung cấp hỗ trợ tạm thời thay vì tạo điều kiện cho sự thay đổi thực chất và lâu dài.
Tiếp cận dựa trên nhu cầu (Những năm 1950-1980)
Sau Thế Chiến II, với sự ra đời của các tổ chức như Liên Hợp Quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB), và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mục tiêu phát triển được tái định hình thành một ưu tiên toàn cầu. Cách tiếp cận dựa trên nhu cầu (need-based approach) nổi lên trong giai đoạn này, tập trung vào tăng trưởng kinh tế và đáp ứng các nhu cầu cơ bản của cộng đồng như thực phẩm, nước sạch, giáo dục, dịch vụ y tế, v.v và nhìn nhận đây là vấn đề mang tính kỹ thuật có thể được giải quyết bằng cách xác định và đáp ứng những thiếu sót trong cơ sở hạ tầng, dịch vụ, và trình độ. Ví dụ, các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, các sáng kiến nông nghiệp, và các chương trình phát triển cộng đồng do các tổ chức quốc tế hay chính phủ thực hiện được coi là giải pháp để giúp cộng đồng thoát khỏi tình trạng đói nghèo.
Mặc dù đạt được một số tiến bộ, cách tiếp cận dựa trên nhu cầu cũng bị phê phán vì vẫn còn tồn tại các điểm hạn chế tương tự mô hình từ thiện do tính chất áp đặt và thiếu vắng sự tham gia của cộng đồng. Mặc dù đáp ứng nhu cầu trước mắt, nhưng mô hình tiếp cận dựa trên nhu cầu không trao quyền cho cá nhân hoặc thách thức những bất bình đẳng hệ thống tiếp tục duy trì tình trạng đói nghèo.
Tiếp cận dựa trên quyền (Những năm 1990 - Hiện tại)
Đến những năm 1970, ảnh hưởng bởi cách nhìn nhận của Paulo Preire về mối quan hệ quyền lực giữa kẻ áp bức và kẻ bị áp bức, một sự chuyển dịch trong tư duy làm phát triển đã xuất hiện nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc cộng đồng địa phương tham gia vào tiến trình ra quyết định và kết hợp tri thức bản địa vào trong các chương trình phát triển. Phát triển không còn chỉ được xem như một vấn đề của tăng trưởng kinh tế mà còn là một phương tiện để giải quyết công bằng xã hội, bao gồm các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, quyền của người bản địa, và bảo vệ môi trường. Sự thay đổi này đã mở đường cho các cách tiếp cận toàn diện hơn, liên kết phát triển kinh tế với sự tham gia chính trị và xã hội.
Tư duy về phát triển đã chuyển biến sâu sắc với sự nổi lên của cách tiếp cận dựa trên quyền (rights-based approach) trong thập niên 1990. Phát triển được tái định nghĩa như một vấn đề về quyền con người, dựa trên ý tưởng rằng tất cả mọi người đều vốn dĩ được hưởng các quyền cơ bản như quyền được tiếp cận với thực phẩm, y tế, giáo dục, và tham gia chính trị. Khác với các mô hình trước đó, vốn xem nhóm người được giúp đỡ như những người nhận thụ động, cách tiếp cận dựa trên quyền coi họ là những người có quyền (rights-holders) chủ động đòi hỏi các quyền của mình và yêu cầu sự chịu trách nhiệm từ các chủ thể có trách nhiệm (duty-bearers), chẳng hạn như chính phủ và các tổ chức quốc tế.
Cách tiếp cận dựa trên quyền tập trung vào việc tạo ra các điều kiện mà trong đó mọi người có thể thực hiện đầy đủ các quyền của mình. Phát triển không còn được coi là một món quà hay sự viện trợ từ bên ngoài mà là một vấn đề của công lý và bình đẳng, đảm bảo rằng tất cả mọi người có cơ hội được sống với nhân phẩm. Liên Hợp Quốc và các tổ chức phát triển khác bắt đầu chú trọng hơn vào trao quyền và sự tham gia, công nhận rằng phát triển bền vững không thể được thực hiện nếu không giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của đói nghèo, bất bình đẳng và phân biệt đối xử.
3. Tiếp cận dựa trên quyền
Tiếp cận dựa trên quyền là một khung lý thuyết về tiến trình phát triển dựa trên các tiêu chuẩn về quyền con người quốc tế và được sử dụng để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Cách tiếp cận này phân tích bất bình đẳng và tìm cách chỉ ra, khắc phục các hành vi, thực hành mang tính phân biệt đối xử và sự phân phối quyền lực mang tính bất công cản trở tiến trình phát triển mà thường dẫn đến việc một số nhóm người bị bỏ lại phía sau.
Cách tiếp cận dựa trên quyền đặt ra hai chủ thể:
Chủ thể có quyền: các cá nhân và các cộng đồng có các quyền cụ thể
Chủ thể có nghĩa vụ: những người có nghĩa vụ hoặc trách nhiệm cụ thể trong việc tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện quyền con người. Thuật ngữ này thường được sử dụng để chỉ các tác nhân nhà nước, nhưng trong một số bối cảnh, trường hợp cụ thể, các tác nhân phi nhà nước cũng có thể được coi là chủ thể có nghĩa vụ, ví dụ như cá nhân (cha mẹ,...), tổ chức địa phương, công ty hay tập đoàn.
Cách tiếp cận này nhấn mạnh đến nghĩa vụ pháp lý và đạo đức của chủ thể có nghĩa vụ (duty-bearer). Vì chủ thể có trách nhiệm cần tôn trọng, bảo vệ và thực thi các quyền con người nên cách tiếp cận này hướng tới việc xây dựng năng lực của họ để thực thi các cam kết, nghĩa vụ này. Một mục đích khác của việc sử dụng cách tiếp cận dựa trên quyền là đồng hành cùng các cá nhân, cộng đồng trong việc tìm hiểu về quyền của mình và lên tiếng, hành động vì quyền của mình.
#Cách_tiếp_cận